Thursday, February 13, 2014

Tiếng Việt Hôm Nay

Sống hơn 29 năm ở xứ người, cộng đồng Việt Nam tại Pháp ít có dịp nói tiếng Việt. Tiếng Việt dùng trong gia đình là những câu thông thường về cuộc sống hàng ngày như đi chợ, nấu ăn, giáo dục con cái, các chuyện liên quan, hôn, tang tế. Những câu chuyện này thường thêm vài từ Pháp văn dễ hiểu hơn là phải dịch qua tiếng Việt như métro, carte orange, con học lớp CM1, BEP, Terminale?, thi Grandes Ecoles, làm nghề informatique, allocations familiales), cantine, lương SMIC, Sécu, vacances, vé aller-retour, soldes...

Giới trẻ Việt sống ở Pháp, dưới 40 tuổi hầu như không viết được tiếng Việt, nói thì ngại ngùng và chậm chạp để còn tìm chữ và thích nói tiếng Pháp vì khỏi phải suy nghĩ. Trẻ sống ngoài học đường và xã hội 10 giờ mỗi ngày, nói tiếng Pháp, Anh, Đức... tiếng Việt chỉ nghe gia đình nói vài tiếng. Người Việt Nam tuổi 40 hay trên còn đọc được tiếng Việt, còn suy tư về sinh ngữ Việt, tiếng Việt sống hay thoái hóa? Có sáng sủa hay tối nghĩa? Có sinh động hay nghèo nàn?



Sau năm 1975, bà con thường nghe những từ mới trong Nam không dùng trước đó. Kẻ chiến thắng rất kỵ tiếng nói của người miền Nam. Nếu miền Nam dùng từ Hán Việt thì miền Bắc đổi ngay sang từ Việt; và nếu miền Nam dùng chữ Việt thì miền Bắc đổi sang chữ Hán Việt, lâu ngày người Việt trong nước bắt buộc phải bỏ hẳn các từ thông dụng trước đó và quen dần với các từ mới như:



Từ Hán Việt [cũ] đổi sang từ Việt (mới:

Hội Chữ Thập đỏ (1) = [hội Hồng Thập Tự],
máy bay lên thẳng = [Máy bay trực thăng],
lính thủy đánh bộ=[thủy quân lục chiến],
Nhà Trắng = [Tòa Bạch Ốc],
Lầu Năm Góc = [Ngũ Giác Đài],
tên lửa = [hỏa tiễn],
sức ép = [áp lực],
xưởng đẻ = [Nhà bảo sanh],
làm việc = [trình diện, khai báo],
quá tải = [thặng dư],
quan chức = [nhân viênchính phủ: officials, viên chức],
lây lan = [truyền nhiểm, truyền sang hay bành trướng],
bức xúc = [tức giận, thắc mắc]
Chữ Việt [cũ] đổi sang Hán-Việt (mới):

tư liệu = [tài liệu],
tham quan = [đi thăm, đi xem, đi chơi],
nhất trí = [đồng ý],
sự cố = [trở ngại,
trục trặc, bị hỏng],
quan hệ = [liên hệ],
công đoàn = [nghiệp đoàn], đối tượng = [ ],
giá dao đông = giá cả [thay đổi],
chiêu sinh = [tuyển lựa học viên],
đăng ký = [ghi danh, ghi tên],
khẩu = [cảng], xuất khẩu = [xuất cảng],
nhập khẩu = [nhập cảng]; và nếu Hán-Việt được giữ lại thì đảo ngược vị trí, như: cao huyết áp thay cho [áp huyết cao], phụ sản = [sản phụ], đảm bảo = [bảo đảm], giản đơn = [đơn giản], khoa sản = [sản khoa], dầu dãi = [dãi dầu]; hay tìm một từ cùng nghĩa như: thập kỷ = thay cho [thập niên], đương đại = thay cho [hiện đại hay cận đại], duy tu = thay cho [trùng tu], nghiệp dư = thay cho [tài tử], kênh = thay cho [đài], hải quan = thay cho [quan thuế], đặc xá = thay cho [ân xá], chiêu đãi = thay cho [tiếp tân]... Đôi khi lại dùng từ kép vừa Hán vừa Việt mà từ trước tới nay chưa một nhà ngôn ngữ học nào dám phá luật lệ về sự hình thành một từ ngữ như phim hoạt hình = [hoạt họa].*
*ghi chú: Hoạt Họa = animation và hoạt hình = animé

Nhiều từ ngoại quốc được Việt hóa và đọc ai cũng hiểu nghĩa như cú sốc (choc), lô gích (logique), tiền boa (pourboire), e-kíp (équipe), gas (gaz), căngtin (cantine)... Có từ du nhập nguyên ngữ nước ngoài không cần Việt hóa như festival, show live...
Nhiều từ mới được phổ biến rộng rãi như lây lan (truyền nhiễm hay bành trướng),
khuyến mãi (promotion),
chiêu sinh (tuyển lựa học viên),
bức xúc (thắc mắc, tức giận),
xuống cấp, lên cấp,
quan chức (dành riêng cho giới lãnh đạo),
giá dao đông (giá 'thay đổi'),
lý lịch trích ngang, trích dọc, quy trình...
...

Điểm sơ qua các từ thường dùng, người ta nhận thấy có nhiều từ dùng sai nhưng mà ai cũng bắt buộc phải dùng, thí dụ: Từ kép hải quan (hải = biển; quan = cửa) nếu áp dụng cho việc đánh thuế hành khách hay hàng hóa ở các hải cảng thì còn chấp nhận được, còn các phi cản và các trạm thuế dọc theo biên giới Hoa Việt, Lào Việt và Việt Cam Bốt thì làm gì có hải cảng mà gọi thuế má là hải quan, phải dùng từ "quan thuế" chứ! Giải thích sao cho người ngoại quốc khi họ học tiếng Việt và muốn tìm hiểu về nguyên ngữ các từ?
-Từ tụt hậu, (tụt lùi và lạc hậu) ghép chữ bừa bãi, nếu tụt thì phải tụt xuống chứ sao lại tụt lại đằng sau!

-Từ gas, sao không viết là ga đồng âm, người ta vẫn hiểu khi nói tới nhà ga (gare) hay bình ga (gaz) hay khí ga (gaz)? Chữ Việt làm gì có thêm s đằng sau từ để đọc thành ga xì xì, sao không dùng từ khí đốt?
-Từ đặc xá (amnistie) dùng trong ngày 02/09/2004 vừa qua khi cộng sản Việt Nam ân xá cho 8,611 phạm nhân, thế sao không dịch là Amnistie Internationale ra là Đặc Xá Quốc Tế mà lại trở lại từ Ân Xá Quốc Tế?

-Triều Tiên gồm hai quốc gia, cộng sản phía Bắc vỹ tuyến 38 gọi là Bắc Triều Tiên và phía Nam vỹ tuyến 38 gọi là Đại Hàn, giáo viên làm sao giải thích cho học sinh sự phân biệt đó. Sao không dùng hai từ Bắc Hàn và Nam Hàn hoặc là Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên?

-Các tổ chức đều do nhà nước (chính quyền) thành lập nên cái gì cũng về công, thí dụ:
công đoàn ngành dệt sợi sang Pháp tham quan và đến trụ sở công đoàn CGT.
CGT là một nghiệp đoàn do nhóm thợ thuyền thành lập chứ đâu phải chính phủ Pháp đặt ra?

Như đã viết trên, kẻ chiến thắng rất kỵ những từ trong Nam dùng trước năm 1975. Đã gọi là một sinh ngữ, nếu có nhiều từ chỉ dùng một nghĩa mà không sai luật ngôn ngữ học thì mình phải chấp nhận chứ! Thí dụ:

khế ước - hợp đồng, tam cá nguyệt, lục cá nguyệt – quý, thẩm vấn, điều tra - 'làm việc'

Những từ lố bịch:
Họ bắt toàn dân phải dùng từ họ đưa ra, đôi khi rất là buồn cười và lố bịch. Còn nhớ những năm 1975 - 1980: -Phụ nữ sắp sanh con phải đến nhà đẻ/xưởng đẻ (Nhà Bảo Sanh) và gọi dây nói (điện thoại) đến để đăng ký (giữ chỗ) chỗ nằm. -Có từ dùng cho nhiều nghĩa, nội từ "đăng ký" có nghĩa là ghi danh/tên đi học, mua vé xem hát, vé máy bay, xin số môn bài, xin kết hôn, xin 'xuất khẩu' lao động, đệ đơn, nộp đơn, giữ chỗ... -Về hối xuất trên thị trường chứng khoán, ngoài hối xuất chính thức lên xuống hằng ngày, còn thêm kiều hối (?). Những chữ dùng ngây ngô, tối nghĩa: Bản tin về dược phẩm tăng giá nhảy vọt và bất bình thường, thay vì viết đơn giản và dễ hiểu như trước năm 1975: "Còn những thuốc đắt tiền có phẩm dược tốt, có thuốc tăng lên tới 500%... công ty làm giầu mau lẹ, có những kiện hàng bán ra lời cả tỷ bạc...". Báo Tuổi Trẻ ra ngày 13/05/2004 viết: "Còn những thuốc cao cấp... có thuốc đẩy lên trên 500% công ty giầu lẹ lắm, có những phi vụ lời cả tỷ bạc...". Từ "phi vụ" hiểu nghĩa là "chuyến bay", thế nhưng tờ Tuổi Trẻ lại cho nghĩa là "chuyện làm ăn lương thiện hay bất lương như khi tường thuật về một người qua làng nọ nhiều lần ăn trộm bò, tờ Tuổi Trẻ kể là "đối tượng đã thực hiện được 5 phi vụ".

Quá nhiều chữ/câu viết tắt, lạm dụng viết tắt: Đọc các nhật báo bên nhà như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Công An Thành Phố Hồ Chí Minh, Pháp Luật, Lao Động, Nhân Dân... người đọc nhận thấy báo dùng rất nhiều từ viết tắt. Nếu ai đó thỉnh thoảng mới đọc báo, phải ngừng trước những câu viết tắt đó để hiểu nguyên chữ là gì. Chỉ riêng về ngành cảnh sát, thì nào là: CSGT/cảnh sát giao thông, CSHS/cảnh sát hình sự, CSĐT/cảnh sát đều tra. Hiểu đúng nghĩa cũng mất vài giây suy nghĩ. Các cơ quan nhà nước (chính quyền) lại còn nhiều chữ viết tắt nhiều vô kể: UBMTTQTP.HCM (Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Thành Phố Hồ Chí Minh, sở VH-TT TP. HCM (Văn Hóa Thông Tin), HĐXX (Hội Đồng Xét Xử), TAND (Tòa Án Nhân Dân), VKS (Vìện Kiểm Soát)?

Tờ Thanh Niên ngày 2/9/2004, bản tin với tựa đề: "Gia Lai xóa mù do dục thuỷ tinh thể" và tường thuật như sau: "Sáng ngày 1/9 Tỉnh ủy Gia Lai Chính thức công bố xóa mù chữ cho 1.978 người nghèo, trẻ em, bà mẹ Việt Nam anh hùng ... do đục thủy tinh thể trên toàn quốc." Sao không viết đơn giản như: "Gia Lai đã giải phẫu thủy tinh thể thành công cho 1.978 người tìm lại ánh sáng và nhìn thấy mọi vật như người bình thường." Giải phẫu con ngươi mà "đục" mắt thì còn gì là mắt nữa?

Đọc báo chí xuất bản trong nước ngày nào cũng có tin người dân bức xúc khiếu nại đủ chuyện, thí dụ chuyện ông Lê Xuân Viễn, 71 tuổi, suốt 28 năm qua khiếu nại về vụ nhà nước chiếm nhà ông số 44 Trần Phú Huế mà vẫn chưa được giải quyết mặc dù ông có công với nhà nước (Thanh Niên 01/9/2004); cộng sản Việt Nam còn khuyến khích người dân tố những ai vi phạm luật lệ nhà nước, kể cả người thân trong gia đình những vụ tham nhũng đầy rẫy bằng cấp giả tới bằng tiến sĩ "lây lan" ngay trong cấp lãnh đạo nhà nước (chính quyền); báo Tuổi Trẻ ngày 25/08/2004 tường thuật: Có “750 trường hợp nghi vấn thi hộ Đại Học”. Còn làm văn hóa, quyển Từ Điển Việt Hán do nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa Hà Nội và nhà xuất bản Hải Phòng mới ấn hành đã bị nhà nước thu hồi toàn bộ và đã thu hồi hằng trăm cuốn. Hằng trăm cuốn là bao nhiêu, từ điển ấn hành bao nhiêu cuốn? Về báo chí, không một nhật báo nào đưa ra con số in trong ngày là bao nhiêu. Báo có đến tận tay làng xã không? Với 85 triệu dân, các nhà làm văn hóa trong nước nghĩ sao về sự nghèo nàn của SINH ngữ Việt? Sao không thấy ai lên tiếng? Chẳng lẽ 81 triệu dân cứ như đàn cừu của Panurge dạ dạ vâng vâng, phải dùng từ và cú pháp cộng sản do một tập đoàn chỉ đạo?

Bạch Thái Hà 09/2004 Paris (1)- Các chữ mới đều được viết nghiêng.

0000000000000000000000000000

No comments:

Post a Comment