Tuesday, February 18, 2014

Năm 1973, miền Nam mạnh hơn miền Bắc



Năm 1973, miền Nam mạnh hơn miền Bắc

 photo VNwar_photo7.jpg
Tổng Thống Nixon nói (No More Vietnams, trang 170):
"Sau ngày ký Hiệp Định Paris 27-1-1973 miền Nam mạnh hơn miền Bắc về mặt quân sự. Đầu năm 1973, sau khi Hoa Kỳ rút quân về nước, Việt Nam Cộng Hòa rất mạnh về quân sự. Cuộc oanh tạc của Mỹ chấm dứt cùng với ngưng bắn. Cộng Sản Bắc Việt vẫn còn đóng ở một số nơi họ chiếm được trong cuộc tấn công 1972 khiến cho việc phòng thủ của miền Nam thêm phức tạp tuy nhiên tại đó lực lượng của họ rất yếu sau khi bị thảm bại, Bắc Việt không lợi dụng được cơ hội".

Cũng theo ông, tháng giêng 1973 cán quân quân sự thuận lợi cho miền Nam: trên 450.000 quân chính qui trong đó một nửa là tác chiến, một nửa là yểm trợ.
- Không quân có 54.000 ngàn người
- Hải quân 42.000 người
- Địa phương quân 325.000 người
- Nghĩa quân 200.000

Bắc Việt có vào khoảng từ 500.000 cho tới 600.000 quân trong đó 290.000 đóng ở miền Bắc.
- 70.000 ở Lào
- 25.000 ở Miên
- khoảng 148.000 (nằm vùng) ở miền Nam Việt Nam.

Hoa Kỳ đã làm nghiêng cán cân về phía Việt Nam Cộng Hòa bằng sự cung cấp ồ ạt cuối năm 1972 qua hai chiến dịch lấy mật danh là "Enhance" (Gia tăng) và "Enhance Plus" (Gia tăng Cộng) để thay thế những vũ khí, quân cụ bị mất hoặc sử dụng trong trận mùa hè đỏ lửa 1972, cũng là để cải tiến khả năng tác chiến của miền Nam trước khi Hiệp Định Ngưng Bắn chỉ giới hạn cho viện trợ trên căn bản một đổi một.

Những hàng quân sự trao cho miền Nam gồm:
- 3 tiểu đoàn pháo binh 175mm
- 2 tiểu đoàn thiết giáp M-48
- 286 chiếc trực thăng UH-1
- 23 chiếc trực thăng không vận CH-47
- 22 chiếc trực thăng vũ trang AC-119K
- 28 chiếc máy bay chiến đấu A-1
- 32 máy bay vận tải C-130A
- 90 oanh tạc cơ loại nhẹ A-37
- 118 phản lực cơ chiến đấu F-5A và
- 23 phi cơ thám thính điện tử EC-47

Bắc Việt cũng vội chuyên chở vũ khí cho quân đội của họ ở miền Nam nhưng với số lượng thua xa Mỹ.
(Sách đã dẫn trang 170-171)

Quân đội Việt Nam Cộng Hòa chiếm ưu thế trên khắp các mặt trận, Bắc Việt bị thiệt hại rất nặng trong trận thảm bại 1972. Phía dưới khu phi quân sự, dọc theo mặt trận phía Bắc Việt Nam Cộng Hòa, quân đội Bắc Việt bị cầm chân cố bám vào những mảnh đất đã chiếm được, nhiều sư đoàn chỉ còn 50% lực lượng, khu vực quanh Sài gòn nhiều đơn vị quân đội Bắc Việt chỉ còn dưới 30% lực lượng không đủ đe dọa Nam Việt Nam, tình huống của Hà Nội thê thảm, theo Tổng Thống Nixon họ mất 190 ngàn quân năm 1972.

Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát các khu vực sầm uất thịnh vượng, các đường giao thông, khu đông dân cư, kiểm soát 80% đất đai và 87% dân số, Hà Nội nói cho các lực lượng của họ ở miền Nam biết phải chờ ít nhất từ 3 cho tới 5 năm sau mới thực hiện được tổng tấn công. Một tướng lãnh Cộng Sản Bắc Việt viết:

Quân đội ta kiệt lực, các đơn vị tan rã. Chúng ta vẫn chưa bù đắp nổi chỗ thiếu hụt. Chúng ta thiếu nhân lực cũng như lương thực và đạn dược, rất khó đương đầu với địch.
(No More Vietnams, p.171)

Nói chung tinh thần và hiệu quả chiến đấu của Bắc Việt rất thấp.

Con số thiệt hại 190 ngàn của Bắc Việt năm 1972 do Tổng Thống Nixon đưa ra như trên quá cao so với những ước lượng khác. Cuộc Tổng Tấn Công 1972 thường gọi là trận Mùa Hè Đỏ Lửa bắt đầu cuối tháng Ba và chấm dứt cuối tháng Chín khi quân đội Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm cổ thành Quảng Trị gồm ba mặt trận chính: Quảng Trị, Kontum, An Lộc.

Tính đến cuối tháng 9-1972, sự thiệt hại nhân mạng của quân đội Cộng Sản Bắc Việt được ước lượng vào khoảng 100.000 người, phía Việt Nam Cộng Hỏa khoảng phân nửa số thiệt hại của Cộng Sản. Tướng D. Kinnard đưa ra một con số khiêm nhường hơn là khoảng từ 50.000 tới 70.000 binh sĩ Cộng Sản đã bị thương vong cùng với khoảng 700 chiến xa bị phá hủy. Về phía Việt Nam Cộng Hòa, ông ước lượng có khoảng 30.000 binh sĩ bị tử trận.
(Nguyễn Đức Phương - Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, trang 587).

Trong trận này Hà Nội dốc toàn lực vào để tạo thế mạnh tại bàn hội nghị hoặc giải phóng miền Nam lợi dụng khi Mỹ đã rút gần hết chỉ còn chưa tới 10%. Họ đưa vào tổng cộng khoảng hơn 10 sư đoàn gồm 6 sư đoàn tại chiến trường Quảng Trị, 2 sư đoàn tại Kontum và 3 sư đoàn tại Bình Long, An Lộc. Tổng cộng khoảng 130.000 người, trong khi trận đánh diễn ra họ bổ sung thêm 50.000 người.

Hoa Kỳ bắt đầu tăng cường yểm trợ cho Việt Nam tại Quảng Trị, hai Hàng Không Mẫu Hạm Constellation và Kitty Hawk được tăng cường tại Nam Hải cùng với hai hàng không đã có sẵn từ trước Corral Sea và Hancock. Ngày 5-4 chỉ có 5 tuần dương hạm Mỹ tại Cửa Việt nhưng đến ngày 17-4 đã lên tới 20 khu trục và tuần dương hạm yểm trợ hải pháo tại đây, tổng số phi cơ B-52 tại Guam và Thái Lan được gia tăng lên tới 138 chiếc.

Trong ngày đầu yểm trợ của Đệ Thất Hạm Đội chỉ có hai khu trục hạm, khi cuộc tấn công bắt đầu, các chiến hạm được điều động vào yểm trợ cho Sư Đoàn 3. Cùng một lúc trong tháng 6, các dàn hải pháo được tăng cường, số chiến hạm đã lên tới 38 khu trục hạm và 3 tuần dương hạm, tuy nhiên Hải pháo không thể bắn xa về hướng Tây. Khi quân đoàn bắt đầu phản công, số chiến hạm ứng chiến từ 8 lên tới 41 chiếc mỗi ngày, bắn từ 1.000 đến 7.000 quả mỗi ngày. Hỏa lực Việt Nam Cộng Hòa và Hoa kỳ rất đầy đủ suốt thời gian cộng sản Bắc Việt tấn công. Nhờ thành lập trung tâm phối hợp hỏa lực, quân đoàn đã sử dụng hữu hiệu khả năng yểm trợ của các nguồn hỏa lực Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ.

Theo Nixon, Bắc Việt tiến nhanh là nhờ có tiếp liệu, ông cho lệnh phong tỏa Hải Phòng tại đây hàng năm nhận 2,1 triệu tấn vật liệu cho Bắc Việt gồm hơn 85% hàng quân sự và 100% xăng dầu, kết quả là cuộc tấn công của Bắc Việt bị khựng lại ngay.

Tháng 9 năm 1972, khi đại quân ta tiến chiếm lại Cổ thành Quảng Trị, Bắc Việt đã đưa ra tới 6 sư đoàn hòng bao vây tiêu diệt hai sư đoàn tổng trừ bị thiện chiến nhất của Việt Nam Cộng Hòa. Những đạo quân tập trung đông đảo của Cộng Sản Bắc Việt trở thành miếng mồi cho hỏa lực pháo binh, không quân Việt Nam Cộng Hoà và nhất là pháo đài bay B-52. Cộng Sản Bắc Việt đã hoàn toàn sai lầm khi cho rằng cứ lấy số đông là đè bẹp được đối phương, ta cũng thấy nếu không có B-52 trải thảm, các đại đơn vị Việt Nam Cộng Hòa có thể đã bị các lực lượng đông đảo của Cộng quân bao vây tràn ngập. Theo Nixon tháng 11-1972 chiến hạm Mỹ đã bắn 16 ngàn tấn đạn lên các vị trí của cộng quân gần khu phi quân sự và đã ném 155 ngàn tấn bom xuống Bắc Việt.

Tổng Thống Nixon nói (No More Vietnams, p.144, 145) nay Hà Nội đánh theo chiến tranh qui ước bằng những đơn vị lớn, các sư đoàn, những dẫy xe tăng, hệ thống tiếp liệu trở thành mục tiêu làm mồi cho không quân ta. Ông đã lệnh cho các cấp chỉ huy sử dụng tối đa ưu thế không quân và đã thành công đè bẹp nỗ lực quân sự của Bắc Việt. So với Bắc Việt, miền Nam Việt Nam bị thiệt hại nhẹ hơn nhiều cả về nhân lực lẫn vũ khí, tiếp liệu nhờ yểm trợ của không lực Việt – Mỹ.

Năm 1972, Bắc Việt bị thiệt hại trầm trọng về quân sự, nhân mạng cũng như hạ tầng cơ sở qua trận Tổng Công Kích kể trên và trận oanh tạc Giáng Sinh cuối năm 1972. Trận Giáng Sinh đã gây thiệt hại trầm trọng về vật chất hạ tầng cơ sở của Bắc Việt. Không quân ước lượng 500 đường xe lửa bị đình chỉ hoạt động, 372 toa xe lửa và ba triệu gallons xăng dầu bị phá hủy, 80% điện năng của Bắc Việt bị hư hỏng. Nhập lượng tiếp liệu vào Bắc Việt được tình báo Mỹ đánh giá là 160.000 tấn hàng tháng khi mới tiến hành chiến dịch. Đến tháng 1-1973, nhập lượng này đã tụt xuống còn 30.0000 tấn, vào khoảng năm lần. Các phi trường, nhà kho, các mục tiêu quân sự, kho hàng quốc phòng, nhà máy điện, nhà ga đã bị không quân Mỹ oanh tạc dữ dội.

Trong trận oanh tạc long trời lở đất mùa Giáng Sinh năm 1972, Nixon vừa buộc Cộng Sản Bắc Việt trở lại bàn hội nghị, vừa đánh phá tan tành hạ tầng cơ sở miền Bắc như đã nói ở trên: phi trường, nhà ga, kho hàng, kho tiếp liệu, dàn hỏa tiễn, nhà máy điện, kho xăng dầu, cơ sở quân sự... bị oanh kích đánh phá sập tiệm.

“Trận ném bom đã đạt mục đích quân sự, chúng ta đã đánh phá tan nát bộ máy chiến tranh của Bắc Việt”."
(No More Vietnams. Trang 158)

Nixon đã đánh phá Bắc Việt tan nát để sau khi Mỹ rút đi họ sẽ không có khả năng xâm lược miền Nam. Sau khi ký Hiệp Định Paris, miền Nam mạnh hơn miền Bắc như đã nói trên nhờ:

- Bị thiệt hại nhẹ hơn Bắc Việt rất nhiều trong trận Tổng Công Kích 1972.
- Được Mỹ cung cấp nhiều vũ khí, hàng quân sự khi sắp ký Hiệp định ngưng bắn.
- Bắc Việt bị thiệt hại trầm trọng qua các trận oanh tạc của pháo đài bay B-52 từ tháng 5-1972 cho tới cuối năm 1972, các sư đoàn chính qui bị đánh tan nát trong trận Tổng Công Kích này, tổn thất nhân mạng, vũ khí đạn dược rất nặng nề thêm vào đó trận oanh tạc Giáng sinh 1972 đã phá hủy nhiều hạ tầng cơ sở kinh tế, giao thông quân sự... của Bắc Việt tại Hà Hội và Hải phòng.

Ngoài ra tác giả Nguyễn Đức Phương có nói trong Chiến tranh Việt Nam Toàn Tập - trang 641:

Những trận đánh trong chiến dịch giành dân lấn đất năm 1973 cho thấy chính phủ và quân lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn đang ở thế mạnh trong khi các lực lượng Cộng Sản do thiệt hại của cuộc tổng tấn công mùa hè đỏ lửa 1972 vẫn chưa đủ sức phục hồi. Cộng Sản do đó đã chủ trương khai thác mặt trận chính trị đồng thời củng cố lại lực lượng quân sự.

Sau khi Hiệp Định Paris được ký kết miền Bắc muốn đánh chiếm miền Nam nhưng họ không thực hiện được vì còn suy nhược rất nhiều. Họ xây dựng xa lộ Đông Trường Sơn song song với đường mòn Hồ Chí Minh nhưng nằm trong địa phận Việt Nam Cộng Hòa, mục đích chuyển quân dần dần và xin viện trợ quân sự của khối Cộng Sản Quốc Tế ngõ hầu phục hồi sức mạnh.

Sau ngày ký Hiệp Định Paris nếu miền Nam vượt qua vĩ tuyến 17 đánh ra Bắc bảo đảm sẽ giải phóng xong miền Bắc vì sau 1972 Quân Đội Nhân Dân anh hùng đã bị kiệt sức bởi những trận oanh tạc chí tử của pháo đài bay B-52, trong khi quân đội Việt Nam Cộng Hòa đang ở thế mạnh như đã nói trên. Mặc dù đủ khả năng xóa bỏ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trên bản đồ thế giới nhưng miền Nam Việt Nam không bao giờ được làm như thế, đó chỉ là điều mơ tưởng. Trước hết không bao giờ có sự đồng ý của người Mỹ, phong trào phản chiến sẽ chống đối dữ dội, sự phẫn nộ trên thế giới nhất là tại các nước Tây Phương sẽ thể hiện trong những cuộc xuống đường ầm ĩ.

Dần dần Việt Nam Cộng Hòa bị Quốc Hội Mỹ cắt giảm quân viện xương tủy từ 2,1 tỉ tài khóa 1973 xuống còn một tỉ tài khóa 1974 và xuống còn 700 triệu tài khóa 1975, con số này thực ra chỉ bằng 500 triệu vì dầu thô lên giá, tiền mất giá (theo Henry Kissinger, Years of Renewal trang 471). Trong giai đoạn sau Hiệp Định Paris, Việt Nam Cộng Hòa vẫn phải sử dụng vũ khí đạn dược để chống trả sự vi phạm của Bắc Việt, hỏa lực giảm trên 70% từ tháng 7-1974.

Trong khi ấy Cộng Sản Quốc Tế vẫn viện trợ quân sự đều đặn cho Hà Nội, theo bản tin của BBC.com ngày 10-5-2006 một buổi hội thảo qui mô tổng kết cuộc chiến tranh Việt Nam đã được tổ chức tại Sài Gòn trong hai ngày 14 và 15 tháng 4 năm 2006 và đã cho biết:

" - Giai đoạn 1969-1972 Bắc Việt được Nga, Trung Cộng viện trợ 684,666 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật.
- Giai đoạn 1972-1975 họ nhận được 649,246 tấn hàng vũ khí, số lượng hàng viện trợ của hai giai đoạn tương đương nhau
".


Nhờ viện trợ dồi dào của Cộng Sản Quốc Tế, miền Bắc đã chuyển bại thành thắng; và miền Nam sụp đổ ngày 30-4-1975 vì kiệt quệ về tiếp liệu đạn dược và xăng dầu.

Monday, June 4, 2012
© Trọng Đạt
© Đàn Chim Việt


----------------------------------------

Ghi chú:
Những chiến cụ của VNCH bằng hình ảnh

Pháo binh 175mm
 photo Artillery_arvn36.jpg

Thiết giáp M-48
 photo ARVN_tank2.jpg

Trực thăng UH-1
 photo UH1_Tr1EF1cTh1030ngUH-1.jpg

Trực thăng không vận CH-47
 photo CH-47A.jpg

Trực thăng vũ trang AC-119K
 photo AC-119K.jpg

Máy bay chiến đấu A-1
 photo VNAFA-1E.jpg

Máy bay vận tải C-130A
 photo c130c-1.jpg

Oanh tạc cơ loại nhẹ A-37
 photo Oanht1EA1cc1A10VNAFA-37B.jpg

Phản lực cơ chiến đấu F-5A
 photo Ph1EA3nl1EF1cc1A10chi1EBFn11101EA5uF5-A.jpg

Phi cơ thám thính điện tử EC-47
 photo C47_VNAF5.jpg

No comments:

Post a Comment