Tiếng Việt Hải Ngoại
Tuệ Chương
Ngôn ngữ người Việt đặt căn bản trên hai thứ tiếng: Tiếng Nôm và tiếng Hán Việt. Tiếng Nôm là tiếng nói chính của người Việt, có lẽ là hành trang của họ khi từ bên Tàu lưu lạc xuống lưu vực sông Hồng. Đó là tiếng nói của người Lạc Việt, vì họ theo con chim Lạc mà đi dần về phương Nam. Theo chim Lạc thì nhóm người đó gọi là Lạc Việt. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng đó không phải là con chim Lạc mà có thể là con cò thì chúng ta gọi họ là Cò Việt có được chăng?
Không được!
Tiếng Nôm không thể ghép chung với tiếng Hán Việt một cách… lung tung như tôi nói ở trên: Cò Việt.
Tiếng Hán Việt gốc là tiếng Tàu, tiếng của người Hán. Người Hán cai trị người Việt một ngàn năm, dùng tiếng Hán với mục đích cai trị và đồng hóa người Việt, nên danh từ Hán Việt mới nảy sinh. Tinh thần tự chủ của người Việt cao lắm, nên mặc dù họ phải học tiếng Tàu, chữ Hán nhưng khi đọc thì họ đọc tiếng Tàu theo giọng tiếng Việt, thành ta tiếng Tàu khi vào nước ta, nó không còn là tiếng Tàu mà đã bị Việt hóa trở thành tiếng Hán Việt. Khi chúng ta dùng một tiếng Hán Việt, phần đông chúng ta đều hiểu nhưng người Tàu thì không thể nào biết chúng ta nói gì, bởi vì chúng ta nói tiếng Tàu với giọng Việt.
Người ta không thể ghép tiếng Nôm với tiếng Hán Việt một cách bừa bãi, bởi vì tiếng Nôm là tiếng Nôm, tiếng Hán Việt là tiếng Hán Việt, không thể nửa ta nửa Tàu, nửa Tây nửa Việt. Quần cháo lòng mà mặc áo vét coi kỳ lắm.
Thật vậy, vua Tự Đức có làm hai câu thơ, mỗi câu có tiếng Hán Việt pha lẫn tiếng Nôm, tưởng vậy là hay, đem khoe với Cao Bá Quát, bị ông họ Cao đá giò lái một phát, câu chuyện trở thành một giai thoại văn chương như sau:
Vua Tự Đức thường tự đắc thơ hay. Một hôm nhà vua nghĩ được hai câu kỳ tứ, mới gọi Cao Bá Quát sang chầu:
- “Đêm qua trẫm nằm mê được hai kỳ cú, vậy đọc khanh nghe.”
Nói xong, liền đọc:
Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai.
Cao Bá Quát nhân dịp, muốn lỡm lại nên mới tâu rằng:
- “Muôn tâu bệ hạ, hai câu ấy thần đã được nghe từ khi còn nhỏ, trong một bài thơ có đủ tám câu kia!
Nhà vua tức lắm, liền bảo đọc cả bài xem. Cao Bá Quát tức thì ứng khẩu thêm sáu câu nữa, câu nào cũng có hai chữ nôm, y như những chữ “khề khà”, “lấm tấm” trong hai câu vừa đọc của nhà vua:
Bảo mã tây phong huếch hoác lai
Huênh hoang nhân tự thác đề hồi
Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai
Xuân nhật bất văn sương lộp độp
Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhài
Khù khờ thi tứ đa nhân thức
Khệnh khạng tương lai vấn tú tài
Dịch:
Ngựa báu theo gió tây huếch hoác lại
Huênh hoang người tự tựa theo về
Trong vườn oanh nói tiếng khề khà
Ngoài nội hoa đào nở lấm tấm
Ngày xuân không nghe sương lộp độp
Tiết thu chỉ thấy mưa bài nhài
Khề khà thơ giỏi nhiều người biết
Khệnh khạng còn đi hỏi tú tài
(Theo Văn Đàn Bảo Giám)
Sáu câu thơ Cao Bá Quát làm thêm, câu nào cũng có 2 tiếng Nôm ghép chung với 5 tiếng Hán Việt, nhằm chọc quê nhà vua. Câu cuối có ý mỉa mai nhà vua lại “khệnh khạng” đi hỏi người tài giỏi (tú tài), người đó lại chính là… Cao Bá Quát. Hồi đó phong kiến mà cũng dân chủ đấy chớ. Đời nay, dù là đời “tự do dân chủ” kiểu Cộng Sản, biết bao nhà thơ nhà thẩn một thời “huếch hoác” vì dám chê thơ Tố Hữu.
Tôi học Việt Văn lớp Đệ Tam với một ông thầy tốt nghiệp Cao Đẵng Sư Phạm và cũng khá rành chữ Nho. Có lần ông dạy chúng tôi không được ghép tiếng Nôm và tiếng Hán Việt như tôi trình bày ở trên. Ví dụ ông đưa ra là một câu Việt Minh thường dùng trong vùng kháng chiến: “Rèn Cán Chỉnh Quân”. Tiếng đầu là tiếng Nôm, ba tiếng sau là tiếng Hán Việt, ghép như thế nghe kỳ lắm, Tàu không ra Tàu, Việt không ra Việt.
Trở lại tiếng Cò Việt thì Cò là tiếng nôm, tiếng Hán Việt gọi là Diệc như trong câu “Lộ diệc tương trì, ngư ông đắc lợi”, có nghĩa là “Trai cò tranh nhau, ông đánh cá được lợi.” Việt là tiếng Hán Việt, nghĩa thông thường là vượt, như chữ chạy Việt Dã là chạy băng đồng, chạy vượt qua một cánh đồng, thực chất là chạy đường xa trong các cuộc tranh giải thể thao. Vậy thì Cò là tiếng Nôm ghép với tiếng Việt là tiếng Hán Việt thành ra Cò Việt, nói như vậy nghe kỳ quá, mà gọi Diệc Việt thì cũng không xong, nghe lạ tai quá. Còn như Lạc Việt thì ai ai cũng đã nghe quen tai.
Với ý niệm đó, khi mới đến Mỹ cách đây mười mấy năm, tôi dị ứng với tiếng “Liên Mạng” được một người bạn trẻ nói tới trong một lần trò chuyện. Sau đó, tôi thấy nó xuất hiện trên internet.
Mạng là tiếng Nôm, là net (tiếng Anh), tiếng Hán Việt là võng, là một mạng lưới. Trong truyện Tàu ta thường thấy câu: “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu.” (Lưới trời lồng lộng, đứa bé mới sinh cũng khó lọt). Người ta mượn ý đó để nói với địch thủ “Lưới trời lồng lộng, mày chạy đằng nào mà thoát khỏi tay ta.”
Liên là tiếng Hán Việt, là liền nhau, giống như trong thất ngôn bát cú có hai câu thơ gọi là “liên hoàn”, chữ cuối câu khổ thơ trên liên vần với một chữ trong câu đầu khổ dưới.
Ví dụ:
Ngòi đầu cầu nước trong như lọc
Đường bên cầu cỏ mọc còn non
Đưa chàng lòng dặc dặc buồn
Bộ không bằng ngựa, thủy không bằng thuyền
Nước trong chảy lòng phiền khôn rửa
Cỏ xanh thơm dạ nhớ khó quên
Nhủ rồi tay lại trao liền
Bước đi một bước lại vin áo chàng.
Cứ bốn câu thơ là một khổ, chữ cuối của khổ trước liên vận với chữ thứ năm của câu đầu khổ tiếp, nhờ vậy mà khổ thơ nầy liên vận với khổ kia nên gọi là liên hoàn.
Một cách khác, như chữ cuối trong câu sáu chữ phải “liên vận” với chữ thứ sáu trong câu tám chữ của thơ lục bát.
Có lẽ người ta không rành chữ Hán, nên mới ghép chữ một cách gượng ép như thế. Nhưng nếu không ghép như thế thì ghép như thế nào? Không lý là ghép “Liên võng”. Liên mạng người ta còn hiểu; liên võng thì lạ tai quá, không chừng người ta hiểu chữ võng là cái võng đu đưa treo ngoài hiên nhà thì nguy. Chữ võng là cái võng ngồi thì nó lại là tiếng Nôm, không phải tiếng Hán Việt. Chữ nghĩa rắc rối quá!
Tiếp sau đây, tôi xin đơn cử một vài ví dụ mà người viết tiếng Việt ngày nay, nhất là người Việt hải ngoại coi như hầu hết đều mắc phải.
Ví dụ 1:
Tôi về từ Việt Nam.
Nói vậy là sai văn phạm. Người Việt không nói ngược như người Âu Mỹ, quen với cách nói Âu Mỹ là “from Vietnam.”
Hồi trước 1975, Cục Tâm Lý Chiến có cho ra đời một cuốn phim nhan đề “Người Về Từ Đỉnh Núi.” Coi cái đề, người ta chê ngay rằng viết tiếng Việt sai. Người Việt Nam nói xuôi, nghĩa là:
Tôi từ Việt Nam về.
Người từ đỉnh núi về.
Nên nhớ người Việt cầm dao cắt xuôi, không cắt ngược như Tây. Đó cũng là một nét khác biệt về văn hóa. Văn hóa cắt ngược và văn hóa cắt xuôi.
Ví dụ 2:
Được trình bày bởi ca sĩ…
Có lẽ người ta cũng quen xài chữ “by” của Mỹ.
Người Việt chúng ta thì nói:
Được (hay do) ca sĩ.… trình bày.
Trong nhiều băng nhạc, của tất cả các hãng sản xuất băng nhạc, đều nói như thế.
Hiện tượng Mỹ hóa là rất thường thấy trên khắp thế giới. Mặc quần Jean cũng là một hiện tượng Mỹ hóa. Hồi Việt Cộng mới chiếm miền Nam, người Nga tới Saigon khá đông và không ít người đi phố mua quần jean để đem… về nước. Người Saigon hồi ấy cũng cười người Nga bị Mỹ hóa. Văn hóa Mỹ, cũng như kinh tế của họ khá mạnh, người ta rất dễ bị Mỹ hóa, nhưng nếu như chúng ta bị Mỹ hóa cả ngôn ngữ thì đó là điều đáng buồn lắm!
Băng nhạc thì hay, ca sĩ trẻ đẹp, trang trí hoành tráng, màu sắc rực rỡ, nhưng bỗng MC xuất hiện nói tiếng Việt theo kiểu Mỹ, người xem bỗng thấy buồn ngao ngán. Chỉ riêng có ông Nguyễn Ngọc Ngạn là ít nói sai như trên.
Cứ cái đà nầy, chẳng bao lâu sẽ xuất hiện những MC da vàng mũi tẹt nói toàn tiếng Mỹ./
Tuệ Chương
No comments:
Post a Comment