Thursday, February 27, 2014

 





Nhìn Lại Cải Cách Ruộng Đất Miền Bắc
và Cải Cách Điền Địa Miền Nam


 

Bao giờ tội chống nhân loại của Hồ Chí Minh và tập đoàn cầm quyền cộng sản Hà Nội được đem ra xét xử?



nhấn vào để coi rõ hơn

Tiến sĩ Nguyễn Văn Trần là một giáo chức kỳ cựu. Trước đây ông đã từng giảng dạy tại nhiều trường tư thục lớn ở Sài Gòn. Hưu trí tại Pháp, Ông tiếp tục tham gia hoạt động trong lãnh vực văn hóa qua các buổi thuyết trình và các bài biên khảo, phiếm luận hay nhận định thời sự...
Ái hữu Đại Học Sư Phạm Sài Gòn hân hạnh giới thiệu bài khảo luận sau đây đã được Tiến Sĩ Nguyễn Văn Trần thuyết trình tại Berlin (Đức quốc).


Chiến tranh chống thực dân Pháp giành độc lập kết thúc bằng Hiệp Định Đình Chiến ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954 tại Genève chia Việt Nam làm hai miền riêng biệt. Miền Bắc theo chế độ cộng sản dưới quốc hiệu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Miền Nam đứng về phía thế giới tự do.

Ngày 23 tháng 10 năm 1955, một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức tại miền Nam và kết quả đã đưa tới truất phế Vua Bảo Đại. Triều đại Nhà Nguyễn thật sự chấm dứt, Hiến Pháp ngày 26 tháng 10 năm 1956 tấn phong ông Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống miền Nam và thành lập nước Việt Nam Cộng Hòa.

Chín năm chiến tranh giải thực kết thúc, hòa bình trên hai miền Nam Bắc được tái lập. Chánh quyền hai miền đều dồn nổ lực tái thiết đất nước theo đường lối riêng của mỗi thể chế chánh trị. Phát triển kinh tế là ưu tiên mà chánh sách về ruộng đất là quan trọng vì Việt Nam vốn là xứ nông nghiệp, ruộng đất nuôi sống gần 80% dân Việt Nam. Có một chánh sách Ruộng Đất tốt, hài hòa, hợp lý là để xóa bỏ những bất công xã hội do thực dân tạo ra từ khi Việt Nam bị đô hộ.

Ở miền Bắc, Hồ Chí Minh thực hiện chánh sách về ruộng đất gọi là “Cải Cách Ruộng Đất” còn ở miền Nam gọi là “Cải Cách Điền Địa”.
Chúng ta thử nhìn lại và so sánh hai chánh sách về đất đai của hai miền, nêu lên những đặc tính và mục tiêu của chánh sách ấy.


I) Cải Cách Ruộng Đất ở Miền Bắc

1) Tình hình mới, nhiệm vụ mới

Năm 1950, Hồ Chí Minh qua Nga, yết kiến Staline với sự hiện diện của Mao-Trạch-Đông. Staline chỉ ông hai cái ghế và nói «đây là ghế địa chủ, đây là ghế nông dân. Ông chọn ngồi vào ghế nào?»

Trở về nước, Hồ Chí Minh chuẩn bị ngay việc thực hiện cải cách ruộng đất bắt đầu bằng chuẩn bị tư tưởng cán bộ đảng viên để trong công tác, cán bộ sẽ không bị giao động. Ông đưa ra nhận xét tình hình thế giới thuận lợi: "Mao-Trạch-Đông thắng lợi ở Tàu và thiết lập xong chế độ cộng sản trên cả nước. Cách mạng Việt Nam đang trên đà thắng lợi. Duy còn khó khăn nhỏ là Mỹ giúp thực dân Pháp đánh phá đoàn kết dân tộc. Muốn thắng lợi hoàn toàn, ta phải cùng với nhân dân thực hiện một chế độ dân chủ nhân dân, tăng cường đoàn kết toàn dân, liên kết chặt chẻ với phe Xã Hội Chủ Nghĩa."

Cuối năm 1952, Hồ Chí Minh cho tiến hành cải cách ruộng đất ở những vùng tạm chiếm như Thái Nguyên, Thanh Hóa… Nhiều cuộc hành huyết địa chủ bắt đầu trước ở Thanh Hóa đã làm kinh hoàng dân chúng, lan rộng đến những vùng «giải phóng» khác. Kịp gần đến ngày ký Hiệp Định Genève, Hồ Chí Minh muốn tránh bị dân chúng bỏ chạy vào Nam vì sợ hãi nên cho lệnh tạm ngưng.

Thật ra, kế hoạch chuẩn bị tư tưởng, Hồ Chí Minh đã cho tiến hành từ lâu. Trước nhất là chỉnh huấn hay đấu tranh chính trị. Từ 1946 -1949 là chiến dịch Phản Đế, với khẩu hiệu «Tổ quốc trên hết», kêu gọi đoàn kết toàn dân gồm trí thức, tư sản, địa chủ, tôn trọng tư hữu, chỉ nhằm xóa bỏ ảnh hưởng văn hóa Pháp biểu hiện qua tư tưởng lãng mạn, cá nhân chủ nghĩa. Mục đích duy nhứt là chống thực dân Pháp. Hồ Chí Minh giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương, thành lập Mặt Trận Việt Minh.

Giai đoạn kế tiếp 1950-1956 dành cho chiến dịch Phản Phong đả phá tư tưởng phong kiến nặng về tư hữu, nhứt là sở hữu ruộng đất, trật tự xã hội, và giá trị đạo lý cổ truyền để đề cao và thuyết phục chánh sách Cải Cách Ruộng Đất sẽ phát động là đúng, là tốt, ích lợi cho nông dân để mọi người phải chấp nhận. Phản Phong được thực hiện với khẩu hiệu «đưa Phản Phong lên ngang hàng với Phản Đế», đồng thời Hồ Chí Minh cho tổ chức Đảng Lao Động thay thế Đảng Cộng Sản.

Phản Phong khi được phát động, dân chúng đều hiểu đó là bài trừ những phần tử phong kiến trong đảng hoặc giới quan lại trong chánh quyền cũ. Thật ra, "phản phong" là tiêu diệt địa chủ, điều này chỉ có cán bộ học tập ở bên Tàu về để thi hành Cải Cách Ruộng Đất mới hiểu, nhưng phải tuyệt đối giữ kín. Khóa chính huấn đầu tiên khai giảng vào năm 1953 ở miền Bắc mới nói rõ nội dung khẩu hiệu Phản Phong là đánh địa chủ, tịch thu toàn bộ tài sản của địa chủ chia cho bần cố nông, tức Cải Cách Ruộng Đất.

Sau cuộc "Phản Phong" đến chiến dịch bài trừ tư tưởng tư sản, tự do kinh doanh, tư tưởng dân chủ, tư bản tây phương. Tiếp theo, từ năm 1959, sau khi sửa sai vì xem như Cải Cách Ruộng Đất đã thật sự hoàn tất, Hồ Chí Minh cho áp dụng chánh sách triệt để hơn, dẹp bỏ hẳn tư tưởng tiểu tư sản, mọi hình thức sản xuất riêng biệt, giải quyết những thành phần chưa chịu vào hợp tác xã, giữ đầu óc muốn làm giàu riêng. Bần cố nông vừa nhận ruộng đất do Cải Cách Ruộng Đất cấp phát, nay lại phải đem nộp cho Hợp Tác Xã.

2) Phóng tay phát động quần chúng

Cải Cách Ruộng Đất long trời lở đất «không do Đảng và Nhà Nước, mà do nông dân làm». Để bắt đầu, Hồ Chí Minh cho tiến hành trước hai chiến dịch: thu thuế nông nghiệp và đấu tranh chánh trị.

Áp dụng thuế nông nghiệp là lập lại rập khuôn theo Tàu đã làm từ hai năm trước nhằm bần cùng hóa xã hội Việt Nam, biến nông dân trở thành bần cố nông. Thuế nông nghiệp là một trong năm loại thuế:
1- Thuế nông nghiệp
2- Công thương nghiệp
3- Sát sanh
4- Lâm thổ sản
5- Xuất nhập cảng - Thuế xuất nhập cảng là để khôi hài.

- Thuế nông nghiệp: Riêng về thuế nông nghiệp, chúng ta thử nhìn lại sơ lược để có ý niệm cụ thể nông dân bị phá sản. Thuế sẽ đánh 5% trên 100 kg lúa, 45% cho 1000 kg lúa trở lên, tối đa là 64%. Thêm vào đó, nông dân trả phụ thu cho đảng 15%. Cả hai thứ thuế phải nộp một lần, cho đảng và nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và một phần gởi cho Kominforme làm nghĩa vụ quốc tế.

Thử làm bài toán để biết nông dân nộp bao nhiêu mồ hôi nước mắt cho thuế nông nghiệp. Chúng ta lấy 1000 kg lúa. Thuế lấy 45% là 450 kg. Trên số này, nông dân bị trừ 15% thuế phụ thu là 67,5 kg. Nông dân phải nộp thuế nông nghiệp cho 1000 kg lúa thu hoạch được là 517, 30kg. Nếu chủ ruộng không trực tiếp canh tác phải nộp thêm 25% phụ thu nữa.

Diện tích ruộng canh tác và số lúa thu hoạch phải do nông dân bình. Về diện tích ruộng, không căn cứ theo địa bạ lưu giữ. Nông dân bình thường được kích thêm lên, tức bình dọc, bình ngang về diện tích canh tác để qui ra số lúa phải gặt được để trả thuế.

Còn thuế công thương nghiệp chỉ có 28% trên lợi tức, nhưng cũng phải do nhân dân bình theo cùng qui cách dọc và ngang.

Tố Hữu, nhà thơ của đảng, được thưởng huy chương Sao Vàng Hồ Chí Minh, cổ vũ chiến dịch thu thuế trong Cải Cách Ruộng Đất:


"Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt".

Tố Hữu

- Đấu tranh chánh trị: Đấu tranh chánh trị là nhằm thủ tiêu tất cả phần tử bị xem là phản động. Lúc bấy giờ, dân chúng ai chống Việt Minh thì - hoặc bị giết hoặc bỏ đi ra thành phố sanh sống. Chỉ còn lại những người lưng chừng. Mà lưng chừng là phản động.

Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu thực chất của «đấu tranh chánh trị» diễn ra liền sau thuế nông nghiệp.
Lợi dụng trong lúc dân chúng còn đang điêu đứng vì thiếu thuế, cán bộ cho tập họp để giải quyết trường hợp còn thiếu thuế. Sự thật là nhằm tiêu diệt những thành phần bị ghi vào danh sách cần phải thanh toán.

Phòng họp trang bị đầy đủ dụng cụ tra tấn. Cán bộ chủ tịch xã kêu gọi một người thiếu thuế hỏi: «Có phải thằng X xuôi mày không nộp thuế không?»
Tra tấn cho đến khi nào người này gật đầu để tên X bị bắt.

Đến phiên tên X bị tra tấn: «Mày ở trong tổ chức phản động nào? Phải trong đó có tên Y không?» Người bị tra tấn vì đau đớn khai bừa «Tôi ở trong đảng Bảo Đại, cả đảng Cộng Sản nữa...» cho đến khi nào chịu nói ra tên người đã được cán bộ mớm trước.

Lúc đầu còn nhớ tên người được dặn trước phải khai, sau mất tinh thần, nhớ đâu khai đó. Có người khai cả tên cán bộ chủ tọa phiên đấu chánh trị. Đến đây, đảng cộng sản nhận thấy nếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu cho đảng, làm mất lòng tin của người dân đối với đảng và chánh phủ. Đảng cộng sản bèn cho tổ chức Tòa Án Nhân Dân xét xử phần tử phản động bắt được trong chiến dịch đấu chánh trị để xác nhận là thật sự có địch trong nông thôn; và mặt khác, đề cao quần chúng luôn luôn sáng suốt, như Mao-Trạch-Đông đã dạy. Trong quá trình Đấu Chánh Trị, nếu có vài trường hợp phạm sai lầm nhưng phải thấy chủ trương là đúng:


"...Địa hào, đối lập ra tro,
Lưng chừng, phản động đến giờ tan xương,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng.
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay,
Lôi cổ bọn nó ra đây,
Bắt quì gục xuống, đọa đày chết thôi."

Xuân Diệu

- Quần chúng phóng tay: Còn Cải cách Ruộng đất thật sự được tiến hành làm hai đợt: giảm tô và cải cách.
Cải Cách Ruộng Đất diễn tiến long trời lở đất này đã được nói nhiều với đầy đủ chi tiết nên thiết tưởng không cần lập lại thêm nữa. Duy có con số tử vong chính xác của nạn nhân chưa được xác nhận.

Ngày nay, theo báo cáo chánh thức của Viện Thống Kê Hà Nội***, số tử vong là 172,008 người trong đó có 70% bị chết oan ức bao gồm những tiểu địa chủ bị kích lên cho đủ 5% theo tiêu chuẩn của Trung Quốc qui định, những cán bộ đảng viên đi theo kháng chiến chống thực dân vì lòng yêu nước tinh ròng không cộng sản. Nhưng con số tử vong thật sự phải cao hơn.

Nhiều người từng sống trong giai đoạn Cải Cách Ruộng Đất, như nhà báo Bùi Tín, cựu Phó Tổng Biên Tập nhật báo Nhân Dân, cho biết, theo ước tính, con số nạn nhân ít nhất phải lên đến nửa triệu bao gồm nạn nhân bị hành quyết độc đoán tại hiện trường qua quyết định của Tòa Án Nhân Dân và những người như nạn nhân không bị hành quyết hoặc gia đình, thân nhân của nạn nhân.

Những người này bị đuổi ra khỏi nhà, tài sản bị tịch thâu, không có quyền làm việc, bị mọi người xa lánh vì sợ bị liên lụy với giai cấp địa chủ, lần lượt chết vì đói rét, bịnh tật do chế độ quản lý khống chế "hộ khẩu" (miệng ăn, phần ăn). Trong số nạn nhân này có ít nhất 40,000 đảng viên. Cải Cách Ruộng Đất, theo Mao-Trạch-Đông dạy, phải bộc lộ sự tàn ác càng rùng rợn thì thành công càng lớn.

Mỗi chiến dịch đều được chuẩn bị bằng khóa chính huấn dạy cán bộ học tập lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, để cán bộ thi hành nắm vững đường lối, chánh sách đúng theo sách lược Mao-Trạch-Đông. Toàn bộ các chiến dịch đều đã được thực hiện ở bên Tàu từ mấy năm trước, mệnh danh là «Chiến thuật Mao-Trạch-Đông», vì Mao-Trạch-Đông tin rằng chiến thuật này có thể áp dụng ở các nước kém mở mang có nền kinh tế nông nghiệp, để thực hiện cuộc cách mạng vô sản.

Vẫn theo Mao-Trạch-Đông, chỉ có giai cấp bần nông và cố nông là lực lượng mạnh nhất, trung thành nhất, có đủ khả năng lãnh đạo cuộc cách mạng vô sản đi đến thành công. Mà địa chủ là kẻ thù của nông dân, chỉ có nông dân mới biết rõ địa chủ nào là gian ác, và gian ác đến mức độ nào nên phải phóng tay phát động quần chúng tố khổ và trị tội bọn địa chủ ác ôn. Đảng cộng sản chỉ giữ nhiệm vụ hướng dẫn, không trực tiếp lãnh đạo.

Sửa sai vì Cải Cách Ruộng Đất đã thành công nên cần bình thường hóa tình hình nông thôn, chuẩn bị đưa sản xuất vào chế độ tập thể hóa, tiến hành xây dựng chế độ chuyên chính vô sản.

Từ năm 1951, theo nhà báo Bùi Tín, Hồ Chí Minh đã ngã hẳn theo Tàu, rập khuôn theo đường lối Mao-Trạch-Đông.

Trong một buổi tường trình chuyến thăm viếng Staline hồi năm 1950 với cán bộ lãnh đạo đảng khi ông về nước, Hồ Chí Mnh không nói rõ ông đã chọn «ghế nông dân hay ghế địa chủ» để trả lời Staline mà chỉ nhấn mạnh: «chúng ta làm Cải Cách Ruộng Đất phải học tập kinh nghiệm Trung Quốc». Ông dạy cán bộ đảng viên: «Đế quốc là con hổ, địa chủ là bụi rậm hổ ẩn núp. Muốn đánh hổ phải tiêu diệt bụi rậm».

Không riêng gì về Cải Cách Ruộng Đất, Hồ Chí Minh mới học kinh nghiệm Trung quốc, mà cả các ngành khác Hồ Chí Minh cũng chủ trương học tập rập khuôn theo mô hình Trung Quốc như về giáo dục, sản xuất, kinh tế nghiêng về kỹ nghệ nặng… để «nhảy vọt» theo. Ông viết quyển «Những Kinh Nghiệm Quí Báu của Trung Quốc Nên Học» dưới bút danh Trần Lực, do nhà Sự Thật, Hà Nội, xuất bản năm 1950, để làm tài liệu cho cán bộ học tập.


II) Cải Cách Điền Địa ở Miền Nam

Ở trong miền Nam, không nói Cải Cách Ruộng Đất mà nói Cải Cách Điền Địa.

Trong 20 năm, từ 1955-1975, miền nam tiến hành hai cuộc Cải Cách Điền Địa. Không kể một cuộc Cải Cách Điền Địa do Cựu Hoàng Bảo Đại ban hành năm 1949, nhưng không thành công vì ruộng đất vừa được phân phối xong thì liền bị Việt Minh tịch thâu, hoặc Việt Minh ngăn cấm nông dân nhận ruộng hoặc làm ruộng. Mặt khác, chiến tranh không cho phép nông dân sanh sống trên phần đất của mình, mà phải tản cư.

Cải Cách Điền Địa ở miền Nam thực hiện từ khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm nắm quyền, bằng Dụ số 57 ngày 22 tháng 10 năm 1956. Chánh sách điền địa thêm một lần nữa được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tiếp nối rốt ráo hơn bằng Đạo Luật số 003/70 ngày 23 tháng 03 năm 1970, dưới tên gọi mới là luật Người Cày Có Ruộng.

1) Cải Cách Điền Địa:
Ông Ngô Đình Diệm, ngày 7 tháng 7 năm 1955, được bổ nhiệm làm Thủ Tướng Chánh Phủ.
Ở chức vụ Thủ Tướng Chánh Phủ, ông ban hành 2 Dụ, số 2 và số 7 năm 1955, liên quan đến vấn đề thuê ruộng vì từ trước, ở Việt Nam, việc thuê ruộng không có giấy tờ hợp đồng giữa người thuê mướn và chủ ruộng nên thường chủ ruộng lấn ép làm thiệt hại quyền lợi của người thuê. Giá thuê ruộng từ 40% đến 60%, tùy theo ruộng tốt xấu trên số lúa thu hoạch. Luật về thuê ruộng qui định lại rõ qui chế tá điền. Từ nay:
      - Giá thuê ruộng từ 10 đến 15% trên số lúa thu hoạch cho ruộng làm một mùa / năm.
      - Giá thuê từ 15 đến 25% cho mùa gặt chánh của ruộng hai mùa / năm.
Thời hạn hợp đồng là năm năm, có tái ký. Tá điền có quyền trả ruộng và phải báo trước chủ ruộng sáu tháng. Chủ ruộng muốn lấy ruộng lại phải báo trước tá điền ba năm.

Vì chiến tranh, nhiều người bỏ ra thành thị sanh sống nên số ruộng bỏ hoang tính ra lên đến 500,000 mẫu tây. Trong thời gian chánh phủ cho kiểm kê, nếu chủ ruộng vẫn vắng mặt, số ruộng này bị trưng thu để cấp phát cho tá điền.

Sau khi lên làm tổng thống, Ngô Đình Diệm ban hành Dụ số 57 ngày 22 tháng 10 năm 1956 qui định chánh sách Cải Cách Điền Địa theo đó, điền chủ có quyền giữ cho mỗi người 100 mẫu đất, phải canh tác 30%, số còn lại cho mướn theo điều kiện luật hợp đồng đã ban hành.

Ruộng truất hữu, chủ ruộng được bồi thường theo giá ruộng, 10% bằng tiền mặt, 90% trả bằng trái phiếu với lãi xuất 3% / năm. Người giữ trái phiếu có quyền sử dụng trong các dịch vụ như trao đổi, kinh doanh, mua bán...
Ruộng truất hữu bán lại cho tá điền trả góp trong 12 năm vốn và lãi xuất 3% như đối với điền chủ cũ.

Có lối 1,035 điền chủ bị truất hữu vì mỗi người có trên 100 mẫu. Diện tích ruộng truất hữu là 430 319 mẫu, tính thêm 220,813 mẫu của Pháp kiều. Năm 1958, tổng số ruộng truất hữu là 651,132 mẫu.

Số tá điền trở thành điền chủ từ năm 1957-1963 là 123,193 người. Ngoài ra còn 2,857 người mua trực tiếp từ chủ ruộng, nâng con số điền chủ - mỗi người có tối thiểu 5 mẫu - lên 126,050 người, và số ruộng mua riêng này là 252,213 mẫu.

Chánh sách Cải Cách Điền Địa ở trong Nam làm cho chủ ruộng và tá điền đều hài lòng. Số ruộng đất bị Việt Minh trước đây tịch thu phát cho tá điền vì chủ ruộng vắng mặt, nay chánh quyền đem trả lại cho chủ và bồi hoàn tiền nếu bị truất hữu.

2) Dinh Điền và Khu Trù mật:
Tiếp theo chánh sách Cải Cách Điền Địa, chánh quyền Đệ I Cộng Hòa ban hành chánh sách Dinh Điền và Khu Trù Mật. Huê Kỳ, Pháp và Tổ chức Y Tế Quốc Tế giúp thực hiện chương trình này. Chỉ trong vòng từ 1957-1961, chánh phủ thành lập được 169 trung tâm định cư đồng bào di cư trong đó có 25 Khu Trù Mật, tập trung ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dinh Điền phục hồi hoặc khai thác những vùng đất bị bỏ hoang hoặc đất mới khai phá, đem lại cho đồng bào 109,379 mẫu, nuôi sống 50,000 gia đình gồm 250,400 người.

Khu Trù Mật là nơi tập trung dân sống nơi xa xôi hẻo lánh, thiếu phương tiện cần thiết cho đời sống như chợ búa, trường học, trạm xá y tế, điện, nước... Mỗi Khu Trù Mật gồm từ 3,000 đến 3,500 người.

Một Ngân Hàng Nông Thôn, Quốc Gia Nông Tín Cuộc, được thành lập để yểm trợ chương trình Dinh Điền và Khu Trù Mật bằng cách cho vay với lãi xuất nhẹ. Cải Cách Điền Địa, Dinh Diền và Khu Trù Mật đã biến 176,130 gia đình nông dân nghèo trở thành chủ ruộng đất từ ít nhất một mẫu trở lên.
Sản xuất ở các Khu Trù Mật dần dần vượt qua khuôn khổ địa phương nhỏ hẹp để trao đổi trên qui mô vùng.

Trước đời sống an lành của người dân, cộng sản bám trụ ở lại sau Hiệp Định Genève xuất hiện và phản ứng thô bạo. Họ ngăn cấm dân mua ruộng truất hữu, cấm ký hợp đồng thuê ruộng, hủy bỏ địa tô, ám sát nhân viên chánh quyền ở nông thôn như nhân viên ngân hàng, y tế, giáo dục...
Còn lại hơn 400 ngàn mẫu đất đã truất hữu để tư hữu hóa cho nông dân, nhưng bị áp lực khủng bố của cộng sản nên phải bị bỏ hoang. Từ đây, năm 1958, cộng sản Hà Nội bắt đầu dựng lên cuộc chiến xâm chiếm trong Miền Nam.


III) Cải Cách Điền Địa và Luật Người Cày Có Ruộng

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thực hiện Cải Cách Điền Địa bằng hai giai đoạn: áp dụng luật cũ 57 và ban hành thêm Luật Người Cày Có Ruộng.

1) Từ năm 1967-1970:
Ông Thiệu cho tiếp tục áp dụng Luật Cải Cách Điền Địa cũ của thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Sau vụ Việt cộng tổng công kích Mậu thân thất bại, nông thôn trở lại có an ninh. Số ruộng trước đây bị bỏ hoang nay đem cấp phát cho nông dân. Từ 1967 đến 1969, có thêm 261,874 gia đình được cấp ruộng để canh tác, nâng tổng số tá điền trở thành chủ điền lên 438,004 người, vị chi 48% nông dân nghèo.

2) Phát triển kinh tế nông nghiệp:
Chánh quyền cho tổ chức lại Ngân Hàng Nông Thôn chính phủ, đồng thời Ngân Hàng Nông Thôn tư cũng ra đời để kịp đáp ứng nhu cầu phát triển. Bộ Canh Nông nghiên cứu tạo giống lúa mới, khuyến khích khuếch trương ngành chăn nuôi gia súc. Chánh quyền tuyển dụng thanh niên đào tạo cán bộ xây dựng nông thôn gởi về vùng quê để hướng dẫn, giúp đỡ kỹ thuật cho nông dân trong sanh hoạt hằng ngày…

3) Luật Người Cày Có Ruộng:
Ngày 26 thánh 03 năm 1970, Luật Người Cày Có Ruộng ban hành, áp dụng cho mọi thành phần điền chủ. Luật Người Cày Có Ruộng khác với Luật 57 thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Điền chủ tự làm ruộng của mình, nhưng số ruộng quá 15 mẫu, bị truất hữu. Trong vòng ba năm, 1970-1973, có 51,695 điền chủ bị truất hữu tổng số ruộng là 770,145 mẫu, được chia ra như sau:

- 22,560 điền chủ nhỏ với 61,634 mẫu truất hữu.
- 16,449 trung điền chủ, với 158,110 mẫu truất hữu.
- 12,695 đại điền chủ, với 550 401 mẫu truất hữu.

Luật Người Cày Có Ruộng chi phối số điền chủ có 15 mẫu trở lên. Thành phần điền chủ này chiếm 56% tổng số điền chủ, với 91,9 % của tổng số diện tích ruộng bị truất hữu.
Ruộng bị truất hữu được bồi thường 20% tiền mặt, còn lại 80% trả bằng trái phiếu, lời 10% / năm trong tám năm.
Tiêu chuẩn cấp phát ruộng truất hữu: ba mẫu cho Miền Nam, một mẫu cho miền Cao Nguyên và miền Trung.
Ruộng hương hỏa và của tôn giáo không bị chi phối bởi Luật Người Cày Có Ruộng.

Trước khi Hà Nội hợp tác hóa đất đai sau Cải Cách Ruộng Đất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Miền Nam chỉ gồm tiểu điền chủ có từ 0,10 – 5 mẫu và trung điền chủ có trên 5 mẫu ruộng trở lên. Giới đại điền chủ hầu như không còn nữa.
Nông dân bắt đầu trang bị cơ giới để canh tác, nhập cảng phân bón, cải tiến giống lúa, tăng gia sản xuất gia súc...

IV) Ruộng đất dưới thời quân chủ

Dưới thời quân chủ Việt Nam, ruộng đất là sở hữu tối thượng của nhà vua. Nhưng trên thực tế, nhà vua đem ruộng đất phân phối cho dân nghèo để cày cấy sanh sống và nộp thuế. Khi cần, nhà vua có thể thu hồi và bồi hoàn cho người đang canh tác.

Việt Nam có chế độ quân chủ và kéo dài cho đến ngày 25 tháng 08 năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị, nhưng Việt Nam tuyệt nhiên không có chế độ phong kiến. Trái lại ở Tàu và Âu châu, có chế độ phong kiến, với quân đội riêng, luật pháp riêng, tài chánh riêng.

Sở hữu ruộng đất ở Việt Nam không quá bất bình đẳng như ở nhiều nơi khác. Trước Thế Chiến II, theo kết quả điều tra của nhà kinh tế học Yves Henri công bố năm 1932, ruộng đất ở Việt Nam được phân phối như sau:


Bảng phân phối ruộng đất Việt Nam

Bắc kỳ

Ruộng đất Địa chủ % Diện tích
Trên 50 mẫu 0,10% 20%
Từ 5 tới 50 mẫu 8,35% 20%
Dưới 5 mẫu 90,88% 40%
Công điền 20%


Trung kỳ

Ruộng đất Địa chủ % Diện tích
Trên 50 mẫu 0,13% 10%
Từ 5 tới 50 mẫu 6% 15%
Dưới 5 mẫu 93,80% 50%
Công điền 25%


Nam kỳ

Ruộng đất Địa chủ % Diện tích
Trên 50 mẫu 2,44% 45%
Từ 5 tới 50 mẫu 25,77% 31%
Dưới 5 mẫu 71,73% 15%
Công điền 3%


Nước Tàu trước khi bị cộng sản Mao-Trạch-Đông cai trị là một nước độc lập nên địa chủ được chánh quyền bảo vệ. Trái lại, Việt Nam là nước bị thực dân Pháp đô hộ nên địa chủ cũng là nạn nhân của chánh quyền thực dân. Do đó, họ phần đông đứng lên tham gia chống Tây giành độc lập. Nhà vua cấp phát cho các pháp nhân như làng xã, Hội Hè, Tổ Chức... một khoảnh đất để làm của chung khai thác lấy lợi tức trang trải chi phí sanh hoạt. Các đồn điền khi hoàn tất, được nhà vua đem phân phối cho xã thôn nhưng không được phép bán. Trừ trường hợp bất khả kháng.

Ruộng cấp cho dân chúng thì cứ 3 năm / lần, tái cứu xét gia hạn. Ngoài ra còn có những loại công điền khác dành cấp phát cho những trường hợp đặc biệt như: trợ sưu điền giúp dân nghèo đóng thuế, học điền, giúp học trò nghèo đi học, cô nhi quả phụ điền, giúp cô nhi quả phụ và hậu điền là ruộng của người chết không có con cháu thừa hưởng đem hiến cho chùa, đình... Nhờ chính sách quân phân đất đai mà xã hội Việt Nam ngày xưa được an bình hơn nhiều nơi khác lúc bấy giờ.

V) Việt Nam có thật sự cần Cải Cách Ruộng Đất không?

Ở Bắc và Trung, ruộng đất không tập trung quá nhiều vào tay một số người nhờ chính sách quân phân tài sản nên không có nhiều đại điền chủ. Trong lúc đó, ở trong Nam, vùng đất mới, kịp lúc Tây đến chiếm, nên có những người biết cách làm giàu với vài ngàn mẫu ruộng trở lên, nhưng số đại điền chủ này không nhiều. Nhìn chung, quy hoạch ruộng đất ở Việt Nam từ thời quân chủ không quá bất bình đẳng.

Về mặt quan chức, dưới thời quân chủ, người dân bình thường đều có quyền đi học và đi học không tốn kém. Khi thi đậu được nhà vua tuyển dụng làm quan. Tuy chịu phần nào ảnh hưởng văn hóa Tàu, nhưng các quan chức Việt Nam xuất thân từ thứ dân và tiến quan bằng khoa cử nên thường giữ nếp sống thanh liêm làm mẫu mực. Không có thứ quan phiệt vì ảnh hưởng lâu đời phong kiến như ở Tàu, nên cũng không có lớp cường hào ác bá ở địa phương xa, sách nhiễu thường xuyên dân chúng.

Khi Pháp đến cai trị, một lớp tân học Việt Nam hấp thụ tinh thần khoa học và được khai phóng khá đông làm mới xã hội Việt Nam. Hiện tượng mới này không có ở nước Tàu.

Trước thực tế xã hội Việt Nam như vậy, thử nghĩ có cần thiết phải làm cuộc Cải Cách Ruộng Đất long trời lở đất hay không?

Hồ Chí Minh làm cuộc Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc từ năm 1953 không nhằm phân chia ruộng đất phục vụ nông dân, mà thực chất là nhằm tiêu diệt một thành phần quan trọng của xã hội, trong đó có cả đảng viên cộng sản gia nhập thời kháng chiến vì yêu nước, để thanh lọc xã hội, chuẩn bị cuộc cách mạng vô sản theo khuôn mẫu Trung cộng. Do đó, Hồ Chí Minh đã “phóng tay phát động quần chúng nông dân đứng lên tố khổ và trị tội bọn địa chủ ác ôn”.

Đến khi nhận thấy cải cách ruộng đất đã đạt mục tiêu, Hồ Chí Minh ban hành lệnh Sửa Sai, đưa Hồ Viết Thắng và Trường Chinh qua chức vụ khác, đẩy Võ Nguyên Giáp ra công khai nhận lỗi trước nhân dân. Hồ Chí Minh xuất hiện và khóc cho nạn nhân của ông, với mục đích để bảo vệ uy tín của Đảng Cộng Sản của ông. Có dư luận cho rằng Trường Chinh vì lãnh đạo cuộc Cải Cách Ruộng Đất chấp nhận để cha mẹ bị đấu tố như những địa chủ khác. Xin nói rõ: không đúng! Trước khi phát động chiến dịch, theo nhà báo Bùi Tín, Trường Chinh đã cho rước cha mẹ về Hà Nội dấu một nơi an toàn.

Nhưng đừng quên Cải Cách Ruộng Đất và Sửa Sai là một chủ trương xuyên suốt theo chủ thuyết Mao-Trạch-Đông đã áp dụng ở Tàu nhằm mục đích thật sự đẩy nông dân vào tay đẫm máu để phải theo đảng cộng sản luôn, không thể cấu kết với địa chủ chống đảng cộng sản và, mặt khác, lột bỏ tinh thần tư hữu vốn nặng và ăn sâu lâu đời trong não trạng nông dân.
Thực tế, không gì khác hơn là đảng cộng sản cướp sạch đất đai của nông dân bằng khủng bố.

KẾT QUẢ TAI HẠI

Khi nhận viện trợ kinh tế và quân sự của Trung Quốc, đảng Cộng Sản Việt Nam phải thi hành chính sách “cải tạo xã hội chủ nghĩa” rập khuôn theo kiểu mẫu của Trung Quốc, điển hình nhất là chính sách Cải Cách Ruộng Đất.

Bộ “Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000”, tập 2, (giai đoạn 1955-1975) do Viện Kinh Tế Việt Nam xuất bản tại Hà Nội năm 2004, cho biết cuộc Cải Cách Ruộng Đất đợt 5 (1955-1956) được thực hiện ở 3.563 xã, với khoảng 10 triệu dân. Tỷ lệ địa chủ được quy định trước là 5,68%. Các đội và các đoàn Cải Cách Ruộng Đất đều ra sức truy bức để cố đôn tỷ lệ địa chủ lên 5% như đã quy định. Như vậy tổng số người bị quy là “địa chủ” phải là trên 500.000 người. Cũng theo tài liệu này, có 172.008 người đã bị đấu tố, tức bị giết. Tuy nhiên, sau khi sửa sai và kiểm tra lại, Đảng và Nhà Nước nhận thấy trong số 172.008 nạn nhân của cuộc Cải Cách Ruộng Đất, có đến 123.266 người được coi là oan (chiếm đến 71,6%).

Sau đây là những con số cụ thể về các nạn nhân:
- Địa chủ cường hào gian ác: 26.453 người, trong đó số được coi bị oan là 20.493 người (77,4%).
- Địa chủ thường: 82.777 người, trong đó số được coi bị oan là 51.480 người (62,19%).
- Địa chủ kháng chiến: 586 người, trong đó số được coi bị oan là 290 người (49,4%).
- Phú nông: 62.192 người, trong đó số được coi bị oan là 51.003 người (82%).

Khi đảng cộng sản Việt Nam không đi theo đường lối “cải tạo xã hội” của Mao Trạch Đông mà theo đường lối của Liên Sô, Trung Quốc đã “dạy cho Việt Nam một bài học”!

Lời bình của người không cộng sản và cộng sản phản tỉnh:
Qua các sự kiện lịch sử được công bố, các sử gia và các nhà phân tích đều đi đến kết luận rằng:
- "...Nếu năm 1945 đảng cộng sản Việt Nam không đưa đất nước Việt Nam đi theo chủ nghĩa cộng sản, dùng dân tộc Việt Nam làm vật thí nghiệm cho một chủ nghĩa phiêu lưu thì Việt Nam đã thoát khỏi một cuộc chiến kéo dài 30 năm với những hậu quả rất thảm khốc."...

-"...Nếu không có đảng cộng sản, nước Việt Nam đã có độc lập và tự do từ lâu rồi."...

Nguyễn Văn Trần

http://suthat-toiac.blogspot.com/2008/08/nhn-li-ci-cch-rung-t-min-bc-v-ci-cch-in.html

Ghi chú:

* Ghi lại buổi nói chuyện về Cải Cách Ruộng Đất với anh chị em “Đông Âu ” do Mạng Lưới Dân Chủ tổ chức tại Berlin, 2005 .
** Tài liệu tham khảo:
Hoàng văn Chí, Từ Thực Dân Đến Cộng Sản, Pall Mall Press, 1964, London
Pierre Brocheux, Hồ Chí Minh, Từ Nhà Cách Mạng Đến Thần Tượng, Payot, 2003, Paris
Loạt bài về Cải Cách Ruộng Đất trên Đài Á Châu Tự Do
Lâm Thanh Liêm, Chánh Sách Ruộng Đất ỏ Việt Nam 1954-1995, Đường Mới, 1996, Paris
Etudes Vietnamiennes (tập san Nghiên Cứu Việt Nam), ngoại ngữ, 1965, Hà Nội, số 7
*** Phụ bản

 

 

No comments:

Post a Comment