Saturday, March 15, 2014
Tiểu Đoàn 2 TQLC đã có nhiều vị Tiểu Đoàn Trưởng tiền nhiệm, nhưng chỉ mang danh Trâu Điên từ thời Thiếu tá Lê Hằng Minh sau trận An Quý 1965, tới Trung Tá Ngô Văn Định, Thiếu Tá Nguyễn Xuân Phúc và cuối cùng là Thiếu Tá Trần Văn Hợp. Trong 4 Trâu Điên Trưởng này thì 3 vị đã hy sinh! Tôi có dịp phục vụ dưới quyền 4 ông với nhiều điều buồn vui, nay xin nhớ lại như một nén nhang dâng lên các anh đã khuất.
Trâu Điên Trưởng LÊ HẰNG MINH
Thiếu tá Tiểu đoàn Trưởng Lê Hằng Minh của Tiểu Ðoàn 4 TQLC lại là một trong
những đơn vị tham gia cuộc đảo chánh Tổng Thống vào ngày 1 tháng 11 năm 1963.
Đầu tháng 11 năm 1965, Thiếu Tá Lê Hằng Minh
được bổ nhiệm làmTiểu đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên TQLC.
Tiểu đoàn 2 TQLC trở về Sàigòn cuối tháng 3 năm 1966.
Thiếu tá Lê hằng Minh Tiểu đoàn trưởng tổ chức liên hoan,
tiệc mừng chiến thắng... chai rượu cho một bên dãy bàn
giữa tiếng reo hò hoan hô của anh em Trâu Điên.
Sau 15 ngày bị trọng cấm vì tội phạm thượng, bị nhốt quân cảnh Q.C.202, tôi từ giã Tiểu Đoàn 5 TQLC để theo toán bổ sung quân số về trình diện Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên hiện đang hành quân tại thành phố Đà Nẵng tháng 5 năm 1966.
Đang vui cùng đồng đội cũ, nay bị đổi sang đơn vị mới khiến tôi mệt mỏi chán chường.
Tôi dựa lưng vào tường, ngồi bệt dưới sân của Quân Trấn Đà Nẵng, chợt thấy một ông thiếu tá nhỏ con, nón sắt áo giáp súng đạn đầy người đi tới đi lui, lại thêm bộ râu trông “hách” hơn râu của mình, tôi quay sang hỏi người hạ sĩ ngồi bên cạnh:
- Ông nào trông ngầu quá vậy?
- Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Lê Hằng Minh của mình, thiếu úy ơi.
Đây là lần đầu tiên tôi được đến gần vị tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn Trâu Điên, vị tiểu đoàn trưởng tôi từng nghe danh từ lâu, nay trông thấy ông rồi và về với Trâu Điên, đơn vị đầu tiên tôi mong được phục vụ.
Được về chiến đấu dưới màu áo rằn ri sóng biển TQLC đã khó, mà cái áo rằn có hình Trâu Điên nghếch mũi cười nhe răng trên cánh vai phải lại càng khó hơn. Vậy là tôi đã được làm Trâu Điên với Trâu Điên Trưởng Lê Hằng Minh, người tôi ngưỡng mộ.
Tháng 5 năm 1966, Tiểu Đoàn 1 vàTiểu Đoàn 2 TQLC tham dự vào vụ “Biến Động Miền Trung”, dẹp biểu tình tại Đà Nẵng, khiêng bàn thờ Phật bị thầy trò Thích... đem bày xuống đường làm vật cản lưu thông ở Huế, vừa ổn định an ninh ở nội thành là TQLC hành quân diệt địch quẩn quanh thành phố, đuổi chúng từ bờ biển Phù Liêu, Gia Đặng, tới nga ba sông Vĩnh Định, Bích La Thôn Quãng Trị.
Biết bao xác VC đã nổi lên tại khúc sông này!
Sau khi dẹp loạn trong, giết giặc ngoài xong, Tiểu Đoàn 2 TQLC trở lại Huế để tham dự lễ mừng chiến thắng được tổ chức tại Phú Văn Lâu.
Trong dịp này một số quân nhân TQLC được gắn huy chương và thăng cấp, trong đó có Trâu Điên Lê Hằng Minh, được thăng cấp trung tá.
Đang nghỉ dưỡng quân ở xóm phía ngoài đầu cầu An Hòa (Huế), Đại Đội Trưởng Đại Đội 4 Nguyễn Xuân Phúc đi họp về ra lệnh cho đại đội chuẩn bị hành quân.
Ông cho biết tiểu đoàn sẽ di chuyển ra Quảng Trị bằng xe.
Đại Đội 4 đi sau cùng nhưng Trung Đội 43 của tôi đi đầu đại đội nên tôi phải theo dõi đoàn xe. Để chắc ăn biết khi nào tới phiên mình nên tôi ra đứng sát ngay lề đường để theo dõi các đơn vị đi chuyển.
Trâu Điên Trưởng Lê Hằng Minh ngồi trên xe Jeep mui trần với nhiều cần câu (antena), trên kính chắn gió phía tay phải còn khoác một vòng hoa chiến thắng, có lẽ vòng hoa này do các em gái hậu phương quàng cho ông trong buổi lễ mấy hôm trước. Ông mặc áo jacket bên ngoài, trên cầu vai áo jacket là cặp lon trung tá TQLC bằng kim tuyến trắng tinh. Kể từ ngày về tiểu đoàn, tôi chưa được phép trình diện TĐT, lần đầu tiên tôi trông thấyông tại Quân Trấn Đà Nẵng với cấp bậc thiếu tá, lần này đứng bên lề đường đưa tay chào trung tá khi xe jeep của ông từ từ đi qua. Dĩ nhiên ông không bận tâm chào lại và cũng chẳng biết tên thiếu úy kia là ai. Không ngờ đó là lần đầu tiên và cũng là lần sau cùng tôi đứng nghiêm đưa tay chào vị tiểu đoàn trưởng thần tượng của tôi.
...Đó là ngày 29 tháng 6 năm 1966, đoàn xe Tiểu Ðoàn 2 di chuyển trên QL1 từ đầu cầu An Hòa hướng ra Quảng Trị, vừa qua khỏi cột mốc cây số 17 thuộc Quận Phong Điền, Huế thì bị 1 trung đoàn địch độn thổ phục kích sát quốc lộ trên một tuyến dài mà cả một đoàn xe gần như lọt vào vòng.
Lúc đó vào khoảng 9 giờ sáng, cuộc phục kích và phản phuc kích chỉ xẩy ra trong vòng 20 phút, nhưng Trâu Điên Trưởng Lê Hằng Minh cùng 42 chiến sĩ đã bị tử thương, gần 100 quân nhân bị thương, trong số đó có anh Xuân Phúc bị bắn từ ngực xuyên ra sau lưng.
Trần Văn Hợp bị bắn vào bắp chân và tôi, đạn xuyên cánh tay.
Đổi lại thì 233 VC phơi xác, 9 cháu ba-ác “được” bắt sống. Vị Tư Lệnh SĐ1/BB, Đại Tá Ngô Quang Trưởng đến thị sát chiến trường ngay sau khi khói súng chưa tan, ông nhận xét về trận này:
“Trong cuộc đời binh nghiệp, kể cả hồi Pháp, tôi chưa hề thấy trận phục kích nào lại biến thành trận phản phục kích tuyệt vời như trận Phò Trạch này.” (trích MX Tôn Thất Soạn, Tuyển Tập 2/TQLC)
Trong bài viết này, tôi không nói về lý do và những khó hiểu đằng sau vụ Tiểu Đoàn 2 TQLC bị cả một trung đoàn VC phục kích ngay trên QL1 sát nách thành phố Huế! Điều đáng buồn là thân phận người lính chiến lại bị ngay “bạn” ở hậu phương đâm sau lưng bằng lưỡi lê đầu súng AK47! “Bạn” đây chính là thày trò “thích đâm hậu” đi cùng VC bày binh bố trận.
Là một trung đội trưởng chưa có dịp trình diện Trâu Điên Trưởng Lê Hằng Minh, chỉ mới nghe danh mà chưa được nghe “tiếng nói” nên tôi không có nhiều kỷ niệm vui buồn với Ông, tôi xin ghi lại cảm tưởng của cựu Th/tá Tá Lâm Tài Thạnh, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 9 TQLC, khi Thạnh còn là Ch/úy trung đội trưởng của Tiểu Đoàn 2, nói về vị tiểu đoàn trưởng của mình: “Vào một sáng Chủ Nhật, không có tiền đi phố, tôi và Quang (khóa 18/VK) tự cấm trại, đang lau chùi vũ khí thì Tiểu Đoàn Trưởng Minh đi ngang, thấy vậy ổng lấy xe jeep chở chúng tôi ra hồ tắm Ngọc Thủy (Thủ Đức) giải khát.
Ổng lái và cho tôi ngồi bên cạnh.
Lần đầu tiên trong đời và có lẽ cũng rất hiếm hoi trong đời lính, một Tiểu Đoàn Trưởng lái xe chở một chuẩn úy trung đội trưởng ngồi ghế trưởng xa đi uống nước..”
Phong cách cư xử của Trâu Điên Lê Hằng Minh đối với thuộc cấp như trên là có tài “lãnh đạo” trong đó. Chỉ huy thì dễ, chỉ việc... chỉ tay ra lệnh, la hét và chửi thề khiến thuộc cấp sợ mà phải tuân theo. Nhưng lãnh đạo lại là một nghệ thuật khiến kẻ dưới vui vẻ tình nguyện chấp nhận hy sinh để hoàn thành nhiệm vu.
Lãnh đạo chẳng phải là cái gì to lớn ghê gớm khó khăn lắm đâu.
Khi một thuộc cấp gặp trường hợp vợ ốm con đau mà đơn vị trưởng mau mắn thăm hỏi và cho họ đi phép ngay, đó cũng là một cử chỉ lãnh đạo.
Đừng vin cớ “vì nhu cầu công vụ” mà từ chối quyền lợi của thuộc cấp, dùng quyền chỉ huy không cho họ đi phép là không đúng, nói thẳng ra là “ép nhau”.
Trâu Điên Trưởng Lê Hằng Minh không chỉ là một cấp chỉ huy giỏi mà còn là một sĩ quan có tài lãnh đạo, sự hy sinh của Ông là một mất mát lớn cho TQLC nói riêng và QLVNCH nói chung.
Bức hình cố Trung tá Lê Hằng Minh trên bia mộ do một Phóng viên người Mỹ chụp
và đăng hình trên báo Marine Corps Gazette & Time News) cùng khắc hai câu thơ:
“Vì tôi là Lính áo rằn
Ra đi nào biết mấy trăng mới về ?”.
Sau khi Trung Tá Lê Hằng Minh tử trận thì tân Tiểu Đoàn Trưỡng Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên là Đồ Sơn Ngô Văn Định.
Đồ Sơn Ngô Văn Định vốn là sĩ quan thuộc Tiểu Đoàn 2 TQLC từ khi ông còn là trung úy đại đội trưởng,
nay ông được chỉ định quay về làm tiểu đoàn trưởng.
Tân Tiểu Đoàn Trưỡng Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên là Đồ Sơn Ngô Văn Định.
Trâu Điên Trưởng NGÔ VĂN ĐỊNH
Phải nói ngay mà không sợ mang tiếng là nịnh thượng cấp, theo tôi, Đồ Sơn Ngô Văn Định là một trong những quân nhân có nhiều huy chương, Anh Dũng Bội Tinh với 21 ngành Dương Liễu, Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương từ khi còn là trung úy đại đội trưởng, Đệ Tứ Đẳng khi là tiểu đoàn trưởng và Đệ Tam Đẳng khi là lữ đoàn trưởng.
Đồ Sơn cũng là một trong 2 Lữ Đoàn Trưởng TQLC chỉ huy trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị.
Tôi không thể nói nhiều về những chiến công của ông mà chỉ xin ôn lại những kỷ niệm “buồn vui” của một đại đội trưởng với Trâu Điên Trưởng Đồ Sơn quanh cuộc chiến.Đại Tá Ngô văn Định
Tôi phục vụ dưới quyền chỉ huy của Đồ Sơn Ngô Văn Định từ 1966-1969, tính tròn 3 năm.
Đây là vị tiểu đoàn trưởng lâu đời nhất của tôi, tôi theo ông liên tục trong mọi cuộc hành quân khắp 4 vùng chiến thuật, qua nhiều trận lớn nhỏ. Tôi nhận thấy, ngoài tài chỉ huy, Đồ Sơn còn là cấp chỉ huy “mát tay”, ít ra là đối với riêng cá nhân tôi, ông đã giúp tôi thoát chết nhiều lần trong gang tấc, nhưng kỷ niệm buồn với tôi là khi ông vừa về làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2.
Khi Tiểu Đoàn Phó Nguyễn Xuân Phúc hướng dẫn và giới thiệu các sĩ quan trong tiểu đoàn cho tân Tiểu Đoàn Trưởng Đồ Sơn, anh Phúc giới thiệu tôi với Đồ Sơn và nói:
- “Đây là thiếu úy Cấp, mới từ Tiểu Đoàn 5 đổi về, đánh đấm cũng được lắm”.
Chả hiểu ông đã đọc hồ sơ quân bạ của tôi chưa, nhưng khi 2 ông vừa bước đi thì tôi nghe Đồ Sơn nói nhỏ với anh Phúc: “Đánh đấm được thì sao Tiểu Đoàn 5 lại thải ra?”
Đúng, ít khi nào đơn vị cũ lại buông ra một quân nhân đánh đấm được và cấp chỉ huy đơn vị mới sẽ kém vui khi phải nhận “hàng thải”, cũng chính vì cái chuyện “đánh đấm” mà tôi bị đuổi khỏi đơn vị cũ.
Nhưng thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu ông Đồ Sơn mới biết hàng thải tôi không tồi lắm.
Chỉ trong vòng 1 năm, từ đầu Mậu Thân 68, đến đầu năm 1969, đại đội tôi cùng toàn thể Trâu Điên đã được 3 lần tuyên dương công trạng trước Quân Đội, nói nôm-na là kiếm cho quân kỳ tiểu đoàn được thêm 3 nhành Dương Liễu.
Đáng nhớ nhất là trong một cuộc hành quân vùng Bời Lời, Hố Bò, đại đội tôi đã phải thay tới 4 lần cố vấn Mỹ*
(* Một Tiểu Đoàn TQLC đi hành quân luôn có 2 cố vấn Mỹ, cố vấn trưởng đi với Tiểu Đoàn Trưởng, cánh A, cố vấn phó đi với Tiểu Đoàn Phó, cánh B.
Nhưng khi một đại đội hoạt động biệt lập thì được một cố vấn đi theo để sẵn sàng yểm trợ hỏa lực và tải thương)
Ngày 14 tháng 9 năm 1968, Đại Đội của tôi nhảy “diều hâu” xuống vùng Cầu Khởi, phía Bắc quân Khiêm Hanh, Tây Ninh.
Vì đi một mình nên đại đội có cố vấn Mỹ đi theo.
Vừa chạm đất liền bị Tiểu Đoàn 14D/VC bao vây tấn công, chúng tôi trong tình trạng thập tử nhất sinh.
“Ngài” cố vấn Mỹ rét quá nên nhân chuyến tải thương, ông ta leo lên trực thăng đi luôn.
May mà Đồ Sơn đã kịp thời đổ quân Tiểu Đoàn 2 xuống ngay sau lưng địch khiến chúng hốt hoảng phải nới vòng vây đại đội tôi để quay ra chống cự với Trâu Điên bao vây chúng phía ngoài.
Sau trận Cầu Khởi, Tiểu Đoàn 2 lại đổ bộ trực thăng ngay vào mật khu Hố Bò (TN).
Nhưng mới thả xuống được Đại Đội 1 của tôi và Đại Đội 3 của Trần Văn Thương thì bị đụng nặng.
Súng phòng không quá mạnh và địa thế không cho phép tiểu đoàn đổ quân tiếp tục nên Đại Đội 1 và Đại Đội 3 cầm cự tới ngày hôm sau tiểu đoàn mới xuống đầy đủ.
Suốt đêm đó, Tiểu Đoàn Trưỡng Đồ Sơn và Ban 3 Đinh Xuân Lãm luân phiên bay Cvà C đề hướng dẫn “Hoả Long” yểm trợ. Tiếng nói của các anh và Hỏa Long đã giúp chúng tôi giữ vững vị trí trước những đợt tấn công dồn dập của VC trong đêm.
Trong cuộc hành quân nhẩy vào Hố Bò này, đại đội tôi lại nhẩy đầu và có cố vấn Mỹ đi theo, vừa chạm đất là CV Mỹ bị thương. Mỹ mà bị thương thì Mỹ họ phải tải thương ngay và thả CV khác xuống thay thế. Nhưng rất tiếc là phòng không mạnh quá và VC cũng thả khói màu tím nên trực thăng nhầm LZ, thả lộn cố vấn vào vùng địch khiến đại đội tôi lãnh “đại họa” là phải đi tìm anh ta về bằng mọi giá. Tìm được, nhưng anh ta bị thương và phải tải thương. Tiểu đoàn chưa kịp bổ sung cố vấn, nhưng tình hình quá nặng nên buộc lòng Chiến Đoàn Trưởng phải đưa CV khác xuống cho tôi để họ lo hỏa lực yểm trợ và tải thương.
Khi đụng trận, có CV để xin yểm trợ hỏa lực và tải thương thì tuyệt, nhưng các chàng cũng ưa báo cáo linh tinh nên tôi không thích có CV đi theo
Hôm sau, trong khi đang lục soát, thu dọn chiến trường và chuẩn bị đóng quân đêm thì tiểu đoàn được lệnh di chuyển ngay để B52 “trải thảm” vùng này. Khi đại đội 4 của Vũ Đoàn Doan đi sau cùng chưa rời khỏi vị trí thì 2 đại đội đi đầu đụng nặng. Tiếng B.40 và RPD nổ ròn. Quân ta đã bị thương và tử thương.
Trời đang tối dần, tối dần!!!
Trong đêm giữa rừng sâu, lệnh thượng cấp bắt di chuyển gấp, trả mục tiêu lại cho B.52 nhưng địch lại cầm chân tiểu đoàn! Đây là lúc khó khăn nhất của cấp chỉ huy, Tiểu Đoàn Trưỡng Ngô Văn Định đã quyết định: “Ở lại chiến đấu, không nhường B52” và ông đã thông báo quyết định này cho 2 cố vấn Mỹ biết.
Pháo Binh TQLC/HK, thuộc pháo đội D, tiểu đoàn 2, trung đoàn 12 TQLC .
Thực tế chiến trường đang xẩy ra trước mắt buộc 2 cố vấn của Tiểu Đoàn phải làm việc khẩn cấp với hệ thống cố vấn cao hơn để xin hủy bỏ hay chuyển hướng các phi vụ B.52 đang từ Thái Lan hướng về mục tiêu mà Tiểu Đoàn 2 TQLC còn đang kẹt tại chỗ. Đây là một việc làm vô cùng khó khăn, thời hạn ấn định TĐ2 rời khỏi mục tiêu đang cạn dần. Đêm lạnh mà các cố vấn lau mồ hôi trán liên tục. Cuối cùng, cố vấn tiểu đoàn thở phào nhẹ nhõm báo cho Đồ Sơn biết B52 đã phải “nhường” mục tiêu lại cho Tiểu Đoàn 2. Tin loan ra khiến chúng tôi an tâm diệt Cộng mà không còn lo hỏa lực khủng khiếp của bạn từ trời rơi xuống.
Trong chiến trận, chuyện KQ bạn đánh lầm quân ta cũng không hiếm, nhưng B52 thì chưa bao giờ xẩy ra.
Bốn mươi năm sau, khi ôn lại chiến trường xưa, Đồ Sơn tâm sự:
“Khi quyết định ở lại chiến đấu mà không di chuyển theo lệnh trên, tôi biết sẽ gặp khó khăn lắm nhưngtôi cũng không thể hy sinh thêm đồng đội vì bất cứ lý do gì. Vả lại kinh nghiệm cho tôi biết B52 sẽ không bao giờ dám trải thảm một khi còn có người Mỹ trong vùng mục tiêu. Lúc đó trong tay mình (Tiểu Đoàn 2) còn có 2 cố vấn Mỹ mà.”
Sau 3 năm theo chân Đồ Sơn khắp bốn vùng chiến thuật, bị thương lai rai thì có.
Nhưng đến khi Đồ Sơn bị trọng thương tháng 4 năm 1969, thì tôi bị trọng thương theo sau đó.
Vào tháng 6 năm 1969, tôi bị loại khỏi vòng chiến và rời Tiểu Đoàn 2 TQLC từ đấy.
Xin gửi lời cám ơn muộn màng đến Đồ Sơn.
Là đại đội trưởng, đôi khi tôi thường “khắc khẩu” với tiểu đoàn trưởng, nhưng nhờ hợp “mạng” nên Đồ Sơn đã nhiều lần giúp tôi thoát hiểm trong đường tơ.
Các cấp chỉ huy trẻ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Robert Lửa Nguyễn Xuân Phúc đang tươi cười rất hồn nhiên
Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Xuân Phúc cùng vui đùa với em bé
Phía Tây Bắc và Đông Bắc có sông Ngũ Huyện chảy vòng
như dải lụa rồi nhập với sông Cầu soi bóng núi Kim Sơn
Tiểu Đoàn 3 Sói Biển TQLC /VNCH
Đại Uý Lê Nguyên Khang tháng 9 năm 1957,
Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 3 Sói Biển TQLC.
Đại Uý Tôn Thất Soạn tháng 12 năm 1963,
Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 3 Sói Biển TQLC.
Thiếu Tá Nguyễn Thành Yên tháng 1 năm 1964,
Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 3 Sói Biển TQLC.
Thiếu Tá Nguyễn Thế Lương tháng 12 năm 1964,
Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 3 Sói Biển TQLC.
Thiếu Tá Lê Bá Bình năm 1971
Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 3 Sói Biển TQLC.
Ngày 1 tháng 9 năm 1957 Đại Uý Lê Nguyên Khang được ủy thác thành lập Tiểu Ðoàn 3 Sói Biển TQLC.
Đại Uý Trần Trung Ái, XLTV chức vụ Tiểu đoàn Trưởng một thời gian ngắn rồi được thuyên chuyển về làm Trưởng ban Tâm lý chiến Liên đoàn và Đại Uý Nguyễn kiên Hùng lên thay.
Kể từ năm 1957 đến 1971 Hậu cứ của Tiểu Ðoàn 3 được lần lượt qua các nơi như Thủy Xưởng Miền Đông thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân đến trại Hoàng Diệu, trại Chương Dương, trại Ngô Xuân Soạn ở Thủ Đức.
Tử Năm 1971, hậu cứ Tiểu Ðoàn 3 được di chuyển vào Căn Cứ Sóng Thần, Dĩ An.
Sau ngày lễ xuất quân tại Gò Dưa, Thủ Ðức, Tiểu Ðoàn 3 mở những cuộc hành quân an ninh tại Đức Hòa, Đức Huệ (Hậu Nghĩa), yểm trợ mở đường xuyên qua khu rừng Cò Mi sau này là đường xa lộ từ Dĩ An đến Bình Dưong.
Rồi Tiểu Ðoàn 3 bất ngờ đổ bộ lên đảo Phú Quốc, vùng Đá Bạc (U Minh) để phá tan hậu cần của CS.
Tiểu Ðoàn 3 là đơn vị tiên phong đột nhập và tiến chiếm Cổ Thành Quảng Trị cùng với các Tiểu Ðoàn khác trong ngày 15 tháng 9 năm 1972.
Tiểu Ðoàn 3 TQLC được chỉ huy bởi các Tiểu Ðoàn Trưởng sau đây: Đại Uý Lê Nguyên Khang tháng 9 năm 1957,
Đại Uý Trần Trung Ái năm 1959, Đại Uý Nguyễn Kiên Hùng năm 1959, Đại Uý Dương Hạnh Phước năm 1962, Đại Uý Mã Viết Bằng tháng 5 năm 1963, Đại Uý Tôn Thất Soạn tháng 12 năm 1963, Thiếu Tá Nguyễn Thành Yên tháng 1 năm 1964,
Thiếu Tá Nguyễn Thế Lương tháng 12 năm 1964, Đại Uý Nguyễn Năng Bảo tháng 6 năm 1966, Th/Tá Phạm Văn Sắt tháng 5 năm 1969, Thiếu Tá Lê Bá Bình năm 1971,Thiếu Tá Nguyễn Văn Cảnh năm 1972, và Thiếu Tá Nguyễn Văn Sử năm 1974.
Tiểu Đoàn 3 Sói Biển TQLC và Trận Bàng Long Cai Lậy
Sáng ngày 27 tháng 7 năm 1967, sau cuộc hội thoại của Đại úy Phạm văn Sắt, tiểu đoàn phó tiểu đoàn 3 TQLC, các sĩ quan tham mưu, các Đại Đội Trưởng đã có mặt đông đủ tại Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn lúc 10 giờ 30 phút.
Không khí trang nghiêm của Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn được thay bằng sự huyên náo bởi tiếng cười vang của trung úy Nguyễn phát Roanh qua đủ thứ dí dỏm, bông đùa giữa các Đại Đội Trưởng với nhau.
“Thẩm quyền” hiện đang bị chĩa mũi dùi là Thiếu Úy Nguyễn văn Bằng (Bằng già) Đại Đội Trưởng Đại Đôi Chỉ Huy cũng chưa biết đối đáp ra sao giữa các giọng cười của các bạn đùa dzai, may mắn lúc đó Đại Úy Phạm văn Sắt nhìn đồng hồ, rồi nghiêm trang nói
- Thôi mời các anh em, chúng ta vào phòng họp, chắc Bắc Ninh sắp về đến Tiểu Đoàn rồi! (Bắc Ninh ám danh thân quen của Thiếu Tá Nguyễn Năng Bảo tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 3 TQLC)
Các Thẩm quyền vừa ổn định xong vị trí trong phòng họp Tiểu Đoàn, thì xe của Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng cũng vừa tiến qua cổng chính rồi đậu ngay trước Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn.Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng tiến thẳng đến phòng họp
- “Tất cả , vào hàng phắc!”
Toàn bộ quân nhân nơi phòng họp đều nghiêm chỉnh đứng lên theo lệnh của Đại Úy Tiểu Đoàn Phó để chào Bắc Ninh
- “Cám ơn tất cả anh em!”
và tiếp tục Bắc Ninh ban lệnh tuy ngắn gọn nhưng đầy đủ (tính của Bắc Ninh không thích dài dòng)
- Ngày mai Tiểu Đoàn 3 sẽ được không vận đến vùng tập trung.
Địa điểm bốc quân tại làng Đại Học cạnh ngã tư xa lộ, Tiểu Đoàn phải có mặt và sắp toán xong xuôi trước 8 giờ sáng tại bãi bốc.
Thứ tự Đại Đội 1 rồi Đại Đội 2, Đại Đội Chỉ Huy kế tiếp là Đại Đội 3, Đại Đội 4 và cuối cùng là Hậu trạm.
Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn TQLC sẽ cung ứng quân xa cùng Quân Cảnh dẫn đường để di chuyển toàn bộ Tiểu Đoàn đến bãi bốc.
Đoàn xe sẵn sàng tại sân cờ lúc 5 giờ sáng.
Một đơn vị hoả lực, và 6 ngày lương khô. Các đại đội tác chiến không đem súng cối 60 ly, nhưng tăng cường đại liên 60 và đại bác SKZ 57.
Chỉ huy hậu cứ dùng phương tiện cơ hữu của Tiểu Đoàn để chuyển số quân nhân về trễ ra ngay bãi bốc.
Tôi sẽ cùng với Trung úy Tiền ban 3, Thượng sĩ nhất Hào ban 2, và Trung sĩ nhất Pau hậu trạm cùng đi chuyến đầu với đại đội 1. Đại úy Tiểu Đoàn Phó sẽ phụ trách việc điều động Tiểu Đoàn đến vùng tập trung .
Hệ thống liên lạc vẫn giữ như cũ và đặc lệnh truyền tin mới sẽ được phổ biến khi đến vùng tập trung.
Tiểu đoàn sẽ khởi hành lúc 6 giờ sáng ngày 28 tháng 7 năm 1967, và bây giờ là 12 giờ 5 phút trưa ngày 27 tháng 7 năm 1967.
Trong lúc các sĩ quan điều chỉnh lại giờ, thiếu tá quay sang đại úy Tiểu Đoàn Phó
- Đại tá Tham Mưu Trưởng sư đoàn sau khi nói chuyện với tôi xong liền ra xe đi họp ngay có Thiếu Tá Đỗ Kỳ trưởng phòng 3 sư đoàn tháp tùng.
Thiếu Tá Hoàng thích Thông và Thiếu Tá Nguyễn thành Trí
Chắc chắn sáng ngày mai, Thiếu Tá Hoàng Thích Thông chiến đoàn trưởng chiến đoàn A, Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí
Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 4 và tôi sẽ gặp lại Đại tá Tham Mưu Trưởng để nhận thêm chi tiết.
Ngày mai khi đến vùng tập trung sẽ có Trung Úy Nguyễn kim Tiền hướng dẫn các đại đội đến vị trí đóng quân.
Anh rán lo vận chuyển hết cả đơn vị tại bãi bốc.
Bắc Ninh nhìn xuống phòng họp
- Anh em có ai cần hỏi thêm điều gì không?
Nếu không anh em có thể về lo thu xếp đơn vị mình. Cám ơn tất cả.
Doanh trại Tiểu Đoàn nhộn nhịp, văn phòng các Đại Đội, các nhà kho cấp phát vũ khí, đạn dược, mọi trang bị hành quân, phòng ngủ của binh sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan vang vọng tiếng cười, với tinh thần sẵn sàng chấp nhận tất cả để hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc hành quân sắp tới, trong truyền thống Binh Chủng “Đập tan bất cứ đơn vị sừng sỏ nào của địch tại bất kỳ chiến trường nào”
Để cho việc chuẩn bị chu đáo và có thì giờ nghĩ ngơi, nên cuộc họp tại bộ chỉ huy Đại Đội, tôi đã ban lệnh thật ngắn gọn, đầy đủ những nhu cầu cần thiết cho cuộc hành quân.
Thiếu úy Nguyễn phúc Định (Định Quán) trung đội trưởng trung đội 1 kiêm nhiệm chức vụ đại đội phó thay trung úy Đinh long Thành đang học Anh ngữ du học Hoa Kỳ.
Đại Đội sẽ được không vận đầu tiên, thứ tự di chuyển từng trung đội, cũng như sắp toán tại làng Đại Học.
Tôi và hai hiệu thính viên sẽ đi toán đầu của trung đội 3, thiếu úy Định sẽ đi vào toán cuối cùng của đại đội.
Chuẩn úy Nguyễn ngọc Ẩn (An Giang) trung đội trưởng trung đội súng nặng trang bị bốn tổ đại liên, hai tổ đại bác không giật 57 ly SKZ và một tổ súng cối 60 ly. Mỗi khẩu SKZ cần ba quả đạn chài, còn lại là đạn xuyên phá.
Liên lạc nội bộ theo tầng số hiện hành, và sẽ có đặc lệnh truyền tin mới trước khi hành quân.
Bây giờ là 12 giờ 45 trưa, nếu không có gì cần hỏi thêm, các sĩ quan và hạ sĩ quan có thể rời phòng họp về lo cho đơn vị.
Người quân nhân Tiểu Đoàn 3 hùng dũng lên đường, để lại vợ đang dõi mắt nhìn theo đoàn xe thoáng qua nhà, bên con thơ say nồng trong giấc ngủ, miệng nguyện cầu bình an cho người nơi trận tuyến.
Cuộc chuyển quân bằng trực thăng đã hoàn tất, toàn bộ tiểu đoàn có mặt tại căn cứ Đồng Tâm, của sư đoàn 9 Bộ Binh Hoa Kỳ lúc 12 giờ 30 trưa.
Mỗi đại đội tạm nghĩ trong ba cái lều rộng thênh thang, đón gió mát, mang hương thơm đồng nội.
Binh sĩ lo lau chùi vũ khí, sĩ quan lo ráp bản đồ liên hợp mà vùng hành quân là ruộng và thôn xóm nằm giữa quốc lộ 4 với sông Cửu Long ngăn đôi hai tỉnh Mỹ Tho và Bến Tre.
Tại phòng họp Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 3 gồm có Đại úy Phạm văn Sắt (Sông Hương) Tiểu Đoàn Phó, Thiếu úy Bằng (Bắc Thái) Đại Đội Trưởng Đại Đội Chỉ Huy, Trung úy Lê bá Bình (Bắc Giang) Đại Đội Trưởng Đại Đội 1, Trung úy Vũ mạnh Hùng (Hòa Vang) Đại Đội Trưởng Đại Đội 2, Đại úy Đạt (Định Tường) Đại Đội Trưởng Đại Đội 3, Trung úy Nguyễn phát Roanh (Rạch Giá) Đại Đội Trưởng Đại Đội 4.
Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng ban lệnh hành quân:
- Vùng hành quân nằm gọn trong khu tứ giác Ấp Bắc (phía Bắc), xóm Cả Mít (phía tây), Vĩnh Kim (phía Đông) và Phú Phong (phía Nam ).
Tuy vẫn thường có mưa, nhưng những cánh đồng mênh mông vẫn còn là những bãi đáp lý tưởng.
Mặc dù dọc theo các sông rạch thường được tập trung bởi các xóm làng dân chúng, nơi mà các đơn vị việt cộng hay trà trộn hoặc dưỡng quân.
Hai con sông Tiền Giang (sông Mỹ Tho) và sông Sầm Giang sẽ hạn chế từ hướng Bắc xuống Nam dọc theo hướng Đông Tây của các mục tiêu sẽ do Tiểu Đoàn 3 của chúng ta tiến chiếm.
Về thời tiết sẽ có một cơn mưa vào tối nay và sẽ tạnh vào sáng mai.
Những ngày kế tiếp nắng ráo. sau 9 giờ sáng tâm nhìn xa trên 10 cây số.
Thiếu Tá Hoàng thích Thông
Thiếu Tá Hoàng thích Thông chiến đoàn trưởng chiến đoàn A (cùng ban tham mưu chiến đoàn với đơn vị viễn thám) sẽ điều động Tiểu Đoàn 4 vào vùng nếu Tiểu Đoàn 3 gặp sự kháng cự mãnh liệt của việt cộng.
Tiểu Đoàn 3 TQLC thuộc Chiến Đoàn A Lữ Đoàn TQLC được trực thăng vận, tiến chiếm các mục tiêu 1, 2 và 3 vào giờ G ngày N. Để giử yếu tố bất ngờ, bãi đổ quân sẽ không được dọn trước.
Tiểu Đoàn Phó chỉ huy cánh B gồm Đại Đội 1 và Đại Đội 4 đổ quân trước tiên, sau đó là cánh A,Đại Đội 3, Đại Đội Chỉ Huy và Đại Đội 2.
Trước khi Đại Đội 3 cất cánh, tôi sẽ lên bao vùng, quan sát và điều động đổ quân để giúp Tiểu Đoàn Phó rảnh tay điều động các cánh quân tiến chiếm mục tiêu.
Trước khi rời Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn Bắc Ninh không quên nhắc Sông Hương hãy lưu tâm về việc phối hợp kế hoạch tác xạ thật chặt chẻ của đại đội 1 và đại đội 4 để tránh gây thiệt hại bởi ngộ nhận hoặc các đơn vị địch lọt vào giữa hai cánh quân. Biểu tín hiệu (ground signal), khói màu sẽ được cấp phát cho đến cấp trung đội.
Hiện diện trong phòng họp từ tiểu đoàn phó, các sĩ quan ban tham mưu, tất cả các sĩ quan của đại đội, mọi người đều nắm vững toàn bộ lệnh hành quân.
8 giờ sáng ngày 30 tháng 7 năm 1967.
Các đơn vị đã sẵn sàng tại bãi bốc từ lúc 6 giờ rưỡi sáng.
Từ xa đoàn trực thăng bay theo đội hình hai hàng dọc từ từ đáp xuống. Các chiến binh thuộc đại đội 1 theo từng toán người khum xuống chạy thẳng vào và leo lên trực thăng. Như được lệnh, cánh quạt quây mạnh và trực thăng nhấc bổng lên bay về hướng Đông lúc 8 giờ 2 phút sáng. Theo dõi trên bản đồ và địa bàn suốt 15 phút bay, từ hướng Đông rồi chuyển về hướng Bắc, sau đó lại đổi về hướng Tây, bay dọc theo quốc lộ 4. Bất thình lình trực thăng của tôi lắc mạnh, trực thăng đổi về hướng Nam đồng thời bay xà xuống thấp với tốc độ thật nhanh lướt qua trên các ngọn cây. Khi vượt qua sông Sầm Giang, đoàn trực thăng đổi về hướng Tây tiến nhanh đến bãi đáp. Hoả tiển, đại liên nhiều nòng, M.79 đua nhau khai hoả từ các trực thăng võ trang cũng như các trực thăng chở quân đã làm đối phương hoảng loạn, họ bị một lưới lửa khổng lồ bất thần chụp xuống và rút vào xóm làng (mục tiêu 1)
Sông Hương (Đại úy Tiểu Đoàn Phó) đang ở trên vùng, quan sát rõ mục tiêu, ông gọi Bắc Giang
- Bảo Lộc đây Bạch Hổ gọi, trả lời.
- Bắc Giang đang nghe Sông Hương.
- Tôi thấy cánh quân tiên phong của Bắc Giang đã đổ bộ và đang truy kích địch chạy về hướng Tây, hãy cẩn thận.
Tôi gọi ngay cho Thiếu Úy Định điều động con cái bám chặt vào địa thế vì đại đội đang đổ quân. Trực thăng chở BCH đại đội đang là là đáp, bất thần lãnh ngay mấy phát đạn, người phi công phụ bị gãy tay trái nên phải đáp khẫn cấp. Khoảng cách không cao nên chúng tôi thoát ra an toàn trước khi trực thăng chạm đất. Khi điều động đơn vị, tôi có báo cho "Phi công trưởng" biết tôi có để lại 4 quân nhân có nhiệm vụ bảo vệ phi hành đoàn.
Mười lăm phút trôi qua, các trung đội đều chạm súng, nặng nhất là hứng Tây, Tây Bắc của cánh B gồm hai trung đội 1 và 2 của đại đội. Với sự yểm trợ phối hợp liên tục của không quân và pháo binh, các tổ chiến đấu 3 người đã lanh lẹ chiếm được một số nhà ngoài bìa làng và ngoài ruộng trống để mở rộng bãi đáp.
Đại úy Tiểu Đoàn Phó lại gọi
- Bảo Lộc đây Bạch Hổ
- Bắc Giang tôi nghe Sông Hương, Sông Hương có thấy các màu cam (biểu tín hiệu màu cam) không
- Tôi nhận thấy rồi. Con cái của Bắc Giang nằm dọc theo màu cam, còn những đứa nằm ngoài đồng thuộc về ai.
- Chúng mang dép râu và hai lần tư tưởng (tt ngụy thoại tử thương) rồi. Sơ khởi 17
- Quá đẹp, chuẩn bị khói để con cái Rừng Sát tránh ngộ nhận
- Nghe rõ, và Sông Hương cho dẹp cái xóm nhà kinh ngang mục tiêu 1 theo hướng Đông sang Tây, chúng đốt pháo dữ quá (VC bắn ra dữ quá)
- Tôi thoả mãn cho anh ngay.
Đoàn trực thăng chở đại đội 4 từ hướng Đông hiện rõ dần.
Những trái khói màu vàng được ném ra, liền sau đó tiếng của trung úy Nguyễn phát Roanh trên tầng số liên lạc
- Rạch Giá đã thấy nhà của Bảo Lộc (đại đội 1) rồi.
Bắc Giang dặn dò
- Rạch Giá cẩn thận vùng phía bắc, đông bắc và đông nam, có nhiều loại nhạc cụ mạnh (súng cộng đồng) hòa tấu
- Tôi nghe rõ. Cám ơn Bắc Giang.
Như đã hẹn trước, hỏa lực của đại đội 1 dồn dập trấn áp địch quân để yểm trợ đoàn trực thăng xà xuống bãi đáp. Trên phòng tuyến, Chuẩn úy Ẩn (An Giang) và con cái đã chiếm xong căn nhà cuối bìa làng. Không quân oanh tạc dọc theo kinh ngang truớc mặt cánh B của đại đội.
Từ trực thăng, đại đội 4 túa ra như đàn ong vỡ tổ, họ nhanh chóng bám vào các bờ đê ngoài ruộng trống. Những cột khói trắng bốc lên do tiếng nổ của súng cối 82 ly pháo vào bãi đáp. Bất chợt hạ sĩ Thanh khều nhẹ tôi và chỉ những cụm khói đen trên bầu trời xen giữa khoảng cách các chiếc trực thăng lên xuống. Tôi thoáng nhận định về đon vị địch, với trang bị súng phòng không.
Sau khi gia đình Rạch Giá ổn định, đại úy Phạm văn Sắt tiểu đoàn phó đáp xuống tháp tùng cùng đại đội 1. Bắc Ninh đã lên vùng quan sát và huớng dẫn toàn bộ. Các chiến sĩ mũ xanh của hai đại đội yểm trợ nhau tiến từng bước rất chậm vì hỏa lực hùng hậu của đối phương.
Tuy nhiên hai đại đội đã kiểm soát toàn bộ các căn nhà bìa làng với sự tổn thất
- Đại đội 1: một bị thương nhẹ, ba bị thương nặng, hai tử thương
- Đại đội 4: ba bị thương nặng, hai tữ thương (Chuẩn úy Rái trung đội trưởng hy sinh)
Địch: mười lăm chết (bảy do đại đội 1 và 8 do đãi đội 4)
mười bảy chết ngoài đồng và ven làng do đại đội 1 và trực thăng võ trang Hoa Kỳ xạ kích lúc đổ quân.
Hoa Kỳ: một phi công bị thương cùng một UH1B bị thiệt hại. Năm phút sau toàn bộ phi hành đoàn và phi công bị thương được bốc ra khỏi vùng.
Ánh nắng chói chan không một ngọn gió, thời tiết khá nóng, trộn lẫn mùi khét lửa đạn làm cho chiến trường nóng bỏng gấp bội.. Trong lúc đang hội ý Sông Hương và Rạch Giá, về việc phải triệt hạ ngay căn nhà có vũ khí phòng không, tôi cho lệnh trung đội 3 đang ở hướng Đông về bố trí hướng Nam thay cho trung đội súng nặng để tuyến của hai đại đội 1 và 4 đủ rộng cho việc điều quân.
Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng gọi Đại úy Tiểu Đoàn Phó
- Bạch Hổ đây Bạch Long
- Sông Hương tôi nghe Bắc Ninh
- Tình hình con cái ra sao rồi?
- Trình Bắc Ninh, càng tiến sâu vào làng, hòa lực của địch càng mãnh liệt, xin Bắc Ninh cho triệt hạ, tôi bảo đảm không có dân.
- Được rồi, anh cho đốt thuốc lên, tôi sẽ thỏa mãn cho.
Bắc Ninh cũng cho biết gia đình Đà Lạt (Đại úy Phạm dương Đạt) vừa rời bãi bốc.
Sau khi khói màu và biểu tín hiệu được xác nhận, những trái hỏa tiển (rocket) phóng ra từ những chiếc trực thăng võ trang lao thẳng xuống, nổ ầm vang, cày nát cả một vùng dài dọc theo kinh ngang của mục tiêu 1 tử Đông sang Tây.
Chợt tiếng Bắc Ninh trên tầng số
- Bạch Hổ đây Bạch Long, con cái vừa đốt thêm thuốc, sao con cái Sông Hương tiến quá nhanh vậy?
- Trình Bắc Ninh, Bảo Lộc (Đại Đội 1) và Rừng Sát (Đại Đội 4) đang dậm chân tại chổ.
- Con cái còn hút thuốc nữa không? Tôi thấy khói vàng khắp nơi .
Ngay lập tức, Sông Hương cho lệnh ngưng dùng khói màu và chỉ còn biểu tín hiệu mà thôi.
Sông Hương và tôi cùng một ý nghĩ, địch đã xử dụng khói cùng màu (sau khi quan sát hướng chúng tôi) với ý đồ vô hiệu quá viễc yểm trợ khốc liệt của không quân.
Tôi chợt thoáng nghĩ cách thức dùng khói màu hỗn hợp trắng tím xanh, cả hai đại đội sẵn sàng và đích thân các trung đội trưởng thực hiện khi nhận lệnh.
Các cột khói bốc lên cao.
Tiếng Bắc Ninh hòa lẫn tiếng cánh quạt trên máy âm thoại
- Tôi đã thấy rất rõ, tốt lắm
- Từ đó về hướng Bắc 500 thước, xin Bắc Ninh cho cày nát, Bắc Giang và Rạch Giá đang tiến chiếm các căn nhà có vũ khí cộng đồng bắn ra như pháo Tết
- Được, tôi sẽ thòa mãn cho anh ngay.
Trung đội 3 đã trám xong hướng bố phòng cho trung đội 4.
Tuy là trung đội súng nặng, nhưng theo tinh thần buổi họp tại Bộ Chỉ Huy Đại Đội, chuẩn úy Nguyễn Ngọc Ẩn (An Giang) đã tổ chức sẵn khi rời khỏi các trực thăng,, An Giang đã điều động toàn bộ trung đội để tác chiến, chỉ để lại Trung Sĩ I Louis điều khiển khẩu đội súng cối 60 ly gồm 5 người bên cạnh Bộ Chỉ Huy Đại Đội.
Trung đội (-) của An Giang đang dồn địch vào một điểm quyết định.
Hỏa lực đại liên và đại bàc không giật SKZ 57 ly tiếp tục phát ra từ hướng làng phía Nam mục tiêu 1.
Tôi vội vàng hỏi
- Xích Long (trung đội 4) đây Bão Biển
- An Giang tôi nghe Bắc Giang
- Tình hình bên đó thế nào?
- Trình Bắc Giang, chúng tôi đang lùa đám VC còn sót lại chạy thoát qua căn nhà hiện con cái đang bao vây dứt điểm.
Sơ khởi hạ được 5 tên cùng 5 AK, chờ khi xong căn nhà này sẽ có tổng kết sau.
- Rất đáng ca ngợi, nhờ anh chuyển lời khen về công lao đã đạt đến các anh em "Cảm tử quân" Xích Long
Súng địch vẫn tác xạ ào ạt vào tuyến đầu của đại đội 1 và đại đội 4 nhưng chẳng gây thiệt hại nào cả, có lẽ đối phương muốn che át âm thanh của súng cối 82 ly đang pháo vào bãi đáp, nơi đại đội 3 đổ quân.
- Đà Lạt đây Bạch Long
- Định Tường tôi nghe Bắc Ninh
- Định Tường có thấy cột khói của Rạch Giá hướng Tây Bắc không?
- Tôi thấy rất rõ
- Bên trái cột khói tức về hướng Tây là Rừng Sát, anh cho con cái tiến chiếm vế hướng Bắc, bung rộng, lục soát kỹ hướng Đông, nhớ liên lạc chặt chẻ với Rạch Giá và nhận lệnh của Sông Hương.
Đà Lạt báo cáo cho Sông Hưong việc con cái đang tiến hành theo dự tính.
- Sông Hương nhận rõ, cố gắng bắt tay với Rừng Sát.
- Chúng tôi đã gặp nhau rồi.
Cuộc chiến đến lúc quyết liệt, cả 2 đại đội của cánh B quyết ủi sạch mục tiêu, địch quân cố gắng bám chặt vị trí, Thiếu úy Nguyễn phúc Định (Định Quán) đã phải dùng toàn bộ hỏa lực của trung đội 2 do Thiếu úy Võ văn Đức chỉ huy để yểm trợ cho trung đội 4 súng nặng thanh toán căn nhà đang bao vây. Tôi nghe bốn tiếng nổ lớn về hướng đó.
- Bão Biển đây Xích Long
- Bắc Giang tôi nghe
- Trình Bắc Giang, thẩm quyền An Giang, Hạ sĩ Xê và Binh I Phước đi phép dài hạn rồi
Tôi quá sững sờ
- Cái gì!?
- Trình Bắc Giang sau khi đại bác 57 ly không giật thanh toán xong hỏa lực địch trong căn nhà, ba người tức tốc xông vào nhà thì bị một quả lựu đạn của một tên VC bị thương nặng quăng ra.
Hạ sị Hạnh (râu kẻm) nhào vô làm sạch.
Sáu xác VC nằm trong nhà với một súng thượng liên, ba súng AK và hai súng trường bá đỏ.
Tôi cho lệnh Trung sĩ Tô Ghết trung đội phó bám chặt vị trí cho đến khi trung đội 3 của thiếu úy Thọ được điều động đến thay thế. và bảo vệ hông trái (hướng Tây) trục tiến quân của đại đội. Trung đội 4 về giử mặt hậu cho Bộ Chỉ Huy Đại Đội 1, đồng thời Thượng sĩ I Bưởi thường vụ đại đội tạm thời xử lý trung đội trưởng.
Sau khi nhận báo cáo của đại đội 1, Bắc Ninh cho lệnh tất cả con cái bám chặt vị trí, theo dõi sát địch tình và lo ngay cho các anh em bị ghẻ lở.
Tuy các đơn vị tạm ngừng tiến quân, nhưng tiếng súng dò dẫm và ngăn chận vẫn còn, xen lẫn tiếng nổ của hỏa tiễn do trực thăng võ trang phóng vào khu có địch.
Từ cánh B của đại đội, thiếu úy Định cho biết vị trí súng cộng đồng trong căn nhà thuộc vùng trách nhiệm của đại đội 4, tất cả theo dõi và sẵn sàng hỏa lực để yểm trợ.
Súng vang rền mãnh liệt, tiếng nổ khiếp đảm của đạn M79 tập trung dứt điểm.
Trên máy đàm thoại, đại đội 4 tịch thu 1 đại liên 30, hạ sát 2 việt cộng và bắt sống 2 tên, gia đình có 2 bị thương.
Khai thác sơ khởi đây là đơn vị súng nặng trợ lực tiểu đoàn 623, mới về ém quân hôm qua trong vùng này.
Tên Hồ Thin là tổ trưởng đại liên vừa bị tịch thu.
Đại đội 4 được lệnh giải giao tất cả về phía sau cho Sông Hương.
Hỏa lực địch tập trung vào đoàn trực thăng đang đổ đại đội chỉ huy và một phần của đại đội 2, các chiếc trực thăng không bị thiệt hại chỉ có 4 binh sĩ đại đội 2 bị thương bởi súng cối 82 ly. Các đơn vị trên chạm tuyến vẫn giử im lặng, quan sát vị trí hỏa lực của địch để có kế hoạch tấn kích hữu hiệu sau.
Vào lúc xế trưa, Bắc Ninh cho biết Thiếu tá Thông chiến đoàn trưởng chiến đoàn A đã vào vùng và thả Vũng tàu (Tiểu Đoàn 4) xuống ở hướng Bắc cách ta 3 cây số, vì thế ông quyết định mọi sự yểm trợ được hạn chế trong vùng 31 - 44 và 31,6 - 42. ông đã xin tối đa hỏa lực đánh từ đông sang tây, và khi không yểm chuyển hướng, các đơn vị tấn công ngay các điểm đã lựa chọn.
Kế hoạch tấn công ban xuống đại đội và từ đại đội chỉ thị cho trung đội, từ đó xuống tiểu đội và từng binh sĩ.
Nhân lúc địch phải ẩn núp trước những đợt không yểm tới tấp, và sau đó trực thăng võ trang thay nhau tác xạ vào các điểm được yêu cầu, tôi cùng hai hiệu thính viên, người liên lạc viên và cận vệ theo tổ đại bác SKZ 57 ly tăng cường cho thiếu úy Định, lên tận tuyến đầu để quan sát hầu góp ý với hai trung đội 1 và 2 trước khi tấn chiếm căn nhà có khẩu đại liên phòng không 12 ly7, đồng thời liên lạc với đại đội 4 để yểm trợ hỏa lực giúp sức cho đại đội 1 triệt hạ mục tiêu đã gây trở ngại cho bước tiến của cánh B.
Hỏa lực không yểm vừa chuyển hướng, như có tiếng còi thúc quân, toàn bộ vũ khí bộ chiến mãnh liệt khai hỏa, tiếng xung phong hối thúc các tổ di động rời vị trí để vượt lên, thẳng vào các điểm ấn định.
Địch bắn trả dữ dội với ý định ngăn cản bước tiến của các dũng sĩ Cọp Biển đang quyết tâm dẫm nát mục tiêu.
Sau 8 phát đạn từ đại bác không giật 57 ly, nhanh như sóc, các tổ di động với hỏa lực yểm trợ nhau, trung đội 1 và trung đội 2 tràn lên thanh toán ngay tức khắc.
Thiếu úy Định cho biết tịch thu đại liên 12 ly 7 và 7 AK 47 hạ sát 8 tên, ta có hai hy sinh và một bị thương
Tôi đang cho lệnh cánh B củng cố vị trí cùng yểm trợ cho đại đội 4 tiến chiếm các yếu điểm, sẽ có người thu xếp cho anh em thương vong. bổng tôi nghe tiếng la của hạ sĩ Thanh cận vệ
- Việt cộng
Thanh phóng người xô hiệu thính viên ngả lên tôi làm cả hai té nhào xuống đất.
Hai loạt súng của Thanh và tên việt cộng vừa bật hầm từ dướt đầt trồi lên. Tên địch nằm vắt trên miệng hầm, Thanh lảo đảo với người đẫm đầy máu, chúng tôi chồm dậy, Thanh mang máy cho quả lựu đạn M 26 vào miệng hầm,
Trong hơi thở đứt khoảng, hạ sĩ Thanh thều thào
- Trung úy và thằng Thanh mang máy có sao không?
Em xin lỗi đã phải xô Trung úy và thằng Thanh mang máy té!
Cố nén niềm cảm xúc mãnh liệt và nổi đau thắt trong tâm can, tôi cố trấn an
- Không sao! không sao! Chú không có lỗi gì hết, chú đã anh dũng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Thanh mang máy và tôi, Hãy cố gắng nằm yên, trực thăng tản thương đang đến.
Hạ sĩ Thanh chợt mở to đôi mắt, tay bám chặt vào tay tôi, rướn người lên, từng tiếng thoát nhẹ qua bờ môi
- Thủy....quân...lục...chiến...
Anh lịm dần, đầu gục vào ngực tôi
Tôi báo cáo về Sông Hương mọi diễn tiến, bổng tiếng Bắc Ninh trên tầng số
- Tuyệt! Tôi sẽ tận dụng hỏa yểm cày nát phần còn lại, để yểm trợ và giải quyết con cái đi phép (thương vong) và chiến lợi phẩm.
Bắc Giang và Rạch Giá nhớ cho đánh dấu tiền quân bằng biểu tín hiệu, và biểu tín hiệu cùng khói màu tím cho bãi đáp.
Cả hai thẩm quyền đáp nhận rõ.
- Bảo Lộc đây Bạch Hổ
- Bắc Giang nghe Sông Hương
- Cánh trái của Rạch Giá đã thấy con cái Bắc Giang lập được đầu cầu phía bắc con rắn xanh, như vậy Bắc Giang dùng tối đa hỏa lực yểm trợ phủ mặt cho Rạch Giá cởi rắn
- Bắc Giang nhận rõ và sẵn sàng
Trực thăng bốc thương binh và chiến lợi phẩm đã đem đạn dược tiếp tế cho các đơn vị, nhờ vậy cánh B của thiếu úy Định tập trung hỏa lực cày nát căn nhà dọc theo bờ sông yểm trợ thằng con bên trái của Rạch Giá qua sông nhanh hơn.
- Bắc Giang đây Rạch Giá, hãy cho chuyển xạ, con của "moi" bám vào được rồi đó.
- Bắc Giang nhận Rạch Giá năm trên năm.
Thiếu úy Định vừa cho hai trung đội chuyển hướng tác xạ, thì như có tiếng còi xung trận, đạn M79 nổ mãnh liệt, sau đó là tiếng lựu đạn, đứa con đầu của đại đội 4 chiếm xong mục tiêu.
Trong lúc hướng Bắc đang bận rộn, bổng bên mặt trái của đại đội, trung đội 3 của thiếu úy Thọ tác xạ vào toán địch tháo chạy qua xóm nhà phía Tây.
Tôi báo về Sông Hương địch đang lui về hướng tây, và xin oanh kích ưu tiên trước khi trời tối vào toạ độ 31,12 và 44,15 kéo dài đến 31 và 45,18, tôi cũng dự đoán cường độ hỏa lực của địch tuy đã giảm nhưng vẫn còn mạnh, không ngoài mục đích tạo nên thế đoạn chiến hoặc cố thủ, chờ cho bóng đêm buông xuống.
Tôi củng trình bày ý định là khi ngừng oanh kích, đại đội sẽ tràn lên để loại đối phương ra khỏi xóm làng kế tiếp trước khi mặt trời lặn.
Đại đội 4 của Rạch Giá tịch thu một đại liên 30, sáu khẩu AK 47, sáu xác địch trên trận địa, bắt sống bốn tù binh. Đơn vị tổn thất hai hy sinh và năm bị thương.
Cuộc oanh kích chấm dứt vào lúc gần sáu giờ chiều, hai đại đội 1 và 4 của cánh B hàng ngang hỏa lực yểm trợ cho nhau dũng cảm vượt qua lưới đạn của địch và đã ủi sạch một số vị trí cố thủ. Đại đội 1 đếm được chín xác chết thu chín khẩu AK, tôn thất với bốn người bị thương, bên đại đội 4 tịch thu hai thượng liên, mười một khẩu AK, mười ba xác chết, tổn thất ba người hy sinh và hai bị thương.
Cánh B vẫn tiếp tục tiến quân mặc cho hỏa lực địch vẫn cố gắng cầm cự trong cái nắng chiều sắp tắt.
Kế hoạch tấn công ban đêm được phát hoạ, tôi bàn tính cùng thiếu úy Định và thiếu úy Thọ về tổ chức các toán trang bị nhẹ và gọn, lanh lẹ lòn lách các bụi lùm trong bóng tối, để tiến sát và dùng lựu đạn sát hại địch quân.
Cơm gạo sấy với nước lạnh và thịt hộp nhanh chóng hỗ trợ thêm sức mạnh để thi hành nhiệm vụ.
Đại úy tiểu đoàn phó vừa cho biết Bắc Ninh chấp thuận kế hoạch tấn công đêm, nhưng lưu ý hai đại đội phải phối hợp thật chặt chẽ để tránh ngộ nhận., và vùng tấn kích sẽ được soi sáng liên tục.
Địch trong vị thế phòng thủ, ta trong thế di động tấn kích vì thế tôi và Rạch Giá đề nghị soi sáng một đợt rồi chấm dứt cho tới khi có sự yêu cầu.
Nhờ ánh sáng hỏa châu từ phía sau lưng địch, các toán tấn kích nhận địch rõ mục tiêu, khi bóng tối trở lại, các toán tập cho mắt nhìn thấy trong cảnh vật đêm, mấy đứa con của đại đội 1 và đại đội 4 liên lạc được bằng sự quan sát.
Thời gian trôi nhanh trong lúc các toán tiến rất là chậm.
Các tổ đột phá của đại đội 1 có những khuôn mặt lì lợm như các hạ sĩ Thạch Khun, Châu Mary Sary, Huỳnh văn Lượm, Nguyễn ngọc Sương, Lý Huong và Thạch Uong. Tất cả đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ bằng sở trường lưởi lê và lựu đạn mở đường cho đơn vị chiếm được toàn bộ của mục tiêu 1 đến bờ nam của con rạch ở hướng tây của con rạch Thông Lưu . Tổn thất đại đội 1 với bốn bị thương nhẹ, đại đội 4 có bảy người bị thương đánh đổi hai mươi bảy xác địch, cùng một súng cối 82 ly, một súng cối 61 ly, hai thượng liên và mười tám khẩu AK.
Thế là qua một đêm không ngủ, khoảng 2 giờ sáng ngày 31 tháng 7 năm 1967 dưới ánh hỏa châu sáng rực trên bầu trời, các quân nhân của cánh B vẫn linh hoạt di chuyển lục soát.
Một giờ sau cánh B đã hoàn toàn kiểm soát hết mục tiêu 1, và được lệnh tạm thời bố trí phòng thủ chờ lệnh.
Thình lình lúc 4giờ 5 phút sáng, một lực lượng việt cộng khai hỏa tấn công chính diện đại đội 2 với B40, SKZ 75 ly và AK. Đại úy Tiểu Đoàn Phó đã bị thương ngay đợt khai hỏa đầu tiên, cánh A mất liên lạc với cánh B.
Đại đội 2 chống cự mãnh liệt, Bắc Ninh trực tiếp điều động trên máy
-.. Định Tường (đại úy Đạt đại đội 4) phải phối hợp chặt chẽ với đơn vị Viễn Thám, lưu ý hướng Tây va Tây Nam tăng cường bảo vệ Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn và Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn.
Riêng đại đội 1, Bắc Giang cho đánh thẳng vào cạnh sườn địch ở hướng Nam - Đông Nam.
- Định Tường nhận rõ
- Bắc Giang nhận 5/5!
Cứu binh như cứu lửa, phản ứng cấp thời tôi phóng ngay trung đội 3 của thiếu úy Thọ vào cạnh sườn địch, và đưa trung đội 2 của thiếu úy Đức tràn lên bên cánh phải tấn công vào lực lượng VC. Toàn bộ hỏa lực của chúng phải quay sang đối phó đại đội 1 để chống đỡ. Khi Bắc Giang điều động hai trung đội đi tiếp ứng, Rạch Giá đã mở rộng thay thế và bảo vệ mặt hậu cho đại đội 1.
Tôi liên lạc trung úy Nguyễn kim Tiền trưởng ban 3 tiểu đoàn để xin soi sáng liên tục cận tuyến của đại đội 2 và thấp xuống cho nhận diện được vị trí địch rõ ràng hơn để ủi vào đúng cạnh sườn của chúng, đồng thời nhờ trưởng ban 3 thông báo kịp thời đại đội 2, đại đội 4 và đơn vị Viễn Thám tránh tác xạ về hướng đại đội 1 đang tấn kích.
Địch bị đại đội 2 cùng toán Viễn Thám dũng cảm chống giử ở kháng tuyến chính, lại bị đại đội 1 bất thần tấn công ngang hông, kế hoạch bị vỡ, địch phải bỏ hàng ngũ tháo chạy về hướng đông nam. Tiếng súng thưa dần, rồi im hẵn lúc bình minh. Địch không kéo kịp 11 xác đồng bọn, một B41, bốn B40, một thượng liên và năm khẩu AK.Đại đội 2 có bốn hy sinh, tám quân nhân bị thương, toán Viễn Thám có bảy bị thương.
Đại đội 1 bắn hạ mười chín tên, tịch thu một đại bác không giật 75 DKZ, hai B41, ba B40, hai thượng liên và bảy AK. Toàn bộ vũ khí tiểu đoàn được bảo toàn.
Nhiệm vụ của tiểu đoàn 3 đã hoàn thành, vào lúc 9 giờ 47 phút sáng ngày 31 tháng 7 năm 1967, đoàn trực thăng khởi đầu xuống bốc lần lượt bộ chỉ huy chiến đoàn A , tiểu đoàn 3 và tiểu đoàn 4 về tập trung tại Đồng Tâm, chuẩn bị tiếp đón phái đoàn Chính Phủ .
Thiếu tướng Nguyễn cao Kỳ Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, Đại tướng Cao văn Viên Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH, Trung tướng Lê nguyên Khang Tư Lệnh Lữ Đoàn TQLC, Trung tướng Nguyễn văn Mạnh Tư Lệnh Quân Đoàn IV, Đại tá Bùi thế Lân Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn TQLC cùng quan khách cao cấp Việt - Mỹ đến thăm và ủy lạo.
Ngày hôm sau Tiểu đoàn 3 được chở về hậu cứ ở Thủ Đức, ứng chiến cho Bộ Tổng Tham Mưu và chuẩn bị cho nhiệm vụ đang chờ.
Mũ Xanh Lê Bá Bình Nguyễn Ngọc Ấn – Những ngày đầu mới ra đơn vị ở Kampuchia
Tôi trả lời: Dạ, không biết. Anh nói: LĐ5BĐQ hiện đang hành quân bên Kampuchia đó, em có còn quyết định ra LĐ5 không? Tôi trả lời: Dạ, hể đơn vị ở đâu cũng vậy thôi.
Những Ngày Đầu Mới Ra Đơn Vị Ở Kampuchia
Những ngày cuối năm 1971, nhớ hôm ra trường chọn đơn vị, khi tới phiên tôi, tôi đứng lên và hô lớn: Liên đoàn 5 BĐQ, đàn anh Y sĩ đại tá Nguyễn Minh Châu đã cười nhẹ và hỏi tôi (sau nầy tôi nghĩ chắc anh Châu có ý can gián tôi đừng ra chỗ nguy hiểm?): Em có biết LĐ5BĐQ đang ở đâu không? Tôi trả lời: Dạ, không biết. Anh nói: LĐ5BĐQ hiện đang hành quân bên Kampuchia đó, em có còn quyết định ra LĐ5 không? Tôi trả lời: Dạ, hể đơn vị ở đâu cũng vậy thôi. Các bạn cùng khóa tôi cười ồn ào: Thằng nầy nó muốn xuất ngoại khỏi giấy thông hành đó anh…
Ngay hôm sau, 3 đứa trong khóa chúng tôi ra Biệt động quân, Lê văn Vinh (LĐ7) Phạm đăng Hương (LĐ4) và tôi, đã hẹn nhau tới Khu Dân sinh để tìm mua mỗi đứa một bộ quân phục BĐQ đầy đủ trừ béret nâu phải tới tiệm Phước Thành, chuyên bán quân phục để mua bằng được cái mũ béret “đúc” của “Tây” đàng hoàng cho ngon lành để còn đi trình diện Bộ Chỉ huy BĐQ ở trại Đào Bá Phước. Hai bạn tôi thì sao tôi không biết, riêng tôi, việc ra đơn vị kể ra không có sợ mà chỉ có lo mà thôi. Mà cái lo nầy không phải là xa nhà lần đầu tiên để đi vào vùng lửa đạn mà là chỉ lo vì cái vụ thi clinique ra trường chưa hoàn tất!! Vì thế, ở trại Đào Bá Phước, tôi có xin phép là hể thi clinique xong là tôi sẽ ra trình diện đơn vị liền lập tức. Cái vụ thi clinique nầy cũng thiệt là vô duyên, kể ra học hành đàng hoàng, hể thi thì thi đâu có gì phải sợ, có điều tôi “nằm vùng” ở khu Sản Khoa Nguyễn văn Học suốt 2 năm chót nên ngoài Sản Khoa, 3 món kia Nội, Ngoại và Nhi tôi đều không cảm thấy vững bụng…
Vậy mà, khi vào thi hồi tháng 6, tháng 7, chính 3 món tôi nghĩ là tôi không ngon lành lại đậu cái một, còn cái tôi cảm thấy vững nhất, chắc ăn như bắp và là nghề của chàng thì chỉ qua câu hỏi đầu tiên của GS Nguyễn văn Hồng ở Từ Dũ là tôi đã được thầy “cám ơn, hẹn kỳ sau!” liền. Quý vị có tưởng tượng câu hỏi của thầy Hồng là câu gì mà chỉ một câu là tôi đã “tiêu tán đường” không? Thầy Hồng đã hỏi tôi: “Anh ở Nguyễn văn Học 2 năm với anh Giệp hả?” Tôi đã trả lời: “Dạ”. Vậy là xong!! Bởi vậy, khi ra trường ở Quân Y, tôi vẫn còn nợ cái món vấn đáp Obstétrique & Gynécologie chưa xong và trong bụng lo là nếu kỳ nầy (sắp tới rồi!!) tôi lại gặp thầy Hồng nữa thì sao? Tôi nhỏ lớn có bao giờ dám chọc ghẹo gì ổng đâu mà chỉ có cái tội là đệ tử của ông Giệp ở Nguyễn văn Học, vậy nếu cứ gặp thầy Hồng hoài tôi phải làm sao? Lo thì lo như vậy nhưng có làm gì khác hơn được nên trước mắt, tôi phải thu xếp gia đình định bụng hể thi xong là tôi sẽ kiếm đường lên hậu cứ đơn vị liền (lúc đó, hậu cứ LĐ5BĐQ còn đóng ở căn cứ Củ Chi chung chỗ với SĐ25BB) (Còn nhớ cả tháng sau trong bận trở về hậu cứ từ Quảng Trị, tôi mới có dịp trở vào BV Từ Dũ để “đánh” clinique lần thứ hai. Lần nầy, may cho tôi không gặp thầy Hồng nữa mà là tôi bắt thăm đi thi gặp GS Đặng Trần Hoàng nên tôi qua phà dễ dàng (nghề của chàng mà lỵ!)
Khi tôi rời khỏi trại bệnh sau khi được thầy Hồng “cám ơn” và ra đi trên hành lang trên lầu, mắt vô tâm nhìn xuống sân BV Từ Dũ, tôi thấy có chiếc xe jeep đậu dưới gốc cây với mấy người mặc đồ rằn ri đứng ngồi chung quanh. Tôi cũng không nghĩ ngợi gì, chỉ đi xuống sân BV để lấy xe của mình. Tôi thấy một người lính nói chuyện gì đó với một bạn của tôi và anh bạn chỉ chỏ về hướng tôi. Tôi cũng đâu nghĩ gì, ai ngờ người lính đó đã bước tới để chận tôi lại và “lễ phép” hỏi: Xin lỗi, phải BS là BS Ấn? Bây giờ đứng cạnh mấy người lính rằn ri nầy, tôi mới thấy rõ họ mặc quân phục BĐQ và vai áo có phù hiệu LĐ5 là đơn vị sắp tới của tôi và người lính hỏi tôi mang cấp bậc trung sĩ. Tôi vui vẻ: Phải, tôi đây. Sao mấy anh biết tôi? Anh trung sĩ lễ phép: Tụi em được lệnh về đây để đón bác sĩ lên hành quân ngay, trung tá Liên đoàn trưởng đang chờ bác sĩ. Ui chà, cái gì mà tôi trở nên quan trọng vậy? Tôi bèn nói, Được rồi, tôi về nhà thay đồ lính rồi túm mớ hành lý là mình đi liền. Mấy anh chạy theo tôi nha. Anh trung sĩ nói: Bác sĩ cứ chạy về nhà đi, tụi em biết đường mà…
Thì ra, trên đơn vị mong tôi lên hành quân nên đã gọi máy về cho hậu cứ bảo về Saigon đón tôi. Đơn vị đã lấy địa chỉ tôi từ BCH/BĐQ để tìm đến nhà tôi và được bà xã tôi cho biết tôi đang ở trong Từ Dũ để thi clinique. Thế là họ chạy thẳng tới BV Từ Dũ. Bây giờ là con đường ngược lại, họ chạy theo tôi về nhà để tôi cất xe, túm mớ quân trang rồi theo họ lên đơn vị. Vợ tôi hỏi, anh ăn cái gì đi chớ, bây giờ cũng gần 1 giờ trưa rồi, để bụng đói rồi coi chừng không có gì ăn dọc đường à… Đúng rồi, làm gì làm cũng phải ăn trưa cái đã, lo thi cử nên sáng giờ có ăn gì đâu mà cũng đâu nghĩ tới ăn uống gì…
Khi tôi ăn xong, mặc vào bộ đồ trận, xách cái sac marin leo lên xe jeep thì cũng hơn 1 giờ trưa. Lần đầu tiên ngồi xe jeep ở ghế trưởng xa bên cạnh tài xế, lòng tự nhiên thấy hảnh diện cho mình hết sức mà không biết hảnh diện về cái gì nữa!! Lên tới căn cứ Củ Chi và lần đầu tiên chạy xe vòng vòng trong căn cứ nầy, hồi trước do quân đội Mỹ xây dựng bây giờ giao lại cho VN, sao thấy nó mênh mông hết sức, giá mà tự tôi đi lên đây trình diện, tôi không biết đi bằng cái gì và làm cách nào tìm ra hậu cứ của Liên đoàn chỗ nào nữa…
Giấy tờ thủ tục ở Ban 1 LĐ diễn ra trong vòng 15 phút là xong, tôi chỉ ký tên vào một số giấy tờ đánh máy sẳn, đưa cho họ căn cước quân nhân và chứng chỉ tại ngũ (đi hành quân không nên đem theo) rồi họ đưa cho tôi khẩu Colt .45, vài băng đạn với giây ba chạc “đeo cho oai” chớ bác sĩ lo chữa bệnh chớ có bắn ai bao giờ? (Họ nói mà tôi cũng nghĩ vậy) Tôi không nhìn thấy cả QY hậu cứ mặt ngang mủi dọc ra làm sao nữa thì đã leo lên xe jeep để ngồi chạy ra phi trường là một cái sân trống trãi trong căn cứ, nơi đó có chiếc trực thăng duy nhất đang đậu với vài sĩ quan mặc quân phục BĐQ đang đứng hút thuốc vòng vòng quanh đó. Thấy xe jeep chở tôi ra là cánh quạt trực thăng bắt đầu nhúc nhích với tiếng động cơ từ u u nhỏ nhỏ tới gầm thét vang trời và cánh quạt quay tít trên đầu càng lúc càng mạnh. Mấy sĩ quan kia cũng leo lên trực thăng với tôi và hai cái càng bắt đầu nhốm khỏi mặt đất…
Tôi thì không biết hướng đông tây gì cả, chỉ biết do đoán nhờ nhìn xuống cảnh vật trôi đi bên dưới chiếc trực thăng đang lướt ào ào… Hết bao nhiêu là ruộng đồng xanh ngát với nhà cửa thưa thớt, xơ xác vì bom đạn chiến tranh thì bên dưới tôi là những khoảng trống ngút ngàn với thuần một màu đỏ ối của đất (hay đá?) Anh sĩ quan ngồi kế bên nói vào tai tôi: “Qua tới Miên rồi đó bác sĩ.” Mà quả là Miên thật vì tôi không còn thấy những căn nhà lá “tiêu biểu” của ruộng đồng miền Nam mình mà là toàn đất trống đầy vẻ khô cằn, ruộng vườn gì không thấy đâu và thiếu hẳn bóng cây dừa hay ruộng lúa… Bù lại đó thỉnh thoảng chen vào đất đỏ là bóng trơ trọi của một vài cây thốt nốt. Không biết đứng gần ra sao nhưng từ trực thăng nhìn xuống thì ngay cả cây thốt nốt hình như cũng có vẽ nóng bức và cô đơn vô cùng.
Chừng gần 3 giờ chiều, trên phi cơ nhìn xuống đất đang trống vắng nhất là từ nảy giờ không thấy một bóng người hay sinh vật gì khác bổng tôi thấy có một đám người lố nhố đứng rải rác bên cạnh một số thiết vận xa M113 ở giữa trời nắng chang chang và tiếng động cơ trực thăng bắt đầu đổi giọng như có vẽ sắp hạ cánh xuống chỗ đó. Nghĩ lại, mới hồi 12 giờ trưa, tôi còn ở trong BV Từ Dũ mà 3 giờ chiều, khi trực thăng đáp xuống thì tôi đã ở bên Kampuchia với một khung cảnh hoàn toàn xa lạ như ở một thế giới khác. Trên đầu tôi là trời nắng chang chang nóng đổ lửa, dưới đất là đất đỏ với đá sỏi lụn vụn và lơ thơ có vài cây thốt nốt không cho ai tí bóng mát nào cả. Thì ra nơi trực thăng đáp xuống là Bộ Chỉ huy Liên đoàn 5 đang trên đường hành quân với bóng dáng bao nhiêu chiến sĩ BĐQ đứng rãi rác cũng như bao nhiêu người bu tới chung quanh chiếc trực thăng. Tôi vác chiếc sac marin nhảy xuống đất vào giữa vòng “đón tiếp” của các chiến sĩ cùng đơn vị, giữa những bộ mặt đen đúa, dày dạn phong trần bổng có một gương mặt “ít đen hơn” và lại có vẽ quen thuộc, thì ra đó là anh Huỳnh Kim Chung, đương kim Y sĩ trưởng Liên đoàn, người mà tôi được đưa ra đơn vị để làm phụ tá cho anh.
Hai chúng tôi bắt tay nhau thân thiện (tuy là hồi trong trường Y khoa thì anh và tôi tuy có biết nhau nhưng chả có thân thiện bao nhiêu) Anh quay sang một người lính và nói giọng ngắn gọn (đầy vẻ uy quyền rất lạ đối với tôi): Mầy xách đồ BS Ấn về chỗ QY cho tao đi. Anh lính BĐQ chỉ dạ, tay đưa ra cầm lấy cái sac marin của tôi và biến dạng khỏi đám đông. Anh Chung quay sang nói với tôi, cũng là giọng nói của một người mà từ anh lính sang tôi, giọng anh đã đổi khác hoàn toàn: Toi đi với moi một vòng cho biết mặt Liên đoàn đi. Tôi nói Dạ rồi đi theo anh.
Người đầu tiên anh Chung đưa tôi tới gặp là hai ông trung tá đang ngồi trên hai cái thùng đạn để trên đất, ngồi xa ra khỏi đám đông. Quen theo lề lối trong Trường với lại tôi nghĩ, không gì mình cũng là dân Hiện Dịch nên tôi đứng nghiêm và làm thủ tục chào kính để trình diện đàng hoàng rồi được anh Chung giới thiệu cho tôi biết, đó là tr/tá Ngô Minh Hồng, Liên đoàn trưởng và tr/tá Lê văn Hoà, Liên đoàn phó. Tr/tá Hoà thì không nói gì, chỉ có tr/tá Hồng cho tôi biết Sao ông trẻ quá vậy? Nếu không có BS Chung biết ông thì tôi không thể nào tin ông là bác sĩ mới về đơn vị của tôi hết, ĐM, cở thằng VC nào xấu xấu lượm được cái sự vụ lệnh của ông rồi giả dạng ra đây làm sao? Rồi ông ta hỏi tôi, giọng nửa đùa nửa thiệt: Ông cho tôi coi căn cước sĩ quan được không? Tôi thưa, tôi đã học các lề thói từ ở trong trường và người quân nhân, nhất là sĩ quan đi tác chiến không nên mang theo căn cước hay giấy tờ gì hết để lỡ có chết (hay bị VC bắt được), VC cũng không có thể lấy giấy tờ gì của mình để xài được và tôi nghĩ, có khi ông ta muốn thử coi tôi có thuộc bài không không chừng.
Nhưng thú thiệt, cái cách hỏi han của ông ta không làm tôi thiện cảm chút nào nhất là ông ta hỏi câu thứ nhì (mà tôi không bao giờ quên): ĐM, anh có biết nhảy đầm không vậy? Ở BĐQ mà không biết nhảy đầm là coi như không đạt yêu cầu rồi đó nha… Tôi chưa biết trả lời sao cho “hợp tình hợp lý” thì may sao anh Chung chen lời: Học Y khoa ra bác sĩ mà ai không biết nhảy đầm hả trung tá? Vậy là qua phà… Chỉ tiếc là sau đó, tôi nghe thoáng khi anh Chung với tôi rời xa 2 ông xếp: ĐM, tưởng hổng biết nhảy đầm thì phải tốn mấy ngày phép cho chả về Saigon học khóa cấp tốc rồi hảy lên đơn vị… Làm tôi tiếc hùi hụi, phải chi mình nói không biết nhảy đầm để có cớ kiếm thêm mấy ngày nữa ở Saigon với gia đình!
Nói chuyện mấy câu là anh Chung cáo từ rồi đưa tôi đi vòng vòng các ban ngành của Liên đoàn trên Hành quân. Ban 1 thì tôi đã trình diện hồi trưa ở Củ Chi, giờ đi theo hành quân chỉ có một thiếu úy tên Hải đại diện cho ban 1, ban 2 thì có đ/uý Đông, ban 3 đ/úy Thọ, đại úy Xê truyền tin, đại đội trưởng trinh sát 5 đ/úy Thu và đại đội Công binh Liên đoàn có tr/úy Thắm chớ không có đại đội trưởng CB. Ai mặt mủi tuy “ngầu” nhưng đều có vẽ vui vẻ với tôi trừ đ/úy Thu, chắc là bệnh trĩ hay sao đó mà cái mặt chằm vằm không cười không nói…
Sau một vòng đi chào các ban ngành, tôi trở về ban Quân Y để được anh Chung giới thiệu với các quân y tá của Liên đoàn tức là các “đệ tử” của mình. QY có chưa tới 10 y tá và tôi không nhớ ai bằng ch/úy Hải, người Bắc, mập mạp và theo sách tướng thì là tay khó chơi và khó hiểu tuy bên ngoài, ông cười nói tỏ ra rất chảo lãi và thân thiện. Ngoài ra còn có trung sĩ nhất Hải mà anh em gọi là Hải “nẫu” để phân biệt với chuẩn úy Hải là y tá trưởng, rồi Long “mập”, theo thời trang thì là một con kiến càng với toàn bắp thịt cuồn cuộn để phân biệt với Long “đại liên” là một hạ sĩ nhất lớn tuổi, chết tên Long “đại liên” không phải vì anh ta chuyên bắn đại liên mà vì anh chàng có cái tích khi VC pháo xối xả, anh đã mắc đi cầu nhưng không dám ra khỏi hố cá nhân nên anh chàng đã chơi đại trong một thùng đạn đại liên nằm trong hố cá nhân. Còn mấy người nữa không có gì đặc biệt nên tôi không nhớ tên.
Anh Chung còn giới thiệu với đám đệ tử rằng tôi là tay tứ chiếng giang hồ trong trường nên tất cả phải coi chừng vì tôi sẽ không “hiền” như anh. Rồi anh nói với tôi, vấn đề ở đơn vị tác chiến cần phải du côn, lựu đạn một chút mà các bác sĩ thông thường không có mà tôi có “hơi nhiều” nên bảo đảm, tương lai trong cuộc sống chung đụng ở tuyến đầu, tôi sẽ thích nghi không mấy khó khăn. Ngoài việc giới thiệu tên tuổi, tính tình mọi người, anh Chung lo bàn giao cho tôi các thuốc men, y cụ cũng như nói sơ qua về các thủ tục giấy tờ cần thiết ở hành quân. Còn đời sống hành quân hàng ngày như cả ngày, Liên đoàn sẽ di chuyển bằng cách ngồi vắt vẻo trên nóc các xe M113 rồi đêm tối, khi dừng quân sẽ chia ra ngủ chung quanh các xe đó. Mỗi quân nhân sẽ đào một cái hố cá nhân để khi VC pháo kích thì có mà lăn xuống để tránh miểng và việc pháo kích nầy coi như thường xuyên hàng đêm. Bị thương nhẹ thì chúng tôi (QY) lo cứu chữa, còn bị thương nặng hơn thì bác sĩ sẽ lo việc sơ cứu (premier soin) xong sẽ gởi về tuyến sau bằng chiếc trực thăng lên xuống mỗi ngày như chiếc đã đưa tôi tới đơn vị. Chiếc trực thăng hồi trưa mang tôi ra đơn vị là chuyến liên lạc thường xuyên hàng ngày của Liên đoàn với hậu cứ ngoài việc có nhiệm vụ câu hai khẩu 105 li đi theo Liên đoàn hành quân và khi có tản thương thì cũng chiếc trực thăng đó sẽ kiêm nhiệm luôn nhiệm vụ cao quý và cần thiết đó. Câu nói của anh Chung mà tôi nhớ đời là Tất cả sự dị biệt của chúng tôi khi còn đi học coi như chấm dứt ở đơn vị vì ở đây, có hàng mấy ngàn lính BĐQ nhưng chỉ có 2 thằng bác sĩ, nếu chúng tôi không biết thương yêu, che chở cho nhau thì còn ai thương yêu và che chở cho chúng tôi?
Bửa đầu ở đơn vị, tôi mới thấy cái tài gia chánh nội trợ của các y tá của QY vì trong bửa ăn chiều đầu tiên ở đơn vị cũng là bửa ăn xa nhà đầu tiên trong đời lính, tôi đã được ăn ngon như chưa bao giờ được ăn ngon như vậy mà chất liệu nấu ăn thì có gì đâu? Đừng nói những món như tiêu hành tỏi ớt, ngay cả cái tối cần thiết như nước lạnh cũng đã không thấy vậy mà bửa cơm dọn ra cũng nóng sốt ngon lành… Thầy trò quây quần ăn cơm bên lườn chiếc M113, lính thiết giáp thì có mâm ăn riêng của họ nhưng bửa cơm sao đơn sơ và ấm cúng làm sao…
Ăn cơm chiều xong, tôi móc điếu thuốc ra hút như thường lệ và ngay sau đó là hàng chục anh lính bu quanh tôi ngay để xin tôi có thể chia cho họ một điếu. Bởi vậy, gói Salem mới khui chỉ có một bửa đầu tiên ra đơn vị đã trở thành cái gói giấy không!! Nói chuyện với lính thật vui vì tôi thấy ở họ không phải là những anh chàng theo mình thấy ở hậu phương là những anh chàng đầu trâu mặt ngựa, chằn ăn trăn quấn mà ở đây là những anh trai trẻ, những chàng nông dân ngây thơ, chơn chất, bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh mà họ không muốn cũng như không biết gì về cái gọi là ý thức hệ hay chính trị xa vời. Họ chỉ muốn sống còn, tồn tại cho qua ngày tháng, cho gia đình có thêm chút đỉnh họ có thể để dành được trong những ngày gian khổ để tăng thêm một chút lợi nhuận cho gia đình. Hầu hết đều trẻ hơn cả tôi (tuy tôi cũng còn rất trẻ, mới 26 tuổi lúc ra đơn vị) đa số họ đều có số quân nhỏ hơn tôi vài ba tuổi và trên gương mặt rám nắng là một ánh mắt ngây thơ, hiền lành… Có chàng lính trẻ đi hành quân mà mang theo được cây đàn guitare, anh ta lấy ra đàn những bản nhạc buồn của lính xa nhà làm tôi nghe rất cảm động. Tâm trí tôi chưa gì đã có ước mơ cho một quê hương thanh bình, cho những người lính tôi biết hôm nay sẽ không bao giờ phải bị bó poncho và không gia đình nào sẽ đón con về trong cái quan tài phủ lá cờ vàng…
Rồi các đơn vị trưởng của các ban ngành trong Liên đoàn tập họp lính tráng lo chia cắt việc canh gác, phòng thủ cho Bộ Chỉ huy Liên đoàn (trừ QY khỏi phải canh gác). Phải nói, BCH/LĐ được bảo vệ và phòng thủ bởi đại đội trinh sát và trung đội cận vệ. Đại đội trinh sát nếu không có chuyến đi vào lòng địch thì phối hợp với trung đội cận vệ là trung đội lo an ninh cho hai ông trung tá và hai đơn vị nầy chia nhau trong việc canh gác và phòng thủ các cái ở vòng quanh BCH. Còn tôi, trở về với cái xe M113 chở QY để tìm chỗ ngủ và chỗ ngủ của tôi là một cái băng ca xếp được mở ra sắp dài bên cạnh cái của BS Chung ở ngay bên cạnh lườn xe thiết giáp. Có lẽ mệt thì không mệt gì nhưng qua một ngày nhiều biến cố nên tôi vừa nằm dài lưng trên băng ca là tôi đã đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng tuy mơ hồ, tôi biết anh Chung nằm kế bên còn thao thức vì nôn nao cho chuyến trở về với ánh sáng văn minh ngày mai, khi chiếc trực thăng tiếp tế trở lên với Liên đoàn.
Và… giữa cơn ngủ say nồng, đạn pháo kích của VC cũng bắn ào ào qua đầu của BCH, không trái nào rơi gần Liên đoàn cả nhưng chưa quen nên tôi đã lăn người vào chiếc hố cá nhân ngay bên cạnh băng ca cho chắc ăn. Tiếng nổ pháo kích là cái gì hoàn toàn lạ đối với tôi. Có ai chưa từng nghe đạn pháo kích nổ gần bao giờ ắt sẽ thông cảm cho hành động của tôi trong lúc nầy. Cái tiếng đề pa của viên đạn ra khỏi nòng súng rồi tiếng nổ khi viên đạn chạm đất, ôi, cái tiếng như lụa xé, như trời gầm, như bứt tung lồng ngực. Tôi tưởng nếu tiếng nổ liên tiếp chắc con người sẽ khó mà thở cho nổi vì không khí như bị dồn nén thật chặt, đè ép lồng ngực, làm mụ trí óc và tê liệt con người… Cứ thế, tiếng đề pa rồi tiếng nổ, liên tiếp, nhịp nhàng như tiếng đánh trống hay tambourine của một dàn nhạc chơi liên tiếp và đều đặn… Tôi nhìn quanh, các chiến sĩ BĐQ, ngay cả anh Chung vẫn ngủ say như không có gì xảy ra, ngó quanh ngó quất thấy mà buồn cười cho chính tôi vì trước sau, tôi vẫn là người duy nhất ngồi ở dưới hố cá nhân và còn thức!! Có tiếng nói đâu đây, dĩ nhiên của mấy người còn thức, không thức vì đạn bắn làm họ lo sợ như tôi mà chỉ vì tiếng nổ “ồn ào” làm họ mất giấc ngủ và nổi giận: ĐM, mấy thằng nầy bộ hổng ngủ sao ta, bắn có trúng con mẹ gì đâu mà đêm nào cũng chịu khó bắn hoài? Có tiếng khác, có vẽ “sành điệu” hơn, ĐM, nó bắn bằng 122 li nên bắn xa hơn mình, cây của mình có 105 thì có trả đủa đéo gì được? Hay thiệt, nghe nổ tung trời như vậy mà họ biết viên đạn nầy là của hoả tiển 122li của VC chớ còn tôi, quả thực, nghe hai chữ pháo kích nhiều lần trên đài phát thanh cũng như coi qua báo chí nhưng ở cái cảnh nổ tung trời như thế nầy thì quả thực, cho tiền tôi cũng thua, không thể nào phân biệt được đạn gì là gì… Và nghĩ đâu xa xôi, cái kiếp sống của một anh lính mới tò te là như vậy, cái gì cũng không biết và cái gì cũng phải học hỏi, một bê trể hay chậm tiêu là sẽ trả giá bằng chính mạng sống của chính mình… Biết tôi có sống qua cuộc chiến nầy không khi con đường binh nghiệp của một thằng bác sĩ hiện dịch mới bắt đầu chưa được 24 giờ? Nói thì nói vậy chớ rồi giấc ngủ cũng trở lại với tôi sau vài tràng pháo kích, có khi tiếng đạn nổ từng nhịp xen lẫn tiếng đề pa cũng là một loại tiếng động đều đặn dỗ giấc ngủ hiệu quả không chừng… Rồi chiến tranh hay không thì mặt trời vẫn trở lại sáng hôm sau.
Ánh sáng đầu ngày trả lại sinh khí cho cái tập thể nhỏ xíu trên mặt đất là Bộ Chỉ huy Liên đoàn 5 BĐQ đang ở Kampuchia. Mọi người cơ hồ ai cũng bận rộn với công việc của họ (trừ tôi, không biết việc gì phải làm ngoài việc ngồi ở mép băng ca nhìn quanh quất nhất là về phía anh Chung đang tom góp đồ “tế nhuyển” để sẳn sàng tháp tùng chuyến trực thăng liên lạc hậu cứ ngay khi nó lên tới. Rõ ràng có cái thái độ nôn nóng trở về với ánh sáng văn minh trong những hành động của anh và nhìn anh, tôi không khỏi thấy mình cũng nôn nao trong bụng, chừng nào tới phiên mình đây? Theo lời anh Chung nói với tôi thì mỗi người chúng tôi sẽ luân phiên đi theo hành quân nửa tháng và làm việc ở hậu cứ nửa tháng nhưng lần nầy về hậu cứ, anh Chung có cho tôi biết anh có chút việc riêng nên có thể anh sẽ trở ra hành quân thay tôi hơi trể một chút nên tôi có thể đi một chuyến khoảng 20 ngày. Thôi cũng được, 20 ngày so với bao nhiêu người lính chiến, họ đi hàng năm hàng tháng là thường, có ai thấy mặt Saigon mỗi tháng một lần như mình đâu mà buồn, mà lo? Sau đó, anh Chung đi tới nơi trú quân của hai ông xếp để loan báo (hay xin phép?) rằng anh sẽ theo trực thăng liên lạc trở về trong ngày hôm nay vì QY hiện đã có tôi thay thế (trông người lại ngẫm đến ta… và nôn trong bụng!)
Bửa sáng đầu tiên của tôi ở đơn vị thiệt là tức cười vì nhiều cái đơn giản mà rắc rối tới mức tôi chưa biết tính sao… Tôi có thói quen đi cầu vào buổi sáng mới vừa thức dậy nhưng hôm nay, thức dậy rồi thì bụng tôi đã lên tiếng kêu gào cho công việc thường lệ nhưng nhìn quanh quất, tôi vẫn chưa biết cái gì sẽ là cầu tiêu của tôi (cho dù là dã chiến) nhất là đã sáng trắng và lính trong đơn vị thì đã có mặt khắp nơi trong hiện trường… Nhìn ra xa xa hơn vòng phòng thủ của đơn vị một chút, tôi thấy có những anh chàng chậm chạp trở về vòng đai Liên đoàn, trên tay họ còn cầm chiếc xẻng cá nhân, thì ra thế! Vậy thì tôi sẽ phải cố dậy sớm hơn nữa rồi sẽ mang theo chiếc xẻng nhà binh, sẽ… đi dạo quanh đây một vòng, sẽ… lựa chỗ khuất một chút rồi đào một mini-hố cá nhân để có chỗ gài mìn cá nhân và sau đó sẽ lấp trở lại, nhiều cái “sẽ” quá nhưng hôm nay thì đã trể tràng hết rồi. Mấy quân y tá không biết thức dậy hồi nào và sửa soạn hồi nào mà giờ đã lên tiếng gọi tôi uống cà phê sáng. Lại còn điệu nghệ hỏi tôi muốn uống cà phê đen hay cà phê sữa nữa chớ!! Tôi kể ra cũng gọn, buổi sáng, tôi chỉ cần ly cà phê sữa với một điếu thuốc lá đầu ngày là coi như đủ sống cho ngày đó. Bởi vậy, chỉ trong chớp mắt là tôi đã thong thả ngồi đong đưa trên miệng hố cá nhân của tôi (không biết trong mấy Quân Y tá ai đó đã đào cho tôi chiều qua) miệng phì phèo khói thuốc và suy nghĩ miên man về cuộc sống sắp tới của mình.
Anh Chung, sau khi đi thăm và chào tạm biệt các sĩ quan trong Liên đoàn giờ cũng đã trở về “xóm” QY và anh cũng có khẩu phần là một tô mì gói (không biết đệ tử ai đã làm sẳn cho anh) và anh đã vẽ kế hoạch cho 15 ngày sắp tới của anh ở hậu cứ. Ôi, cái chữ hậu phương nghe sao quá xa vời…
Đời sống của QY nói riêng và Liên đoàn BĐQ nói chung trong những ngày tôi mới ra đơn vị thật là bình yên. Buổi trưa, đệ tử QY đã hỏi ý tôi muốn ăn gà rôti hay gà xé phai. Tôi thực tình không hiểu giữa nơi đồng không mông quạnh như thế nầy thì vật liệu đâu mà nấu cái gì, chỉ có gà là tôi biết, đó là “chiến lợi phẩm” của anh em đã thu hoạch được trong mấy ngày qua, hiện vẫn còn 5, 6 con bỏ trong những chiếc lồng tre treo hai bên hông chiếc xe M113 mà có y tá đã giải thích cho tôi biết, giỏ nào của QY, giỏ nào là của mấy anh thiết giáp nhưng thật ra cũng là của QY chia cho vì khi bắt gà dưới đất, QY (hay nói chung là BĐQ tùng thiết, ngồi trên trần chiếc xe) thì có cơ hội “bay” xuống bắt nhanh hơn rồi sau đó chia cho thiết giáp chớ mấy anh mũ đen ngồi trong xe thì làm cách gì bắt được con gà nào? Bửa ăn tuy ở mặt trận sao cũng ngon lành với đầy đủ muỗng, dao, đủa, dĩa các cái như ở nhà… (Nói ra thì sợ bà xả tôi ở nhà buồn chớ thực tình mà nói, cho bà xã tôi ở cái cảnh nầy, không cách gì bà ấy nấu ăn ngon và nhanh bằng mấy ông thần đệ tử QY được…) Ăn trưa xong chưa bao lâu thì tiếng xạch xạch của chiếc trực thăng đã vang lên tới chỗ Liên đoàn đóng quân và sau khi các quân nhân ra hành quân hay về hậu cứ lên xuống máy bay thì nó đã cất cánh bay trở về mang theo anh Chung sau khi anh nói lời cuối của anh hôm nay có tính cách như gởi gấm tôi lại cho các quân y tá: Tao về hậu cứ đây, tụi bây ở lại có bác sĩ Ấn thì không có gì phải lo, tụi bây phải coi bác sĩ Ấn như thấy tao, riêng tao nhắc tụi bây là đừng lạng quạng với bác sĩ Ấn gì hết vì tao báo tụi bây tin buồn là bác sĩ Ấn đánh nhau hay lắm đó, tụi bây chọc tao không sao mà chọc bác sĩ Ấn là ổng đánh tụi bây hộc máu luôn đó… Bác sĩ là nghề tay trái, nghề chánh của ổng là đánh người ta đó, liệu mà coi chừng…
Rồi những ngày sau đó, câu chuyện về đời sống của những ngày đầu tiên thực sự trong quân ngũ của tôi là những ngày ngồi vắt vẽo trên M113, đầu chịu cái nắng chang chang, nắng đổ lửa đi qua những vùng mà tôi không biết đâu là đâu. Không có việc làm gì liên quan tới nghề Y của tôi cả. Không hiểu ở đây thì mưa ra sao và mưa mấy giờ, mấy phút trong một năm? Đất khô cằn, sỏi đá, cái loại đất đỏ chỉ cần ngó là đã thấy nóng bàn chân rồi… (cũng may khi nhìn lại để xem xét, chân tôi vẫn còn mang đôi botte de saut!) Tưởng tượng những người dân Miên mà chúng tôi thỉnh thoảng gặp trên đường di chuyển, họ toàn đi chân đất mà sao không thấy họ có vẽ bị nóng chân gì cả!! Giờ ăn thì như đồng hồ, hể có Y tá nào rống họng lên đói bụng, thế nào lát sau cũng cơm nước sẳn sàng và mỗi bửa ăn, tuy không thịnh soạn theo tiêu chuẩn nhà hàng nhưng có thể nói, đó là những bửa tiệc nho nhỏ mà ở cái gia đình nhỏ của tôi chỉ có thể xảy ra chừng vài lần mỗi năm. Hể ngày thì như thế, còn đêm thì đêm nào như đêm nấy, cũng ngủ trên băng ca để sát vào gầm chiếc xe thiết giáp, cũng chiếc M113 một bên và cái hố cá nhân bên kia. Giấc ngủ thì yên lành, tuy chỉ qua mấy ngày nhưng tôi như đã quen với trận địa nên hể tôi nằm xuống là ngủ, bất kể ai nói năng gì xin miễn không liên quan tới tôi là tôi cứ ngủ.
Nhớ có Y tá nói lén tôi (chắc là hắn ta tưởng tôi đã ngủ say nên không nghe chăng) Ông Ấn chắc ở nhà không được ngủ hay sao ra đây mà ổng ngủ bạo quá!! Bạo chỉ ở tiếng người ta nói thì nhằm gì, tôi còn ngủ qua luôn các cú pháo của VC vì cái tụi nầy, có bao giờ chịu ngủ một đêm thẳng giấc? Đêm nào làm gì cũng phải rót vài tràng pháo như nhắc nhở chúng tôi đây là chiến trường chớ không phải khách sạn Majestic!! Chiến trường hay khách sạn Majestic thì tính sau, tôi ngủ là tôi cứ ngủ, chừng nào có lính bị thương hay VC pháo gần quá sẽ hay! Nói lính bị thương mới nhớ, suốt bao nhiêu ngày tôi ở chiến trường bên Miên, VC pháo lia lịa hàng đêm mà đơn vị tôi không dính một con nào hết, chắc thánh nhân cũng đãi kẻ khù khờ là tôi, không cho lính bị thương lúc tôi chưa quen chiến trường hay sao đó.
Mỗi buổi sáng sớm, Bộ chỉ huy Liên đoàn đầy cả hình ảnh những anh chàng BĐQ, tay cầm xẻng cá nhân, mắt láo liên nhìn chung quanh để dò địa thế mà như xem cảnh vật, đi rảo vòng vòng để rồi nhanh như cắt, đã đào chớp nhoáng một cái lổ để sau đó rải mìn cá nhân xuống, xong chùi đít và lấp hố cá nhân đó lại, sau đó lại nhìn trời hiu quạnh, xách xẻng trở về nhiệm sở. Nhìn mà mắc tức cười nhưng cười không được vì trước sau gì, mình cũng là một trong những người yêu cảnh vật đó nên thế nào cũng có mình mắt nhìn quanh quất tưởng chừng như ngắm cảnh thiên nhiên ban mai mà trên tay cầm xẻng!!
Một bửa nọ, tôi nhớ hoài vì đây là “ca” đầu tiên của tôi ở đơn vị mà cũng là ca đầu tay của tôi ở chiến trường.
Một ngày nọ, đang trên đường di chuyển (mà tôi cũng không biết đi từ đâu để đến đâu?) đoàn xe M113 bổng đột ngột dừng lại rồi từ chiếc chạy trước chiếc của QY, tiếng mấy anh lính truyền miệng về tới chiếc xe chở tôi: 78 muốn gặp BS Ấn. (78 là tên gọi trên máy của trung tá Hồng, Liên đoàn trưởng, xếp của tôi) Thế là tôi nhảy xuống xe M113 để đi lên phía trước và trình diện xếp. Đứng quanh quẩn chung quanh chiếc xe M113 của trung tá Hồng là một đám người lố nhố, lính BĐQ của đơn vị tôi cũng có mà còn có một số người vận sà rông, da đen nghịt. Khi thấy tôi bước đến, một anh lính đã hô hoán lên: Kìa, bác sĩ đến rồi đó! Lúc đó thì trung tá Hồng quay lại thấy tôi, ông ta gọi tôi tới gần rồi chỉ tay về phía những người Miên: Không biết họ có vấn đề gì mà tới đây, chận đoàn quân của mình để kiếm bác sĩ. ĐM, cũng may mình có thằng đệ tử nói được tiếng Miên mới hiểu nó nói cái gì. Đâu, để tôi biểu nó làm thông dịch viên cho anh nghe. Rồi ông ta bảo một anh hạ sĩ trong toán cận vệ của ông ta, bảo anh nầy làm thông dịch viên cho tôi và qua anh hạ sĩ nầy, tôi được biết vợ của một anh Miên trong đoàn người nầy bị băng huyết chắc cũng nặng nên cả sóc Miên quýnh quáng cả lên, rồi do họ biết có đoàn quân VN trên đường hành quân ngang nên họ chận lại, với hy vọng biết đâu trong đoàn quân VN đó có bác sĩ để cứu cho người đàn bà Miên nọ.
Vấn đề là người đàn bà Miên vẫn còn nằm trong sóc mà cái sóc đó cách đây, theo lời những người Miên nói, thì cũng vài cây số chớ không có mặt trong đoàn người Miên đi tìm người cứu chữa. Khi nghe tôi trình bày câu chuyện lại cho ông Liên đoàn trưởng thì trung tá Hồng bảo với tôi là tùy bác sĩ, muốn đi cứu con mẹ Miên đó thì đi nhưng vấn đề an ninh thì ra xa Liên đoàn quá có thể không bảo đảm. Nghe trung tá Hồng nói, tôi cũng hơi ớn vì thiệt tình, tôi có biết đâu là đâu đâu, lỡ đi theo mấy người Miên nầy mà sa vào bẩy của VC dàn cảnh có phải tôi sẽ bị VC bắt dễ dàng không? Rồi suy đi nghĩ lại, phần thì ngó gương mặt hớt ha hớt hãi của người chồng Miên mà tôi cảm động, bụng nghĩ thầm: Vợ bị băng huyết như thế nào mà cả sóc hốt hoảng, nay gặp bác sĩ sợ chết nên không cứu được!! Tại tôi nghĩ vậy nên tôi mới đề nghị với trung tá Hồng: Sống chết ai cũng có số, nếu trung tá nghĩ tới tình trạng an ninh và sinh mạng của vợ anh Miên nầy thì xin trung tá cứ cho một toán lính đi theo tôi, tôi sợ thì cũng có sợ thiệt nhưng nghĩ tới sinh mạng của người đàn bà nào đó mà làm ngơ đúng là không yên tâm. Kết cuộc thì trung tá Liên đoàn trưởng cho một tiểu đội cận vệ của ông ta đi theo tôi, còn tôi dắt theo quân y tá là Hải nẫu để phụ việc (tôi chọn Hải nẫu vì thấy cái lon trung sĩ nhất hy vọng anh ta biết kha khá về y khoa để có thể ứng biến giúp tôi vì mới quen với đơn vị, tôi có biết ai giỏi ai dở thế nào đâu?)
Thế là đoàn người lên đường. Đám người Miên xí xô xí xào đi trước, tôi với hơn một tiểu đội Biệt động quân lầm lũi theo sau mà mục tiêu thiệt tình đám lính tráng chúng tôi có ai biết là đâu nhất là tôi, vừa là lính mới vừa cái quang cảnh trên đất Miên thiệt khó lòng đoán được vị trí của mình. Trên trời cứ nắng đổ lửa, dưới đất không cảnh vật gì đặc biệt, chỉ có đất đỏ và vài cây thốt nốt đó đây. Nhìn 4 phía thiệt giống hệt nhau, cho vàng tôi cũng chịu thua, không thể nào định hướng được mình ở đâu tuy nhờ mặt trời tôi còn có thể nói hướng đông tây nam bắc! Giả sữ đi chừng 15, 20 phút rồi bảo tôi quay trở lại chỗ đóng quân Liên đoàn hồi sáng một mình, tôi cũng đành chịu thua. Nói vậy chớ tôi cũng lẳng lặng đi theo đoàn người, trong trí thì ráng hết sức mà nhớ đường quay lại nếu cần thiết xảy ra.
Không biết xa gần, chỉ biết đường đi tới cái sóc trơ trọi giữa cánh đồng đá đỏ lổn ngổn kéo dài chừng 2 tiếng đồng hồ đi bộ (và để cho các độc giả biết cái sóc là gì, cái sóc không là thôn, là làng gì cả mà chỉ là tập họp một xóm gồm một nhóm nhà sống hiu quạnh, hoang sơ giữa đồng trơ trọi bên Miên) Ở đây, cái sóc gồm chừng dưới hai chục cái chòi đất, gọi là chòi đất vì cách cấu trúc đều giống nhau, cái nào cũng hình tròn – không tròn – hay chữ nhật nhỏ xíu, kể ra giống như cái nhà kho chứa dụng cụ để sau sân nhà bên Mỹ, nóc thì lợp lá (đủ loại lá chớ không phải lá dừa như ở thôn quê VN) và vách thì bằng đất ướt, trét lên cái sườn nhà (bằng cây gì tôi cũng không biết vì ở cái sóc tôi đến, có thấy cái cây nào đâu để làm sườn nhà?) và cái chòi tôi đến khám bệnh có vẽ là cái chòi duy nhất trong sóc thấy có sinh hoạt một chút vì có người ra, kẻ vào, người đứng trước cửa, còn bao nhiêu cái chòi khác thì im ỉm, không biết có người ở hay không nữa ?
Cái cảm tưởng đầu tiên của tôi khi bước chân vào cái chòi có người bệnh (tuy chưa thấy người bệnh là ai, nằm ở đâu cả) là tôi đã thấy muốn bệnh!! Trời bên ngoài đã nóng và khô thấy sợ, bên trong chòi còn nóng, khô và “hầm” nữa vì không khí có vẽ như bị “ú” lại bên trong, không di chuyển được chút nào. Mấy người trong chòi đứng cả dậy, tránh ra nhường đường cho tôi và Hải nẫu và nhờ đó, tôi thấy trên sàn nhà (tức là mặt đất giống như bên ngoài, chỉ khác là bên trong cái vách chòi) là một người đàn bà Miên, đen đúa, xấu xí thêm cái nhăn nhó vì đau đớn, cái xanh mướt vì mất máu nên mức độ xấu xí của bà ta càng tăng lên gấp bội. Một anh Miên trong đoàn người ra đón đoàn xe BĐQ nói một tràng tiếng Miên (dĩ nhiên tôi không hiểu gì cả) và Hải nẫu phiên dịch rằng: Người đàn bà đó là vợ anh ta, có bầu tính ra mấy trăng rồi và hiện ra máu cũng đã 3, 4 ngày nay. Chắc không cần làm nội trú ở Sản Phụ Khoa, ai trong lớp tôi cũng dư đoán ra được ngay là bà nầy một là hư thai, hai là biến chứng sao đó do cái thai mà ra… Tôi lập tức nghĩ tới khám thai bà ta nhưng tự nghĩ mình cũng dơ dáy, nhớp nhúa tuy ngồi trên nóc thiết vận xa nhưng mấy bửa nay có tắm rửa gì đâu lại mồ hôi, mồ kê nhể nhại do trời nắng nóng phủ lên bộ đồ trận mặc lia lịa không cởi từ bửa ở nhà thương Từ Dũ ra đi lên đơn vị tới giờ.
Tuy nhiên, tôi bằng một giọng bình tỉnh, biểu Hải nẫu thông dịch là trước hết, chỉ cho tôi chỗ nào rửa tay sạch sẽ được, có xà phòng càng tốt với một cái khăn sạch để lau tay, thứ nữa là mọi người sẽ phải ra ngoài căn chòi hết, chỉ để lại anh chồng cho tôi hỏi han những chi tiết cần thiết về vợ anh ta. Trong khi chờ đợi, tôi soạn cái túi đựng đồ cấp cứu của Hải nẫu mang theo coi có cái gì có thể “sẽ” cần đến và “có thể dùng được”. Tuy những y cụ trong túi cấp cứu của Hải đem theo toàn đồ “sạch”, đã hấp sẳn từ trước nhưng trong bụng tôi vẫn lo là làm gì đi hành quân của Biệt động quân lại có dụng cụ để nạo thai? Đúng là về phương diện Y khoa thì tôi thấy không có gì phải lo nhưng thực tế, bửa đó ở bên Kampuchia, tôi đã vái van luôn miệng cho trong túi cứu thương của y tá Hải nẫu có bất cứ cái gì coi như “tạm thời” xài được trong trường hợp nầy. Trời không nở phụ lòng người hay thánh nhân đãi kẻ khù khờ? Trong túi cứu thương của Hải có được cái sonde để dùng cho đàn ông, ít ra còn hơn là không có gì!!
Tôi bắt đầu khám bà Miên, chỉ chừa phần khám chính là TV thì tôi để đó, đợi rửa tay đàng hoàng mới dám làm. Nói chung, những dấu hiệu lâm sàng coi như tôi khám kỷ tất cả nhưng tới đây, tôi cũng chẳng thấy gì ngoài triệu chứng mất máu nhiều và, qua lời khai “chập chờn” của ông chồng Miên không biết tiếng Việt cũng như sự “thông thạo” tiếng Miên đáng ngờ của Hải nẫu, bà bệnh nhân của tôi hiện có thai khoảng hơn 2 tháng (dựa vào ngày thấy kinh lần chót không bảo đảm là bả nhớ đúng hay ông chồng dịch đúng) tôi bèn đi tới cái kết luận tạm thời, chắc là bả mới có thai và hư thai, nhưng vấn đề là nếu phải nạo thai, tôi sẽ phải nạo bằng cái gì? Dụng cụ cho Biệt động quân đi hành quân thì làm gì có cái để nạo thai chớ? Tôi thiệt là lùng bùng… nhưng trong khi chờ đợi, để câu giờ, tôi liền ra sau chòi để rửa tay cho sạch sẽ. Trước bao nhiêu cặp mắt nhìn tôi như chờ đợi, như tin tưởng, tôi thấy mình thật yếu đuối và… bất lực. Giả sữ ca nầy gặp tôi trong BV Nguyễn văn Học nửa năm trước thì có ra gì, tại sao con người lại gặp chuyện rắc rối ở hoàn cảnh khốn cùng như vầy chớ?
Nói vậy chớ Trời thương rồi cái gì cũng qua. Chắc là Trời thương bà Miên thì đúng hơn vì theo tôi nghĩ, bả có gặp đơn vị tôi đi ngang rồi ra lôi tôi thì bả mới sống sót chớ còn tài cán thì tôi có bao nhiêu và nhất là dụng cụ thì có ra gì? Chỉ khám âm đạo sau khi rửa tay sạch sẻ và mời hết mọi người ra bên ngoài chỉ trừ ông chồng và Hãi nẫu của tôi để phụ tôi lỡ có cần gì. Khi khám âm đạo, nói nào ngay, âm đạo bà nầy cũng rộng và do cái process hư thai cũng làm cổ tử cung mở to hơn bình thường và mềm nên tôi cố hết sức dùng một ngón tay để “ngoéo”, để móc, để cào để làm đủ kiểu cho cái mục đích là lôi cái thai đã hư ra được càng nhiều càng tốt và cái nầy là Trời thương tôi nên cái thai cũng nhỏ và đã “tự giác” nhào ra gần hết rồi nên chỉ sau chừng nửa giờ vật lộn với nó, tôi coi như không biết làm gì hơn và cái thai coi như đã được “nạo” sạch rồi.
Khi tôi đứng lên, tháo bỏ đôi găng tay để ra phía sau chòi rửa tay thì trung sĩ Hải bắt đầu tóm thu đồ đạc và lúc tôi trở vào thì anh chàng đang đứng tán “láo” với đám cận vệ ngoài trước sân. Thiệt tình nghe anh chàng “ca” mà tôi mắc cở, khi nghe mấy anh lính Biệt động kia hỏi han về tình trạng bệnh cũng như của bệnh nhân, anh chàng đã nói có cái gì mà bác sĩ của tao không làm được hả mậy? Hể gặp ổng là ngon lành liền!! Bà nội nó, cở như còn sót thai hay sót chút máu đông lại trong đó chưa ra thì vài bửa nữa, bà người Miên sẽ lên cơn sốt mà chết được chưa nói số lượng máu bị mất đã làm sức khoẻ của bả cũng đã yếu đi quá nhiều… Tôi ra lệnh cho Hải chích cho bả một mủi Vit K (cho gọi là có chích choác chớ cầm máu được khỉ gì!) một mủi coramine để trợ tim cho bả nghe khoẻ hơn và để lại cho bả một đống thuốc bổ, dặn dò anh chồng Miên bằng cái loại tiếng nói, chỉ dặn có mấy thứ thuốc sinh tố để uống mà mỏi cả tay!
Thầy trò lẽo đẽo theo toán cận vệ của ông trung tá cho đi theo lên đường trở về nơi Liên đoàn đóng đêm nay. Tôi thật tình mà nói, giã sử cái toán đó dẫn đi lạc tôi cũng không thể biết được vì khung cảnh địa dư thật khó lòng nhận diện vì cây cối không có chỉ trừ vào ngọn thốt nốt xa xa và rời rạc, không sông, không núi, không đường đi. May là tôi chơi Hướng đạo từ năm 6 tuổi nhưng đứng trước khung cảnh nầy, tôi thật chịu thua không cách chi tìm ra phương hướng. Cái ngộ nhất là mặt trời đi từ đông sang tây nhưng ở bên Miên, hình như mặt trời lúc nào cũng ở trên đỉnh đầu vì nắng nóng sao quá chừng và cái bóng của mình sao không ngã dài mà như “dồn cục” dưới chân?
Thì ra sau khi hai thầy trò QY được tiểu đội cận vệ yểm trợ đi khỏi, trung tá LĐT đã ra lệnh cho LĐ dừng lại ngay chỗ đó để cắm quân qua đêm, Nói gì thì nói, mới đi có mấy tiếng đồng hồ mà khi trở về, thấy bóng những người lính rằn ri xa xa với hình dáng của những chiếc M113 lù lù ra đó là lòng tôi thấy vui kể gì…
Đêm đó, như để thưởng công cho tôi, ông Trời đã biểu tụi VC ngủ thẳng một đêm để chúng tôi cũng được hưởng một đêm an bình không có bị pháo kích.
Kể ra, cuộc đời hành quân của tôi ở Kampuchia tuy kéo dài không lâu, chỉ trên dưới nửa tháng nhưng không có nét gì đặc biệt ngoài chuyện ban ngày thì thầy trò QY phơi đầu dưới cái nắng đổ lửa, chung quanh chúng tôi là những trảng, tức là những khoảng đất trống rộng lớn nhưng không phải là ruộng bỏ hoang mà chỉ là những đồng cát đỏ với loại đá nhỏ rải đầy. Đất xấu như vậy chẳng trách gì người dân Kampuchia nghèo là phải vì với cái đất nầy, thiệt tình muốn trồng cái gì cho có cái ăn cũng thiệt không sao được…
Một buổi chiều tối nọ, đoàn xe ngừng lại ở một xóm nghèo bên đường và như thông lệ, lính tráng từ trên các trần xe M113 tràn xuống để giây phút sau thì quán nào cũng toàn lính BĐQ. Tôi cũng biết làm gì hơn nên cũng thả bước vào một chiếc quán lá, bày biện thô sơ với một cái tủ nhỏ đựng bao nhiêu chai nước ngọt của BGI Saigon, trong quán thì lính BĐQ ngồi đầy. Mới đi hành quân có bao lâu nay tôi thấy lại những chai xá xị Con cọp, nước cam đỏ, bạc hà xanh thắm sắp đầy sau tấm kính của cái quầy làm tôi mê quá nên… lựng khựng, không biết diễn tả tiếng Miên làm sao để mua một chai xá xị. Ai ngờ cô bé bán hàng hỏi tôi bằng tiếng Việt: Mua gì đó chú? Tôi mừng rở thực sự, nói với những người lính chung quanh: Ê, cô bé nầy biết nói tiếng Việt đó anh em! Cô bé nhìn tôi như một con quái vật cô mới thấy lần đầu: Chú nầy ăn nói vô duyên dử hông? Người Việt không nói tiếng Việt thì nói tiếng gì? Bộ chú tưởng tui nói tiếng Chệt hả? Tôi mới trả lời cho cô bé: Xin lỗi cô bé, tại tui tưởng tui còn ở bên Miên nên nảy giờ tui muốn mua chai xá xị mà… không biết nói làm sao…
- Người Việt nam ở Việt nam mà chú tưởng tui chỉ nói tiếng Miên thôi sao?
- Cô bé nói ở Việt nam, tại hổm nay tui ở bên Miên nên đâu biết ở đây là Việt nam…
- Ở đây là Việt nam chớ ở đâu?
- Đây là đâu vậy cô bé?
- Đây là xã Phước Tân thuộc tỉnh Tây ninh nè ông nội… Chú sao chưa thấy già mà sao lẩm cẩm quá trời đi…
Nói thật với độc giả, tôi nghe mình về tới Việt nam rồi sao lòng mừng hết sức mừng. Đọc truyện thấy người đi xa về tới nước nhà, có người đã quỳ xuống hôn lên mặt đất và thực sự, tôi cũng muốn làm như vậy có điều tôi tự thấy mừng sao quá mừng mà làm vậy thì có hơi quá đà nên tôi chỉ vui vẻ hết sức, trả tiền cho cô bán hàng và cầm chai xá xị con cọp ra khỏi quán mà lòng tưởng như mình mới gặp lại một người yêu xưa cũ đã xa tới những… gần 10 ngày !!
Đó là những cảm nghĩ của một con người ngây thơ trước đời sống mới, lần đầu tiên xa gia đình để đi vào vùng lửa đạn ở quê người khác không phải trên quê hương mình và bất ngờ trở lại quê hương trong một hoàn cảnh hoàn toàn bất ngờ… Mấy mươi năm sau, nghĩ tới câu chuyện với cô bé bán hàng ở chợ xã Phước Tân, Tây ninh, tôi vẫn cười cho mình… và cười một mình…
Nguyễn Ngọc Ấn
Ngay hôm sau, 3 đứa trong khóa chúng tôi ra Biệt động quân, Lê văn Vinh (LĐ7) Phạm đăng Hương (LĐ4) và tôi, đã hẹn nhau tới Khu Dân sinh để tìm mua mỗi đứa một bộ quân phục BĐQ đầy đủ trừ béret nâu phải tới tiệm Phước Thành, chuyên bán quân phục để mua bằng được cái mũ béret “đúc” của “Tây” đàng hoàng cho ngon lành để còn đi trình diện Bộ Chỉ huy BĐQ ở trại Đào Bá Phước. Hai bạn tôi thì sao tôi không biết, riêng tôi, việc ra đơn vị kể ra không có sợ mà chỉ có lo mà thôi. Mà cái lo nầy không phải là xa nhà lần đầu tiên để đi vào vùng lửa đạn mà là chỉ lo vì cái vụ thi clinique ra trường chưa hoàn tất!! Vì thế, ở trại Đào Bá Phước, tôi có xin phép là hể thi clinique xong là tôi sẽ ra trình diện đơn vị liền lập tức. Cái vụ thi clinique nầy cũng thiệt là vô duyên, kể ra học hành đàng hoàng, hể thi thì thi đâu có gì phải sợ, có điều tôi “nằm vùng” ở khu Sản Khoa Nguyễn văn Học suốt 2 năm chót nên ngoài Sản Khoa, 3 món kia Nội, Ngoại và Nhi tôi đều không cảm thấy vững bụng…
Vậy mà, khi vào thi hồi tháng 6, tháng 7, chính 3 món tôi nghĩ là tôi không ngon lành lại đậu cái một, còn cái tôi cảm thấy vững nhất, chắc ăn như bắp và là nghề của chàng thì chỉ qua câu hỏi đầu tiên của GS Nguyễn văn Hồng ở Từ Dũ là tôi đã được thầy “cám ơn, hẹn kỳ sau!” liền. Quý vị có tưởng tượng câu hỏi của thầy Hồng là câu gì mà chỉ một câu là tôi đã “tiêu tán đường” không? Thầy Hồng đã hỏi tôi: “Anh ở Nguyễn văn Học 2 năm với anh Giệp hả?” Tôi đã trả lời: “Dạ”. Vậy là xong!! Bởi vậy, khi ra trường ở Quân Y, tôi vẫn còn nợ cái món vấn đáp Obstétrique & Gynécologie chưa xong và trong bụng lo là nếu kỳ nầy (sắp tới rồi!!) tôi lại gặp thầy Hồng nữa thì sao? Tôi nhỏ lớn có bao giờ dám chọc ghẹo gì ổng đâu mà chỉ có cái tội là đệ tử của ông Giệp ở Nguyễn văn Học, vậy nếu cứ gặp thầy Hồng hoài tôi phải làm sao? Lo thì lo như vậy nhưng có làm gì khác hơn được nên trước mắt, tôi phải thu xếp gia đình định bụng hể thi xong là tôi sẽ kiếm đường lên hậu cứ đơn vị liền (lúc đó, hậu cứ LĐ5BĐQ còn đóng ở căn cứ Củ Chi chung chỗ với SĐ25BB) (Còn nhớ cả tháng sau trong bận trở về hậu cứ từ Quảng Trị, tôi mới có dịp trở vào BV Từ Dũ để “đánh” clinique lần thứ hai. Lần nầy, may cho tôi không gặp thầy Hồng nữa mà là tôi bắt thăm đi thi gặp GS Đặng Trần Hoàng nên tôi qua phà dễ dàng (nghề của chàng mà lỵ!)
Khi tôi rời khỏi trại bệnh sau khi được thầy Hồng “cám ơn” và ra đi trên hành lang trên lầu, mắt vô tâm nhìn xuống sân BV Từ Dũ, tôi thấy có chiếc xe jeep đậu dưới gốc cây với mấy người mặc đồ rằn ri đứng ngồi chung quanh. Tôi cũng không nghĩ ngợi gì, chỉ đi xuống sân BV để lấy xe của mình. Tôi thấy một người lính nói chuyện gì đó với một bạn của tôi và anh bạn chỉ chỏ về hướng tôi. Tôi cũng đâu nghĩ gì, ai ngờ người lính đó đã bước tới để chận tôi lại và “lễ phép” hỏi: Xin lỗi, phải BS là BS Ấn? Bây giờ đứng cạnh mấy người lính rằn ri nầy, tôi mới thấy rõ họ mặc quân phục BĐQ và vai áo có phù hiệu LĐ5 là đơn vị sắp tới của tôi và người lính hỏi tôi mang cấp bậc trung sĩ. Tôi vui vẻ: Phải, tôi đây. Sao mấy anh biết tôi? Anh trung sĩ lễ phép: Tụi em được lệnh về đây để đón bác sĩ lên hành quân ngay, trung tá Liên đoàn trưởng đang chờ bác sĩ. Ui chà, cái gì mà tôi trở nên quan trọng vậy? Tôi bèn nói, Được rồi, tôi về nhà thay đồ lính rồi túm mớ hành lý là mình đi liền. Mấy anh chạy theo tôi nha. Anh trung sĩ nói: Bác sĩ cứ chạy về nhà đi, tụi em biết đường mà…
Thì ra, trên đơn vị mong tôi lên hành quân nên đã gọi máy về cho hậu cứ bảo về Saigon đón tôi. Đơn vị đã lấy địa chỉ tôi từ BCH/BĐQ để tìm đến nhà tôi và được bà xã tôi cho biết tôi đang ở trong Từ Dũ để thi clinique. Thế là họ chạy thẳng tới BV Từ Dũ. Bây giờ là con đường ngược lại, họ chạy theo tôi về nhà để tôi cất xe, túm mớ quân trang rồi theo họ lên đơn vị. Vợ tôi hỏi, anh ăn cái gì đi chớ, bây giờ cũng gần 1 giờ trưa rồi, để bụng đói rồi coi chừng không có gì ăn dọc đường à… Đúng rồi, làm gì làm cũng phải ăn trưa cái đã, lo thi cử nên sáng giờ có ăn gì đâu mà cũng đâu nghĩ tới ăn uống gì…
Khi tôi ăn xong, mặc vào bộ đồ trận, xách cái sac marin leo lên xe jeep thì cũng hơn 1 giờ trưa. Lần đầu tiên ngồi xe jeep ở ghế trưởng xa bên cạnh tài xế, lòng tự nhiên thấy hảnh diện cho mình hết sức mà không biết hảnh diện về cái gì nữa!! Lên tới căn cứ Củ Chi và lần đầu tiên chạy xe vòng vòng trong căn cứ nầy, hồi trước do quân đội Mỹ xây dựng bây giờ giao lại cho VN, sao thấy nó mênh mông hết sức, giá mà tự tôi đi lên đây trình diện, tôi không biết đi bằng cái gì và làm cách nào tìm ra hậu cứ của Liên đoàn chỗ nào nữa…
Giấy tờ thủ tục ở Ban 1 LĐ diễn ra trong vòng 15 phút là xong, tôi chỉ ký tên vào một số giấy tờ đánh máy sẳn, đưa cho họ căn cước quân nhân và chứng chỉ tại ngũ (đi hành quân không nên đem theo) rồi họ đưa cho tôi khẩu Colt .45, vài băng đạn với giây ba chạc “đeo cho oai” chớ bác sĩ lo chữa bệnh chớ có bắn ai bao giờ? (Họ nói mà tôi cũng nghĩ vậy) Tôi không nhìn thấy cả QY hậu cứ mặt ngang mủi dọc ra làm sao nữa thì đã leo lên xe jeep để ngồi chạy ra phi trường là một cái sân trống trãi trong căn cứ, nơi đó có chiếc trực thăng duy nhất đang đậu với vài sĩ quan mặc quân phục BĐQ đang đứng hút thuốc vòng vòng quanh đó. Thấy xe jeep chở tôi ra là cánh quạt trực thăng bắt đầu nhúc nhích với tiếng động cơ từ u u nhỏ nhỏ tới gầm thét vang trời và cánh quạt quay tít trên đầu càng lúc càng mạnh. Mấy sĩ quan kia cũng leo lên trực thăng với tôi và hai cái càng bắt đầu nhốm khỏi mặt đất…
Tôi thì không biết hướng đông tây gì cả, chỉ biết do đoán nhờ nhìn xuống cảnh vật trôi đi bên dưới chiếc trực thăng đang lướt ào ào… Hết bao nhiêu là ruộng đồng xanh ngát với nhà cửa thưa thớt, xơ xác vì bom đạn chiến tranh thì bên dưới tôi là những khoảng trống ngút ngàn với thuần một màu đỏ ối của đất (hay đá?) Anh sĩ quan ngồi kế bên nói vào tai tôi: “Qua tới Miên rồi đó bác sĩ.” Mà quả là Miên thật vì tôi không còn thấy những căn nhà lá “tiêu biểu” của ruộng đồng miền Nam mình mà là toàn đất trống đầy vẻ khô cằn, ruộng vườn gì không thấy đâu và thiếu hẳn bóng cây dừa hay ruộng lúa… Bù lại đó thỉnh thoảng chen vào đất đỏ là bóng trơ trọi của một vài cây thốt nốt. Không biết đứng gần ra sao nhưng từ trực thăng nhìn xuống thì ngay cả cây thốt nốt hình như cũng có vẽ nóng bức và cô đơn vô cùng.
Chừng gần 3 giờ chiều, trên phi cơ nhìn xuống đất đang trống vắng nhất là từ nảy giờ không thấy một bóng người hay sinh vật gì khác bổng tôi thấy có một đám người lố nhố đứng rải rác bên cạnh một số thiết vận xa M113 ở giữa trời nắng chang chang và tiếng động cơ trực thăng bắt đầu đổi giọng như có vẽ sắp hạ cánh xuống chỗ đó. Nghĩ lại, mới hồi 12 giờ trưa, tôi còn ở trong BV Từ Dũ mà 3 giờ chiều, khi trực thăng đáp xuống thì tôi đã ở bên Kampuchia với một khung cảnh hoàn toàn xa lạ như ở một thế giới khác. Trên đầu tôi là trời nắng chang chang nóng đổ lửa, dưới đất là đất đỏ với đá sỏi lụn vụn và lơ thơ có vài cây thốt nốt không cho ai tí bóng mát nào cả. Thì ra nơi trực thăng đáp xuống là Bộ Chỉ huy Liên đoàn 5 đang trên đường hành quân với bóng dáng bao nhiêu chiến sĩ BĐQ đứng rãi rác cũng như bao nhiêu người bu tới chung quanh chiếc trực thăng. Tôi vác chiếc sac marin nhảy xuống đất vào giữa vòng “đón tiếp” của các chiến sĩ cùng đơn vị, giữa những bộ mặt đen đúa, dày dạn phong trần bổng có một gương mặt “ít đen hơn” và lại có vẽ quen thuộc, thì ra đó là anh Huỳnh Kim Chung, đương kim Y sĩ trưởng Liên đoàn, người mà tôi được đưa ra đơn vị để làm phụ tá cho anh.
Hai chúng tôi bắt tay nhau thân thiện (tuy là hồi trong trường Y khoa thì anh và tôi tuy có biết nhau nhưng chả có thân thiện bao nhiêu) Anh quay sang một người lính và nói giọng ngắn gọn (đầy vẻ uy quyền rất lạ đối với tôi): Mầy xách đồ BS Ấn về chỗ QY cho tao đi. Anh lính BĐQ chỉ dạ, tay đưa ra cầm lấy cái sac marin của tôi và biến dạng khỏi đám đông. Anh Chung quay sang nói với tôi, cũng là giọng nói của một người mà từ anh lính sang tôi, giọng anh đã đổi khác hoàn toàn: Toi đi với moi một vòng cho biết mặt Liên đoàn đi. Tôi nói Dạ rồi đi theo anh.
Người đầu tiên anh Chung đưa tôi tới gặp là hai ông trung tá đang ngồi trên hai cái thùng đạn để trên đất, ngồi xa ra khỏi đám đông. Quen theo lề lối trong Trường với lại tôi nghĩ, không gì mình cũng là dân Hiện Dịch nên tôi đứng nghiêm và làm thủ tục chào kính để trình diện đàng hoàng rồi được anh Chung giới thiệu cho tôi biết, đó là tr/tá Ngô Minh Hồng, Liên đoàn trưởng và tr/tá Lê văn Hoà, Liên đoàn phó. Tr/tá Hoà thì không nói gì, chỉ có tr/tá Hồng cho tôi biết Sao ông trẻ quá vậy? Nếu không có BS Chung biết ông thì tôi không thể nào tin ông là bác sĩ mới về đơn vị của tôi hết, ĐM, cở thằng VC nào xấu xấu lượm được cái sự vụ lệnh của ông rồi giả dạng ra đây làm sao? Rồi ông ta hỏi tôi, giọng nửa đùa nửa thiệt: Ông cho tôi coi căn cước sĩ quan được không? Tôi thưa, tôi đã học các lề thói từ ở trong trường và người quân nhân, nhất là sĩ quan đi tác chiến không nên mang theo căn cước hay giấy tờ gì hết để lỡ có chết (hay bị VC bắt được), VC cũng không có thể lấy giấy tờ gì của mình để xài được và tôi nghĩ, có khi ông ta muốn thử coi tôi có thuộc bài không không chừng.
Nhưng thú thiệt, cái cách hỏi han của ông ta không làm tôi thiện cảm chút nào nhất là ông ta hỏi câu thứ nhì (mà tôi không bao giờ quên): ĐM, anh có biết nhảy đầm không vậy? Ở BĐQ mà không biết nhảy đầm là coi như không đạt yêu cầu rồi đó nha… Tôi chưa biết trả lời sao cho “hợp tình hợp lý” thì may sao anh Chung chen lời: Học Y khoa ra bác sĩ mà ai không biết nhảy đầm hả trung tá? Vậy là qua phà… Chỉ tiếc là sau đó, tôi nghe thoáng khi anh Chung với tôi rời xa 2 ông xếp: ĐM, tưởng hổng biết nhảy đầm thì phải tốn mấy ngày phép cho chả về Saigon học khóa cấp tốc rồi hảy lên đơn vị… Làm tôi tiếc hùi hụi, phải chi mình nói không biết nhảy đầm để có cớ kiếm thêm mấy ngày nữa ở Saigon với gia đình!
Nói chuyện mấy câu là anh Chung cáo từ rồi đưa tôi đi vòng vòng các ban ngành của Liên đoàn trên Hành quân. Ban 1 thì tôi đã trình diện hồi trưa ở Củ Chi, giờ đi theo hành quân chỉ có một thiếu úy tên Hải đại diện cho ban 1, ban 2 thì có đ/uý Đông, ban 3 đ/úy Thọ, đại úy Xê truyền tin, đại đội trưởng trinh sát 5 đ/úy Thu và đại đội Công binh Liên đoàn có tr/úy Thắm chớ không có đại đội trưởng CB. Ai mặt mủi tuy “ngầu” nhưng đều có vẽ vui vẻ với tôi trừ đ/úy Thu, chắc là bệnh trĩ hay sao đó mà cái mặt chằm vằm không cười không nói…
Sau một vòng đi chào các ban ngành, tôi trở về ban Quân Y để được anh Chung giới thiệu với các quân y tá của Liên đoàn tức là các “đệ tử” của mình. QY có chưa tới 10 y tá và tôi không nhớ ai bằng ch/úy Hải, người Bắc, mập mạp và theo sách tướng thì là tay khó chơi và khó hiểu tuy bên ngoài, ông cười nói tỏ ra rất chảo lãi và thân thiện. Ngoài ra còn có trung sĩ nhất Hải mà anh em gọi là Hải “nẫu” để phân biệt với chuẩn úy Hải là y tá trưởng, rồi Long “mập”, theo thời trang thì là một con kiến càng với toàn bắp thịt cuồn cuộn để phân biệt với Long “đại liên” là một hạ sĩ nhất lớn tuổi, chết tên Long “đại liên” không phải vì anh ta chuyên bắn đại liên mà vì anh chàng có cái tích khi VC pháo xối xả, anh đã mắc đi cầu nhưng không dám ra khỏi hố cá nhân nên anh chàng đã chơi đại trong một thùng đạn đại liên nằm trong hố cá nhân. Còn mấy người nữa không có gì đặc biệt nên tôi không nhớ tên.
Anh Chung còn giới thiệu với đám đệ tử rằng tôi là tay tứ chiếng giang hồ trong trường nên tất cả phải coi chừng vì tôi sẽ không “hiền” như anh. Rồi anh nói với tôi, vấn đề ở đơn vị tác chiến cần phải du côn, lựu đạn một chút mà các bác sĩ thông thường không có mà tôi có “hơi nhiều” nên bảo đảm, tương lai trong cuộc sống chung đụng ở tuyến đầu, tôi sẽ thích nghi không mấy khó khăn. Ngoài việc giới thiệu tên tuổi, tính tình mọi người, anh Chung lo bàn giao cho tôi các thuốc men, y cụ cũng như nói sơ qua về các thủ tục giấy tờ cần thiết ở hành quân. Còn đời sống hành quân hàng ngày như cả ngày, Liên đoàn sẽ di chuyển bằng cách ngồi vắt vẻo trên nóc các xe M113 rồi đêm tối, khi dừng quân sẽ chia ra ngủ chung quanh các xe đó. Mỗi quân nhân sẽ đào một cái hố cá nhân để khi VC pháo kích thì có mà lăn xuống để tránh miểng và việc pháo kích nầy coi như thường xuyên hàng đêm. Bị thương nhẹ thì chúng tôi (QY) lo cứu chữa, còn bị thương nặng hơn thì bác sĩ sẽ lo việc sơ cứu (premier soin) xong sẽ gởi về tuyến sau bằng chiếc trực thăng lên xuống mỗi ngày như chiếc đã đưa tôi tới đơn vị. Chiếc trực thăng hồi trưa mang tôi ra đơn vị là chuyến liên lạc thường xuyên hàng ngày của Liên đoàn với hậu cứ ngoài việc có nhiệm vụ câu hai khẩu 105 li đi theo Liên đoàn hành quân và khi có tản thương thì cũng chiếc trực thăng đó sẽ kiêm nhiệm luôn nhiệm vụ cao quý và cần thiết đó. Câu nói của anh Chung mà tôi nhớ đời là Tất cả sự dị biệt của chúng tôi khi còn đi học coi như chấm dứt ở đơn vị vì ở đây, có hàng mấy ngàn lính BĐQ nhưng chỉ có 2 thằng bác sĩ, nếu chúng tôi không biết thương yêu, che chở cho nhau thì còn ai thương yêu và che chở cho chúng tôi?
Bửa đầu ở đơn vị, tôi mới thấy cái tài gia chánh nội trợ của các y tá của QY vì trong bửa ăn chiều đầu tiên ở đơn vị cũng là bửa ăn xa nhà đầu tiên trong đời lính, tôi đã được ăn ngon như chưa bao giờ được ăn ngon như vậy mà chất liệu nấu ăn thì có gì đâu? Đừng nói những món như tiêu hành tỏi ớt, ngay cả cái tối cần thiết như nước lạnh cũng đã không thấy vậy mà bửa cơm dọn ra cũng nóng sốt ngon lành… Thầy trò quây quần ăn cơm bên lườn chiếc M113, lính thiết giáp thì có mâm ăn riêng của họ nhưng bửa cơm sao đơn sơ và ấm cúng làm sao…
Ăn cơm chiều xong, tôi móc điếu thuốc ra hút như thường lệ và ngay sau đó là hàng chục anh lính bu quanh tôi ngay để xin tôi có thể chia cho họ một điếu. Bởi vậy, gói Salem mới khui chỉ có một bửa đầu tiên ra đơn vị đã trở thành cái gói giấy không!! Nói chuyện với lính thật vui vì tôi thấy ở họ không phải là những anh chàng theo mình thấy ở hậu phương là những anh chàng đầu trâu mặt ngựa, chằn ăn trăn quấn mà ở đây là những anh trai trẻ, những chàng nông dân ngây thơ, chơn chất, bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh mà họ không muốn cũng như không biết gì về cái gọi là ý thức hệ hay chính trị xa vời. Họ chỉ muốn sống còn, tồn tại cho qua ngày tháng, cho gia đình có thêm chút đỉnh họ có thể để dành được trong những ngày gian khổ để tăng thêm một chút lợi nhuận cho gia đình. Hầu hết đều trẻ hơn cả tôi (tuy tôi cũng còn rất trẻ, mới 26 tuổi lúc ra đơn vị) đa số họ đều có số quân nhỏ hơn tôi vài ba tuổi và trên gương mặt rám nắng là một ánh mắt ngây thơ, hiền lành… Có chàng lính trẻ đi hành quân mà mang theo được cây đàn guitare, anh ta lấy ra đàn những bản nhạc buồn của lính xa nhà làm tôi nghe rất cảm động. Tâm trí tôi chưa gì đã có ước mơ cho một quê hương thanh bình, cho những người lính tôi biết hôm nay sẽ không bao giờ phải bị bó poncho và không gia đình nào sẽ đón con về trong cái quan tài phủ lá cờ vàng…
Rồi các đơn vị trưởng của các ban ngành trong Liên đoàn tập họp lính tráng lo chia cắt việc canh gác, phòng thủ cho Bộ Chỉ huy Liên đoàn (trừ QY khỏi phải canh gác). Phải nói, BCH/LĐ được bảo vệ và phòng thủ bởi đại đội trinh sát và trung đội cận vệ. Đại đội trinh sát nếu không có chuyến đi vào lòng địch thì phối hợp với trung đội cận vệ là trung đội lo an ninh cho hai ông trung tá và hai đơn vị nầy chia nhau trong việc canh gác và phòng thủ các cái ở vòng quanh BCH. Còn tôi, trở về với cái xe M113 chở QY để tìm chỗ ngủ và chỗ ngủ của tôi là một cái băng ca xếp được mở ra sắp dài bên cạnh cái của BS Chung ở ngay bên cạnh lườn xe thiết giáp. Có lẽ mệt thì không mệt gì nhưng qua một ngày nhiều biến cố nên tôi vừa nằm dài lưng trên băng ca là tôi đã đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng tuy mơ hồ, tôi biết anh Chung nằm kế bên còn thao thức vì nôn nao cho chuyến trở về với ánh sáng văn minh ngày mai, khi chiếc trực thăng tiếp tế trở lên với Liên đoàn.
Và… giữa cơn ngủ say nồng, đạn pháo kích của VC cũng bắn ào ào qua đầu của BCH, không trái nào rơi gần Liên đoàn cả nhưng chưa quen nên tôi đã lăn người vào chiếc hố cá nhân ngay bên cạnh băng ca cho chắc ăn. Tiếng nổ pháo kích là cái gì hoàn toàn lạ đối với tôi. Có ai chưa từng nghe đạn pháo kích nổ gần bao giờ ắt sẽ thông cảm cho hành động của tôi trong lúc nầy. Cái tiếng đề pa của viên đạn ra khỏi nòng súng rồi tiếng nổ khi viên đạn chạm đất, ôi, cái tiếng như lụa xé, như trời gầm, như bứt tung lồng ngực. Tôi tưởng nếu tiếng nổ liên tiếp chắc con người sẽ khó mà thở cho nổi vì không khí như bị dồn nén thật chặt, đè ép lồng ngực, làm mụ trí óc và tê liệt con người… Cứ thế, tiếng đề pa rồi tiếng nổ, liên tiếp, nhịp nhàng như tiếng đánh trống hay tambourine của một dàn nhạc chơi liên tiếp và đều đặn… Tôi nhìn quanh, các chiến sĩ BĐQ, ngay cả anh Chung vẫn ngủ say như không có gì xảy ra, ngó quanh ngó quất thấy mà buồn cười cho chính tôi vì trước sau, tôi vẫn là người duy nhất ngồi ở dưới hố cá nhân và còn thức!! Có tiếng nói đâu đây, dĩ nhiên của mấy người còn thức, không thức vì đạn bắn làm họ lo sợ như tôi mà chỉ vì tiếng nổ “ồn ào” làm họ mất giấc ngủ và nổi giận: ĐM, mấy thằng nầy bộ hổng ngủ sao ta, bắn có trúng con mẹ gì đâu mà đêm nào cũng chịu khó bắn hoài? Có tiếng khác, có vẽ “sành điệu” hơn, ĐM, nó bắn bằng 122 li nên bắn xa hơn mình, cây của mình có 105 thì có trả đủa đéo gì được? Hay thiệt, nghe nổ tung trời như vậy mà họ biết viên đạn nầy là của hoả tiển 122li của VC chớ còn tôi, quả thực, nghe hai chữ pháo kích nhiều lần trên đài phát thanh cũng như coi qua báo chí nhưng ở cái cảnh nổ tung trời như thế nầy thì quả thực, cho tiền tôi cũng thua, không thể nào phân biệt được đạn gì là gì… Và nghĩ đâu xa xôi, cái kiếp sống của một anh lính mới tò te là như vậy, cái gì cũng không biết và cái gì cũng phải học hỏi, một bê trể hay chậm tiêu là sẽ trả giá bằng chính mạng sống của chính mình… Biết tôi có sống qua cuộc chiến nầy không khi con đường binh nghiệp của một thằng bác sĩ hiện dịch mới bắt đầu chưa được 24 giờ? Nói thì nói vậy chớ rồi giấc ngủ cũng trở lại với tôi sau vài tràng pháo kích, có khi tiếng đạn nổ từng nhịp xen lẫn tiếng đề pa cũng là một loại tiếng động đều đặn dỗ giấc ngủ hiệu quả không chừng… Rồi chiến tranh hay không thì mặt trời vẫn trở lại sáng hôm sau.
Ánh sáng đầu ngày trả lại sinh khí cho cái tập thể nhỏ xíu trên mặt đất là Bộ Chỉ huy Liên đoàn 5 BĐQ đang ở Kampuchia. Mọi người cơ hồ ai cũng bận rộn với công việc của họ (trừ tôi, không biết việc gì phải làm ngoài việc ngồi ở mép băng ca nhìn quanh quất nhất là về phía anh Chung đang tom góp đồ “tế nhuyển” để sẳn sàng tháp tùng chuyến trực thăng liên lạc hậu cứ ngay khi nó lên tới. Rõ ràng có cái thái độ nôn nóng trở về với ánh sáng văn minh trong những hành động của anh và nhìn anh, tôi không khỏi thấy mình cũng nôn nao trong bụng, chừng nào tới phiên mình đây? Theo lời anh Chung nói với tôi thì mỗi người chúng tôi sẽ luân phiên đi theo hành quân nửa tháng và làm việc ở hậu cứ nửa tháng nhưng lần nầy về hậu cứ, anh Chung có cho tôi biết anh có chút việc riêng nên có thể anh sẽ trở ra hành quân thay tôi hơi trể một chút nên tôi có thể đi một chuyến khoảng 20 ngày. Thôi cũng được, 20 ngày so với bao nhiêu người lính chiến, họ đi hàng năm hàng tháng là thường, có ai thấy mặt Saigon mỗi tháng một lần như mình đâu mà buồn, mà lo? Sau đó, anh Chung đi tới nơi trú quân của hai ông xếp để loan báo (hay xin phép?) rằng anh sẽ theo trực thăng liên lạc trở về trong ngày hôm nay vì QY hiện đã có tôi thay thế (trông người lại ngẫm đến ta… và nôn trong bụng!)
Bửa sáng đầu tiên của tôi ở đơn vị thiệt là tức cười vì nhiều cái đơn giản mà rắc rối tới mức tôi chưa biết tính sao… Tôi có thói quen đi cầu vào buổi sáng mới vừa thức dậy nhưng hôm nay, thức dậy rồi thì bụng tôi đã lên tiếng kêu gào cho công việc thường lệ nhưng nhìn quanh quất, tôi vẫn chưa biết cái gì sẽ là cầu tiêu của tôi (cho dù là dã chiến) nhất là đã sáng trắng và lính trong đơn vị thì đã có mặt khắp nơi trong hiện trường… Nhìn ra xa xa hơn vòng phòng thủ của đơn vị một chút, tôi thấy có những anh chàng chậm chạp trở về vòng đai Liên đoàn, trên tay họ còn cầm chiếc xẻng cá nhân, thì ra thế! Vậy thì tôi sẽ phải cố dậy sớm hơn nữa rồi sẽ mang theo chiếc xẻng nhà binh, sẽ… đi dạo quanh đây một vòng, sẽ… lựa chỗ khuất một chút rồi đào một mini-hố cá nhân để có chỗ gài mìn cá nhân và sau đó sẽ lấp trở lại, nhiều cái “sẽ” quá nhưng hôm nay thì đã trể tràng hết rồi. Mấy quân y tá không biết thức dậy hồi nào và sửa soạn hồi nào mà giờ đã lên tiếng gọi tôi uống cà phê sáng. Lại còn điệu nghệ hỏi tôi muốn uống cà phê đen hay cà phê sữa nữa chớ!! Tôi kể ra cũng gọn, buổi sáng, tôi chỉ cần ly cà phê sữa với một điếu thuốc lá đầu ngày là coi như đủ sống cho ngày đó. Bởi vậy, chỉ trong chớp mắt là tôi đã thong thả ngồi đong đưa trên miệng hố cá nhân của tôi (không biết trong mấy Quân Y tá ai đó đã đào cho tôi chiều qua) miệng phì phèo khói thuốc và suy nghĩ miên man về cuộc sống sắp tới của mình.
Anh Chung, sau khi đi thăm và chào tạm biệt các sĩ quan trong Liên đoàn giờ cũng đã trở về “xóm” QY và anh cũng có khẩu phần là một tô mì gói (không biết đệ tử ai đã làm sẳn cho anh) và anh đã vẽ kế hoạch cho 15 ngày sắp tới của anh ở hậu cứ. Ôi, cái chữ hậu phương nghe sao quá xa vời…
Đời sống của QY nói riêng và Liên đoàn BĐQ nói chung trong những ngày tôi mới ra đơn vị thật là bình yên. Buổi trưa, đệ tử QY đã hỏi ý tôi muốn ăn gà rôti hay gà xé phai. Tôi thực tình không hiểu giữa nơi đồng không mông quạnh như thế nầy thì vật liệu đâu mà nấu cái gì, chỉ có gà là tôi biết, đó là “chiến lợi phẩm” của anh em đã thu hoạch được trong mấy ngày qua, hiện vẫn còn 5, 6 con bỏ trong những chiếc lồng tre treo hai bên hông chiếc xe M113 mà có y tá đã giải thích cho tôi biết, giỏ nào của QY, giỏ nào là của mấy anh thiết giáp nhưng thật ra cũng là của QY chia cho vì khi bắt gà dưới đất, QY (hay nói chung là BĐQ tùng thiết, ngồi trên trần chiếc xe) thì có cơ hội “bay” xuống bắt nhanh hơn rồi sau đó chia cho thiết giáp chớ mấy anh mũ đen ngồi trong xe thì làm cách gì bắt được con gà nào? Bửa ăn tuy ở mặt trận sao cũng ngon lành với đầy đủ muỗng, dao, đủa, dĩa các cái như ở nhà… (Nói ra thì sợ bà xả tôi ở nhà buồn chớ thực tình mà nói, cho bà xã tôi ở cái cảnh nầy, không cách gì bà ấy nấu ăn ngon và nhanh bằng mấy ông thần đệ tử QY được…) Ăn trưa xong chưa bao lâu thì tiếng xạch xạch của chiếc trực thăng đã vang lên tới chỗ Liên đoàn đóng quân và sau khi các quân nhân ra hành quân hay về hậu cứ lên xuống máy bay thì nó đã cất cánh bay trở về mang theo anh Chung sau khi anh nói lời cuối của anh hôm nay có tính cách như gởi gấm tôi lại cho các quân y tá: Tao về hậu cứ đây, tụi bây ở lại có bác sĩ Ấn thì không có gì phải lo, tụi bây phải coi bác sĩ Ấn như thấy tao, riêng tao nhắc tụi bây là đừng lạng quạng với bác sĩ Ấn gì hết vì tao báo tụi bây tin buồn là bác sĩ Ấn đánh nhau hay lắm đó, tụi bây chọc tao không sao mà chọc bác sĩ Ấn là ổng đánh tụi bây hộc máu luôn đó… Bác sĩ là nghề tay trái, nghề chánh của ổng là đánh người ta đó, liệu mà coi chừng…
Rồi những ngày sau đó, câu chuyện về đời sống của những ngày đầu tiên thực sự trong quân ngũ của tôi là những ngày ngồi vắt vẽo trên M113, đầu chịu cái nắng chang chang, nắng đổ lửa đi qua những vùng mà tôi không biết đâu là đâu. Không có việc làm gì liên quan tới nghề Y của tôi cả. Không hiểu ở đây thì mưa ra sao và mưa mấy giờ, mấy phút trong một năm? Đất khô cằn, sỏi đá, cái loại đất đỏ chỉ cần ngó là đã thấy nóng bàn chân rồi… (cũng may khi nhìn lại để xem xét, chân tôi vẫn còn mang đôi botte de saut!) Tưởng tượng những người dân Miên mà chúng tôi thỉnh thoảng gặp trên đường di chuyển, họ toàn đi chân đất mà sao không thấy họ có vẽ bị nóng chân gì cả!! Giờ ăn thì như đồng hồ, hể có Y tá nào rống họng lên đói bụng, thế nào lát sau cũng cơm nước sẳn sàng và mỗi bửa ăn, tuy không thịnh soạn theo tiêu chuẩn nhà hàng nhưng có thể nói, đó là những bửa tiệc nho nhỏ mà ở cái gia đình nhỏ của tôi chỉ có thể xảy ra chừng vài lần mỗi năm. Hể ngày thì như thế, còn đêm thì đêm nào như đêm nấy, cũng ngủ trên băng ca để sát vào gầm chiếc xe thiết giáp, cũng chiếc M113 một bên và cái hố cá nhân bên kia. Giấc ngủ thì yên lành, tuy chỉ qua mấy ngày nhưng tôi như đã quen với trận địa nên hể tôi nằm xuống là ngủ, bất kể ai nói năng gì xin miễn không liên quan tới tôi là tôi cứ ngủ.
Nhớ có Y tá nói lén tôi (chắc là hắn ta tưởng tôi đã ngủ say nên không nghe chăng) Ông Ấn chắc ở nhà không được ngủ hay sao ra đây mà ổng ngủ bạo quá!! Bạo chỉ ở tiếng người ta nói thì nhằm gì, tôi còn ngủ qua luôn các cú pháo của VC vì cái tụi nầy, có bao giờ chịu ngủ một đêm thẳng giấc? Đêm nào làm gì cũng phải rót vài tràng pháo như nhắc nhở chúng tôi đây là chiến trường chớ không phải khách sạn Majestic!! Chiến trường hay khách sạn Majestic thì tính sau, tôi ngủ là tôi cứ ngủ, chừng nào có lính bị thương hay VC pháo gần quá sẽ hay! Nói lính bị thương mới nhớ, suốt bao nhiêu ngày tôi ở chiến trường bên Miên, VC pháo lia lịa hàng đêm mà đơn vị tôi không dính một con nào hết, chắc thánh nhân cũng đãi kẻ khù khờ là tôi, không cho lính bị thương lúc tôi chưa quen chiến trường hay sao đó.
Mỗi buổi sáng sớm, Bộ chỉ huy Liên đoàn đầy cả hình ảnh những anh chàng BĐQ, tay cầm xẻng cá nhân, mắt láo liên nhìn chung quanh để dò địa thế mà như xem cảnh vật, đi rảo vòng vòng để rồi nhanh như cắt, đã đào chớp nhoáng một cái lổ để sau đó rải mìn cá nhân xuống, xong chùi đít và lấp hố cá nhân đó lại, sau đó lại nhìn trời hiu quạnh, xách xẻng trở về nhiệm sở. Nhìn mà mắc tức cười nhưng cười không được vì trước sau gì, mình cũng là một trong những người yêu cảnh vật đó nên thế nào cũng có mình mắt nhìn quanh quất tưởng chừng như ngắm cảnh thiên nhiên ban mai mà trên tay cầm xẻng!!
Một bửa nọ, tôi nhớ hoài vì đây là “ca” đầu tiên của tôi ở đơn vị mà cũng là ca đầu tay của tôi ở chiến trường.
Một ngày nọ, đang trên đường di chuyển (mà tôi cũng không biết đi từ đâu để đến đâu?) đoàn xe M113 bổng đột ngột dừng lại rồi từ chiếc chạy trước chiếc của QY, tiếng mấy anh lính truyền miệng về tới chiếc xe chở tôi: 78 muốn gặp BS Ấn. (78 là tên gọi trên máy của trung tá Hồng, Liên đoàn trưởng, xếp của tôi) Thế là tôi nhảy xuống xe M113 để đi lên phía trước và trình diện xếp. Đứng quanh quẩn chung quanh chiếc xe M113 của trung tá Hồng là một đám người lố nhố, lính BĐQ của đơn vị tôi cũng có mà còn có một số người vận sà rông, da đen nghịt. Khi thấy tôi bước đến, một anh lính đã hô hoán lên: Kìa, bác sĩ đến rồi đó! Lúc đó thì trung tá Hồng quay lại thấy tôi, ông ta gọi tôi tới gần rồi chỉ tay về phía những người Miên: Không biết họ có vấn đề gì mà tới đây, chận đoàn quân của mình để kiếm bác sĩ. ĐM, cũng may mình có thằng đệ tử nói được tiếng Miên mới hiểu nó nói cái gì. Đâu, để tôi biểu nó làm thông dịch viên cho anh nghe. Rồi ông ta bảo một anh hạ sĩ trong toán cận vệ của ông ta, bảo anh nầy làm thông dịch viên cho tôi và qua anh hạ sĩ nầy, tôi được biết vợ của một anh Miên trong đoàn người nầy bị băng huyết chắc cũng nặng nên cả sóc Miên quýnh quáng cả lên, rồi do họ biết có đoàn quân VN trên đường hành quân ngang nên họ chận lại, với hy vọng biết đâu trong đoàn quân VN đó có bác sĩ để cứu cho người đàn bà Miên nọ.
Vấn đề là người đàn bà Miên vẫn còn nằm trong sóc mà cái sóc đó cách đây, theo lời những người Miên nói, thì cũng vài cây số chớ không có mặt trong đoàn người Miên đi tìm người cứu chữa. Khi nghe tôi trình bày câu chuyện lại cho ông Liên đoàn trưởng thì trung tá Hồng bảo với tôi là tùy bác sĩ, muốn đi cứu con mẹ Miên đó thì đi nhưng vấn đề an ninh thì ra xa Liên đoàn quá có thể không bảo đảm. Nghe trung tá Hồng nói, tôi cũng hơi ớn vì thiệt tình, tôi có biết đâu là đâu đâu, lỡ đi theo mấy người Miên nầy mà sa vào bẩy của VC dàn cảnh có phải tôi sẽ bị VC bắt dễ dàng không? Rồi suy đi nghĩ lại, phần thì ngó gương mặt hớt ha hớt hãi của người chồng Miên mà tôi cảm động, bụng nghĩ thầm: Vợ bị băng huyết như thế nào mà cả sóc hốt hoảng, nay gặp bác sĩ sợ chết nên không cứu được!! Tại tôi nghĩ vậy nên tôi mới đề nghị với trung tá Hồng: Sống chết ai cũng có số, nếu trung tá nghĩ tới tình trạng an ninh và sinh mạng của vợ anh Miên nầy thì xin trung tá cứ cho một toán lính đi theo tôi, tôi sợ thì cũng có sợ thiệt nhưng nghĩ tới sinh mạng của người đàn bà nào đó mà làm ngơ đúng là không yên tâm. Kết cuộc thì trung tá Liên đoàn trưởng cho một tiểu đội cận vệ của ông ta đi theo tôi, còn tôi dắt theo quân y tá là Hải nẫu để phụ việc (tôi chọn Hải nẫu vì thấy cái lon trung sĩ nhất hy vọng anh ta biết kha khá về y khoa để có thể ứng biến giúp tôi vì mới quen với đơn vị, tôi có biết ai giỏi ai dở thế nào đâu?)
Thế là đoàn người lên đường. Đám người Miên xí xô xí xào đi trước, tôi với hơn một tiểu đội Biệt động quân lầm lũi theo sau mà mục tiêu thiệt tình đám lính tráng chúng tôi có ai biết là đâu nhất là tôi, vừa là lính mới vừa cái quang cảnh trên đất Miên thiệt khó lòng đoán được vị trí của mình. Trên trời cứ nắng đổ lửa, dưới đất không cảnh vật gì đặc biệt, chỉ có đất đỏ và vài cây thốt nốt đó đây. Nhìn 4 phía thiệt giống hệt nhau, cho vàng tôi cũng chịu thua, không thể nào định hướng được mình ở đâu tuy nhờ mặt trời tôi còn có thể nói hướng đông tây nam bắc! Giả sữ đi chừng 15, 20 phút rồi bảo tôi quay trở lại chỗ đóng quân Liên đoàn hồi sáng một mình, tôi cũng đành chịu thua. Nói vậy chớ tôi cũng lẳng lặng đi theo đoàn người, trong trí thì ráng hết sức mà nhớ đường quay lại nếu cần thiết xảy ra.
Không biết xa gần, chỉ biết đường đi tới cái sóc trơ trọi giữa cánh đồng đá đỏ lổn ngổn kéo dài chừng 2 tiếng đồng hồ đi bộ (và để cho các độc giả biết cái sóc là gì, cái sóc không là thôn, là làng gì cả mà chỉ là tập họp một xóm gồm một nhóm nhà sống hiu quạnh, hoang sơ giữa đồng trơ trọi bên Miên) Ở đây, cái sóc gồm chừng dưới hai chục cái chòi đất, gọi là chòi đất vì cách cấu trúc đều giống nhau, cái nào cũng hình tròn – không tròn – hay chữ nhật nhỏ xíu, kể ra giống như cái nhà kho chứa dụng cụ để sau sân nhà bên Mỹ, nóc thì lợp lá (đủ loại lá chớ không phải lá dừa như ở thôn quê VN) và vách thì bằng đất ướt, trét lên cái sườn nhà (bằng cây gì tôi cũng không biết vì ở cái sóc tôi đến, có thấy cái cây nào đâu để làm sườn nhà?) và cái chòi tôi đến khám bệnh có vẽ là cái chòi duy nhất trong sóc thấy có sinh hoạt một chút vì có người ra, kẻ vào, người đứng trước cửa, còn bao nhiêu cái chòi khác thì im ỉm, không biết có người ở hay không nữa ?
Cái cảm tưởng đầu tiên của tôi khi bước chân vào cái chòi có người bệnh (tuy chưa thấy người bệnh là ai, nằm ở đâu cả) là tôi đã thấy muốn bệnh!! Trời bên ngoài đã nóng và khô thấy sợ, bên trong chòi còn nóng, khô và “hầm” nữa vì không khí có vẽ như bị “ú” lại bên trong, không di chuyển được chút nào. Mấy người trong chòi đứng cả dậy, tránh ra nhường đường cho tôi và Hải nẫu và nhờ đó, tôi thấy trên sàn nhà (tức là mặt đất giống như bên ngoài, chỉ khác là bên trong cái vách chòi) là một người đàn bà Miên, đen đúa, xấu xí thêm cái nhăn nhó vì đau đớn, cái xanh mướt vì mất máu nên mức độ xấu xí của bà ta càng tăng lên gấp bội. Một anh Miên trong đoàn người ra đón đoàn xe BĐQ nói một tràng tiếng Miên (dĩ nhiên tôi không hiểu gì cả) và Hải nẫu phiên dịch rằng: Người đàn bà đó là vợ anh ta, có bầu tính ra mấy trăng rồi và hiện ra máu cũng đã 3, 4 ngày nay. Chắc không cần làm nội trú ở Sản Phụ Khoa, ai trong lớp tôi cũng dư đoán ra được ngay là bà nầy một là hư thai, hai là biến chứng sao đó do cái thai mà ra… Tôi lập tức nghĩ tới khám thai bà ta nhưng tự nghĩ mình cũng dơ dáy, nhớp nhúa tuy ngồi trên nóc thiết vận xa nhưng mấy bửa nay có tắm rửa gì đâu lại mồ hôi, mồ kê nhể nhại do trời nắng nóng phủ lên bộ đồ trận mặc lia lịa không cởi từ bửa ở nhà thương Từ Dũ ra đi lên đơn vị tới giờ.
Tuy nhiên, tôi bằng một giọng bình tỉnh, biểu Hải nẫu thông dịch là trước hết, chỉ cho tôi chỗ nào rửa tay sạch sẽ được, có xà phòng càng tốt với một cái khăn sạch để lau tay, thứ nữa là mọi người sẽ phải ra ngoài căn chòi hết, chỉ để lại anh chồng cho tôi hỏi han những chi tiết cần thiết về vợ anh ta. Trong khi chờ đợi, tôi soạn cái túi đựng đồ cấp cứu của Hải nẫu mang theo coi có cái gì có thể “sẽ” cần đến và “có thể dùng được”. Tuy những y cụ trong túi cấp cứu của Hải đem theo toàn đồ “sạch”, đã hấp sẳn từ trước nhưng trong bụng tôi vẫn lo là làm gì đi hành quân của Biệt động quân lại có dụng cụ để nạo thai? Đúng là về phương diện Y khoa thì tôi thấy không có gì phải lo nhưng thực tế, bửa đó ở bên Kampuchia, tôi đã vái van luôn miệng cho trong túi cứu thương của y tá Hải nẫu có bất cứ cái gì coi như “tạm thời” xài được trong trường hợp nầy. Trời không nở phụ lòng người hay thánh nhân đãi kẻ khù khờ? Trong túi cứu thương của Hải có được cái sonde để dùng cho đàn ông, ít ra còn hơn là không có gì!!
Tôi bắt đầu khám bà Miên, chỉ chừa phần khám chính là TV thì tôi để đó, đợi rửa tay đàng hoàng mới dám làm. Nói chung, những dấu hiệu lâm sàng coi như tôi khám kỷ tất cả nhưng tới đây, tôi cũng chẳng thấy gì ngoài triệu chứng mất máu nhiều và, qua lời khai “chập chờn” của ông chồng Miên không biết tiếng Việt cũng như sự “thông thạo” tiếng Miên đáng ngờ của Hải nẫu, bà bệnh nhân của tôi hiện có thai khoảng hơn 2 tháng (dựa vào ngày thấy kinh lần chót không bảo đảm là bả nhớ đúng hay ông chồng dịch đúng) tôi bèn đi tới cái kết luận tạm thời, chắc là bả mới có thai và hư thai, nhưng vấn đề là nếu phải nạo thai, tôi sẽ phải nạo bằng cái gì? Dụng cụ cho Biệt động quân đi hành quân thì làm gì có cái để nạo thai chớ? Tôi thiệt là lùng bùng… nhưng trong khi chờ đợi, để câu giờ, tôi liền ra sau chòi để rửa tay cho sạch sẽ. Trước bao nhiêu cặp mắt nhìn tôi như chờ đợi, như tin tưởng, tôi thấy mình thật yếu đuối và… bất lực. Giả sữ ca nầy gặp tôi trong BV Nguyễn văn Học nửa năm trước thì có ra gì, tại sao con người lại gặp chuyện rắc rối ở hoàn cảnh khốn cùng như vầy chớ?
Nói vậy chớ Trời thương rồi cái gì cũng qua. Chắc là Trời thương bà Miên thì đúng hơn vì theo tôi nghĩ, bả có gặp đơn vị tôi đi ngang rồi ra lôi tôi thì bả mới sống sót chớ còn tài cán thì tôi có bao nhiêu và nhất là dụng cụ thì có ra gì? Chỉ khám âm đạo sau khi rửa tay sạch sẻ và mời hết mọi người ra bên ngoài chỉ trừ ông chồng và Hãi nẫu của tôi để phụ tôi lỡ có cần gì. Khi khám âm đạo, nói nào ngay, âm đạo bà nầy cũng rộng và do cái process hư thai cũng làm cổ tử cung mở to hơn bình thường và mềm nên tôi cố hết sức dùng một ngón tay để “ngoéo”, để móc, để cào để làm đủ kiểu cho cái mục đích là lôi cái thai đã hư ra được càng nhiều càng tốt và cái nầy là Trời thương tôi nên cái thai cũng nhỏ và đã “tự giác” nhào ra gần hết rồi nên chỉ sau chừng nửa giờ vật lộn với nó, tôi coi như không biết làm gì hơn và cái thai coi như đã được “nạo” sạch rồi.
Khi tôi đứng lên, tháo bỏ đôi găng tay để ra phía sau chòi rửa tay thì trung sĩ Hải bắt đầu tóm thu đồ đạc và lúc tôi trở vào thì anh chàng đang đứng tán “láo” với đám cận vệ ngoài trước sân. Thiệt tình nghe anh chàng “ca” mà tôi mắc cở, khi nghe mấy anh lính Biệt động kia hỏi han về tình trạng bệnh cũng như của bệnh nhân, anh chàng đã nói có cái gì mà bác sĩ của tao không làm được hả mậy? Hể gặp ổng là ngon lành liền!! Bà nội nó, cở như còn sót thai hay sót chút máu đông lại trong đó chưa ra thì vài bửa nữa, bà người Miên sẽ lên cơn sốt mà chết được chưa nói số lượng máu bị mất đã làm sức khoẻ của bả cũng đã yếu đi quá nhiều… Tôi ra lệnh cho Hải chích cho bả một mủi Vit K (cho gọi là có chích choác chớ cầm máu được khỉ gì!) một mủi coramine để trợ tim cho bả nghe khoẻ hơn và để lại cho bả một đống thuốc bổ, dặn dò anh chồng Miên bằng cái loại tiếng nói, chỉ dặn có mấy thứ thuốc sinh tố để uống mà mỏi cả tay!
Thầy trò lẽo đẽo theo toán cận vệ của ông trung tá cho đi theo lên đường trở về nơi Liên đoàn đóng đêm nay. Tôi thật tình mà nói, giã sử cái toán đó dẫn đi lạc tôi cũng không thể biết được vì khung cảnh địa dư thật khó lòng nhận diện vì cây cối không có chỉ trừ vào ngọn thốt nốt xa xa và rời rạc, không sông, không núi, không đường đi. May là tôi chơi Hướng đạo từ năm 6 tuổi nhưng đứng trước khung cảnh nầy, tôi thật chịu thua không cách chi tìm ra phương hướng. Cái ngộ nhất là mặt trời đi từ đông sang tây nhưng ở bên Miên, hình như mặt trời lúc nào cũng ở trên đỉnh đầu vì nắng nóng sao quá chừng và cái bóng của mình sao không ngã dài mà như “dồn cục” dưới chân?
Thì ra sau khi hai thầy trò QY được tiểu đội cận vệ yểm trợ đi khỏi, trung tá LĐT đã ra lệnh cho LĐ dừng lại ngay chỗ đó để cắm quân qua đêm, Nói gì thì nói, mới đi có mấy tiếng đồng hồ mà khi trở về, thấy bóng những người lính rằn ri xa xa với hình dáng của những chiếc M113 lù lù ra đó là lòng tôi thấy vui kể gì…
Đêm đó, như để thưởng công cho tôi, ông Trời đã biểu tụi VC ngủ thẳng một đêm để chúng tôi cũng được hưởng một đêm an bình không có bị pháo kích.
Kể ra, cuộc đời hành quân của tôi ở Kampuchia tuy kéo dài không lâu, chỉ trên dưới nửa tháng nhưng không có nét gì đặc biệt ngoài chuyện ban ngày thì thầy trò QY phơi đầu dưới cái nắng đổ lửa, chung quanh chúng tôi là những trảng, tức là những khoảng đất trống rộng lớn nhưng không phải là ruộng bỏ hoang mà chỉ là những đồng cát đỏ với loại đá nhỏ rải đầy. Đất xấu như vậy chẳng trách gì người dân Kampuchia nghèo là phải vì với cái đất nầy, thiệt tình muốn trồng cái gì cho có cái ăn cũng thiệt không sao được…
Một buổi chiều tối nọ, đoàn xe ngừng lại ở một xóm nghèo bên đường và như thông lệ, lính tráng từ trên các trần xe M113 tràn xuống để giây phút sau thì quán nào cũng toàn lính BĐQ. Tôi cũng biết làm gì hơn nên cũng thả bước vào một chiếc quán lá, bày biện thô sơ với một cái tủ nhỏ đựng bao nhiêu chai nước ngọt của BGI Saigon, trong quán thì lính BĐQ ngồi đầy. Mới đi hành quân có bao lâu nay tôi thấy lại những chai xá xị Con cọp, nước cam đỏ, bạc hà xanh thắm sắp đầy sau tấm kính của cái quầy làm tôi mê quá nên… lựng khựng, không biết diễn tả tiếng Miên làm sao để mua một chai xá xị. Ai ngờ cô bé bán hàng hỏi tôi bằng tiếng Việt: Mua gì đó chú? Tôi mừng rở thực sự, nói với những người lính chung quanh: Ê, cô bé nầy biết nói tiếng Việt đó anh em! Cô bé nhìn tôi như một con quái vật cô mới thấy lần đầu: Chú nầy ăn nói vô duyên dử hông? Người Việt không nói tiếng Việt thì nói tiếng gì? Bộ chú tưởng tui nói tiếng Chệt hả? Tôi mới trả lời cho cô bé: Xin lỗi cô bé, tại tui tưởng tui còn ở bên Miên nên nảy giờ tui muốn mua chai xá xị mà… không biết nói làm sao…
- Người Việt nam ở Việt nam mà chú tưởng tui chỉ nói tiếng Miên thôi sao?
- Cô bé nói ở Việt nam, tại hổm nay tui ở bên Miên nên đâu biết ở đây là Việt nam…
- Ở đây là Việt nam chớ ở đâu?
- Đây là đâu vậy cô bé?
- Đây là xã Phước Tân thuộc tỉnh Tây ninh nè ông nội… Chú sao chưa thấy già mà sao lẩm cẩm quá trời đi…
Nói thật với độc giả, tôi nghe mình về tới Việt nam rồi sao lòng mừng hết sức mừng. Đọc truyện thấy người đi xa về tới nước nhà, có người đã quỳ xuống hôn lên mặt đất và thực sự, tôi cũng muốn làm như vậy có điều tôi tự thấy mừng sao quá mừng mà làm vậy thì có hơi quá đà nên tôi chỉ vui vẻ hết sức, trả tiền cho cô bán hàng và cầm chai xá xị con cọp ra khỏi quán mà lòng tưởng như mình mới gặp lại một người yêu xưa cũ đã xa tới những… gần 10 ngày !!
Đó là những cảm nghĩ của một con người ngây thơ trước đời sống mới, lần đầu tiên xa gia đình để đi vào vùng lửa đạn ở quê người khác không phải trên quê hương mình và bất ngờ trở lại quê hương trong một hoàn cảnh hoàn toàn bất ngờ… Mấy mươi năm sau, nghĩ tới câu chuyện với cô bé bán hàng ở chợ xã Phước Tân, Tây ninh, tôi vẫn cười cho mình… và cười một mình…
Nguyễn Ngọc Ấn
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
This comment has been removed by the author.
ReplyDeleteQuý chiến hửu nên cho lên tất cả những tài liệu về những chiến địa mà TQLC đã kinh qua của tất cả những đơn vị trong binh chủng nầy. Cám ơn.
ReplyDelete