Khi Hoa Kỳ Tự Lực Về Năng Lượng
Đến năm 2020 Mỹ sẽ trở thành nguồn sản xuất dầu hỏa số #1 thế giới.
Trung Quốc theo chân Hoa Kỳ khai thác dầu và khí đá phiến. Địa lý chiến
lược thế giới sẽ thay đổi khi Mỹ không còn lệ thuộc vào dầu hỏa của các
nước vùng Vịnh và không cần bảo đảm an ninh cho các tuyến trung gian
chuyển năng lượng của thế giới về Hoa Kỳ.
Dàn khoan đá phiến tại tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ
Là một trong những quốc gia tiêu thụ dầu hỏa và khí đốt hàng đầu của thế
giới, để đáp ứng nhu cầu nội địa Hoa Kỳ nhập cảng đến 20% năng lượng.
Nhưng từ nhiều thập niên qua, cường quốc kinh tế và kỹ nghệ số #1 này đã
âm thầm tiến hành một cuộc cách mạng.
Đầu tháng 11/2012 báo cáo thường niên của Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế
(AIE) đã gây bất ngờ khi dự đoán là vào năm 2017 nước Mỹ sẽ trở thành
nguồn sản xuất dầu hỏa lớn nhất thế giới, đứng trước cả Ả Rập và chỉ một
thập niên sau thì Hoa Kỳ sẽ trở thành quốc gia xuất cảng số #1 toàn
cầu. Đối với khí đốt, chỉ trong hai năm nữa thôi sản lượng của Mỹ sẽ
vượt quá mức cung cấp của Nga.
Cuộc cách mạng năng lượng
Thành quả này có được nhờ vào chiến lược mà các giới chính quyền
Washington liên tiếp và các đại gia dầu khí của Hoa Kỳ đã kiên trì theo
đuổi trong nhiều thập niên: đó là dựa vào kỹ nghệ phát triển khí và dầu
từ đá phiến. Trong 11 tháng đầu năm 2012 Hoa Kỳ sản xuất khoảng 6,2
triệu thùng dầu mỗi ngày nhờ vào kỹ nghệ khai thác đá phiến. Đây là một
mức nhảy vọt đến 28% so với khả năng cung cấp của năm 2008.
AIE xác định: "Với đà này, nhập cảng dầu thô vào Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng
giảm sút vào khoảng năm 2030" và kịch bản một nước Mỹ tự lực về năng
lượng không còn là điều viễn vông. Đương nhiên, trật tự năng lượng quốc
tế sẽ bị đảo lộn khi Hoa Kỳ không còn lệ thuộc vào dầu khí của thế giới.
Châu Á sẽ trở thành trọng tâm của bản đồ thương mại dầu hỏa trong tương
lai với những thay đổi quan trọng về mặt chiến lược.
Trả lời trên đài RFI Pháp ngữ, giáo sư địa lý bà Françoise
Ardillier-Carras tác giả cuốn "Hydrocarbures et conflits dans le monde -
dầu khí và các vụ xung đột trên thế giới", Nhà Xuất Bản Technip cùng
Giáo Sư Samuele Furfari giảng dạy tại Đại Học Tự Do Bruxelles lần lượt
phân tích về những tác động đối với ngành kỹ nghệ dầu khí với cuộc cách
mạng về năng lượng đang hình thành.
Theo Giáo Sư Samuele Furfari đá phiến là vũ khí năng lượng mới của Hoa
Kỳ nhưng ông thận trọng cho rằng dù có trở thành một nguồn cung cấp dầu
khí hàng đầu thế giới, Mỹ ít có khả năng cung cấp dầu khí của mình cho
phần còn lại của thế giới để bảo toàn vị thế siêu cường kỹ nghệ và kinh
tế của mình:
"Mọi người ý thức được là giá năng lượng tăng nhanh và đã tác động đến
các hoạt động kinh tế của toàn cầu. Giá năng lượng tăng mạnh từ 2004 và
vấn đề năng lượng bị coi là một trong những yếu tố dẫn tới khủng hoảng
kinh tế ngày nay. Từ đó các nhà lãnh đạo và các tập đoàn phải tìm ra
những giải pháp.
2004 được coi là một bước ngoặt quan trọng đối với ngành năng lượng.
Khác với các lĩnh vực kinh tế khác, để chuyển hướng, ngành kỹ nghệ năng
lượng cần nhiều năm để thay đổi chiến lược. Trong trường hợp của Hoa Kỳ:
nước Mỹ đang lệ thuộc vào dầu hỏa vào năng lượng của thế giới, nhưng
trong một tương lai không xa cường quốc kinh tế số một này sẽ ‘độc lập’
về mặt năng lượng.
Kỹ nghệ là chìa khóa giúp cho Hoa Kỳ đảo ngược tình huống trên bàn cờ
năng lượng. Hoa Kỳ làm thay đổi cục diện ngành năng lượng thế giới với
kỹ thuật khai thác khí đá phiến. Phải mất nhiều năm các chuyên gia mới
biết khai thác khí đá phiến.
Đến khoảng 2008 ngành năng lượng đã trải qua một cuộc cách mạng: kỹ
thuật khai thác khí đá phiến sẽ đẩy giá thành xuống thấp đến một mức độ
mà ở Mỹ, người ta sẽ chỉ tập trung khai thác những vùng vừa có dầu hỏa
vừa có khí đốt. Hoa Kỳ sẽ trong thế dư thừa dầu khí. Tôi không nghĩ là
Mỹ sẽ trở thành một nguồn cung cấp dầu khí cho thế giới, nhưng Hoa Kỳ,
Canada và Mexico sẽ tự túc được về mặt năng lượng và điều đó sẽ làm đảo
lộn trật tự năng lượng của thể giới".
Nhưng nói như vậy phải chăng quốc tế không còn lo sợ trước kịch bản khan
hiếm vàng đen? Giáo Sư Furfari cho rằng đại đa số trong chúng ta vẫn bị
ám ảnh trước mối đe dọa các nguồn dầu hỏa của thế giới bị cạn kiệt:
"Có thể nói như vậy nhưng đại đa số chúng ta và nhất là các phương tiện
truyền thông vẫn cho rằng dầu hỏa đang ngày càng khan hiến. Từ năm 1924
người ta đã nói đế đe dọa thiếu hụt dầu hỏa. Người ta quên mất một điều:
giá dầu hỏa tùy thuộc vào các kỹ thuật khai thác và tùy thuộc vào giá
mà người tiêu thụ sẵn sàng trả để đổi lấy vàng đen.
Ở đây tôi cũng muốn nhắc lại với thính giả một điều quan trọng đó là vào
năm 1982 quốc tế đã thông qua Công Ước Liên Hiệp Quốc về luật biển. Văn
bản này chính thức có hiệu lực từ năm 1994. Diện tích khai thác của mỗi
quốc gia được mở rộng thêm.
Bên cạnh đó kỹ nghệ khai thác tài nguyên ngày càng tối tân, thành thử
khối lượng dầu cung cấp cho nhân loại ngày càng lớn. Tôi đơn cử trường
hợp của Israel: với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Israel làm chủ
một kho dự trữ khí đốt có thể bảo đảm nhu cầu của quốc gia này trong
vòng 120 năm»!
Công Uớc Liên Hiệp Quốc về Luật Biển
Bà Françoise Ardillier-Carras chuyên gia về địa lý gắn liền vấn đề năng
lượng và địa lý chiến lược. Bà đặc biệt lưu ý đến những ý đồ của Trung
Quốc tại Biển Đông:
"Với Công Uớc Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, chiến lược năng lượng chuyển
hướng và trở thành một vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Chính vì
thế Biển Đông đang trở thành một khu vực vô cùng nhạy cảm. Tương tự như
vậy, các vùng eo biển tức là các cửa ngõ trung gian chuyển dầu khí cũng
trở thành những điểm nóng. Tranh chấp chủ quyền trên biển, một là để xác
định quyền sở hữu các nguồn tài nguyên, và hai là để kiểm soát các
chặng trung gian chuyển năng lượng…»
Vậy thì đâu là chiến lược năng lượng của Trung Quốc? Giáo Sư Samuele
Furfari không ngần ngại cho rằng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh kỹ nghệ khai
thác khí đá phiến tương tự như Hoa Kỳ. Duy Trung Quốc sẽ vấp phải một
trở ngại: các mỏ đá phiến dầu của Trung Quốc thường nằm sâu trong lòng
đất do vậy các cơ sở khai thác của quốc gia này phức tạp hơn so với tại
Mỹ:
"Trung Quốc ngày càng tiêu thụ nhiều năng lượng của thế giới để đáp ứng
nhu cầu sản xuất. Hàng sản xuất đó thực ra cũng chỉ là để đáp ứng nhu
cầu tiêu thụ chung của toàn cầu - trong đó có cả Mỹ và châu Âu. Từ nhiều
năm qua, chính sách ngoại giao của Trung Quốc chính yếu là nhằm hướng
tới các nguồn dự trữ năng lượng của thế giới. Bắc Kinh đã đặc biệt chú ý
tới châu Phi.
Giờ đây với kỹ nghệ khai thác khí đá phiến, Trung Quốc cũng bắt đầu tham
gia vào các chương trình này. Có khả năng một khi thành công trong việc
khai thác khí đã phiến thì Bắc Kinh sẽ quan tâm ít hơn đến các nước sản
xuất dầu hỏa như Chad hay Soudan. Nhưng phải nói là Trung Quốc đang
chạy đua để tìm kiếm dầu hỏa và khí đốt".
Trong cuộc chạy đua tìm kiếm năng lượng đó tới nay Trung Quốc đã mở rộng
tầm ảnh hưởng của mình với các nước sản xuất dầu hỏa từ Nam Mỹ đến Châu
Phi, và đương nhiên là ở cả Trung Á. Giáo Sư Françoise Ardillier-Carras
cho biết:
"Đương nhiên tất cả hãy còn mới lạ đối với Trung Quốc. Đây là lần đầu
tiên Trung Quốc phải trực diện với nhu cầu năng lượng lớn như hiện nay.
Cũng chưa bao giờ Trung Quốc lại có nhiều xe hơi như những năm gần đây.
Trung Quốc sản xuất than đá nhưng bên cạnh đó quốc gia này cần dầu khí
của nước ngoài.
Để chen chân vào được một số khu vực sản xuất dầu khí, đặc biệt là đối
với các nước Trung Á (Ouzbekistan, Turkmenistan, Kazackhstan…), chính
quyền Bắc Kinh đã phải đề ra hẳn một chiến lược. Chẳng hạn như là Trung
Quốc đã phải tăng cường an ninh tại các khu vực biên giới để bảo đảm là
hàng bán được trao đến tay người tiêu thụ một cách an toàn.
Vào khoảng năm 1998 Trung Quốc chi ra khoảng 1 tỉ đô la để mua dầu khí
của các nước Trung Á. Đến năm 2010 tổng kim ngạch nhập cảng năng lượng
của Trung Quốc chỉ riêng với khu vực này lên tới 24 tỉ đô la. Hiện tượng
Trung Quốc bị khát dầu hỏa và mở rộng ảnh hưởng với các nước Trung Á
đôi khi đặt Bắc Kinh trong tình thế khó xử đối với Mạc Tư Khoa bởi đấy
là những quốc gia chư hầu của Liên Xô cũ".
Nghịch lý của Châu Âu
Châu Âu lệ thuộc 53% vào năng lượng ngoài khu vực cho nên từ đầu những
năm 1970 châu lục này đã phát triển năng lượng điện hạt nhân để khắc
phục nhược điểm này. Riêng đối với kỹ nghệ khai thác khí đá phiến, Châu
Âu đã bỏ lỡ một chuyến tàu và bị coi là chậm chân hơn so với Hoa Kỳ. Một
phần lớn sự chậm trễ đó là do châu Âu phải đối phó với các hội đoàn bảo
vệ môi trường.
Tại sao Mỹ khai thác được khí đá phiến mà châu Âu không làm được? Giáo
Sư Samuele Furfari giải thích về khác biệt căn bản giữa Hoa Kỳ và châu
Âu:
"Ở Hoa Kỳ, chủ sở hữu đất làm chủ luôn cả phần ngầm. Nếu có dầu hỏa hay
khí đốt, quặng mỏ… thì họ có quyền khai thác các tài nguyên đó. Tại Châu
Âu, chúng ta không thể làm như vậy. Cái gì cũng phải qua cơ quan hành
chính của chính quyền và phải trình bày với các nhóm bảo vệ môi trường
có thế lực. Tuy vậy luật lệ của Mỹ cũng rất rõ ràng thành thử để khai
thác dầu hỏa hay khí đốt tư nhân không thể gây ô nhiễm bừa bãi.
Tôi nghĩ là trong tương lai Trung Quốc cũng sẽ theo chân Hoa Kỳ để khai
thác khí đã phiến, vì tại đây, tất cả thuộc sở hữu của chính quyền, và
chính quyền quyết định tất cả cho nên một quyết định khai thác loại năng
lượng này, Trung Quốc sẽ không gặp phải một trở ngại nào hết.
Châu Âu không thể làm như Trung Quốc; một khi Mỹ không còn lệ thuộc vào
năng lượng quốc tế, Washington sẽ xét lại chính sách chiến lược của mình
đối với phần còn lại của thế giới. Thêm vào đó là khí đốt sản xuất tại
Mỹ sẽ rẻ vô cùng. Điều đó sẽ mở đường cho ngành kỹ nghệ xe hơi Mỹ chuyển
hướng, chuyển từ xăng, dầu - sang khí đốt. Khi đó, giá dầu thô trên thị
trường quốc tế sẽ giảm mạnh, các loại năng lượng tái tạo như năng lượng
gió hay mặt trời sẽ trở nên vô cùng đắt đỏ; cả một mảng của ngành kỹ
nghệ năng lượng sẽ sụp đổ.
Hiện nay khí đốt ở Mỹ rẻ đến nỗi Hoa Kỳ không còn xử dụng than đá và họ
xuất cảng than đá qua châu Âu. Hậu quả trực tiếp là Mỹ giảm lượng khí
thải CO2 làm nóng trái đất. Trong khi đó thì châu Âu ngày càng xử dụng
nhiều than đá của Mỹ và qua đó làm tiêu tan những nỗ lực giảm khí
carbon".
Tổ chức các nước xuất cảng dầu hỏa, OPEP cho rằng giá một thùng dàu 80
đô la là hợp lý. Nhưng với kỹ nghệ khai thác dầu và khí đá phiến, nhiều
chuyên gia chờ đợi trong tương lai gần, giá dầu hỏa sẽ giảm mạnh. Hậu
quả đối với các quốc gia sản xuất và xuất cảng dầu hỏa?
Giáo Sư Samuele Furfari trả lời: "Vấn đề sẽ không đặt ra đối với các
nước vùng Vịnh, do họ có một nguồn dự trữ rất lớn và dù giá dầu hỏa có
thấp đến mấy, lợi tức của các quốc gia này vẫn được bảo đảm. Đối với các
thành viên khác của OPEC thì khác khi đấy là những nước không có nguồn
dự trữ dầu hỏa hùng hậu như các quốc gia vùng Vịnh.
Cách nay 11 năm giá dầu trên thế giới là 9,80 đô la một thùng. Nhưng
trong một thập niên, giá dầu hỏa đã tăng từ 9,80 đô la lên thành 110
đô/thùng. Giá dầu tăng cao như vậy đã đè nặng lên kinh tế toàn cầu, gây
trở ngại cho tăng trưởng".
Từ năng lượng đến địa lý chiến lược.
Cân bằng về địa lý chiến lược thế giới sẽ thay đổi ra sao khi Hoa Kỳ
không còn phải khai triển các phương tiện quân sự để bảo đảm an ninh cho
các nguồn cung cấp dầu hỏa và khí đốt? Françoise Ardillier-Carras cho
rằng -- an ninh của một số các nước xuất cảng dầu hỏa trên thế giới hiện
nay có nguy cơ bị đe dọa khi Mỹ rút bớt các lực lượng an ninh:
"Nhu cầu về năng lượng thế giới, từ nay đến năm 2035 tăng thêm 36%.
Trong đó khí đốt sẽ tăng 46%. Mỹ ngày nay đang trở thành một nhà sản
xuất khí đốt hàng đầu của thế giới, điều sẽ làm thay đổi tương quan giữa
Washington với nhiều các quốc gia, đặc biệt là các nước đang trỗi dậy.
Đừng quên rằng hiện nay các nền kinh tế đang vươn lên hút nhiều năng
lượng của thế giới hơn cả.
Tôi cũng xin lưu ý là khi không còn phải ráo riết tìm kiếm dầu khí của
thế giới Hoa Kỳ sẽ xét lại chính sách an ninh và chiến lược của mình. Mỹ
sẽ không còn gắn bó với một số các đồng minh thân cận ở vùng Trung Cận
Đông, ở khu vực vùng Vịnh chẳng hạn. Hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong
vùng sẽ không còn hùng hậu như hiện nay. Câu hỏi đặt ra là liệu các bên
liên quan có đủ phương tiện tự vệ hay không?".
Đương nhiên là Hoa Kỳ sẽ ít quan tâm hơn đến vùng Trung Cận Đông. Ông
Furfari, thuộc Đại Học Bruxelles hoàn toàn đồng ý về điểm này, nhưng ông
coi là còn quá sớm để có thể nói rằng dầu hỏa đã thuộc vào quá khứ:
"Như vừa trình bày, có nhiều khả năng kịch bản đó sẽ xảy tới. Mỹ cũng đã
chuyển mối quan tâm từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Hoa Kỳ không
còn chú ý đến châu Âu như trước nữa. Canada cũng đang theo chân Hoa Kỳ
trong lĩnh vực này và ngày càng chú trọng đến đối tác Trung Quốc.
Tôi muốn nói đến dự án xây dựng đường ống dẫn dầu nối liền bang Alberta
của Canada với Trung Quốc. Trong khi đó châu Âu lại cho rằng sẽ không
còn cần đến dầu hỏa trong tương lai. Tôi nghĩ rằng, hiện tại, chưa có
một giải pháp thực tế nào cho phép chúng ta nghĩ tới điều đó. 95% nhu
cầu năng lượng của ngành giao thông vẫn lệ thuộc vào dầu hỏa».
|
No comments:
Post a Comment