Monday, July 28, 2014

Vui Buồn Cùng Tiếng Việt

Vui Buồn Cùng Tiếng Việt

Khoa học, kỹ thuật, tin học, đã biến trái đất thành xóm nhà, các dân tộc thành những láng giềng. Nhưng chế độ chánh trị có khi làm người cùng một nước nói chuyện, dùng những chữ mà không hiểu nhau ngay, phải khựng lại, suy nghĩ thêm mới hiểu được. Đó là trường hợp người Việt hải ngoại nghe mấy cán bộ đảng viên nói này, nói kia trên các phóng sự trực tiếp truyền thanh trên các đài phát thanh quốc tế VOA, RFA của Mỹ, đài RFA của Pháp, và đài BBC của Anh.

Riêng đài BBC, chương trình tiếng Việt bây giờ, dư luận chung từ người Việt hải ngoại nhìn về phương diện "ăn nói", đa số những xướng ngôn viên được đài mướn là người Miền Bắc nên theo thói quen trở thành bản tánh thứ hai, thường dùng các chữ mà người Miền Nam trước kia gọi là "ngôn từ cộng sản", cách nói của cộng sản. Cách nói rất nhanh, giọng the thé, chữ có khi dùng nhiều chữ Hán theo ảnh hưởng Trung Quốc dù tiếng Việt (nôm, tiếng ta) đã có những chữ đồng nghĩa nhiều người đã quen dùng rồi.

Có thính giả đã nêu thắc mắc và được trả lời là đối tượng của chương trình là người Việt trong nước, nên cách dùng "từ" (cách dùng chữ), cách nói phải như thế cho thích hợp.

Nhưng cũng có thính giả hải ngoại không coi đó là câu trả lời hợp lý vì thính giả gốc Miền Nam hay Miền Trung cũng cần được xem là đối tượng cần chú ý. Điều đó cho thấy nếu trên phương diện công lý có cây phương dao, “chánh trị đi vào tòa án thì công lý đội nón đi ra”; thì trên phương diện ngôn ngữ, chánh trị đi vào, tiếng nói, giọng nói khác ra. Những điều đó làm người Việt ở Bắc, ở Nam, ở Trung, ở hải ngoại có lúc cũng vui buồn cùng tiếng Việt; và đây là những lý do vui buồn:

* Thứ nhất:

Người dân Việt nói theo tiếng nói của dân. Tiếng nói của dân dựa vào dòng ngôn ngữ liên tục qua đổi thay, phát triển được quần chúng chấp nhận. Những tiêu chỉ mà quần chúng chấp nhận về ngôn ngữ, theo các nhà ngôn ngữ độc lập, vô tư phân tích là chính xác, rõ ràng, phong phú và tinh tế.

Cộng sản Hà Nội đổi tên Sài Gòn thành Thành Phố Hồ Chí Minh theo kiểu Nga Leningrad. Nhưng người dân Việt vẫn nói: đi Sài Gòn, chợ Sài Gòn, dân Sài Gòn, chớ ít ai nói: đi Thành Phố Hồ Chí Minh, đi chợ Thành Phố Hồ Chí Minh, dân Thành Phố Hồ Chí Minh, dài dòng, khó đọc, khó nhớ, và cũng có phần khó ưa nữa. Cộng Sản Hà Nội đưa vào Miền Nam những chữ "hồ hởi, phấn khởi, ưu việt" không bao lâu sau trở thành tử ngữ ngay đối với cán bộ đảng viên.

* Thứ nhì:

Tiếng nói của dân cũng thể hiện những phản ứng chống đối biến chữ nghĩa tốt thành chữ nghĩa xấu, tiếu lâm, khôi hài, chơi chữ, lái chữ là phương tiện kẻ yếu chống người mạnh, thí dụ cụ thể:
- Thủ tục 'đầu tiên' là hối lộ 'tiền đâu'.
- Chữ "làm luật" người dân trong nước và người Việt hải ngoại xem đó là một chữ có ý nghĩa tốt. Thế mà trước cảnh ăn hối lộ của cảnh sát giao thông cán bộ, người dân phản ứng bằng cách biến nó thành một chữ có nghĩa xấu tức là "hộ lộ".

Qua trạm cảnh sát giao thông hay bị cảnh sát giao thông thổi còi, người phu xe thường tay lấy giấy xe, nhét vô một mớ tiền, miệng khôi hài nói với bà con: bà con cô bác, thông cảm chờ một chút nhé, tui đi "làm luật", (ý chế diễu các cán ngố).
- Chữ thứ hai là chữ "vô tư" mới đây cũng là chữ có nghĩa tốt, vốn có nghĩa công bình không bênh ai, bỏ ai. Nhưng bây giờ dùng theo một nghĩa khác, tự do làm, làm bất cần sự cấm đoán của nhà nước; như: “vô tư” vượt đèn đỏ
“vô tư” đua xe trên đường.

* Thứ ba:

Chế độ của đảng cộng sản Hà Nội dùng nhiều chữ nặng tính nô lệ Tầu trong ngôn ngữ và cố gán, nhồi nhét những chữ Tầu vào tiếng Việt và làm nghèo tiếng Việt. Ông Hồ Chí Minh miệng thì khuyên nên dùng tiếng Việt, nhưng càng ngày công văn của chế độ và nghị quyết của đảng cộng sản Việt Nam đầy tiếng Tầu.
Ông Lý Trung Tín trong bài Nỗi Buồn Tiếng Việt, trên Diễn Đàn ngày 11/2007, có liệt kê và phân tích một số "tiếng Việt Cộng" mà ông gọi là những thay đổi xấu.

- Xấu vì "dùng chữ Hán Việt để thay thế một chữ Hán Việt đã quen dùng".
- Xấu hơn vì "dùng một chữ Hán Việt để thay một chữ Việt".

- Và càng xấu hơn vì dùng tiếng Hán Việt vì tinh thần thần phục tiếng Tầu là Anh Cả Đỏ.

Thí dụ:
- VC dùng chữ "chất lượng" để chỉ "phẩm chất" (quality) mà tiếng Việt đã quen dùng và dùng đúng hơn.

- VC dùng sai vì trong chữ "chất lượng" có "quantity" và "quality".

- VC dùng chữ "xuất khẩu", "cửa khẩu" theo Tầu, khi người Việt đã có và quen dùng chữ "cảng"; như: "xuất cảng", "nhập cảng".

- VC dùng sai vì không ai nói "khẩu Hải Phòng", "phi khẩu Tân Sơn Nhất"; mà đúng ra là “cảng Hải Phòng”, “phi trường Tân Sơn Nhất”.

- VC dùng chữ "khả năng" với nghĩa possibility, hơn là ability, dễ lầm với năng lực con người và điều có thể xảy ra của ngoại vật.
Thí dụ VC nói: “Trời hôm nay có khả năng mưa” đây là câu nói sai.
Mà đúng ra phải nói: “Trời hôm nay có thể mưa” possibility = có thể.
Đây là câu nói đúng: Anh An có khả năng nhận lãnh công việc đó. (khả năng = ability).

- VC dùng chữ Tầu "tranh thủ" trong khi người dân quen dùng chữ "cố gắng", nghe êm tai hơn, gần gũi hơn.

- Chữ "khẩn trương" của Tầu nghe không Việt Nam như chữ "nhanh lên", "mau lên".
Xin hiểu chữ 'người ta" ở đây là người 'cộng sản Việt Nam' hay các “cán bộ đảng viên”, đã ép dân chúng dùng "chữ của Việt Cộng".**

Những chữ Tầu mà cộng sản Hà Nội ghép gọn nghe càng thêm "hũ nút".
- Chữ Tầu "sự cố, sự cố kỹ thuật" khó nghe khó hiểu hơn tiếng Việt đã quen dùng là "trục trặc, trở ngại kỹ thuật".

- Chữ "tham quan" nghe quá Tầu, phát âm có thể lộn với chữ "tham quan ô lại" vừa khó hiểu vừa xa lạ.
Hãy nên dùng chữ "đi thăm, đi viếng, đi chơi" nghe thân tình, thân dân.

- Chữ Tầu "nghệ nhân", phá ngôn nhân...", là tiếng khó nghe. Trong khi chữ Việt đã có chữ "phát ngôn viên","nghệ sĩ" với ý vừa trọng vọng, vừa yêu mến mà ta đã thân quen rồi.

- Chữ "tư liệu" của Tầu sát nghĩa là "tài liệu riêng", trong khi chữ "tài liệu" có nghĩa vừa của riêng vừa của chung. Trước kia VNCH dùng chữ tài liệu, hay "tư liệu mật" như của cơ quan tình báo, chứ không hề tư liệu để chỉ tài liệu được công khai.

- Cholera là bệnh thời khí, dịch tả. Cán bộ đảng viên gọi là "dịch cấp"; phải vận trí rất lâu mới hiểu là "dịch tả cấp tính", tức là bịnh "thượng thổ hạ tảm" có tính nguy cấp.

- Động não" có nghĩa là = suy nghĩ, vận dụng trí óc. Ta nên dùng chữ vận dụng trí óc vì đúng hơn. động tâm, động lòng, động kinh, ngay cả động đĩ… là những sự từ bên ngoài đến khiến ta không điều khiển được, trong khi “vận dụng trí não” là ta có thể điều khiển trí óc ta được, chứ không phải từ hình ảnh bên ngoài động đến cảm giác, cảm xúc ta.

* Thứ tư:

Người Việt Nam hải ngoại ít bị ảnh hưởng chính sách ngôn ngữ của Việt Cộng nên dễ tiếp nối di sản tiếng Việt theo nguyên tác liên tục. Người Việt hải ngoại thường dị ứng và phản ứng đối với những cái tạm gọi là "sơ ý" của truyền thông đại chúng tiếng Việt hải ngoại. Thí dụ của đài BBC nói trên là một.

Sau cùng gẫm lại:
Vạn vật vốn vô thường. Luật đào thải khiến cái gì thích nghi được thì tồn tại, không thích nghi được thì bị đào thải. Ngôn ngữ cũng không thoát khỏi những quy luật bất biến này.

Ngôn ngữ cũng phải đổi thay thành sinh ngữ hay tử ngữ. Chế độ chánh trị dưới cái nhìn lịch sử, chỉ là một làn sóng trong dòng lịch sử chung của dân tộc. Ý muốn của nhà cầm quyền muốn dùng ngôn ngữ để đổi thay cách ăn nói, lối sống, lối suy nghĩ, hiểu biết của một dân tộc là quá tham lam, dễ thất bại vì quần chúng không chấp nhận. Những chữ mà cộng sản Hà Nội đem vào Sài Gòn như: "hồ hởi", "phấn khởi"... chưa đầy hai thập niên đã thành tử ngữ.

Tần Thủy Hoàng thâu tóm được lục quốc, "đốt sách chôn học trò" nhưng đâu có thể thống nhất được ngôn ngữ triều đình muốn chỉ một.

Cộng sản Hà Nội kết tội văn hóa Miền Nam là "văn hóa đồi trụy", đốt sách vở, "nhạc vàng"; nhưng chưa đầy hai mươi năm sau những đầu sách hay của Miền Nam còn nằm trên đầu giường ngủ, những điệu nhạc vàng còn văng vẳng trong phòng riêng của cán bộ đảng viên và sau đó bung ra khắp Miền Nam Bắc trong cuộc sống của người dân, trong thời cộng sản mở cửa cho đầu tư ngoại quốc vào. Tại sao?
Vì tiếng Việt, hồn Việt tiếp tục đi theo dòng lịch sử dân tộc. Không chế độ chính trị nào có thể cản ngăn lâu dài được cả. Ngay đối với người Việt tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại không sống được trong nước Việt Nam đang sống trong lòng người Việt hải ngoại.

VI ANH/ Việt Báo thứ sáu, 11/9/2007

No comments:

Post a Comment