Monday, July 28, 2014

 






  Tôi Thấy và Nghe Được Gì ở Sài Gòn và Miền Nam Việt Nam
Sau 32 Năm Dưới Chế Độ Cộng Sản?


Lời người viết: Đây không phải là một phóng sự hay một bài nghiên cứu xã hội với những phương pháp khoa học của nó - mà chỉ là những điều vụn vặt mắt thấy tận nơi, tai nghe tận chỗ - ghi lại môt cách trung thực. PHÓ THƯỜNG DÂN


Tôi thấy bộ mặt Sài Gòn đổi mới với: Những khách sạn năm sao, bốn sao lộng lẫy. Đổi mới với những nhà hàng "vĩ đại"  trên các tuyến đường du lịch. Với những trung tâm “thư giản” sang trọng, quý phái cỡ câu lạc bộ Lan Anh. Với những vũ trường cực kỳ tráng lệ như vũ trường New Century Hà Nội. Với những trường trung học tư thục mang tên Mỹ, giáo sư Mỹ, chương trình học của Mỹ, giảng dạy bằng tiếng Mỹ - học sinh phải trả học phí bằng tiền Mỹ - 600US$ đến 1000US$ /tháng. (Giai cấp nào đủ sức trả học phí nầy cho con?)   





Tôi cũng thấy Sài Gòn - người, xe và phố xá dầy đặc, nghẹt thở - vài tòa cao ốc mọc lên vô trật tự - ở xa xa, có cái trông giống như chiếc hộp quẹt. nhà cửa mặt tiền hầu hết đều lên lầu nhiều tầng. Kiến trúc hiện đại. Vật liệu nhập cảng đắc tiền. Nhà trong hẻm - phần lớn cũng lên nhiều tầng cao nghệu. Có nhiều khu xây cất bừa bãi, nhô ra thụt vào như những chiếc răng lòi sĩ vô duyên, lấn chiếm ngang ngược đất công hoặc lề đường…  


Tôi thấy Sài Gòn bị ô nhiểm trầm trọng với hằng triệu tiếng động cơ, ngày đêm đinh tai nhức óc và 3.000.000 chiếc gắn máy Honda - phun khói mịt mù - chưa kể đến xe hơi.

  

Và hệ thống cống rãnh lạc hậu. Mỗi khi trời mưa lớn - nước rút không kịp, ứ đọng tràn ngập nhà cửa. Hệ thống đổ rác còn lạc hậu. không đáp ứng nổi nhu cầu thải rác của 8.000.000 dân nhun nhúc như kiến. Sài Gòn đầy dẫy những hàng ngoại hóa do công ty ngoại quốc sản xuất tại chỗ. hàng lậu của Trung quốc tràn vào vô số kể. Máu kinh tế Việt Nam bị loãng ra. Nhưng chế độ xã nghĩa im thin thít chịu trận, không dám một lời phản kháng. Một chiếc xe gắn máy Honda nhãn hiệu Trung quốc giá khoảng chừng 1000 đô la Mỹ. chưa kể hàng Trung quốc lậu thuế, rẻ mạt. Thuốc lá và bia - bia nội địa, bia ngoại quốc- có đủ. Nhậu và hút là hai cái mốt bình dân thời thượng nhứt ở Sài Gòn. Đảng viên, cán bộ - giai cấp thống trị - nhậu. Già nhậu, trẻ nhậu… con nít cũng tập tành nhậu. Hút thì khỏi nói. Giai cấp cán bộ răng đen mã tấu bây giờ là giai cấp nắm thống trị - đã lột xác - không còn quấn thuốc rê, bập bập phà khói mịt mù nữa - mà lúc nào cũng lấp ló một gói ba con số 5, Craven A, trong túi. Lãnh đạo hút, cán bộ hút, dân chúng hút - thậm chí con nít chín, mười tuổi ở đồng quê cũng phì phà điếu thuốc một cách khoái trá. Các hãng bia và thuốc lá ngoại quốc đã tìm được một thị trường tiêu thụ béo bở. Cán bộ lớn cũng âu phục cà vạt hẳn hoi, xe hơi bóng loáng. nhưng bộ răng hô, mái tóc bạc thếch, và nước da mốc mốc, cũng không dấu được nét thô kệch của một anh nhà quê lên Tỉnh.

Tôi còn thấy Sài Gòn với hiện tượng “tiếm công vi tư” lộng hành, ngang ngược của công an đến độ dân chúng quen thuộc, xem là một chuyện đương nhiên như chuyện hối lộ đã trở thành cái lệ bất thành văn trong chế độ xã nghĩa. Chiếm đoạt một nửa công viên, xây nhà gạch dùng làm quán cà phê. Chưa thỏa mãn - ban đêm còn dọn thêm bàn ghế trên sân cỏ của phần công viên còn lại và thắp đèn màu trên mấy chậu kiểng cho thêm thơ mộng. Ông chủ bự nầy chắc chắc không phải là dân thường. Ông lớn nầy xem công viên như đất nhà của ông vậy. Ai có dịp đi ngang qua mũi tàu - nơi gặp gở của hai con đường Nguyễn Trải và Lê Lai cũ, ngang hông nhà thờ Huyện Sĩ - thì rõ.            

Còn nhiều, rất nhiều chuyện lộng hành chiếm đất công, lấn lề đường nhan nhãn ở khắp Sài Gòn. Chỉ đưa ra vài thí dụ cụ thể: Một công thự tại vườn Tao Đàn (có lẽ là nhà cấp cho viên giám đốc công viên Tao Đàn) - mặt tiền ngó vào trong - mặt hậu nhìn ra phía đường Nguyễn Du (Taberd cũ) - bèn có màn trổ cửa mặt sau nhà, xây thêm phía sau thành hai căn phố thương mãi mặt tiền ngó ra đường Nguyễn Du, trị giá mỗi căn, nhiều trăm ngàn mỹ kim - ngon ơ! Tương tự như vậy - ở góc đường Thành Thái và Cộng Hòa cũ, trước sân nhà của ông hiệu trưởng trường Quốc gia sư phạm trước 75 - phố thương mãi, quán xá la liệt chiếm mất mặt tiền. Ngang ngược và lộng hành nhứt là hai căn phố thương mãi bên hông trường Trương Minh Ký, đường Trần Hưng Đạo, chễm chệ xây lên ngay bên góc phải sân trường như thách đố dân chúng. Còn trên lề đường khá rộng trước câu lạc bộ CSS cũ, bây giờ là câu lạc bộ Lao Động - nhiều gian hàng thương mãi bán quần áo, giày vớ thể thao, buôn bán ầm ĩ, náo nhiệt suốt ngày. 
Công an chiếm đất công, xây nhà tư. Công viên, lề đường trước nhà dân là đất riêng của Công An. Công an sử dụng làm chỗ gửi xe, bịt kín cả lối đi vào nhà. Không ai dám hó hé. Im lặng là an toàn. Thưa gửi là dại dột. Mà thưa với ai? Tất nhiên là phải thưa với công an. Không lẽ công an xử công an? Tướng Việt cộng Trần Độ phản ảnh còn rõ rệt hơn: “Xã hội Việt Nam ngày nay là một xã hội vô pháp luật mà phần đầu tiên gây ra là Đảng. Không thể nào chống tham nhũng được vì nếu Đảng chống tham nhũng thì Đảng chống lại Đảng sao? “ (Nhật ký “Rồng Rắn” của Trần Độ).           

Nón cối, nón tai bèo, dép râu, áo chemise xùng xình bỏ ngoài chiếc quần màu cứt ngựa của người cán bộ Việt cộng ngơ ngác khi mới vào Sài Gòn - đã biến mất.

Cũng không còn thấy những chiếc áo dài tha thướt của những cô gái đi dạo phố ngày cuối tuần trên các đại lộ Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Tự Do... những ngày trước 75 nữa. Thay vào đó là một đội ngũ phụ nữ - mũi và miệng bịt kín bằng “khẩu trang”, găng tay dài đến cùi chỏ, cỡi xe gắn máy Honda chạy như bay trên đường phố. 
  
Tôi còn thấy những người nghèo khổ chở trên chiếc xe thồ, những thùng carton và bao túi ny long, chồng chất lên nhau cao ngất như sắp đổ xuống… những bà cụ già, những cậu bé tuổi đáng được ngồi ở ghế nhà trường, những anh phế binh cụt tay, cụt chưn, lê lết trên một miếng ván gổ… đi bán vé số (một cách ăn xin trá hình).

Bộ mặt Sài Gòn “đổi mới” bằng những khách sạn lộng lẫy, những câu lạc bộ thời thượng, những phố xá thương mãi sang trọng, những hiệu kim hoàn lóng lánh kim cương, những nhà hàng ăn rộng lớn, những vũ trường cực kỳ tráng lệ, những biệt thự đồ sộ nguy nga mới xây bằng vật liệu ngoại đắt tiền. trang trí cây cảnh như một mảng vườn thượng uyển của vua chúa ngày xưa, những xe hơi bóng loáng nhởn nhơ trên đường phố - nhiều người chóa mắt. choáng váng, cho là “Việt Nam bây giờ tiến bộ quá”. Riêng Phó Thường Dân tôi tự nghĩ: Như vậy có phải là tiến bộ không? Sự tiến bộ của một nước cần phải nhìn về nhiều mặt: Mặt y tế và giáo dục, mặt đời sống vật chất và tinh thần của dân chúng. Lợi tức đầu người của Việt Nam - theo thống kê của báo The Economist - bằng: 555 US$ năm 2007 (Hà Nội bốc lên 730 US $) chỉ hơn Lào và Cambodia chút đỉnh. So với các nước láng giềng: Thái Lan: 2.550 US$ - Phi luật Tân: 1.040 US$ - Nam Dương: 1.160.US$. Tân Gia Ba 24.840 US$. (The Economist World, năm 2007 - p. 158, 176, 238) - Việt Nam còn lẹt đẹt đàng sau rất xa. Và trước bộ mặt thay đổi choáng ngợp nầy - nếu đặt câu hỏi: Ai là chủ nhân của những xe hơi, khách sạn - vũ trường, những thương hiệu lớn, những biệt thự lộng lẫy kia? - thì câu trả lời không sợ sai lầm là của cán bộ đảng viên (tại chức hoặc giải ngủ) hoặc con cháu thân nhân của họ. Và ở thôn quê - giai cấp giàu có bây giờ là ai? giai cấp địa chủ là ai? Có phải do của cải của ông cha để lại hay do sự kinh doanh tự do, mua bán làm ăn mà có??

HIỆN TƯỢNG NGƯỜI BẮC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA CHIẾM HỮU TOÀN BỘ PHỐ XÁ THƯƠNG MẠI QUAN TRỌNG Ở SÀI GÒN - KHỐNG CHẾ MỌI LÃNH VỰC TRỌNG YẾU Ở MIỀN NAM.

Cho dù núp dưới cái hào quang chiến thắng “đánh Tây, đuổi Mỹ” - cho dù che giấu, lấp liếm, giải thích thế nào chăng nữa - thì dân miền Nam (gồm cả Nam lẫn Bắc theo chế độ Tự Do) vẫn thấy một sự thật. Sự thật đó là người Bắc XHCN tràn ngập, chiếm hữu toàn bộ phố xá thương mãi trọng yếu của Sài Gòn. Làm sao nói khác được khi đi một vòng quanh Sài Gòn và các khu phố sầm uất nhứt, vào những hiệu buôn lớn để mua hàng hay hỏi han chuyện trò thì thấy toàn là người Bắc Cộng Sản - từ cô bán hàng đến bà chủ ngồi phía trong - cũng toàn là người của xã hội chủ nghĩa miền Bắc. Các tiệm buôn lớn trước 75 - như các tiệm vàng Nguyễn Thế Tài, Nguyễn Thế Năng, Pharmacie Trang Hai, tiệm Émile Bodin của bầu Yên, nhà hàng Bồng Lai, Thanh Thế, Nguyễn Văn Đắc, Phạm Thị Trước. Hiện nay, một số đã đổi bảng hiệu hoặc xây cất lại. nhưng đều do người miền Bắc XHCN làm chủ. Các cơ sở khác như nhà hàng ăn lớn, tiệm phở, công ty thương nghiệp, dịch vụ lớn, những tiệm buôn bán đồ nhập cảng v. v... cũng đều do người Bắc XHCN chiếm giữ. Tuy không có con số thống kê chính xác nhưng tự mình đi đếm hàng trăm tiệm buôn sang trọng quanh các khu phố lớn ở Sài Gòn thì khám phá ra được chủ nhân là người Bắc XHCN (Tất nhiên là vợ con, thân nhân cán bộ lớn). Những gái Bắc XHCN bán hàng là con cháu của chủ nhân người Bắc Cộng Sản (do các cô tự nói ra). Các cô chiêu đãi viên trên phi cơ Việt Nam Hàng Không đều là người Bắc thân nhân hay con cháu cán bộ - dĩ nhiên - vẻ mặt lạnh lùng, hách dịch với người Việt Nam và khúm núm lịch sự với khách ngoại quốc. Cán bộ, công nhân viên trọng yếu - cũng đều là người Bắc - trừ một số cán bộ gốc miền Nam tập kết - theo đoàn quân viễn chinh vào đánh chiếm miền Nam - thì cũng kể họ là người XHCN miền Bắc

Hệ thống quyền lực từ trên đến dưới - từ trung ương đến địa phương - từ tỉnh thành đến quận lỵ, thị trấn, làng xã gần - đều do đảng viên người miền Bắc XHCN - nắm giữ. Những công ty dịch vụ có tầm cỡ, những công ty thương mãi sản xuất lớn - điển hình là một công ty vận tải và du lịch có đến 6000 xe hơi đủ loại, chủ nhân cũng là người Bắc XHCN. Từ chính trị đến văn hóa, từ giáo dục đến truyền thông, từ nhà cầm quyền cai trị đến chủ nhân cơ sở thương mãi, sản xuất - cũng do người miền Bắc XHCN nắm giữ. 
Đó là sự thật trước mắt ai cũng thấy. Còn những vàng bạc, kim cương, đô la, tài sản tịch thu, chiếm đoạt được trong các cuộc đánh tư sản, cải tạo công thương nghiệp - nhà cửa của tù cải tạo, của dân bị đuổi đi kinh tế mới, những tấn vàng của VNCH để lại, những luợng vàng thu được từ những người vuợt biên bán chánh thức - tài sản những người thuộc diện tư sản - toàn bộ tài sản nầy từ Saigòn đến các Tỉnh miền Trung, miền Nam - được đem đi đâu?
 - Không ai biết.

Thông thường - những của cải nầy phải được sung vào công quỷ - để làm việc công ích như các ông cộng sản thường rêu rao bằng những mỹ từ đẹp đẽ. Thế nhưng - sự thật trước nhứt - là các ông đem chia chác nhau. Chia nhau một cách hợp hiến và hợp pháp theo luật pháp XHCN (Đọc Đất Đai - Nguồn Sống và Hiểm Họa của Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang). Ông lớn lấy tài sản lớn. Ông nhỏ - nhà cửa nhỏ. Có ông cán bộ trung cấp chiếm hữu đến 4, 5 căn nhà. Ở không hết… đem cho công ty ngoại quốc thuê. Điều phổ biến nhứt là các ông cán bộ nầy - vì lo sợ cái gì đó - bèn đem “ bán non” những căn nhà đó lấy tiền bỏ túi trước. Một căn nhà của một viên chức tù cải tạo đã sang tay đến ba đời chủ. Nhà cửa thuộc diện tù cải tạo là dứt khoát phải tịch thu - không ngoại lệ. Những trường hợp con ruột có hộ khẩu (sổ gia đình) chánh thức còn được phép ở lại - là những biện pháp vá víu. Chủ quyền căn nhà nầy là Nhà nước XHCN.   

Không chỉ có những người thuộc diện cải tạo công thương nghiệp, tù cải tạo, vượt biên mà người dân thường có nhà cửa phố xá đều bị “ giải phóng” ra khỏi nhà bằng nhiều chánh sách: Đuổi đi kinh tế mới, dụ vào hợp tác xã tiểu công nghiệp, mượn nhà làm trụ sở, cho cán bộ vào ở chung (chủ nhà chịu không nổi… phải bỏ đi), đổi tiền để vô sản hóa người dân, khiến họ bắt buộc phải bán tất cả những gì có thể bán để mua gạo ăn, cuối cùng chịu không nổi, phải bán nhà với giá rẻ bỏ, để vô hẻm ở, ra ngoại ô hoặc về quê… Cán bộ hoặc thân nhân cán bộ miền Bắc XHCN tràn vào “mua” nhà Sài Gòn với giá gần như cho không… và bây giờ là chủ những căn nhà mặt tiền ở Sài Gòn.

Mang xe tăng T. 54, cà nông Liên xô, AK Trung cộng, đẩy hàng hàng lớp lớp thiếu niên “xẻ dọc Trường Sơn” bằng máu, nước mắt và xác chết… vào xâm chiếm miền Nam. Chiêu bài là “giải phóng” nhân dân miền Nam - nhưng sự thật khó chối cãi được - là vào để chiếm đoạt tài sản, đất đai, của cải, đuổi dân Sài Gòn (gồm cả người Nam lẫn Bắc theo chế độ Tự Do) ra khỏi Thủ Đô bằng nhiều chánh sách khác nhau - để bây giờ chính các ông đã trở thành những nhà tư bản đỏ triệu phú, tỉ phú đô la, vàng bạc kim cương đầy túi - những ông chủ công Ty có tầm vóc, những địa chủ đầy quyền lực. Trương mục ở nước ngoài đầy nhóc đô la. Con cái du học ngoại quốc. (Trường hợp con Thủ Tướng Việt cộng Nguyễn tấn Dũng đang du học Mỹ là trường hợp điển hình). Như vậy hành vi nầy gọi là gì? Trong những lúc canh tàn rượu tỉnh - một mình đối diện với lương tâm thuần lương của mình - các ông tự gọi mình đi. 

Đến thời “mở cửa” - cơ hội hốt tiền còn nhiều hơn gấp bội. Tư bản ngoại quốc ồ ạt đầu tư, khai thác dầu khí, thâu đô la Việt kiều về thăm quê hương - đô la khách du lịch ngoại quốc, bán đất cho công ty ngoại quốc xây cất cơ xưởng, cấp giấy phép các công ty ngoại quốc, các dịch vụ đấu thầu xây cất cầu cống, làm đuờng xá, xây cất đại công tác. Những món nợ kếch xù từ Ngân hàng thế giới, từ quỷ tiền tệ quốc tế - những món nợ trả đến mấy đời con cháu cũng chưa dứt. Những đại công tác nầy mặc sức mà ăn, no bóc ké. Nhiều công trình vừa xây cất xong đã muốn sụp xuống vì nạn ăn bớt vật liệu, một thí dụ điển hình: Một bệnh viện gần chợ “cua” Long Hồ - quê hương của Phạm Hùng - nước vôi còn chưa ráo đã muốn sụp. Hiện đóng cửa không sử dụng được.

Hiện tượng người Bắc XHCN khống chế toàn bộ, làm chủ nhân ông mọi lãnh vực, chiếm hữu nhà cửa, phố xá thương mãi ở những khu thương mãi quan trọng nhứt - là một sự thật không thể chối bỏ. Cán bộ lớn đã trở thành những nhà tài phiệt đầy quyền lực - những ông chủ lớn giàu có nhứt lịch sử. Trong khi dân chúng miền quê - nhứt là miền Nam - ngày càng nghèo khổ, thất nghiệp kinh niên. Khoảng cách giàu nghèo càng lớn - đời sống cán bộ và dân chúng càng ngày cách biệt. Giàu thì giàu quá sức. Nghèo thì nghèo cùng cực,

nhà văn - bác sĩ Hoàng Chính - gọi thời kỳ sau 75 là thời “Bắc thuộc”: 

- "Năm Bắc thuộc thứ 2: Lưu vong tại quê nhà trong cái đói lạnh.  
- Năm Bắc thuộc thứ 6: Cầu cho em nhỏ 10 tuổi đầu đủ cơm ăn giữa bầy thú hát điên cuồng chuyện thù oán. 
- Năm Bắc thuộc thứ 12: Trong ngục thất quê hương ấy, có những bộ xương thôi tập khóc cười."
Miền Bắc XHCN đem quân xâm chiếm miền Nam để khống chế nơi đó bằng sự đô hộ hà khắc và tinh vi.

BÔ MẶT THÔN QUÊ MIỀN NAM

Có nhìn tận mắt, nghe tận nơi, mới hình dung được khuôn mặt miền Nam sau 32 năm dưới chế độ cộng sản. Để được trung thực - người viết ghi những điều thấy và nghe - không bình luận - tại những nơi đã đi qua. Thôn quê miền Nam - những làng xóm gần tỉnh lỵ quận lỵ đã có điện. Những làng xã xa xôi hẻo lánh vẫn còn sống trong sự tăm tối. Đường sá có tu sửa phần nào. Đường mòn đi sâu vào thôn xóm được lót bằng những tấm dalle lớn (đường xóm Cái Nứa, Cái Chuối xã Long Mỹ, Vĩnh Long), xe Honda và xe đạp chạy qua được. “Cầu tre lắt lẻo”, cầu khỉ được thay thế bằng cầu ván, cầu đúc (vật liệu nhẹ). Cầu tiêu công cộng trên sông các chợ quận (Cái Bè, Cái Răng) nay không còn thấy nữa.

Nhà cửa dọc theo bờ sông Cần Thơ - chen vào những nhà gạch ngói, nhà tôn - còn nhiều nhà lá nghèo nàn. Tương tự như vậy - dọc theo bờ sông Long Hồ - một số nhà gạch nhỏ mới cất. xen kẽ những mái lá bạc màu. Vùng Trà Ốp, Trà Cú (Vĩnh Bình), chợ Thầy Phó (Vĩnh Long) nhiều nhà gạch mới xây nhưng vẫn không thiếu nhà lá, nhà tôn. Đường mòn chạy sâu vào thôn xóm vẫn còn đường đất lầy lội vào mùa mưa nước nổi.

Hai bên đường xe chạy từ Mỹ Tho, Cao Lãnh, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Cần Thơ. Nhìn chung - có một sự thay đổi rõ rệt. Nhà cửa, hàng quán dầy đặc, động cơ ồn ào, người ta chen chúc. Cảm giác chung là ngột ngạt, khó thở. Những vườn cây xanh um bên đường đã biến mất hoặc thụt sâu vào trong, không còn thấy nữa. Không còn vẻ đẹp thiên nhiên ngày nào của vườn xoài cát sai oằn, mát mắt vùng Cái Bè, An Hữu, vườn mận Hồng Đào chạy dài hàng mấy cây số ở Trung Lương.

Dưới sông - từ kinh Vĩnh Tế chảy dài ra sông Tiền Giang - hai bên bờ toàn là nhà sàn, phía sau chống đỡ sơ sài bằng những trụ cây tràm. Mỗi nhà hoặc hai, ba nhà đều có cầu tiêu tiểu bắc phía sau. Tắm rửa giặt giũ, múc nước lên uống, phóng uế - cũng cùng trên một dòng sông, không có gì thay đổi. Làng Chàm còn gọi là chà Châu Giang cũng còn đó, cũng nghèo như trước. Những chiếc ghe vừa dùng làm nhà ở, vừa là hồ nuôi cá Basa, cá diêu hồng v .v.. ở dọc bờ sông khá dài... Dường như ngành nầy hoạt động khá mạnh. Dọc trên những nhánh phụ lưu của hai con sông Tiền và sông Hậu - người ta không còn thấy bóng dáng của những cô gái thướt tha trong chiếc áo bà ba và chiếc quần lãnh Mỹ A, chèo ghe tam bản, bơi xuồng như thời trước 75 nữa... Hỏi một ông già tên Ph. tại Cái Răng, được trả lời: “Ừ. Ði lấy Ðại Hàn, Ðài Loan hết rồi ông ơi!” Tôi hỏi thêm: “Các cô gái có nghe nhiều người bị gạt bán vào ổ mãi dâm, nhiều cô gái bị chồng bắt làm lao động khổ sai, bị ngược đãi, đánh đập... các cô gái nầy không sợ sao ông?
- “Ừ... Biết hết - mấy cổ biết hết, báo Tuổi Trẻ đăng hàng ngày. Nhưng cũng có những cô có chồng Ðại Hàn, cho tiền cha mẹ xây nhà gạch. Cô khác thấy vậy ham. Phần nghèo, phần không có việc làm kinh niên. Họ liều đó ông. Biết đâu gặp may.” Câu chuyện gái Việt lấy chồng Ðại Hàn, Ðài Loan hiện không ai là không biết.

Tờ Tuổi Trẻ - số ra ngày Mùng Một Tết năm Ðinh Hợi - trong bài: “Nỗi Đau Từ Những Con Số”- có nói đến số phận của 65,000 phụ nữ đang làm vợ những ông chồng Ðài Loan già, tàn tật đui mù, làm vợ tập thể cho cả gia đình cha lẫn con. Cũng do tờ báo nầy: “Tại một tổ chức kết hôn lậu, hàng chục cô gái đang 'bày hàng' để hai ông Hàn quốc tuyển chọn làm vợ và 118 cô gái khác đang nằm, ngồi, lố nhố chờ đến lượt mình” Và cũng do tờ Tuổi Trẻ số phát hành ngày 25-04-2007, viết: “Hơn 60 cô gái, tuổi từ 18 đến 20 từ miền Tây Nam bộ lên Sài Gòn để dự tuyển. Các chàng rể Hàn Quốc được quyền soi xem kỹ, chú ý đến cả từng vết thẹo trên thân thể cô gái. Dịch vụ môi giới hôn nhân lậu có chiều hướng gia tăng. Chỉ trong vòng nửa tháng mà Công An đã phát giác ba vụ môi giới hôn nhân trái phép ở quận 6, 10 và Tân Bình với gần 400 lượt cô gái hiện diện. Thậm chí - những cô gái được xe ôm chở tới địa điểm dồn dập gây náo loạn cả xóm”.

Người viết có lần lang thang trên đường Nguyễn Tri Phương tìm quán ăn cơm trưa, có chứng kiến tại chỗ: Từng cặp trai gái lố nhố xếp hàng đôi trước cửa một trường học, để lần lượt vào trong. Hỏi một người trung niên lái xe Honda ôm, được anh trả lời: “Ðó là những người con gái đi lấy chồng Ðài Loan và Ðại Hàn. Hàng bên trong là những đang làm thủ tục xuất ngoại theo chồng. Hàng bên ngoài là những người đang vào ký giấy hôn thú sau khi đã qua các cửa ải môi giới và thủ tục tuyển lựa”. Tôi nhìn kỹ các cô gái nầy tuổi rất trẻ... khoảng chừng 18 đến 20... Không thấy có thanh niên trẻ. Nhìn cách ăn mặc và nghe họ nói chuyện - tôi đoán chừng họ đến từ miền Tây Nam Bộ. Ðây là tổ chức môi giới chánh thức có giấy phép hành nghề.

Song song với tổ chức chánh thức, còn có một tổ chức “môi giới hôn nhân lậu”- sự thật là một tổ chức buôn người, chuyên đi dụ dỗ trẻ em và gái, nói gạt là đi bán hàng hay đi làm việc tại các cơ xưởng ngoại quốc nhưng là để bán thẳng vào các ổ mãi dâm ở Kampuchia, Thái Lan, Ma Cau... để nơi đây huấn luyện trẻ em làm nô lệ tình dục... các cô gái làm điếm... hoặc bán cho người Tàu bỏ tiền ra mua nô lệ... Tất nhiên là phải có sự tiếp tay che chở ăn chia của công an, nhan nhản xảy ra hằng tuần - thậm chí hằng ngày trước mặt dân chúng tại các quận Bình Thạnh, quận 11... Sài Gòn.

Cho dù chánh thức hay lậu... hậu quả cũng gần giống nhau. Chánh thức thì có giấy phép, có công an làm thủ tục, chánh phủ thu tiền lệ phí. Lậu thì lén lút với sự che chở của công an. Hậu quả gần giống nhau.
Cựu Quốc Trưởng Sihanouk không giấu được nỗi xót xa trước thảm cảnh người phụ nữ Miên làm vợ mấy thằng Tàu... lên tiếng kêu gọi họ trở về nước.
Không thấy Việt Nam nói nửa lời! Cha mẹ có đồng ý hay cản trở? Nguyên nhân nào đã thúc đẩy họ dấn thân vào con đường hiểm nguy, tương lai mù mịt?
Trừ những trường hợp bị dụ dỗ qua đường dây buôn người - những người con gái này thật sự là họ TỰ NGUYỆN. Họ còn phải vay tiền mua sắm, ăn diện, hối lộ để được giới thiệu. Nhưng nguyên nhân nào thúc đẩy họ đi lấy chồng Ðài Loan, Ðại Hàn?

Có thể có nhiều nguyên nhân phức tạp. Phó Thường Dân tôi chỉ đưa ra vài nhận định thiển cận như sau: Quá nhiều chương trình ngăn chống lũ lụt, chương trình công nghiệp hóa, đô thị hóa... bừa bãi, không được nghiên cứu cẩn trọng... đất đai canh tác bị thu hẹp. Dân số gia tăng... Khối lượng đông đảo người miền Trung, Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa tràn vào... Nông dân miền Nam thiếu đất canh tác... Các cô gái miền Tây... quẫn bách vì không có việc làm kinh niên - cuộc sống vô vọng mịt mờ - có nhiều trường hợp bị thúc đẩy vì cha mẹ mắng nhiếc, đay nghiến... khi so sánh con gái mình với cô con gái làng bên có chồng Ðại Hàn mang tiền về xây nhà gạch cho cha mẹ. Và cũng vì hấp thụ một nền giáo dục của chế độ cộng sản (sinh sau 75) - những người trẻ tuổi không có ý niệm về luân lý đạo đức cũ... thang giá trị bị đảo lộn... nên họ không đặt nặng danh dự, sĩ diện như thời trước... Do vậy - khi bị dồn vào đường cùng... họ đành đánh liều nhắm mắt đưa chưn... Nhưng động lực chánh là nghèo...

NGHÈO…

Là nguyên nhân chánh đưa đẩy các cô gái miền Tây Nam Bộ đi lấy chồng Ðại Hàn và Ðài Loan… để hy vọng thoát khỏi cảnh đời cơ cực, vô vọng không lối thoát... Thế nhưng Tại sao đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) - vựa lúa nuôi sống cả nước - sau 32 năm dưới chế độ cộng sản lại trở nên nghèo như vậy - nghèo hơn cả đồng bằng sông Hồng (ÐBSH)? Theo tiêu chuẩn nghèo từng vùng của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam - thì tỷ lệ Đồng Bằng Sông Cửu Long-

năm 1998:
ÐBSCL: 37%.
ÐBSH: 29%.
Năm 2002:
ÐBSCL: 13 %.
ÐBSH: 9%.
(Nhà xuất bản Thống Kê - Hànội, trang 13 - LVB trích dẫn).
Dù theo tiêu chuẩn nào: tiền tệ (tính bắng tiền hay bằng gạo) - mức sống (bao gồm lương thực, nhà ờ, mức sống văn hóa ) - Đồng Bằng Sông Cửu Long vẫn nghèo hơn Đồng Bằng Sông Hồng - bởi lẽ khi nghèo về lương thực - thì khó có thể giàu về nhà ở và đời sống văn hóa.

Ðó là cái nghèo mà anh Lâm Văn Bé đã nhìn qua những con số có giá trị của những chương trình nghiên cứu thống kê khoa học. Và sau đây là cái nghèo miền Nam qua cái nhìn tận mắt, nghe tận nơi của người viết: Cái nghèo ở Việt Nam bao gồm cả thành thị lẫn thôn quê là cái nghèo thiếu trước hụt sau, ăn bữa sáng lo bữa chiều - cái nghèo của một nông dân, nhà dột nát... khi trời mưa lúc ban đêm... không có chỗ để nằm phải tìm một góc nhà, phủ cái mền rách lên người ngồi run cằm cặp... trước từng cơn gió lạnh buốt lùa vào căn nhà trống hốc… Cái nghèo của một người đi mượn tiền, mượn gạo... tới ngày hẹn không tiền trả... Cái nghèo của một thanh niên thất nghiệp... cha bị lao phổi không tiền mua thuốc nằm ho sù sụ... mẹ bơi xuồng đi bán bắp nấu không đủ gạo cho một đàn con bốn đứa, mũi dãi lòng thòng đang bốc đất cát chơi ngoài sân.

Tục ngữ bình dân có câu: Ít ai giàu ba họ, khó ba đời.
- Có. Tôi quen biết ông Sáu S. làm nghề chài lưới... ở sông Long Hồ. Ðời con là anh Tư Te tiếp nối nghề nầy: nghề đi nhủi tép... Và trên bờ sông Long Hồ năm nay (2007) tôi thấy vợ chồng một cậu thanh niên tên M. vừa cặp xuồng vào bến, đem miệng nhủi còn dính đầy rong rêu phơi trên mái nhà lá đã nhuộm màu thời gian bạc thếch... Hỏi thăm thì té ra là con của Tư Te. Ðời ông nội - nghèo! Ðời cha nghèo! Ðời cháu cũng nghèo! Khó ba đời đó. Cộng Sản đổi đời cho người giàu thành nghèo - không đổi đời cho người nghèo thành giàu. Người nghèo vẫn tiếp tục nghèo.

Nói chung thì nông dân Việt Nam chiếm 85% dân số mà đất không đủ để canh tác - còn công nghiệp không có khả năng biến nông dân thành thợ thuyền... trong khi dân số lại gia tăng quá mức. Cho nên thất nghiệp không thể tránh. Nghèo là hiện thực. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trong một bài phổ biến trên mạng, viết: “Nông dân đã nghèo, đất đã kém đi, nhưng mỗi năm thêm một triệu miệng ăn, lấy đâu ra mà ăn. Lao động vất vả mỗi ngày trên 8m2 đất thì lấy gì mà giàu có được?”

MIỀN NAM - 32 NĂM DƯỚI CHẾ ÐỘ cộng sản

Kinh tế Việt Nam - trong đó có miền Nam - có chút tiến bộ - so từ thời kỳ bao cấp đến thời kỳ mở cửa. Nhưng chỉ là tiến bộ với chính mình. Ðối với các nước khác trong vùng thì còn lẹt đẹt.. cầm lồng đèn đỏ… Và điều quan trọng là sự phát triển nầy có đem lại phúc lợi cho dân chúng qua sự tái phân lợi tức quốc gia, để tài trợ các chương trình y tế, giáo dục - các chương trình tạo công ăn việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng hạ tầng cơ sở hay không? Hay là phát triển bằng những con số báo cáo rỗng tuếch? Lợi tức tạo được đã bị cả hệ thống của những con virus tham nhũng đục nát cơ thể... Và hiện tại - muốn phát triển công nghiệp - nhà cầm quyền địa phương - theo lệnh Ðảng - mở rộng khu công nghiệp, khu du lịch, đã quy hoạch lấy đất, phá mồ phá mả, chiếm nhà dân một cách bạo ngược... Lòng dân phẫn uất, kêu la than khóc... Oán hận ngút trời xanh! (19 tỉnh miền Nam biểu tình khiếu kiện trước trụ sở quốc hội 2 Sài Gòn). Như vậy có gọi là phát triển không?

KẾT LUẬN


32 năm nhìn lại: Người ta thấy

- Miền Bắc đã “giải phóng” dân Sài Gòn ra khỏi đất đai, nhà cửa của họ; dân Sài Gòn phải rút vô hẻm, ra ngoại ô hay về quê bằng nhiều chánh sách khác nhau.

- “Giải phóng” miền Đồng Bằng Sông Cửu Long ra khỏi sự trù phú do thiên nhiên ưu đãi từ nhiều thế kỷ.

- “Giải phóng” quân nhân, viên chức chế độ cũ ra khỏi nhà, để đưa họ vào các trại tù cải tạo hoặc đẩy họ ra biển…”

- Giải phóng” phụ nữ miền Tây, để họ được tự do đi làm “vợ nô lệ”, đi làm điếm ở Kampuchia, Thái Lan...


32 năm nhìn lại:

- Người ta thấy Việt Nam trở lại thời kỳ mua bán nô lệ như thời Trung cổ. Phụ nữ Việt Nam bị bán đấu giá trên E-bay Taiwan website (2003) - bị trưng bày trong lồng kính, cũng để bán đấu giá như một con súc vật ở Singapour (2005). Chỉ trong năm 2005 - có khoảng 400.000 phụ nữ và trẻ em bị bán ra ngoại quốc. (Theo UNI CEF - LHQ và Bộ Tư Pháp Việt Nam)


32 năm nhìn lại:

- Mượn lời nhà báo Claude Allegre, báo L”expresse ngày 29-8-2002----“Người ta không thể cho qua một cách im lặng những Khơ Me Đỏ, những trại tập trung ở Cambodia và những cuộc tàn sát man rợ ở đó. Và Việt Nam không được biết đến như là một chế độ nhân đạo hơn. Dưới cái cớ là dân tộc can đảm nầy đã chiến thắng các siêu cường quốc - người ta đi đến chỗ quên đi một nền độc tài đẫm máu đang thực thi trên xứ sở đó".


32 năm nhìn lại:

- Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa rõ ràng đã thiết lập một nền đô hộ miền Nam - khắc nghiệt, tinh vi hơn cả thời Pháp thuộc.

Và điều quan trọng trên hết là Việt Nam đang đứng trước hiểm họa mất nước. Một đảng viên kỳ cựu của chế độ Cộng Sản lên tiếng cảnh cáo: “Việt Nam đang đứng trước hiểm họa mất nước. Mất cả đất đai, sông núi và dân tộc. Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh lẻ của Tàu”.


(Trích Người việt hải ngoại - Nguyễn văn Trấn)


PHÓ THƯỜNG DÂN

http://www.bacaytruc.com/

 

No comments:

Post a Comment