Sunday, July 20, 2014

Kỷ niệm 60 năm di cư từ Bắc vào Nam

Kỷ niệm 60 năm di cư từ Bắc vào Nam
(VienDongDaily.Com - 19/07/2014)
Ngày 20 tháng 7, 1954 sau hội nghị quốc tế tại Geneve, Thụy Sĩ và phiên họp cuối cùng vào ngày 21 tháng 7 do Ngoại Trưởng Anh Anthony Eden chủ tọa đã đạt thỏa thuận giữa Pháp và Việt Minh chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới.
Thanh Phong/Viễn Đông



Bộ tem di cư trích từ bộ sưu tập tem của tác giả.


 
LTS: Ngày 20 tháng 7, 1954 sau hội nghị quốc tế tại Geneve, Thụy Sĩ và phiên họp cuối cùng vào ngày 21 tháng 7 do Ngoại Trưởng Anh Anthony Eden chủ tọa đã đạt thỏa thuận giữa Pháp và Việt Minh chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Miền Bắc do Hồ Chí Minh lãnh đạo theo chế độ cộng sản, miền Nam thuộc chính phủ Quốc Gia. Từ hội nghị này khiến cho gần một triệu người dân miền Bắc biết không thể chung sống với chế độ cộng sản đã phải bỏ mồ mả tổ tiên và tài sản tìm đường vào miền Nam.

Hôm nay, ngày 20 tháng Bảy, 2014, nhân kỷ niệm 60 năm cuộc di cư vĩ đại đó, nhật báo Viễn Đông đăng tải hồi ký của ký giả Thanh Phong, ghi lại cuộc hành trình di cư của gia đình ông, có lẽ hàng trăm ngàn gia đình đình miền Bắc khác cũng có hoàn cảnh tương tự khi phải từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn trốn chạy cộng sản từ miền Bắc vào miền Nam 60 năm trước.

Trước khi di cư

Làng tôi có tên là làng Quang Rực, còn có một tên khác gọi là làng Rách nằm bên bờ sông Luộc, cách thị xã Ninh Giang gần 10 cây số. Làng ở bên này sông thuộc địa phận Hải Phòng, bên bờ sông bên kia thuộc tỉnh Thái Bình. Cả làng chỉ duy nhất làm nghề nông, quanh năm làm ruộng và trồng ngô. Đặc biệt ông tổ làng là người Công giáo, lấy vợ người Phật giáo nên sau này con cháu chia hai, một nửa theo đạo này, một nửa theo đạo kia. Nửa làng theo đạo Phật cất chùa lớn, nửa làng theo Công giáo xây nhà thờ đẹp nhất vùng. Vì cùng một ông tổ nên tuy khác tôn giáo nhưng là anh em, họ hàng nhau cả nên người lương, người giáo sống rất hòa hợp. Theo lời các cụ kể lại, chưa bao giờ xẩy ra xích mích tôn giáo trong làng.

Sau khi Pháp rút lui, Việt Minh chiếm quyền cai trị khắp nơi. Lúc đó, tuy còn rất nhỏ, chúng tôi vẫn nhớ mỗi buổi tối, bọn cán bộ Việt Minh cầm loa đi khắp các con đường trong làng bắt thanh niên nam nữ, có tối ra sân nhà thờ, có tối ra sân chùa để cho chúng tập hát và tập nhảy “son đố mì,” đúng vào cái giờ mà bên nửa làng Công giáo có thói quen đến nhà thờ đọc kinh Mân Côi hay ngắm, nguyện. Một số thanh niên trai tráng trong làng bị bắt buộc phải tham gia vào “dân quân du kích.”



                                  Bản đồ Việt Nam bị chia cắt sau hiệp định Geneve 1954


Như đã nói, làng tôi số giáo dân rất ít, chỉ là 'họ lẻ,” nên mỗi tối Thứ Bảy, các gia đình Công giáo dắt nhau đi bộ khoảng 4 km lên xứ Đồng Bình để dự lễ sớm sáng Chúa nhật. Vào khoảng tháng 5/ 1954, cha xứ chúng tôi là linh mục Chu Thanh Liêm (đã qua đời) bỏ xứ trốn ra Ninh Giang. Chính nhờ các vị linh mục mà tỷ lệ người Công Giáo di cư chiếm đa số là vậy, vì các linh mục ngấm ngầm thông báo cho giáo dân phải tìm đường mà vào Nam mới tránh được cộng sản.

Việt Minh Cộng Sản ra sức ngăn cản

Vì trong hiệp định Geneve có 47 điều khoản, trong đó có điều khoản ghi rõ: thời gian hai bên rút quân là 300 ngày và để cho dân chúng tự quyết định, ai muốn ở vùng nào tùy họ chọn. Hai năm sau, vào đúng ngày 20 tháng 7, 1956 sẽ có cuộc Tổng Tuyển Cử để dân chúng hai miền bỏ phiếu tái thống nhất đất nước.

Việt Minh biết rằng, nếu sau hai năm, cuộc Tổng Tuyển Cử diễn ra, bên nào đông dân ắt bên đó thắng, vì thế chúng cho cán bộ đi tuyên truyền rỉ tai mọi người chớ dại dột di cư, sẽ bị Pháp đánh lừa chở ra biển đánh chìm tàu cho chết hết, hoặc chúng tạo ra những câu chuyện giật gân để làm nản lòng người ra đi. Khắp nơi bọn chúng dựng những trạm gác để kiểm soát giấy tờ, biết người nào đi di cư là chúng đuổi trở lại không cho qua khỏi trạm gác.

Con trâu chảy nước mắt

Gia đình tôi rất nghèo không mua nổi một con trâu để cày bừa, bố mẹ tôi phải mua chung một con trâu với ông bác người bên Phật. Cứ mỗi tuần gia đình tôi chăm sóc trâu thì tuần sau đến phiên gia đình ông bác.

Tối hôm đó, tôi còn nhỏ nên không nhớ rõ ngày tháng, bố tôi bảo chị em tôi dắt trâu đến nhờ bác trông giùm, cũng ngầm cho bác biết là từ nay con trâu thuộc hẳn về bác. Chị tôi cởi dây dắt con trâu ra khỏi chuồng, tự nhiên hai mắt nó chảy nước ròng ròng rồi chậm chạp bước đi làm chị tôi cũng khóc theo con trâu.

Trước khi ra đi

Sau khi đã giao con trâu là tài sản quý giá nhất cho bác, buổi chiều, mẹ tôi nấu một nồi cơm nếp đậu đen rồi bới ra, nắm thành từng nắm. Số còn lại bố mẹ tôi kêu chị em tôi lại ăn và dặn, “Ăn xong phải đi ngủ ngay, khi nào tao đánh thức phải dậy liền.”

Không biết các chị tôi đã lớn có được bố mẹ cho biết mục đích dậy làm gì chứ tôi hoàn toàn không biết gì cả. Nửa đêm, mẹ tôi gọi, “Dậy, dậy ngay.” Tôi ngồi bật dậy. Mẹ tôi dặn, không được hỏi, không được nói to đấy! Tôi thấy một ngọn đèn dầu rất nhỏ lại được che xung quanh cho ánh sáng bớt lọt ra ngoài. Bố mẹ tôi dặn ba người chị tôi cái gì đó, rồi tôi thấy hai người chị, mỗi người quẩy một đôi quang gánh trên có đầy ngô (bắp), chị kia thì gánh lúa, chị thứ ba đội trên đầu một cái thúng.



Số báo Viễn Đông đặc biệt kỷ niệm 55 năm di cư được Thư Viện Việt Nam trân quý, đóng khung và treo tại Thư Viện 5 năm qua với hàng chục ngàn lượt người đọc.



Hai chị tôi đi trước, sau đó đến mẹ tôi bế em tôi và một chị đi sau. Đợi cho mọi người đã đi khỏi nhà an toàn, bố tôi cõng tôi trên vai, thổi tắt đèn và ra khỏi cửa, trời đã mờ mờ sáng.

Vừa ra tới đầu làng gặp ngay một trạm gác, một tên du kích và một người cháu gọi bố tôi bằng chú đứng kiểm soát giấy tờ. Tên du kích không biết chữ hỏi bố tôi, “Ông già đi di cư phải không?” Bố tôi trả lời, “Con tôi nó bệnh tôi phải cõng nó xuống Ninh Giang chữa trị cho nó chứ di cư làm cái gì.”

Tên du kích cầm giấy nhưng hắn mù chữ nên đưa giấy của bố tôi cho anh Hán gọi bố tôi bằng chú xem. Anh Hán bảo với tên du kích, “Đúng rồi, cho ông già đi đi, con ông bệnh nặng lắm.” Thế là bố con tôi qua được một cửa ải. Nhưng đường từ làng tôi đến Ninh Giang còn phải qua rất nhiều trạm gác nữa, bố tôi vừa qua khỏi trạm vài trăm thước thì rẽ xuống bờ sông đi tiếp để tránh qua trạm. Đi bộ dọc theo bờ sông thì an toàn nhưng có chỗ bố tôi phải lội nước sâu đến đầu gối. Sau đó bố tôi lại cõng tôi lên đường cái .

Trên đường người đi lại tấp nập, kẻ ngược người xuôi. Thỉnh thoảng có mấy người đi trong đám đông nói, “Các ông các bà ơi, đi về đi, đừng di cư vào Nam không sống nổi với bọn dân miền Nam đâu, nó ác lắm, nó ăn thị người đấy! Đất nước hòa bình rồi, đi đâu làm gì.”

Lại có người vừa bế đứa bé trên tay vừa la to, “Đây này, di cư làm gì, ra đến Hải Phòng phải bán con cho tôi lấy tiền mua gạo đấy, về đi thôi.” Toàn là bọn cán bộ ngụy tạo ra những tình huống này để làm nản lòng người muốn di cư, nhưng chúng cũng có một số thành công, nhiều người nhẹ dạ, cả tin quay trở lại, một số người khác tiếc của, quay về!

Có lẽ bố mẹ tôi đã hẹn nhau trước, nên các chị tôi đều nói dối là đi buôn ngô, buôn thóc (lúa) nên qua mặt được bọn gác. Chúng tôi ra đến Ninh Giang và rất mừng là tất cả gia đình đã thoát được sự ngăn cản của Việt Minh. Vì Ninh Giang hiện vẫn đang có quân đội Pháp trú đóng.

Tìm đường ra hải phòng

Sau khi gặp cha xứ Chu Thanh Liêm, gia đình chúng tôi và một số gia đình khác lên xe đò chạy từ Ninh Giang ra Hải Phòng. Tôi còn nhớ, lần đầu tiên được ngồi xe hơi, thật ra là đứng chứ không được ngồi, vì quá đông, chen chúc nhau, có người leo lên mui xe trông rất nguy hiểm.

Xe ì ạch chạy mãi rồi cũng tới một nơi gọi là Xuân Sơn, gia đình chúng tôi xuống đây tạm trú để đi khai giấy tờ vào Nam.

Xuân Sơn là một xứ đạo nằm cạnh một ngọn núi không cao lắm. Trên triền núi trồng rất nhiều cây na (mãng cầu) đang mùa trái chín, hàng ngày bọn trẻ chúng tôi leo lên núi hái trái na chín ăn, có lẽ chủ nhân cũng đã di cư hay vì tình hình trong nước khiến ông đâm nản, bỏ mặc ai muốn hái cứ hái ăn thoải mái. Chờ đợi khoảng hai tuần lễ thì được lệnh ra “Vườn Hoa Con Cóc” là một địa danh của thành phố Hải Phòng chờ xuống “tàu há mồm” vào Nam.

Ra khơi

Một hôm cả gia đình tôi được đưa xuống một chiếc tàu gọi là tàu há mồm, vì nguyên cả cái cửa to tướng được nhả ra nằm sát xuống đất cho mọi người đi vào lòng tàu như thể miệng con cá há ra đớp mồi. Tàu há mồm chở mấy trăm người chạy ra tàu lớn đậu ở ngoài khơi.

Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy biển, thật to và sóng gào ầm ầm. Ra đến tàu lớn mới thấy thật là to lớn khủng khiếp, con tàu treo lá cờ Pháp ba màu xanh, trắng, đỏ. Chúng tôi lên tàu, nhiều người xách theo va li quần áo, có người dắt cả chiếc xe đạp theo. Những người thủy thủ trên tàu rất tử tế, họ bồng những đưa bé cho người mẹ leo lên, họ đỡ các cụ già cho khỏi trượt té.

Trên tàu, người nằm, người ngồi la liệt, con tàu có nhiều tầng và rất dài, rất rộng, một lần tôi suýt bị lạc không tìm lại được chỗ nghỉ của gia đình. May nhờ người bà con trông thấy dắt tôi về cho bố mẹ tôi. Tàu chở không biết bao nhiêu ngàn người và rẽ sóng ra khơi. Chỉ không đầy năm phút sau, nhiều người say sóng, bắt đầu ói mửa lung tung, có người mệt lả ngủ thiếp đi.

Trên tàu thủy thủ Pháp phát cho chúng tôi bánh mì và những tảng thịt bò rất ngon , cùng cam, táo nhưng ít ai ăn hết vì say sóng. Sau ba ngày bốn đêm lênh đênh trên biển cả mênh mông, không biết đâu là bờ bến, cuối cùng tàu hụ còi tiến vào bến Bạch Đằng Saigon.

Sau này tôi biết được, nhiều nước trên thế giới đã đem tổng cộng 115 chiến hạm và một số tàu vận tải loại lớn để chuyên chở gần 400,000 người từ Bắc vào Nam. Số người khác may mắn được đi bằng phi cơ, một số khác, chậm chân không đi kịp chuyến tàu cuối cùng vào ngày 15 tháng 5, 1955 nên đã phải dùng bè, thuyền đánh cá vượt thoát vào Nam, tổng cộng số người di cư vào Nam lên đến gần một triệu.

Người trên tàu bắt đầu đi xuống bằng một cầu thang an toàn từ tàu bắc lên bờ. Mỗi người phải đi ngang một người cầm bình xịt xịt thuốc khắp người, sau đó đi tới người thứ hai phát cho mỗi người 700 đồng và một tờ giấy rồi lên xe chờ sẵn chở về nơi tập trung là trường đua ngựa Phú Thọ.

Ở đây chính phủ thiết lập hàng trăm căn lều, mỗi gia đình ở một lều nhỏ, nhiều gia đình ở chung một cái lều lớn. Mỗi sáng có các bà Sơ áo trắng đến phát sữa, cứ đem đồ ra đựng, các Soeur múc sữa đổ đầy cho mình mang về uống, đến trưa và chiều phát cơm ăn với cá, trứng hay thịt bò.

Tôi không biết đã ở đây đến bao giờ, sau đó lại có xe chở về Hố Nai, Biên Hòa để định cư, và sau Hố Nai, gia đình tôi làm nghề nông nên theo một linh mục xuống Phụng Hiệp, Cần Thơ để định cư và sinh sống bằng nghề làm ruộng cho đến một hôm lại phải bỏ Phụng Hiệp mà đi vì ban đêm Việt Cộng về ấp, giao cho bố tôi một cuộn giấy truyền đơn bắt phải đi rải từ nhà ra đến chợ Phụng Hiệp.

Ngay trong đêm đó, bố mẹ tôi và gia đình lại một lần nữa bí mật rời kênh Phó Đường, Phụng Hiệp để trốn chạy Việt Cộng. Nhưng Việt cộng cứ bám theo để rồi sau 30 tháng Tư, 1975 chúng tôi lại cùng với hàng trăm ngàn người khác phải bỏ nước ra đi khi Việt cộng cưỡng chiếm miền Nam.

Để kỷ niệm cuộc di cư lịch sử, dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ngày 11 tháng 10, 1955 Sở Bưu Điện Saigon đã phát hành bộ tem di cư gồm 6 con tem được đặt in tại nhà in tem thơ nổi tiếng trên đại lộ Brune (Pháp), bộ tem được các nhà sưu tập tem trên thế giới rất ưa thích và hiện có giá khoảng $500 Mỹ kim.

Nguồn: http://www.viendongdaily.com/ky-niem-60-nam-di-cu-tu-bac-vao-nam-oFmGOGiH.html


http://www.viendongdaily.com/ky-niem-60-nam-di-cu-tu-bac-vao-nam-oFmGOGiH.html

No comments:

Post a Comment