Sunday, July 13, 2014

Đông kinh Lê Thành Nhơn

Hai cánh quân của 2 sư đoàn tiến song song với những trận đụng độ ác liệt, những trận đánh với bộ binh và chiến xa địch.

Bàn giao vị trí cho Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù
Sư đoàn Nhảy Dù và Sư đoàn TQLC nhận lãnh trách nhiệm tái chiếm thị xã và Cổ thành Ðinh Công Tráng Quảng Trị, lấy QL1 làm ranh giới, Nhảy Dù phía Tây QL1 và TQLC phía Ðông QL1 ra tới biển.

Hai cánh quân của 2 sư đoàn tiến song song với những trận đụng độ ác liệt, những trận đánh với bộ binh và chiến xa địch.

Ðịa thế phía Tây QL1, là đồi núi và những căn cứ quân sự trước kia nên tiến chiếm rất khó khăn. Thêm nữa mục tiêu tiến chiếm bao gồm quận Hải Lăng, đúng ra là của SÐTQLC vì tọa lạc phía Ðông QL1, nhưng SÐND lại lãnh, Cộng quân BV quyết chí tử thủ nên các đơn vị ND phải mất gần một tuần lễ mới chiếm được!


Phía Ðông QL1 địa thế tương đối trống trải bao gồm làng xóm với những vườn cây, rặng tre, xa xa về phía biển là những cồn cát thấp với cây mọc lưa thưa. Trên cánh này, TQLC cũng có nhiều trận đụng độ nặng với những chốt kiền của CSBV trong khu vực làng xóm, nhưng địch bị triệt hạ dễ dàng nhờ hiệu quả yểm trợ của thiết vận xa M-113, phi cơ, pháo binh. Vì vậy, SÐTQLC tiến quân tương đối nhanh hơn cánh của SÐND phía Tây QL1.

Khi ÐÐ2/TÐ8TQLC đến được Trầm Ly, Quy Thiện thì được BCH Tiểu đoàn cho biết Nhảy Dù vẫn còn đang tấn công tiến chiếm quận Hải Lăng. Chúng tôi được lệnh dừng quân tại chỗ, củng cố vị trí và chờ lệnh.

Hôm sau, Tiểu đoàn ra lệnh cho Đại đội sẵn sàng để bàn giao vị trí cho Tiểu đoàn 5 ND đang trên đường di chuyển đến. Khoảng gần trưa thì Đại đội Nhảy Dù đến nhận vị trí bàn giao.

Sĩ quan Ðại đội trưởng tự giới thiệu là Ðại úy Trương Ðăng Sĩ khóa 21 VBÐL. Anh cho biết Tiểu đoàn của anh vừa từ Bình Long về hậu cứ, chưa được bao lâu thì được bốc thẳng ra đây!

Anh Sĩ người miền Nam, dáng cao lớn. Anh có một vết sẹo chạy dọc theo cổ, chắc là vết thương trong trận đánh nào đó. Trong lúc bàn giao vị trí, ĐU Sĩ hỏi tôi đây là vị trí đóng quân của 2 đại đội à, khi được trả lời chỉ có Đại đội 2 TĐ8 của tôi thôi, anh thốt:
- Quân số đại đội anh đông quá. Đại đội tôi hiện giờ chỉ được 70.

Tôi nhìn đại đội của ĐU Sĩ bố trí chờ trám tuyến mà ái ngại cho anh. Ða số là tân binh (chắc mới từ quân trường bổ sung ra), quân phục, ba lô còn mới tinh. Trên ba lô ai cũng đều mang cờ VNCH. Tôi hỏi ĐU Sĩ:
- Ðại đội anh lãnh trách nhiệm cắm cờ Cổ thành?

Anh đáp:
- Ðúng như vậy. Bằng mọi giá!

Sau khi bàn giao xong vị trí, Đại đội tôi được lệnh biệt phái cho TÐ5ND với nhiệm vụ giữ an ninh lộ trình cho toán tiếp tế, tải thương của Tiểu đoàn này.

Tôi vào tần số BCH/TÐ5ND và nhận ám danh đàm thoại của Tiểu đoàn trưởng (101: Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu) và Tiểu đoàn phó (102: Thiếu Tá Bùi Quyền).



Ngay đêm đó TÐ5ND cộng thêm Đại đội Trinh sát Dù bắt đầu tiến chiếm Cổ thành. Ðịch kháng cự rất mạnh. Hai bên cận chiến trong đêm tối, số thương vong chắc là cao lắm vì trên con đường tiếp tế, tải thương người và xe lui tới không ngưng nghỉ. Chuyến ra thì chuyển thương binh và tử sĩ. Chuyến trở vào thì chuyển đạn dược, tân binh.

Trận đánh kéo dài suốt đêm hôm đó tiếp tục đến ngày hôm sau. Từ vị trí đóng quân tôi nhìn thấy một toán quân nhân Nhảy Dù đang dàn đội hình chuẩn bị “tapi”. Tiếng hô xung phong vang dội, tiếng súng nổ đủ loại, bụi đất bay mịt trời. Một số chiến binh ND gục ngã khi phóng lên chưa được bao xa, số còn lại rút trở về vị trí xuất phát! Sau bao đợt tấn công như vậy Nhảy Dù mới chiếm được bìa làng trước mặt!

Lúc đó tôi lại được lệnh rời vị trí trở về lại với Tiểu đoàn mình để nhận lãnh khu vực hoạt động phía Đông sát biển. Tuyến của Đại đội 2 TĐ8 được một Trung đội của Đại đội Chỉ huy Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù đến thay thế.

Từ đó tôi không được biết về diễn tiến của Tiểu đoàn 5 ND đánh chiếm Cổ thành nữa.

Cho đến một hôm, tôi nghe được tin Đại đội của ĐU Trương Ðăng Sĩ bị bỏ bom lầm tan hết Đại đội, và Sư đoàn Nhảy Dù được lệnh bàn giao trách nhiệm tái chiếm Cổ thành cho Sư đoàn TQLC.

Thưa anh Sĩ,
Ðã hơn 41 năm rồi, từ ngày tôi được gặp anh, ở một thôn làng hẻo lánh, điêu tàn và rất xa lạ với Nhảy Dù và TQLC chúng ta từ miền Nam ra. Tôi vẫn còn nhớ đến hình dáng anh và những điều không may cho đơn vị anh trong khoảng thời gian đó. Rồi tình cờ tôi đọc được bài viết của anh, với những ngậm ngùi, chua xót mà theo anh, đã luôn luôn đeo đuổi, dằn vặt anh cho đến mãi hôm nay!

“Ðể cứ mỗi năm nhìn thấy TQLCVN cử hành chiến thắng Cổ thành Quảng Trị là lòng quặn thắt và nghĩ đến những đồng đội đã hy sinh mà không đạt được kết quả cuối cùng!»

Anh Sĩ ơi,
Cắm một ngọn cờ trên mục tiêu chiếm được quả thật là vinh quang.

Nhưng anh đã biết quá rõ, trên đường tiến quân để chiếm mục tiêu, để rồi một toán quân tràn lên cắm được một ngọn cờ đã có biết bao nhiêu đồng đội đã hy sinh và công lao xương máu của biết bao nhiêu chiến binh khác!


Trong cùng một Đại đội nếu một Trung đội đánh chính diện để chiếm mục tiêu thì cũng phải có các Trung đội khác đánh cánh trái, cánh phải để kềm chân, chia hỏa lực cho Trung đội chính diện. Ðến cấp Tiểu đoàn hay cao hơn nữa thì cũng từ nguyên tắc căn bản ấy mà thôi. Ngoài ra phải có sự hiện diện của các đơn vị yểm trợ trực tiếp hay gián tiếp như phi cơ, pháo binh, thiết giáp, công binh, tiếp vận...

Chắc anh còn nhớ trận tái chiếm Thành Nội Huế, bên cạnh Sư đoàn 1 BB là một Lữ đoàn Nhảy Dù, một Lữ đoàn TQLC, thêm lực lượng bộ binh Mỹ, thiết giáp, pháo binh, không yểm... đã chiến đấu ngày đêm để chiếm từng con đường, từng căn nhà với số thương vong rất cao, để cuối cùng mới có Sư đoàn 1 cắm cờ quốc gia trên Phú Văn Lâu.

Khi tái chiếm Cổ thành, Sư đoàn TQLC đã xử dụng 8 Tiểu đoàn tác chiến, chỉ giữ lại một Tiểu đoàn làm lực lượng trừ bị và tung quân ngày đêm quần thảo với địch quân để chiếm từng thước đất. Khoảng cách 200 thước để đến được chân Cổ thành đã có biết bao chiến sĩ TQLC hy sinh! Các Tiểu đoàn TQLC chúng tôi, cứ đúng nửa tháng là thay phiên để lên tuyến đầu. Tiểu đoàn nào đến phiên lúc đó ngày đêm đánh nhau với địch, bám chặt vị trí, tất cả sinh hoạt đều ở dưới địa đạo. Số thương vong vừa chết và bị thương trung bình khoảng 200 người!

Chỉ riêng 2 cánh quân mặt Đông và Đông Nam Cổ thành do Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 8 hoán đổi lẫn nhau, chúng tôi đã mất 3 Đại đội trưởng! Đó là, Trung úy Phạm Tuấn Anh, Tiểu đoàn 3 TQLC, Trung úy Nguyễn Văn Thành và Đại úy Nguyễn Xuân Hòa, Tiểu đoàn 8 TQLC.

Như vậy thử hỏi số người tử trận ở cấp tiểu đội, trung đội sẽ là bao nhiêu?

Cắm được ngọn cờ quốc gia VNCH trên Cổ thành Quảng Trị là công lao của tất cả các đơn vị QLVNCH tham chiến.

Nhảy Dù đã tung ra những mũi tấn công đầu tiên làm tiêu hao phần nào lực lượng phòng thủ của địch, các đơn vị Pháo binh, Không quân yểm trợ hữu hiệu đã rót chính xác hàng ngàn tấn bom, quả đạn mỗi ngày trên đầu địch quân, các Tiểu đoàn TQLC thay phiên đánh bật Cộng quân từng mỗi thước đất chứ đâu phải công lao riêng của TÐ3 và TÐ6TQLC!

Ðất nước, quê hương Việt Nam đã bị mất vào tay giặc và chúng ta lưu lạc, tha hương chỉ để mong có một ngày được nhìn thấy quê hương mình thoát khỏi gông cùm cộng sản.

Cho dù ở đâu, chúng ta đều mang một nỗi buồn chung: Nỗi buồn mất nước!

Nhảy Dù và TQLC là các đơn vị tổng trừ bị, mỗi một lần hành quân là những trận chiến. Thử hỏi trong cuộc đời binh nghiệp của chúng ta, mình đã dự biết bao nhiêu trận chiến? Và thực tế không thể phủ nhận là cứ mỗi trận chiến dĩ nhiên phải có hy sinh!

Tôi rất cảm thông nỗi buồn của anh khi Đại đội của anh bị thương vong quá nhiều nhưng không dành được chiến thắng!

Tái chiếm Cổ thành Quảng Trị, cho dù là một chiến công to lớn, vang danh khắp nơi nhưng chúng ta còn có biết bao nhiêu chiến công vang dội khác đã ghi vào quân sử. Mà đã nói là chiến sử, quân sử thì có độ chính xác của nó. Cho nên, anh Sĩ ơi, anh đâu cần phải bị ám ảnh, dằn vặt khi “cứ mỗi năm nhìn thấy TQLC cử hành chiến thắng Cổ thành Quảng Trị!”

Thân chúc anh luôn vui, khỏe.
MX Lê Ðình Ðơn.

No comments:

Post a Comment