Miệng lưỡi con người
Nguyễn Văn Lục
Cách đây 32 năm, trên chiến hạm chỉ huy Blue Ridge, thuộc Hạm Đội thứ 7, các ký giả ngoại quốc đã thấy hàng ngàn những chiếc thuyền nhấp nhô như lá tre trôi trên biển. Nguời ta thấy những chiếc thuyền đủ loại, đủ cỡ của những nguời Việt Nam đầu tiên bỏ chạy Cộng Sản. Họ là ai, số phận họ sẽ ra sao sau này? Chẳng ai trong số những ký giả trên và ngay cả những người ngồi trên những chiếc thuyền đó có thể tiên đoán được điều gì?
Người ta nhận thấy có nhiều ký giả Mỹ và một số những nhân vật trong chính quyền Mỹ trên chiến hạm Blue Ridge. Chẳng hạn như Frank Snepp, tác giả các cuốn sách: Decent Interval và An Insider Account of Saigon, David Halberstam với The best and the Brightest và một số người khác như H.R. Haldeman, Stanley Karnow.
Karnow nhìn David Halberstam như chế nhạo nói:
-Này anh, công cuộc di tản này hẳn có sự đóng góp công sức của những người như anh?
Halberstam đáp:
-Anh nói không sai, nhưng điều đó chứng tỏ sức mạnh của người Mỹ chúng ta nằm ở chỗ nào? Ðâu có phải chỉ có sức mạnh của B52? Anh đồng ý chứ? Và hôm nay, chúng ta là những nhân chứng duy nhất và cuối cùng chứng kiến cảnh tháo chạy này. Và tôi nghĩ rằng đó là trách nhiệm của tôi và anh ở đây.
Karnow:
-Phần tôi, sẽ không bao giờ quên được câu chuyện ngày hôm nay. Tôi cảm thấy xấu hổ cho nước Mỹ.
Trên ca-bin chỉ huy trưởng của chiến hạm, người ta nghe tiếng đối đáp của ông chỉ huy trưởng với Henry Kissinger. H. Kissinger hỏi viên chỉ huy trưởng:
-Ông có biết bây giờ là mấy giờ ở Hoa Thịnh Đốn không? Trong một giờ nữa mà ông Đại Sứ Martin không có mặt trên chiến hạm của ông thì kể như cuộc triệt thoái của người Mỹ là một thất bại?
-Thưa ông Kissinger, tôi được biết, ông Đại Sứ còn nán lại để cứu vớt những người Việt Nam cuối cùng cần phải được cứu vớt.
Kissinger cáu kỉnh quát trong ống nghe:
-Anh nói với ông ta là lệnh của tôi, ông ta phải lập tức rời VN. Tôi không cần biết phải cứu ai. Sao cái bọn ‘chó chết’ đó không chết phứt đi cho rồi.
Stanley Karnow nghe được cuộc điện đàm đã đưa ra nhận xét: Ông Kissinger và Lê Đức Thọ nói cùng một thứ ngôn ngữ. Ông Thọ cũng gọi bọn người đang lố nhố trốn chạy dưới kia là những đống rác rưởi mà chúng tôi cần tống ra biển. Cả người Mỹ và kẻ thù của họ đều coi VN như một thứ rác rưởi cần phải tống khứ đi cho rồi.
Chẳng bao lâu sau, đại sứ Martin đã có mặt trên chiến hạm và ông đã nhận được một công diện của H. Kissinger đánh đi như sau: “Người Mỹ đến Việt Nam như thế nào thì khi rút đi cũng như vậy. Ðó là thành công của ông, của chúng ta. Congratulations!“
Ngay sau đó, Đại Sứ Martin nhận được từ dưới boong tầu chỉ huy, một cựu tướng VN muốn xin gặp. Ông Martin đã từ chối và nói với viên sĩ quan tùy tùng nhắn lại:
“Nói với ông ta, ở đây không phải Sài Gòn mà là nước Mỹ trên biển. Hiện nay, chúng tôi coi ông ấy như một người ‘vô tổ quốc’. Phải cởi bỏ lon chậu và không được tuyên bố điều gì.”
Người tùy tùng tuân lệnh và nói thêm rằng, ông cựu tướng đó dơ hai tay lên trời với cử chỉ tuyệt vọng, ngửa mặt lên trời và kêu lên rằng:
“Ta thề có trời đất, một ngày nào đó, ta sẽ trở về.”
Lúc này, có lẽ chữ bỏ chạy là đúng nghĩa nhất. Chỉ biết bỏ chạy đã. Số phận họ ra sao không ai dám nghĩ tới, ngay cả đối với kẻ lạc quan nhất. Và đã có hơn 100,000 ngàn người trong số 250,000 ngàn người như thế đã được vớt đi định cư từ các chiến hạm của hạm đội 7.
Đại Sứ Hoa Kỳ Graham Martin trong những nỗ lực cuối cùng, cố trì hoãn ở lại Sài Gòn đến phút chót để cứu càng nhiều càng tốt những người bạn Việt Nam, hình ông đang bị vây quanh bởi hàng rào ký giả ngay sau khi trực thăng đáp xuống soái hạm chỉ huy USS Blue Ridge.
Cuộc ra đi thật bi tráng và tuyệt vọng đến tức tưởi!
Số phận họ có khác gì những con thuyền lênh đênh trên biển cả như những lá tre? Vâng những lá tre trên một đại dương mà lẽ sống chết đang chờ đợi họ. Bằng mọi giá, họ đã ra đi mà nếu nay ngồi nghĩ lại, nhiều người không mường tượng nổi, họ đã có thể làm một điều như vậy. Những cái “sô” vớt người trên biển trong tuần lễ cuối cùng của tháng Tư và đầu tháng Năm của người Mỹ cũng nói lên được điều này: Người Mỹ có thể làm được tất cả mọi việc một cách quy mô, ngay cả việc trốn chạy.
Ðó là những thuyền nhân Việt Nam đầu tiên chạy trốn làn gió chướng từ trong đất liền đã thổi giạt họ ra biển....
Hãy cứ tưởng tượng, trong số 250 ngàn người đó, ít ra cũng đến phân nửa ở tuổi vị thành niên, Cái hình ảnh người lếch thếch, lang thang với từng đoàn người người nối đuôi nhau chạy trốn. Và nếu cần nói một điều gì về lúc đó, về tâm trạng những người bỏ chạy thì có thể tóm tắt trong một câu: Tất cả đều hoang mang và không có một chút hy vọng gì về tương lai cả.
Và cứ như thế, các con số thuyền nhân trốn khỏi Việt Nam càng gia tăng theo nhịp độ của những chính sách của Hà nội như “đi vùng kinh tế mới”, “học tập cải tạo”, “đánh tư sản, mại bản”, và cuối cùng “đi bán chính thức” nhằm vào giới Hoa Kiều. Cứ mỗi một đợt chính sách lại thêm số người trốn ra đi khỏi nước. Tổng cộng đã có gần hai triệu người trốn đi như thế. Đấy là còn chưa kể những người để lại xác trên biển cả. Con số này chẳng ai biết là bao nhiêu? Và cũng chẳng ai có thì giờ tìm hiểu làm gì. Người chết thì đã chết. Phải vậy không? Tiếc nuối rồi cũng nguôi ngoai để lo sinh kế, miếng ăn trước đã.
Tất cả những chính sách vừa kể trên của nhà cầm quyền CS là nhằm đánh vào những thành phần phản động, ngụy quân, ngụy quyền, tay sai Mỹ Ngụy. Và đối với nhà cầm quyền lúc ấy, chỉ có hai cách để làm ‘vệ sinh miền Nam’ là: Tống xuất bọn rác rưởi ra biển hoặc cho đi tù cải tạo.
Nhưng chính thức thì có thể quả quyết rằng, nhà nước không cưỡng bức một ai phải bỏ xứ ra đi, và cũng không giữ một ai muốn ra nước ngoài sinh sống. Và cuối cùng để giữ thể diện hoặc để trao đổi trong thương thuyết, nhà nước Cộng Sản đã đồng ý với Liên Hiệp Quốc theo một chương trình “ra đi trong vòng trật tự” (Orderly Departure Program). Thảm cảnh thuyền nhân trên biển vì thế đã giảm mức độ.
Tất cả câu chuyện, những thảm cảnh trên biển cả nay đảo ngược trở thành cái mà Michel Tauriac trong Hồ sơ đen của Cộng sản (Le dossier noir du Communisme) tóm tắt đầy đủ ý nghĩa tóm gọn trong một câu “Những con bò sữa thuyền nhân”.
Gió đã đổi chiều, gió chướng đã thổi họ ra biển, nay ngọn gió nào đã đưa họ về?
Hình ảnh thật biểu tượng và gợi hình. Thật vậy, tất cả những con bò sữa thuyền nhân đã ra đi với hai bàn tay trắng để lại tiền bạc, nhà cửa ruộng vườn. Họ đã vắt được bao nhiêu sữa ở những con bò đó? Vắt lúc ra đi và nhất là vắt lúc trở về. Việc ra đi theo diện người Hoa, đi bán chính thức hay việc quản lý nhà cửa đất đai, tài sản nằm trong tay Bộ nội vụ. Công việc bộ này là đảm trách và tổ chức nhằm “nhổ sạch lông” những bọn người lưu vong này. Kẻ rỗi hơi ngồi tính nhẩm chuyện nhổ sạch lông này đem lại cho nhà nước ít nhất là 25 tấn vàng. Nhưng 25 tấn vàng vẫn là chuyện nhỏ. Vẫn là chuyện vắt đi. Vắt lại mới là quan trọng.
Và để gợi những thuyền nhân thì có nhiều tên gọi tùy theo thời kỳ: lúc đầu là bọn bán nước, bọn tay sai. Cho mãi đến năm 1990, cũng còn có người gọi Việt kiều là những tên Việt gian. Nói chung họ coi đó là thành phần rác rưởi của chế độ cũ, muốn thải loại, muốn tống đi cho rảnh mặt. Và gọi một cách vô tội vạ nhất là người nước ngoài. Nghĩa là có sự phân biệt đối xử giữa người trong nước và ngoài nước. Sau này chữ được dùng hơn cả là Việt Kiều.
Xin nhắc lại vụ án tàu Việt Nam Thương Tín để chúng ta hiểu rõ Cộng Sản hơn. Trên báo Quân Ðội Nhân Dân, số ra ngày 3/7/1977, trang ba viết như sau:
“Luật lệ trừng phạt những kẻ phản cách mạng đã được ban hành ngày 19/11/1976.” Khoản 9 của điều luật đã ấn định rõ như sau: “Tội chạy trốn theo hàng ngũ địch hay trốn ra ngoại quốc vì những mục tiêu phản cách mạng sẽ bị phạt từ 3 đến 12 năm tù. Trong những trường hợp đặc biệt và nghiêm trọng tổ chức tội phạm sẽ bị kết án chung thân hay Tử hình.” Số phận những người đi tàu Thương Tín và di tản, nhất là giới trẻ đã bị phát tán đi Lào Cay, Thái Nguyên, Yên Bái....
Về phía những người Việt Hải ngoại, xin được nhắc mọi người đến những hoài niệm của những năm đầu ở Hải ngoại để cho thấy tâm trạng chúng ta lúc bấy giờ như thế nào? Những nhà văn đã thay chúng ta nói lên những tâm trạng đó. Có thể là bài viết của Nguyễn Ðình Toàn: Sài Gòn, niềm nhớ không tên, kỷ niệm 30/04. Và nỗi ray rứt trong tập thơ mỏng của Cao Tần nói lên đủ.
Vài câu thơ góp nhặt đó đây để cùng nhớ lại:
Thư quê hương như tên hề ốm nặng
Hồn tang thương sau mặt nạ tươi cười
Ôi trong ví mỗi người dân mất nước
Còn một oan hồn mặt mũi ngu ngơ
Thù hận bọn làm nước ông nghèo xí
Hận gấp nghìn lần khi chúng đánh ông văng
Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
Ông anh hùng ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương
(Cao Tần)
Và trong số Văn Học Nghệ Thuật, số 1, có bài phỏng vấn người nhạc sĩ tài danh với câu trả lời: “Buồn lắm. Nhớ Việt Nam quá. Thương quá Việt Nam.” nói theo kiểu Phạm Thế Mỹ. Và cứ thế. Ai là người tuôn ra những câu thơ ở Thị Trấn Giữa Đàng những ngày tháng Tư đen:
Xin cúi đầu mình xuống
Khóc quê hương, trói trong tay bạo cường.
Xin cúi đầu một phút
Nhớ anh em, sống trong ngục, trong tù
Nuôi cho sâu hận thù
Mong và chờ, về Việt Nam ước mơ
Một ngày bảy lăm, đứng ở cuối đường
Loài quỷ dữ xua con ra đại dương
Đời hai lần ta bỏ quê, bỏ nước
Phải nuôi ngày sau về ôm tổ quốc....
Ta phải về, ta chiếm lại quê hương
Ta phải về xây lại đời ta
Ta chống Cộng, ta không trốn Cộng
Ta và cả trăm ngàn đồng hương
Mai nay rồi, ta về VN mến yêu.
Thời ấy nay còn đâu.
Rồi cứ như thế sau thời kỳ mở cửa mà số lượng người Việt về nước cũng như kiều hối đã bắt buộc mọi người phải thay đổi lại thế nhìn, thế bắn. Không ai có thể từ chối được những món quà, không phải 10 Mỹ kim trong ngày lễ Noel mà là 3 tỉ Mỹ kim. 3 tỉ Mỹ kim tình nghĩa hàn gắn những vết sứt sẹo, những lời nói mà bình thường chỉ được coi như kẻ thù.
Gió đã đổi chiều, nên ngôn ngữ cũng đã đổi theo. Những chiếc thảm đỏ đã trải dài từ phi trường Tân Son Nhất đến Nội Bài, chạy thẳng vào Bắc Bộ Phủ. Thật là trớ trêu đến nực cười. Lúc ra đi trốn chui, trốn nhủi, lúc trở về thảm đỏ dưới chân.
Những thành phần rác rưởi ta vừa nói ở trên, những con bò sữa đã vắt cạn chẳng bao lâu sau trở thành rác quý mà người ta có thể chế biến thành những sản phẩm, những vật liệu để xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh. Ðã chẳng ai ngờ điều đó đã xảy ra. Rác rưởi cứ thế đổi hình, đổi dạng mà tính ra tiền bằng những sản phẩm mới.
Những anh thuyền chài có thể ra đi vỏn vẹn chiếc quần đùi nay chễm trệ ngồi Mercedes. Những mệnh phụ nói tiếng Mỹ oe oé. Kể gì đến những hiện tượng nhỏ nhoi đó. Ðã có rất nhiều thay đổi tràn đầy hy vọng như thế đối với giới người Việt di tản, nhất là nơi người trẻ. Họ không còn là cô nữ sinh cười e lệ, hỏi không dám mở lời. Ngày nay họ là những chuyên viên hàng đầu của xã hội Mỹ. Có những người trong bọn họ đã làm ra số vốn bạc tỷ. Có người trong bọn họ, cùng với bạn đầu tư nửa tỷ Mỹ kim tại nơi mà trước đây được coi là thánh địa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, “Củ Chi với những địa đạo”, nơi tự hào về cuộc chiến thần thánh trong tương lai trở thành biểu tượng “thung lũng của ngành tin học”.
Và cái kim chỉ đường cho người Việt tương lai là hãy nhìn vào giới trẻ đang lên. Họ chiếm đa phần. Tương lai thuộc về họ, đời sống thuộc về họ, cộng đồng VN là họ. Không phải do một thiểu số những người lớn tuổi. Những người bỏ nước ra đi đã chỉ nhớ cái phần đầu câu chuyện mà quên phần cuối. Những câu chuyện do người lớn kể ngày càng nhạt phèo như nước ốc. Phải chăng thời của họ đã hết? Họ bám víu vào những bèo bọt mà chính họ cũng chẳng còn thiết tha gì. Nhưng nếu không bám víu vào đó thì họ còn gì là họ?
Phải chăng cuộc ra đi bất hạnh nay đã trở thành đại hạnh cho chính mình, cho con cháu mình, cho cái nơi mình đi tới và cả cái nơi mà từ đó mình đã ra đi?
Hãy nhìn vào những con số để nhận ra câu chuyện thần thoại về người Việt di tản. Năm 1987, mới chỉ có 8 ngàn người về thăm quê hương, đến năm 1993 thì con số tăng lên 160 ngàn người, đến năm 2002 là 380 ngàn người. Con số tự nó nói lên điều gì rồi và người ta bắt đầu vỡ lẽ ra. Bên cạnh đó, kiều hối đem lại một số tiền mặt là 2 tỷ 6 Mỹ kim trong năm 2003. Hãy làm một so sánh cho rõ. Năm 2003, Việt Nam xuất khẩu được 20 tỉ Mỹ kim, trừ vốn liếng cho sản xuất, lời ròng của 20 tỷ vị tất đã được 5 tỷ?
Có một điều, nhiều người vô tình quên là năm nay có 2 triệu lượt khách đến Việt Nam. Cứ giả dụ, mỗi người khách tiêu 2000 Mỹ kim đầu người. Số tiền thu được sẽ là bao nhiêu? Trong số 300,000 người Việt về thăm quê hương, cứ cho là vừa tiêu xài, vừa cho bà con họ hàng, ở từ hai tuần đến một tháng, mỗi người đổ đồng chi tiêu 4000 Mỹ kim cho một chuyến về thăm quê hương, cán cân ngân sách cũng như nền kinh tế Việt Nam đã được tăng lên không nhỏ.
Tiềm năng thật lớn. Tương lai cũng đầy hứa hẹn. Ðó là nền kinh tế sống nhờ trên những kỹ nghệ không khói. 10 năm nữa, dự đoán số khách du lịch là 10 triệu người mỗi năm như Thái Lan hiện nay, với các đường bay thẳng Sài Gòn-Mỹ, Sài Gòn-Âu Châu. Chuyện đã xảy ra và chắc sẽ xảy ra. Lúc đó, tiền đổ vào qua du lịch không phải là nhỏ nên hiện nay trên hầu hết 60 tỉnh thành của VN đều có khu du lịch đủ kiểu.
Điều đáng nói hơn nữa là nay có một số Việt Kiều về nước kinh doanh đầu tư với gần 100 dự án được chấp nhận với số vốn đầu tư con số xấp xỉ một tỉ Mỹ kim. Những Việt kiều như Nguyễn Chánh Khê với phát minh chế tạo thành công Carbon Nanotube (áp dụng vào việc sản xuất mực in và các sản phẩm công nghiệp cao khác) không phải là hiếm. Dự án khu khách sạn Sofitel Vinpearl Resort–Spa, 5 sao, tại đảo Hòn Tre nay đã thành sự thực. Nha Trang đã khánh thành khu Vinpearl Resort vào cuối năm với số tiền đầu tư là 500 tỉ đồng. Phần lớn các số tiền đầu tư này tập trung vào lãnh vực công nghiệp, điện toán, lắp ráp, du lịch.
Cũng vì thế, nhà nước đã chẳng tiếc lời gọi Việt Kiều là những người con của đất nước. Những lời lẽ trân trọng mật ngọt đã hẳn là không thiếu.
Gió chướng đã không còn nữa. Gió đã đổi chiều, ngôn ngữ đổi chiều, giọng lưỡi đổi giọng. Không còn có chữ nghĩa làm đau lòng nhau nữa. Trên tất cả các sách báo, trên các trang nhà, không còn có thể tìm thấy bất cứ thứ chữ nào nói xa nói gần đến chế độ miền Nam trước đây nữa. (1) Những chữ như bọn ngụy quân, ngụy quyền và bọn tay sai đã không tìm thấy trong tự điển của bộ chính trị nữa. Ngược lại không thiếu những chữ mật ngọt như “Tổ quốc Việt Nam, quê hương thân thiết luôn giang rộng vòng tay chào đón những người con xa xứ.” “Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt nam định cư ở nước ngoài giữ gìn quan hệ gắn bó với quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.
Luật quốc tịch điều hai thì viết rõ ràng thế này: “Người Việt Nam ở nước ngoài là công dân Việt Nam, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.”
Nhà nước lại còn trích dẫn câu nói của ông Hồ mà không ai tự hỏi xem ông nói lúc nào và bao giờ: “Tổ quốc và chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng.” (Hồ Chí Minh nói với kiều bào ở Thái Lan về nước năm 1960.)
Từ Sài Gòn ra Biển Đông (30/4/1975)
Hình như người ta đã quên cái cảnh bồng bế xô đẩy nhau lên máy bay và bằng bất cứ giá nào phải đi bằng được. 32 năm sau, câu chuyện kể về thuyền nhân chỉ còn là dĩ vãng mà cả bên này bên kia, nhiều người đã quên hoặc cố tình quên.
Thật ra không hẳn là như vậy. Nhà nước chính quyền hoan hỉ nhận những đồng tiền Mỹ kim từ mọi nơi gửi về cũng như người Việt mang tiền về nước. Mang tiền về thì được chứ đừng mang chữ về. Chữ hiểu theo nghĩa rất rộng là sách báo, tư tưởng, âm nhạc, nghệ thuật. Từ khi có nhà nước Cộng Sản đến nay, chữ vẫn là độc quyền tuyệt đối nằm trong tay đảng. Nó nằm trong một hệ thống khép kín: Chủ nghĩa hay ý thức hệ bạo lực khủng bố và một chính quyền toàn trị. (Ideology, terror, and totalitarian government).
Chẳng lạ gì, trước khi về VN, người ta thường khuyên có một điều duy nhất: anh muốn làm gì thì làm: chẳng hạn cờ bạc, chơi bời đủ kiểu, tắm đủ kiểu, phòng trà đủ kiểu, âm nhạc đủ kiểu, cà phê đủ kiểu, gái đủ kiểu, sex đủ kiểu, ngủ trưa đủ kiểu, ngủ tối đủ kiểu, ăn đủ kiểu, vừa ăn vừa chơi đủ kiểu, đĩ điếm đủ kiểu, hối lộ đủ kiểu, lưu manh lường gạt đủ kiểu, gian trá đủ kiểu, buôn bán mánh mung đủ kiểu, làm giầu đủ kiểu, đầu cơ đủ kiểu, công an đủ kiểu, phường khóm đủ kiểu, công ty đủ kiểu, cơ quan đủ kiểu, chính quyền địa phương đủ kiểu, chính quyền trung ương đủ kiểu, luật pháp đủ kiểu, thằng ăn cắp xử thằng ăn cướp đủ kiểu, và cuối cùng xã hội loạn đủ kiểu.
Ta có quyền đủ kiểu hết, miễn là đừng đụng đến chính trị. Vì trên hết, vẫn có một nhà nước toàn trị ở trên tất cả những đủ kiểu đó. Trước khi lên máy bay về nước, còn dặn với theo: nhớ nhé đừng đụng đến chính trị.
Mặc dầu vậy, ngày nay, có nhiều bà con Việt Kiều tính về ở hẳn VN. Có người trong đám này về Việt Nam dưỡng già với xe hơi SUV. Trong vòng 10 năm nữa, khi xa lộ đông tây hoàn thành, khi 6 tuyến xe điện ngầm xây dựng xong, đường hầm Hải Vân nối liền Nam Bắc hoàn tất thành phố Sài Gòn sẽ thay mặt đổi tên chẳng còn ai nhận ra nó nữa.
Nay ở Sài Gòn, đã có những khu nhà “Làng Việt Kiều”. Người ta dự trù có 4 khu như thế, với những biệt thự sang trọng, đủ tiện nghi như ở Mỹ, Canada. Người ta thấy những Việt Kiều lái những chiếc xe SUV, hay ngồi nhâm nhi ly rượu cocktail bên bờ sông Sài Gòn. Những căn nhà có những bãi cỏ xanh, mái nhà mầu cam kiểu California, có những hàng dừa cọ, những hồ bơi với những hàng chữ tiếng Anh: “Welcome!” Ðây là, chẳng phải ai khác, mà là những người di tản, những rác rưởi 32 năm về trước chạy trốn Cộng Sản, hoặc đã bị đi tù, đi cải tạo.
Dự án Làng “Việt Kiều Châu Âu” tại Mỗ Lao-Hà Nội, đã ký hợp đồng bán nhà cho khách nhưng sau đó bị “trượt giá” trước khi tiến hành xây với lý do “chưa được giao đất nên chưa xây.
Gió chướng đẩy họ ra đi, nay gió nào đẩy họ về?
Chẳng hạn, anh chàng Võ Quy, kèm theo cái tên Larry. Và vô số những tên như thế Catherine, Julie, Elizabeth, Brigitte, Linda.... Nay Võ Quy đã gần 70 tuổi, trước đây là một sĩ quan không quân, quân đội VNCH. Anh ta đã rời bỏ vùng Southern California cách đây 6 năm cùng với vợ, Linda, còn có tên cúng cơm là Ngọc để về ở đây. Anh ta khoe căn nhà với vẻ hãnh diện không cần dấu diếm với đồ dùng toàn bằng Inox (thép không rỉ), phòng tắm lớn có vòi tắm hơi, thiết trí theo kiểu Jacuzzi của Ý. Sàn nhà mầu hồng bóng lộn.
Anh còn chỉ cho thấy và nói thêm: “Không phải cẩm thạch đâu nhé, đá hoa cương thứ thiệt đấy. Thiệt là quá rẻ, còn rẻ hơn ở Hoa Kỳ rất nhiều.” (2)
Thiệt là Việt Kiều!
Một anh khác tên Hoàng Tiến, chả bù cho lúc ra đi lếch thếch, lang thang, nay anh trở thành chủ nhà thầu đang có những kế hoạch xây cất nhà cho Việt Kiều với những dự án “thành phố xanh” (Green city).
Cái điều oái ăm đến quái gở là khi ở Mỹ, người ta bằng mọi cách nhắc nhớ đến Sài Gòn, tìm cách đặt tên Little Saigon, Phở Bắc, bánh mì Tân Ðịnh, bánh cuốn Ðakao, Restaurant Hoài Hương, Phở Hà Nội, Brodard restaurant, phở Nguyễn Huệ để nhớ về miền Nam thân yêu. Nay ở Việt Nam thì người ta lại muốn đặt tên cho những khu thương xá là “tiểu Cali ”, “tiểu Fairfax ” để nhớ đến. Và cứ như thế, sẽ có một số người Việt gốc Mỹ sống riêng biệt trong những tiểu quốc Mỹ hóa của họ bên cạnh những người Việt bản xứ.
Khi ở Mỹ thì họ nhớ Việt Nam, khi ở Việt Nam họ lại tiếc lối sống Mỹ. Họ trở thành người ngoại quốc trước mắt những người đồng bào của họ. Họ tưởng về quê thật, nhưng lại mang tâm trạng một thứ chủ nhân, cách biệt với dân bản xứ. Và điều rõ rệt là Hoàng Tiến đã bực tức về một căn nhà hàng xóm đã vất những bao rác ra đường ngay cổng nhà anh ta, đã mở nhạc Karaoké tùy tiện ầm ĩ cả lên. Anh bực tức nói: Như thế không phải lối sống Mỹ, không biết tôn trọng luật pháp. Như thế là thiếu văn minh.
Khi ở Mỹ thì anh muốn bảo tồn văn hoá Việt, không muốn trở thành một mẫu trong Melting pot hay Sàlát Mỹ. Anh bắt con đi học tiếng Việt. Về Việt Nam, mở mồm là anh chỉ xổ tiếng Mỹ. Cái mâu thuẫn như thế rất là Việt Nam. Trong tương lai, Hoàng Tiến sẽ còn phải bực tức nhiều về những điều trái tai gai mắt: chẳng hạn một anh cán bộ phường cứ xồng xộc vào nhà chẳng điện thoại trước.
Riêng Nguyễn Anh, năm nay mới 35 tuổi về Việt Nam làm việc cho một công ty nước ngoài. Ra đi từ nhỏ, kể như không biết gì về Việt Nam, anh cũng không có ý ở hẳn VN. Nhưng anh cũng có một vài nỗi khổ vặt khác. Nguyễn Anh sững sờ khi làm một việc gì giúp người khác không nhận được một tiếng "thanh kiu, thanh kiếc" gì hết. Anh cũng khó chịu khi mọi người chen lấn không xếp hàng khi trả tiền. Nhất là các cô thiếu nữ trông khả ái, dịu hiền, nhưng cũng huých tay chân như ai. Gần như mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy sống chen lấn chụp giựt.
Nguyễn Anh có hơi buồn về con người Việt Nam vốn có tâm hồn, vốn thương người mà một tai nạn xe cộ xảy ra đến chết người mà mọi người dửng dưng. Quả thực, tuy là người Việt Nam, nhưng anh lại không hiểu gì về người mình.
Lại nói đến giải trí, Nguyễn Anh không hiểu được là người Việt Nam “Xem thể thao” chứ không chơi thể thao. Mấy triệu người thức đêm, bỏ công ăn việc làm, bỏ học để dán mắt vào đài truyền hình theo dõi một trận đá banh. Thật là vô lý vì hại sức khỏe. Chỉ có 22 cầu thủ thực sự chơi thể thao, còn cả nước chỉ ngồi xem thể thao, chưa kể còn cá độ. Hình như cái gì ở Việt Nam cũng có thể trở thành cờ bạc.
Lại một điều nữa, Nguyễn Anh không hiểu được.
Nguyễn Anh thì chỉ thích đi đánh golf. Nhưng muốn chơi ngon, Nguyễn Anh phải lấy vé máy bay ra Phan Thiết chơi, vì ở đó có sân chơi nổi tiếng là đẹp. Ít ra thì điều đó cũng làm Nguyễn Anh vui lòng. Nhưng có người thấy như thế thì lấy làm kỳ cục. Họ chép miệng, tội tình gì mà phải cất công như thế để chơi Golf. Chơi đâu chả được. Phí tiền nữa. Nguyễn Anh không đáp lại, vì anh có cái lý của anh. Ðúng là anh thấy người Việt mê đá banh một cách kỳ cục. Nhưng ngược lại, họ cũng thấy anh không giống ai.
Còn về thanh niên, thiếu nữ thì chửi thề không biết ngượng mồm, nhất là thanh niên, thiếu nữ gốc Bắc. Mở mồm ra là địt. Sáng ra, chỉ hỏi giá cả món hàng đã bị một người con gái xinh đẹp phạng cho một câu.
Nói gì thì nói, nghĩ gì thì nghĩ. Thời gian sẽ xoá nhoà tất cả vết tích cũ: thời gian cứ trôi qua, nhiệt tình chống Cộng giảm xuống và tình hoài hương lại trỗi dậy. Những vị lãnh đạo trong nước thì nghĩ rằng: Nhân dân muốn quên hết mọi thứ. Những người này hiện ở đây vì đất này là tổ quốc của họ. Chúng ta không có quyền trách mắng họ. Chúng ta tiếp đón họ. Chúng ta không muốn để Việt kiều gây chiến tranh lần nữa.
Gió chướng đổi chiều đến đâu có thể còn chưa biết rõ được. Tôi tự hỏi bao giờ làn gió chướng đó cùng với con lốc đầu tư tư bản đánh bật chủ nghĩa Cộng Sản ra biển?
Chỉ có một điều tôi biết chắc rằng, ngay cả những người theo làn gió chướng đổi chiều, đã về VN. Họ cũng cảm thấy họ chẳng sung sướng gì, đôi khi tỏ ra buồn phiền, nghi kỵ, thất vọng không muốn nói ra. Ðó là trường hợp hợp ông Nguyễn Cao Kỳ. Ðó cũng là trường hợp một người trong số 17 người vừa được vinh danh “Vinh Danh Việt Nam – 2006″?
Tôi có cảm tưởng họ đang chơi một canh bạc giả, biết như thế mà vẫn chơi, chơi cho biết.
Gió chướng đã đổi chiều? Nhưng đổi thế nào thì còn chưa nói hay [ngay] được. Bảng chỉ đường đất nước vẫn còn có thể chỉ trật đường. Xin dè dặt. Thận trọng và khôn ngoan để đừng thêm một lần nữa mắc mưu Cộng Sản lừa phỉnh.
Nguyễn Văn Lục
Bấm vào đây để in ra giấy (Print)
Đăng ngày Thứ Ba, DEC 7th, 2010
Ban Kỹ Thuật K10A-72/SQTB/ĐĐ, ĐĐ11/TĐ1ND, QLVNCH
Tro ve dau trang
(Huy Vân)
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày mà đảng CS hô hào chiến thắng thống nhất đất nước, lại là ngày khởi đầu những tháng năm tù đày cho cả miền Nam; hầu hết hơn 270 trại tù do chính những người tù xây dựng trong vùng rừng sâu nước độc, trải dài từ Bắc đến Nam; giam giữ hằng trăm ngàn Quân, Cán, Chính và dân lành vô tội!.
Chính sách “ đại đoàn kết dân tộc” thể hiện bằng biện pháp kêu gọi hằng trăm ngàn quân dân cán chính chế độ cũ trình diện “học tập cải tạo” ở các địa điểm khắp các tỉnh thành miền Nam do Uỷ ban Quân quản đưa ra.
Một trong số những địa điểm tập trung “ngụy quân- ngụy quyền” là trại Long Giao, trại Suối Máu thuộc tỉnh Biên Hòa; khởi đầu theo lệnh mang đồ dùng cá nhân học tập 10 ngày; hết 10 ngày, qua 1 tháng; rồi lại hết 1 năm và sau cùng “thành khẩn học tập lao động tốt từ năm này cho đến muôn năm”.
TÙ CHUYỂN RA BẮC
Cuối tháng 6/1976, một số lớn tù nhân được chuyển bằng tàu thủy, rồi chuyển bằng tàu hỏa, đường bộ về Hoàng Liên Sơn. Những năm đày ải ra miền Bắc là thời gian bạc ác tồi tệ nhất; đói khát, bệnh tật chết vì không thuốc men, lao động kiệt sức, không người thân thăm viếng v.v..
Liên trại 6 tại vùng núi Hoàng Liên Sơn, lòng chảo Điên Biên Phủ núi đồi hiểm hốc, không một bóng người qua lại, là vùng tử địa cướp xác tù dễ dàng khi lâm bệnh! Người tù chịu bao nỗi cực hình, lại thêm biệt âm vô tín!
Ngày ngày lao động nặng nhọc, sáng sớm rời cổng trại, cố gắng vượt qua 3 ngọn đồi có hình nấc thang nằm về hướng Tây bắc trại, tù đặt tên là Đồi Ba Dội. Phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ mới đến đỉnh đồi thứ ba vừa khoảng 11AM, với ánh nắng hanh vàng chói chang dưới chân đồi. Người tù đứng chênh vênh trên ngọn đồi được bao phủ cả một áng mây trắng đục, lành lạnh, chỉ đứng cách xa 1 thước vẫn không thấy nhau; mây đang bay lơ lửng, bay lang thang vay kín cả khu núi đồi trùng điệp. Giữa cảnh đẹp thơ mộng này, người tù như chơi vơi giữa cảnh thiên thai?! Vừa mơ mộng như sắp được vào Thiên đàng; lại vừa lo sợ trợt chân ngã vào vực thẳm Sơn La địa võng !
Sơn la đỉnh cao Đồi Ba Dội
Mây trắng bay buốt lạnh thân tù
Miền hoang dã, ngục tù tăm tối
Sao cảnh hư vô quá bẽ bàng!.
Chưa kịp nghỉ ngơi 5 – 10 phút, lại tiếp tục lục lạo, xông xáo tìm kiếm cây nứa, cây vầu đúng kích cỡ ấn định, vội vàng chặt 10 –12 cây, buộc thành bó từ đỉnh núi cao lại lần mò vác hết bó nứa về trại.
Mồ hôi ướt đẫm cả áo quần, bụng dạ đói meo cồn cào, chờ đến giờ cho ăn chỉ có sắn khoai thay cơm, vắt vừa tròn nắm tay.
Nơi đây, núi rừng khí hậu nghiệt ngã, rừng sâu nước độc, anh em gọi là Tổng Đàn của bọn Hắc đạo trong truyện Kim Dung, là nơi bọn người dùng tà thuyết hãm hại giết dần những người chống lại chúng!. Sống trong cảnh tuyệt vọng vô vàn này thấy mà thảm thương!
Tức cảnh sinh tình:
MÀN TRỜI CHIẾU ĐẤT
Trời rét quá càng thêm thấy lạnh
Cảnh đọa đầy cơm áo mong manh
Núi rừng sâu, một mầu xanh cỏ
Đá gập ghềnh, chôn dấu thân anh
Ngày hai bữa, khi sắn lúc khoai
Cơm thiếu ăn đào xới củ mài
Sâu một trượng thêm vài ba quả
Gửi vào lòng chẳng thấy ngày mai
Áo anh loang lổ, quần tơi tả
Sương gió bạc mầu lẫn mồ hôi
Đường anh đi, phải chăng mai một
Hận cho đời đen bạc thế thôi!.
Đồi cao vách đá quá cheo leo
Thân anh trôi giạt như cánh bèo
Ngập đầy giông tố mưa dài khổ
Chống đỡ cơn đau vững tay chèo
Đêm nay gió lạnh đặc mù sương
Ngục tù đen tối khắp nẻo đường
Người nối người nhìn nhau đói khát
Màn trời chiếu đất thấy mà thương!.
Mùa này lại tiếp nối mùa khác; những đêm có trăng, tường vách khu trại còn trống trải vừa mới che tạm bợ, đêm khuya càng hiu quạnh, sương lạnh đắp bờ vai; trăng tỏa khắp vùng trời bao la, khắp núi đồi hoang vu và nơi đây những láng, trại đang còn ngổn ngang. Tù nhân ngày lao động vất vả, tối đến mệt mỏi, ngất lịm trong cơn đói đang cồn cào dằn vặt, chập chờn trong giấc ngủ ánh trăng len lén xuyên qua khe tường vách lá; trăng đến rồi đi trong giấc mộng bâng quơ !. Nỗi buồn nào, mà không xót xa ?! khi nhìn trăng vời vợi..
NHÌN TRĂNG
Nhìn trăng nghiêng bóng qua song
Vừa thương vừa nhớ sầu đông lại về
Em ơi! Nhớ giữ lời thề
Sau cơn bão táp anh về với em
Mùa đông rét mướt thâu đêm
Anh nằm canh cánh bên phên gió lùa
Gió đưa, gió thổi rì rào
Vợ Nam chồng Bắc ngày nào gặp nhau
Trăng buồn vượt đĩnh non cao
Len vào song cửa vấn an bạn đời
Đêm nay trăng đến bên lòng
Lồng chim khóa chặt từng vòng kẽm gai
Ước mơ sớm gặp ngày mai
Cho trăng hết vướng bờ gai đầu tường .
Nơi đây không có ngày về, ngày về còn xa lơ, xa lắc; chỉ thấy mỗi ngày cứ thêm rơi rụng từng người, từng người vội vả ra đi!! Kiếp đọa đày lao động khổ sai; đói khát, bệnh tật cứ triền miên tháng ngày!. Ngày lại ngày băng rừng vượt suối, đốn gổ xẻ rừng và mong nhặt thêm ít khoai, đào thêm ít củ nừng, củ chuối; bắt cóc, nhái ễnh ương v.v.. chui lòn bao tử ! Nỗi tủi buồn, nhớ vợ thương con, khi tưởng đến cha mẹ già, càng ngậm ngùi cay đắng !.
NHỚ MẸ
Tôi có mẹ già tóc bạc phơ
Mẹ tôi hiền, đẹp tựa bông hồng
Danh lẫy lừng, vang khắp thiên hạ
Sáng ngời xanh, Hòn Ngọc Viễn Đông .
Tuổi hai mươi thế kỷ vàng son
Tôi lớn lên mẹ con vuông tròn
Mẹ thương con, con nhớ thương mẹ
Tình mẫu tử dạt dào siết khôn .
Thưa mẹ,
Trong dĩ vãng con làm tất cả
Dâng lẽ sống con giữ quê hương
Máu từng chảy loang hòa vào nước
Thấm vào đời, con mến muôn phương .
Nhớ những chiều Đàlạt sương rơi
Đây Vũng tàu gió lộng bể khơi
Sàigòn xinh tươi, như Hoa Đăng Hội
Sức sống vươn lên nhộn nhịp đời .
Thôi là hết mùa hoa chớm nở
Tủi phận mình chưa rửa nợ trần
Bao tháng ngày, mặt trời đi ngủ
Lạnh ngoài đời, lạnh khắp châu thân
Bao tủi nhục, căm hờn xót xa
Bao cay đắng, nhớ thương mẹ già
Con mong đợi, mặt trời thức dậy
Cho mẹ con gặp nhau đậm đà.
**
Cuối năm 1978, để tránh cuộc chiến tranh giữa hai nước từng là anh em thân thiện nhất, cùng tôn thờ một Chủ nghĩa gọi là XHCN, ViệtNam & Trung cộng!. Tù ở các vùng dọc theo biên giới gấp rút chuyển về miền bình nguyên, chúng tôi được chuyển về Trại Nam Hà B. Trại này có hỗn danh gọi là Trại Đầm Đùn nói lên sự cai quản cũng gian ác, đày đọa kinh hồn.
Kể từ nay, bộ đội trao lại quyền quản giáo cho Công an. Sách lược của chúng là giam giữ tù, ngày càng làm tiêu hao sức lực, bỏ đói khát và bắt buộc lao động khổ sai, đau ốm chết chóc càng nhiều càng tốt! Mặt khác CS lại đặc ân cho một số người hèn nhát, tiếp tay làm tay sai cho chúng, những tên đốn mạt này, anh em thường lánh xa, cách biệt và họ chỉ biết trơ trẻn thủ phận một mình, thấy mà thương hại! Về đến Nam Hà, trại xây cất rộng lớn, có tường đá cao bao bọc kiên cố, mỗi gian nhà có thể chứa 200 người; nhốt tù vào các dãy phòng, chật cứng, người sát người, dơ dáy và ngột ngạt. Phòng ở kín đáo, nên mỗi chiều sau giờ điểm danh, khóa cửa, anh em lại có dịp gần gủi nhau, chia sẻ an ủi nhau, hoặc tụm năm, tụm bảy kể chuyện, đọc thơ, ca hát v.v..Trung tá Nông - A - Pang, cựu Sĩ quan tùy viên Lào; về đêm thường kể chuyện: - Chưởng, Đường rừng, Ma quái, Chuyện dài xứ Ba Tư Nghìn Lẽ Một Đêm v.v.. lôi cuốn, hấp dẫn làm anh em say mê quên hết cả mệt nhọc trong ngày; anh em rất quí mến, thường gọi ông là: - Tiên Sinh Pang! Nay ông đã trở nên người thiên cổ. Xin chia sẻ sự đau buồn và trân quí đến gia đình người quá cố!
Đặc biệt những đêm dài mưa rơi gió rét, buồn man mác; nơi đây, cái lạnh và đói cuộn chung nhau làm một, gói thuốc lào lúc này là thần dược diệu kỳ, khói thuốc thả lượn bay bay và những dòng thơ ai oán như cứ luôn tuôn trào..
THÔI HẾT NHẠT NHÒA.
Ngoài trời gió thoảng mưa rơi
Lòng anh xao xuyến buông lơi phím đàn
Tiếng tơ nức nở vô vàn
Gửi mây lướt gió ngỡ ngàng trao ai
Em hởi em có nhớ anh không
Có bao lần em đã chờ mong
Ngày xưa trời nước mênh mong rộng
Bây giờ chỉ biết có đợi trông
Từng thu chết, đông về giá lạnh
Đã mấy mùa, tím ngắt mặt trời đông
Bao tháng ngày sống trong cảnh chim lồng
Đường hoa mộng vẫn chờ bay trước gió
Em có biết những đêm dài nơi đó
Lửa lập lòe thuốc lịm tắt trên môi
Dòng khói xanh, như khơi nhớ một thời
Bao dĩ vãng dâng lên trào khóe mắt
Nơi đây sương gió phủ đầy
Vượt hằn gian khổ có ngày hoan ca
Vườn Xuân sắp lại nở hoa
Tình ta thôi hết nhạt nhòa từ nay .
Dần dần, cuộc sống tại trại Nam Hà B, cuối tuần vào ngày Chúa nhựt buổi sáng, tùy tình hình anh em ở bên ngoài lén nhập vào khu bên trong (nơi đây có 2 khu). Ban tổ chức quan sát tình hình lính gác và nghiên cứu cấp thời chọn phòng tương đối kín đáo, phổ biến cho nhau biết trước 5 – 10 phút – tập trung sinh hoạt và cẩn mật đề phòng chuyện bất trắc có thể xãy ra. Buổi sinh hoạt đầu tiên do Trung tá Thông (81 BCD) và Trung tá Hồng (Phòng Quân Huấn B.TTM) phối hợp tổ chức một chương trình Văn nghệ bỏ túi đặc biệt giới thiệu:
- Đây là: - Tao Đàn Tiếng Thơ Nhạc Tự Do Trong Ngục Tù CS, với những bản nhạc tù khúc nóng bỏng và những bài thơ say men trong niềm tin bất khuất, dù có phải xé gan bẻ cật vẫn phù cương thường. Tất cả anh em tham dự, đồng loạt vung cao cánh tay và hân hoan đón nhận những tràn pháo tay nồng nhiệt..
SAY
Rượu không uống, sao người mãi say
Trời đất xoay quay bao đắng cay
Ôi biệt ly, buồn dài thế kỷ
Để nhớ về, tràn ngập chân mây
Người chiến sĩ đi trong mưa gió
Thân hải hồ khoác áo chinh y
Mỗi lần đi mấy khi trở lại!
Từng dọc ngang, khắp nẻo biên thùy
Ba mươi năm chiến tranh máu lửa
Biết bao lần bom đạn tên bay
Nhưng không chết, trên hào trận tuyến
Và vẫn sống trong lòng hôm nay
Làm chiến sĩ sống đời oanh liệt
Nợ tang bồng phải trả cho xong
Thắng không vinh, bại không nhục
Hận thù này, khắc cốt ghi lòng
Rượu đâu uống sao người mãi say
Ta say trong bốn bức tường dầy
Khi buồn muốn la, vui lại khóc
Lúc tỉnh khi say hỡi rượu cay!.
Buổi thơ nhạc trên làm nền tảng cho bước đi trong âm thầm qua bao sự khắc phục chịu đựng đè nén trong tâm khảm người tù, nay đánh thức tinh thần anh em, tạo cho mỗi người, biết đoàn kết thương yêu nhau hơn!. Khí thế càng hăng say, tình thần hưng phấn được sáng tạo một cách lạ lùng, ngay trong cái lồng sắt lúc nào cũng canh phòng gay gắt, phụ họa là thành phần ăng ten luôn bám sát gót chân tù. Nếu không cùng một lòng, chắc rằng lưới bạo tàn sẽ dập tắt! Những cùm, kẹp tha hồ chăm sóc kỷ đối anh em hết lòng ..Thơ nhạc nở rộ trong ngục tù, là những dịp rửa sạch tâm hồn người tù vì qúa tủi nhục, không một ai dám lên tiếng hoặc chống đối nhà tù; tiếng đàn, tiếng nhạc, tiếng thơ ngân vang trong những tụ điểm, những nơi kín đáo, những lúc nhàn rỗi làm xoáy động những tâm hồn đang chết lặng vì ngục tù CS dã man nhất thế kỷ!.
NGUYỆN CẦU
Trời hỡi trời! tôi quá đau khổ
Mang thân tù chuốc lấy đọa đày
Đường tôi đi vinh, nhục đôi ngã
Hận biệt thù, lại thêm đắng cay
Nhục nào hơn bằng nhục mất nước
Vực nào sâu bằng vực tù đày
Nắng vàng không ấm người mong đợi
Ngẩng mặt nhìn trời chỉ thấy mây
Nơi đây máu mắt đong thành đá
Suối chảy rừng sâu gợi thêm sầu
Nắng cháy da đầu, lòng vẫn lạnh
Mùa đông giá lạnh, sốt đêm thâu
Trời hỡi trời ông giờ ở đâu
Bao nhiêu năm tháng tôi nguyện cầu
Cho ViệtNam không còn đau khổ
Cho nươc nhà sớm hết Cọng nô !
Suốt ngày lao động cực nhọc, chiều tối cơm nước không đủ cung cấp nhiệt lượng, đêm về, bao nhiêu hoài vọng thương nhớ không sao nhắm mắt, và cứ mơ tưởng về Sàigòn!.
Đêm đêm mơ thấy Sàigon,
Đèn xanh đèn đỏ có còn đâu em!.
Giấc mộng ray rứt làm tâm hồn lâng lâng bồn chồn, nôn nao và trông đợi. Giấc mộng chỉ mơ được thấy Sàigòn.. Gió ù ù thổi thêm lạnh, tâm hồn như u uất, vang vọng trong lòng não nuột cả khung trời ly biệt! Ngoài trời mưa vẫn cứ rơi..
CHO TÔI SỐNG LẠI MỘT NGÀY
Nghe mưa rơi, lòng ta nức nở suốt canh dài
Nghe gió thổi, sầu thêm cô quạnh
Đã mấy mùa ? Mấy mùa đông giá lạnh
Khung trời vắng lặng bóng trăng sao
Ôi biệt ly buồn lắm thương đau
Ai cách ngăn ? tình yêu chan chứa
Ai đã xé nát con tim đôi lứa
Nhưng vẫn nhớ mãi trong lòng
Nhớ em như nhớ dòng sông
Thương em như thương dòng suối mát
Cung đàn tiếng thơ ta hát
Cho tượng đá mắt cũng lệ nhòa
Nơi đây không có mùa xuân nắng đẹp hiền hòa
Nhưng vẫn nhớ, ngày nắng ấm lam chiều khói tỏa nhẹ
Em đi từng bước lòng vẫn thấy lẹ
Chờ trăng lên nao nức không quên đời
Hỡi ôi! Ngày ấy đã xa rồi
Và từ nay, ngày không ngày, trời đất như cuồn quay sụp đổ
Ôi quê hương! Ôi tình yêu tan vỡ
Trong tối tăm, cho tôi sống lại một ngày.
Kể từ nay lúc lên núi xuống đồi, khi có dịp quay quần bên nhau, bạn Nguyễn văn Thái khóa 15 ĐàLạt với cây đàn Guitare vừa được gia đình gửi đến, anh ray rức lay động qua lời thơ mộc mạc hiền hòa và anh phổ thơ bản nhạc: Cho tôi sống lại một ngày..
Cả đội Rau Xanh như thêm sức sống mới và càng hy vọng hướng về tương lai và làm cho đội Mộc và Rèn nằm gối đầu bên cạnh, cùng vui hưởng những giây phút rung cảm, khi nghe bạn Thái cất tiếng hát nảo nề, ai oán trong những đêm mưa gió sụt sùi. Tiếng hát như gào thét giữa đêm trường, lúc trầm, bổng, dồn dập bềnh bồng như xua cái đen tối thân phận tù đày rồi sẽ qua mau.
***
TÙ CHUYỂN VỀ NAM
Cuối tháng 12/1980 toàn Trại Nam Hà B có khoảng 2000 người chuyển về Nam, sau 5 năm đày đọa và hãm hại thê thảm tại các trại tù miền Bắc. Nào LaoKay, Yên Báy, Sơn La, Phong Quang, Hà Nam Ninh v.v.. CS vắt hết mô hôi, nước mắt và xương máu tù nhân, nay chỉ còn bộ xương khô lê lết trên đường về là cả một trời tím ngắt!..
XUÔI NAM
Đường trở về thoáng hiện quê hương
Niềm thương man mác sao khác thường
Bao năm xa cách càng uất hận
Ai thấu lòng ta có biết chăng
Vẫn trăng đó vẫn khung trời xanh
Một nửa hồn đau tím cả lòng
Ai tri kỷ? Ai người phản bội
Mang đất nước nầy đến thương vong
Hà Nội ơi!
Bao năm chìm đắm trong bức màn sắt
Hà nội không tiến, lịch sử vẫn không ngừng
Hà nội dừng lại, dân chẳng đặng đừng
Màn đen che khuất, cơn ác mộng hãi hùng
Sàigòn ơi!
Ngày sóng đỏ, ngập đầy cánh đồng xanh
Đã gây bao thê lương tang tóc
Miền Nam kinh hoàng, trong máu lửa loài quỉ đỏ
Quỉ đỏ! Quỉ đỏ!
Mi là quân thù
Ta thề quyết không đội trời chung
Mi nói Tự Do
Dân chẳng thấy no
Hô hào Dân chủ
Đặc quyền quan to
Dân làm như phu
Chẳng khác thân tù
Lãnh tụ gian ác
Nhốt cả thầy tu
Để rồi, bao hưng vong của đất nước,
Đâu còn tiếng chuông Giáo Đường,
Thức tỉnh mi,
Đang gây nhiều tội ác
Hỡi hồn thiêng núi sông nước Việt
Hỡi anh linh phảng phất đâu đây
Hỡi những người lâm cảnh tù đày
Hãy cùng nhau, dựng lại quê hương mình!.
TRẠI Z30D
ÂM THẦM NỖI DẬY!
Trại Z 30D vừa đón nhận 2000 tù từ Trại Nam Hà B như nói trên, sau 2 ngày phân tán còn lại 120 tù chuyển về Trại C, đến nơi các bạn tù Vĩnh Phú về trước1 tuần, thông báo sẽ có kiểm tra. Một tập Sớ Táo Quân được các bạn bè cất giấu dùm vừa thoát cảnh lục soát gay gắt. Ngay tối ngày 23 tháng 12 âm lịch năm 1980, chúng tôi lại có cơ hội thực hiện một buổi sinh hoạt tại buồng ở khá nhộn nhịp và tuần tự kể hết những tội ác của Trại như: - Đàn áp tù, đánh đập, trù dập, bỏ đói khát, đau ốm bệnh tật v.v.. trình tâu hết lên Ngọc Hoàng Thượng Đế!
- Chỉ còn 7 ngày nửa là đón giao thừa Tết Tân Dậu năm 1981, các trại tù miền Bắc lần lượt chuyển về Nam không hẹn mà gặp anh em tù trong Nam, sau ngày quê hương bị thống trị bởi CS, tù trong Nam hầu hết là giới trẻ, sinh viên học sinh, công tư chức và các bô lão có tiền của bọn CS gọi là Tư sản mại bản v.v.. Người người đều cảm nhận thiếu mấtTự Do, thiếu mất điều gì mà từ trước họ được sống nay không còn nữa!. Tù biệt xứ nay trở về gặp lại đủ các thành phần trong xã hội cũ, mang cùng tâm trạng thương đau, vô bờ bến!.
-“Cảnh chim lồng cá chậu biết thuở nào ra”?! Trại C đang nhốt khoảng 1800 tù nhân, lợi dụng thời gian và không gian lễ hội Tết sắp đến, anh em hăng say kết nối nhau trong âm thầm quyết liệt. Theo chương trình ngày mùng 1 Tết, khu A, B, C đề cử anh em thăm viếng lẫn nhau và chúc Tết vào buổi sáng. Ánh sáng ban mai lung linh nhảy múa tràn vào từng dãy buồng tù đang trú ngụ như an ủi và cùng chia sẻ sự vui mừng qua những lời chúc tụng nhau:
- Mau sớm có ngày trở về.
- Đả đảo chính sách hà khắc đối với tù chính trị
-Đả đảo CS
- Hẹn ngày gặp nhau tại.. (Một số tin tức khả tín, Bà Khúc Minh Thư đang vận động Mỹ thu nhận tù.)
Qua mùng 2 Tết, đúng giờ G khoảng 3 PM, khu A dàn cảnh bày tiệc trà cùng nhau vui Tết để có dịp đánh 4 tên trật tự và ăng ten, kết quả biến động lan truyền nhanh khắp khu B, C toàn trại. Ban chỉ huy Trại báo động, lập tức điều động công an trấn áp tù khu A để giải cứu mấy tên tay sai.
Trong khi công an vào đàn áp tù, không may anh Tân vì quá hăng say đánh lũ người nối giáo giặc chưa thoát khỏi vòng ẩu đả, công an ào tới bắt gặp anh Tân đang dùng cây đánh những tên gian ác phản bội. Anh Tân bị công an vây bắt và đánh túi bụi vào mặt mày thân xác máu me đầy người, chúng bắt anh Tân bỏ vào bao bố kéo ra khỏi trại đánh hội đồng liên tu bất tận! Hiện trường lúc này khá sôi động, khu A, B, C đều ra khỏi nhà đồng hô to:
- Không được đánh tù chính trị.
- Yêu cầu trả anh Tân về Trại.
- Tất cả 3 khu, tù nhân đồng la, thét, vang dậy một góc trời. Tin tức truyền tải từ khu A, qua B, rồi đến C; nối nhau như cơn bão trong lòng nhịp nhàng và không bao giờ muốn dứt!. Không khí sôi động, tiếng la, tiếng thét toàn trại hơn 1800 con người cùng một lúc trong rừng sâu tăm tối, trong ngục tù CS, chưa bao giờ xảy ra , nay các bạn tù đồng đứng dậy nói lên một ý chí sắt đá, một tinh thần bất khuất , kiên cường và không bao giờ chịu khuất phục!
Mỗi khắc, giờ trôi qua, sự biến động có thể xảy ra những biến cố hệ trọng hơn; Công an tăng cường càng lúc càng đông, súng ống sẵn sàng chĩa vào lưng tù, chúng áp đảo tù khu A, rồi lần lượt khu B vào nhà khóa chặt cửa. Nay chỉ còn khu C bên ngoài khoảng 400 người, nhất quyết lấy hàng rào chắn ngang giữa khung B và C, làm điểm tựa vừa kín đáo che khuất, vừa che chở nhau.
Mặt trời buông dần xuống, anh em vẫn hiên ngang tiếp tục cuộc đấu tranh và hô to các khẩu hiệu :
- Không được đánh tù chính trị.
- Không đánh đập anh Tân.
- Phải thả anh Tân trở về trại.
- Đừng nghe những gì CS nói, hãy nhìn những gì CS làm.(Lời Tồng Thống Nguyễn văn Thiệu)
- Nơi nào có đàn áp, nơi đó có nỗi dậy.( Karl – Marx)
- Đả đảo CS.
Đồng loạt vỗ tay và liên tục hát bài ca ViệtNam – ViệtNam.
Cuộc đấu tranh hôm nay, quả thật “Cá nằm trên thớt ”, dù có vùng vẫy rồi cũng bị sức mẻ gãy gọng. Sau 3 ngày thức trắng đêm hao mòn biết bao tâm huyết để rồi Ban Quản Lý trại, biệt tách hơn 52 chiến sĩ nhiệt tình, không khiếp sợ nhận lấy đau thương, chuyển hết về Chí Hòa rồi đày ải vào đội Trừng giới thuộc tỉnh Phú Khánh. Sau này theo tin tức được biết Thiếu tá Lê Danh Chấp gục ngã trong những ngày trừng phạt tại Trại Xuân Phước. Chúng tôi quá xúc động vì mất một người bạn kiên cường anh dũng bất chấp sự trả thù tàn bạo của CS. Thiếu tá Chấp chết đi đã để lại cho các bạn tù trại Z 30D một niềm thương tiếc vô cùng xót xa, anh vừa can trường vừa hăng say luôn kích động mọi người cùng đứng dậy hô to các khẩu hiệu suốt đêm và đến cả ngày hôm sau mùng ba Tết, anh là người hùng trong đêm nỗi dậy cho đến bây giờ anh em vẫn thương nhớ và biết ơn anh.
RỪNG LÁ NỖI DẬY
Rừng Lá,
Tiếng thét đêm nay nghe dễ sợ
Tiếng rú đêm nay nghe rợn người
Rừng Lá âm u, đây Rừng Lá
Bừng dậy đêm nay trời sáng sao !.
Rừng Lá,
Đêm nay ta gào! Đêm nay ta thét!
LàoKay – YênBái – SơnLa
HàNamNinh – VĩnhPhú – PhongQuang..
Nghĩa địa vùi xác tù vội vả
Z 30D nghiệt ngã trăm bề gớm ghê!
Rừng Lá,
Tiếng rú đêm nay nghe dễ sợ
Tiếng thét đêm nay quá kinh hoàng
Rừng Lá âm u, đây Rừng Lá
Bừng dậy đêm nay trời xót xa.
Rừng Lá,
Đêm nay ta hát cho nhau nghe
Bài ca uất nghẹn
Bài ca hận thù máu chảy
Và nhửng bài ca trong ngục tối!
Đêm ngục tù không chăn không chiếu
Chân xích xiềng buốt giá đêm thâu
Xích xiềng nào xé nát tim ta
Lửa hận thù bốc cao bùng cháy!
Quân cộng thù phá nát quê hương
Bao năm dài bóp chết dân đen
Vì Tự Do ta tìm cuộc sống
Vì Tự Do ta phá bỏ chim lồng
Ôi Việt Nam trại tù khắp nẻo
Rừng Việt Bắc lắm anh hùng bỏ thây
Ôi từng cây! Sốt rét rừng xô ngã
Da bọc xương khiếp cảnh lưu đày
Đêm nay ta hát cho nhau nghe
Bài ca uất nghẹn, khiếp cảnh lưu đày!
Sau ngày nỗi dậy, Ban Chỉ Huy Trại càng khép chặt cổng tù, càng theo dõi gắt gao từng hành động tù nhân. Sau 2 tháng, một buổi sáng toàn trại tập trung nhận lệnh đi lao động. Đột nhiên Ban Chỉ Huy Trại gọi tôi ra trước sân tập họp và đọc Lệnh phạt với lời lẽ : Chây lười lao động. Ngay lập tức hai tên trật tự áp giải tôi về phòng kiên giam, theo sau có 2 tên võ trang cầm súng. Vừa vào phòng giam, có sẵn tấm váng bề rộng khoảng 6 tấc, bề dài vừa đủ chiều cao tầm người; tấm váng kê cao bởi 2 con ngựa cách mặt đất khoảng 1 thước, người tù bắt nằm dài, thẳng 2 chân xỏ vào 2 còng sắt tròn vừa sát cùm chân; treo tòn teng bởi cây sắt nằm ngang có 2 trụ cột gắn chặt chôn sâu dưới đất. Thế là suốt ngày đêm 2 còng sắt dính sát 2 mắt cá cổ chân, khi ăn uống, tiểu tiện, đại tiện đều nằm ngồi tại chỗ.
TIẾNG GÀO GIỮA ĐÊM KHUYA
Làm sao sống lại ngày mai
Làm sao quên hết những đêm dài
Âm u một cõi lòng nức nở
Trắng tay gối đầu sầu khôn nguôi!
Đêm nay một mình, một phản, đôi cùm sắt
Lưng mỏi loai hoay sột soạt hoài
Tiếng còng khua động ác đêm lạnh
Oan trái nợ đời dễ ai quên
Phòng giam khóa chặt đầy bóng tối
Hiu hắt bao thu lạnh tứ bề
Rằng đây có phải là địa ngục
Ta gào! Ta thét ! giữa đêm khuya!
Tiếng gào còn vang mãi trong sa mạc
Tiếng thét căm hờn vọng lại từ xa
Bao nhiêu năm lưu đày khốn khổ
Bấy nhiêu năm bít lối đường về
Giờ đây lại nằm chân co chân duỗi
Thôi thúc thân tù hành hạ đắng cay
Dù phải hy sinh nơi cửa ngục nầy
Vẫn bền chí quyết một lòng bất khuất
Vẫn tin tưởng có ngày sáng lạn
Đập gông cùm phá xiềng xích dã man
Diệt hung nô thời đại bạo tàn
Làm sạch cỏ nhổ từng tên đầu sỏ
Ta sẽ về, ta sẽ trở về
Vượt Mây Tào núi dài rừng sâu
Biển Hàm Tân cát bay rát mặt
Thoát nơi này ra hẳn tối tăm .
Làm sao biết được ngày mai
Làm sao biết được đường dài
Sông kia có khúc người có lúc
Dòng đời thay đổi dễ ai hay
Làm sao biết được ngày mai
Làm sao quên hết những đêm dài
Đã mấy mùa rung trống xông trận
Chờ ngày phục hận sẽ ra tay.
Sau một tháng cùm siết chặt 2 cổ chân, tôi được thả ra, đi đứng không vững, tất cả trời đất như quay cuồn rồi ngã gục trên đường về trại. Từ Bắc trở lại Nam còn bộ xương khô, nay chỉ tội: Chây lười lao động mà cùm 2 chân không cử động nổi. Thật đáng thương cho số phận làm tù..
Thuở xưa, giữa hai nước có chiến tranh, sau khi chấm dứt kẻ thắng đối xử người tù vẫn coi quí trọng thân thể họ, xem kẻ thù như tình đồng loại, cho ăn uống đầy đủ, đau ốm có thuốc men điều trị, ngày thả ra còn may cho cả áo quần v.v.. Nay CSViệt Nam đã đánh mất hết bản tính con người thuần túy Việt Nam, cùng Chung một Giống Nòi; họ không còn nghĩ đến Tình Huynh Đệ, Nghĩa Đồng Bào; rồi mặc tình đày đọa hằng triệu người miền Nam tại các trại tù, lâu dài 5,10,15,17, 20 năm trời lao đao, lận đận, tả tơi đến khốn cùng. Giết dần 30 triệu mầm sống của nửa Dân Tộc tại miền Nam! Vì vậy cho đến ngày nay sau - 32 năm cưởng chiếm miền Nam; CSViệt Nam chỉ có ha hê say men trên chiến thắng, chỉ biết vơ vét đầy túi tham; tham ô, tham nhũng lấy của cải tài sản của dân cùng âm mưu ăn cắp đục khoét của công làm của hương hỏa cho đời sống riêng tư tăm tối của chúng. Sau thời gian dài, chẳng xây dựng được gì cho đất nước, chỉ là con số không! Cả Dân tộc ViệtNam ngày nay hơn 80 triệu người đang quằn quại sống trong cảnh thiếu thốn, nghèo đói dốt nát. Sau bao nhiêu năm dài trọn quyền cai trị, thế mà nước Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới! Tại sao?! Vì CS Vietnam cướp hết quyền Tự do, Dân chủ, v. v.. để độc quyền toàn trị. Từ đó không có tiếng nói khác, không một đảng phái đối lập góp chính kiến xây dựng xã hội, vậy biết bao giờ Nước Việt Nam mới tiến bước kịp các nước bạn trên thế giới. Than ôi!
Huy Vân
============================
====================================
TẢN MẠN QUA 16 NĂM SỐNG TRÊN ĐẤT MỸ
Saturday, 23. August 2008, 04:52:04
Huy Vân.
Thời gian vụt qua như tên bay, như vó ngựa, như bóng câu - Mới ngày nào cả gia đình chân ướt, chân ráo vừa thoát cảnh tù trong, tù ngoài tại VN. Rời VN qua chương trình HO thứ 14 – Vào nước Mỹ cuối tháng 12 năm 1992, cả gia đình gồm hai vợ chồng thêm 6 đứa con còn độc thân đều trên tuổi 18. Đây là điều may mắn vô cùng - Tạ ơn Chúa và nước Mỹ cứu gia đình tôi vừa thoát cảnh đen tối nhất trong cuộc đờị. Qua mười năm: tù, tội, đói, khát bao nhiêu thứ tội vạ đó nói lên sự xác xơ con người không còn là người, ngay cả thân bằng quyến thuộc khi gặp nhau họ cũng ngoảnh mặt làm ngơ !
Đặt chân lên đất Mỹ mới đó mà 16 năm trôi qua thật nhanh, cả một trời mở rộng thênh thang, như chim xổ lồng; gặp lại bạn bè cũ, mừng vui khôn xiết. Theo kế hoạch đầu tiên, chương trình ấn định học ESL tại Cambosdian Family School, Santa Ana. Ngày ngày cố gắng học hành, trong lúc theo học ESL nhà Trường khuyên con em nếu công ty cần người – cứ nạp đơn xin đi làm. Vừa làm vừa học. Ở VN sống trong cảnh nghèo đói quá lâu, nay có dịp vừa học vừa làm thì quá ân sủng. Do đó các con tôi làm, vừa học lo cho tương lại.. Nhưng đây là dấu hiệu thất bại trong việc học hành. Rút kinh nghiệm các em nào đi học chuyên sẽ đổ đạt đàng hoàn đúng là ở Mỹ. Có học là có thành công. Một khung trời tiến bộ. Một chân trời khoa học sẵn sàng mở rộng cho những người ham học.
Riêng tôi lê gót thêm 3 năm tại Trường Golden West College, vừa học English vừa đi ngành Computer. Đang nửa chừng học hành, các con ngày càng khôn lớn lại lo dựng vợ gã chồng; nên nghỉ học ở nhà phụ giúp cho con, cháu. Nay vừa đúng tuổi hưởng hưu, nhờ có chút hiểu biết computer, giai đoạn này Hội Thân Hữu Ninh Thuận đã hoạt động hơn 9 năm, gặp lại bạn bè PhanRang. PhanRang là nơi tôi sống 7 năm sau cùng liên tiếp cho đến ngày mất nước. Công sức, gồm cả máu và nước mắt quyện nhau luôn khắc ghi vào tim gan cùng chan hòa với bạn bè, với em út ở các đơn vị; trong đó tôi nhớ lại bạn Bùi hữu Kiệt, bạn Trần công Triệt, là những người lúc nào cũng hết lòng vì nhiệm vụ. Các anh xứng đáng những người trai thế hệ hiên ngang, hùng dũng xuất thân từ Trường Võ Bị Đà Lạt đã hiến dâng thân mình cho Tổ Quốc. Và tôi cũng từng sống và hiểu biết nhiều bạn hữu.. không thể nêu lên hết nơi đây, tình người PhanRang như anh em một nhà.
Lúc bấy giờ Hội Thân Hữu Ninh Thuận, ngày càng thêm đông đồng hương hội nhập về Cali liên tục; các anh Hội trưởng ai cũng muốn có một Đặc San ít nhất một năm ra 1 lần. Chính tôi là người không ngần ngại giúp cho các anh tiền nhiệm như anh Bảo, anh Đáng là những anh đương Quyền Hội Trưởng phụ giúp Layout tờ Đặc San kể cả đóng góp bài vở và hướng dẫn về kỷ thuật. Nhờ đó sau này khắp nơi, tờ Đặc San Ninh Thuận tung bay khắp các nẻo đường trên các Tiểu Bang Hoa Kỳ và các nước khác để thắt chặt tình thân hữu. Đây là việc làm có ý nghĩa và tôi rất vui mừng đã chia sẻ cùng các bạn bè PhanRang.
Nhưng việc làm không suôn sẻ như mong đợị. Hầu hết các Hội Thân Hữu, các Đoàn thể kể cả tổ chức lớn là Cộng Đồng người Việt tại Hoa Kỳ thường gặp phải những trở ngại như nhau:
- Nội quy lập không rõ ràng.
- Chi tiết tổ chức không đầy đủ.
- Bản Nội qui không thảo luận công khai, phổ biến chỉ hạn chế.
- Quyền hành và trách nhiệm ấn định cho từng người không minh bạch.
- Lắm khi thành viên chỉ là người cùng phe cánh. Do đó dễ lung lạc – làm sai kế họach.
Rất tiếc bản thân Hội nhà Ninh Thuận gần đây đã trải qua thời kỳ dao động có những lúc không vui ! Xin các anh có trách nhiệm chia sẻ đóng góp ý kiến cùng nhau đưa Hội ngày thêm hoàn hảo hơn. Phải nhớ rằng Hội là dây liên lạc – là nơi chia sẻ giữa những người tị nạn cộng sản. Ông Hội Trưởng là người phải có tinh thần chống cộng. Phải làm gương tốt cho Hội.
Hiện nay anh Hội Trưởng Ất cũng chẳng xa lạ, anh cũng từng phục vụ trong Chiến Đoàn 1 Điạ Phương PhanRang, trong lúc tôi điều hành Chiến đoàn. Tôi còn nhớ rõ. Lúc gia đình vừa đến Orange County, Cali. Hai ông bà Ất đã đến an ủi viếng thăm, chúng tôi cả gia đình rất xúc động. Riêng tôi cảm kích vô cùng và không bao giờ quên nghĩa cử đẹp của ông bà.
Cần nói thêm lúc đổi về Ninh Thuận, tôi gặp Trung tá T, đàn anh trước tôi một khóa, anh cởi mở vui tính, xì xoà mọi việc; tôi từng ở đơn vị Sư đoàn 5 BB, sau khi bị thương tích được chuyển về Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp thời gian ở đây cũng khá lâu. Sau này, tôi xin về PhanRang gần nhà. Tỉnh Ninh Thuận là gốc rễ cội nguồn của vị Tổng Thống đương nhiệm, lúc làm việc xa đã nghe danh Ninh Thuận. Làm việc nơi đây không phải dễ, trong đơn vị chưa hẳn những người dưới quyền họ lúc nào cũng tuân phục. Vậy hãy coi chừng và đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra trong khi thi hành công vụ. Tôi cũng thường bị khiển trách bị phạt nhiều lần, vì lúc nào cũng muốn làm vừa lòng bạn bè. Phải nói là Trung tá T cũng là người hiền lành luôn giúp đỡ anh em, khi cần nếu anh có phương tiện, có cơ hội giúp ngay. Vì vậy anh có nhiều đàn em, kể cả bạn bè, anh luôn thể hiện người tốt, hiền lành. Tuy nhiên vì hiền là bẩm tính, nên việc làng nước nhiều khi anh gặp những chuyện không phải anh làm lại mang tiếng. Cũng vì thừa tính dễ dãi, nên đàn em nhiều lúc đã lợi dụng anh, có một thời anh nặng vì tình nhẹ vì lý, nên anh em ít gần gủi ...
Nói đến tỉnh Ninh Thuận là phải nhắc đến Ông Đại Tá Trần văn Tự, vị đầu tỉnh có tiếng thanh liêm chính trực, kế hoạch chống Cs xâm nhập ấp hữu hiệu. Ông phục vụ tại tỉnh Ninh Thuận kế hoạch chống cộng sản hơn cả các vị tiền nhiệm. Mỗi lần địch xâm nhập hầu như bỏ lại xác tại trận. Tiếng tăm ông cũng vang một thời. Ông phạt tôi cũng nhiều lần và chính ông cũng đỡ tôi dậy. Vì lẽ, ông làm việc xét qua nhãn quan của người có kinh nghiệm lịch lãm, một cấp chỉ huy có tinh thần Quốc gia Dân tộc, mọi việc ông tự quyết đoán và ít khi ông nghe theo thành phần nịnh bợ..
Ninh Thuận bỏ ngõ không phải do Ông hành động – chính do kế hoạch Trung ương lệnh - Phải nói Đại Tá Tự là người chống cộng quyết liệt – vì lẽ theo tinh thần Thân sinh Ông là Cụ Trần văn Thạch cũng là người có tên tuổi đi vào lịch sử. Sau 13 năm trong ngục tù Cs – đôi khi gặp lại ông rất ôn tồn, vui vẻ nhận lấy thương đau bi thảm của đất nước!. Phục vụ dưới thời ông là điều vinh dự cho riêng cá nhân tôi; sự thưởng phạt rất công minh – không phe phái lăng nhăng – Tuy nhiên có lúc ông cũng bị mang tai tiếng .. Chắc chắn là không ai vẹn toàn trong lúc thi hành nhiệm vụ. Giờ đây ông cũng an cư thiền tịnh lo việc tu hành, cầu xin ơn trên Trời Phật độ cho ông thêm nhiều sức khỏe tu luyện sớm đạt được công quả.
Nói đến Cs ai cũng chán ghét, nhiều lúc bà con không còn muốn nhắc đến Cs làm gì ! Bởi hiện nay xa xứ lo làm ăn, lo tương lai con cháu .. Người mình cũng dễ quên; nhưng đừng khêu gợi chọc giận họ. Tôì còn nhớ tại Vùng Little Saigon, trong khu chợ Bolsa cũ, có tên Trần Trường điên điên khùng khùng, mang hình Hồ tặc, và cờ máu trang hoàng trong cửa hiệu của anh với bàn thờ có đủ hình ảnh cờ xí chọc giận bà con khi đi chợ qua cửa hiệu anh, ngạc nhiên mọi người đều dừng chân đứng lại. Phản ứng của đồng bào là không chấp nhận tên tay sai Cs nằm vùng đang khiêu khích người dân tị nạn, bởi tên Hồ chí Minh vọng ngoại mang cả bảng hiệu CS Quốc tế làm tay sai cho Nga – Tàu đọa đày cả Dân tộc VN cho đến nay là trên 60 năm dài !!. Những người dân tị nạn CS, mỗi gia đình người nào cũng có người chết trong ngục tù, trong ám hại, trong bức tử, trong cuộc chiến v.v.. Dân vùng Little Saigon, kể cả các vùng phụ cận, thay nhau ngày đêm đều có mặt tại hiện trường chống hình Hồ tặc, và cờ máu liên tiếp 53 ngày đêm lúc nào cũng có nhiều đồng hương tham dự. Đủ các thành phần ông già, bà cả, thanh thiếu niên, nam nữ đông nghẹt người. Cuộc biểu giương tinh thần chống cộng cao độ có đêm gay cấn số người tràn ngập các lối đi trên các trục lộ hướng về Chợ Bolsa nhộn nhịp như sắp có những trận chiến sắp sảy ra. Thật khó diễn tả nào hơn là lòng căm hờn của toàn dân tị nạn, không tha thứ hành động Trần Trường đang làm tay sai Cs. Sau cùng chính quyền địa phương đã giải quyết bằng cách khám phá cơ sở kinh doanh này làm ăn bất chính sang băng lậu !
Bài thơ sau đây diễn tả không khí trong các ngày tranh đấu trên phố Bolsa:
Bolsa bừng dậy
Bolsa nắng ấm, đẹp, mờ sương khói
Đông về gió lạnh buốt tim ai ?
Nơi đây máu chảy hòa lệ nhỏ
Xé cờ đỏ, giẫm nát mặt Hồ
Bolsa lửa đốt lòng căm giận
Già trẻ nối nhau, siết chặt tay
Đứng lên chen nhau cùng diệt cộng
Cờ vàng ba sọc đỏ phơi phới bay ..
Nói thêm về Cộng Đồng, dân cư ngụ ở đâu cũng muốn có một Cộng Đồng vững mạnh sẵn sàng đáp ứng hoàn cảnh của địa phương để giúp dân mình tồn tại lâu dài và song hành phát triển cùng dân điạ phương và xa hơn nữa là giúp nước nhà sớm dứt cảnh độc quyền cai trị cuả Cs. Ấy thế đã 33 – 34 năm trời, qua bao nhiêu lần sinh hoạt, qua bao lần tranh đấu gay go vẫn thất bại để có một Cộng Đồng Thống Nhất ổn định điều hành chung mọi việc. Thê thảm thay! Tại Nam Cali có lúc đến 3 Cộng Đồng sinh hoạt. Người dân không còn xem các ông bà ấy kí lô nào cả ! Bởi họ phản lại Dân Chủ - Phản lại tập thể Cộng Đồng. Người dân không còn tin tưởng Cộng Đồng, về sau này có những việc khẩn cấp – cần giải quyết vấn đề quan trọng – nhờ các anh tự nguyện đứng ra kết đoàn tạo một không khí lành mạnh dấn thân đảm trách mọi việc. Ví dụ: -Tổ chức chống nghị quyết 36 vc, chống tuần báo ViệtWeekly những tên tay sai Cs luồn lách trong Cộng Đồng đánh phá HO, đăng bài ca tụng chế độ Cộng sản; phỏng vấn đặc biệt những tên chóp bu Cộng sản như: - Võ văn Kiệt, những tên Lãnh sự quán v.v.. Họ đánh bóng cho giặc không khác nào tự nguyện làm tay sai cho giặc !.
.Thất bại này dẫn đến thất bại khác, đối với chính quyền địa phương họ xem Cộng Đồng như những anh hề để dùng những lúc tổ chức các mùa tranh cử, giúp họ kiếm phiếu, hoặc tổ chức vui mừng các ngày lễ hội; riêng các việc làm quan trong khác không được dự phần, vì CĐ không đủ tư cách. Có câu chuyện đã xảy ra rất mỉa mai. Có dạo nọ, chính quyền địa phương mời tất cả các Cộng Đồng người thiểu số tham dự sinh hoạt gì đó ?. Riêng CĐVN không được mời. Sự việc chính quyền địa phương xem thường Cộng Đồng, không có tính công bằng đối với các Cộng Đồng khác như: Trung Hoa, Nhựt Bổn, Mễ, ĐạiHàn, v.v.. Thế thì các ông bà trong CĐ ta hờn giận dẫn nhau khiếu nại, trách móc đủ điều.. Cuối cùng họ giải đáp rằng: - Lý do các ông không được dự phần vì không biết phải chọn trong 3 CĐ bằng cách nào để có một CĐ chính thức như các CĐ khác !. Thấy tội nghiệp cho các ông bà quá ngu ngơ, quá tham lam làm những việc không còn xứng đáng có chút tinh thần trách nhiệm nào cả !Bài học này chắc các ông bà đã học kỹ, vậy xin đề nghị cả ba CĐ bằng cách nào sớm nhất.
Ngồi lại bàn bạc và nên xóa bỏ làm lại, sau khi hội, nếu CĐ nào còn ngoan cố không chịu xóa bàn làm lại, chúng ta phải quyết liệt chống đến cùng - Bằng nhiều hình thức như biểu tình đứng trước cơ sở họ, từ 5 – 10 người không cần nhiều, phản đối cho đến khi gỡ bảng hiệu mới thôi. Ta có thể lấy điển hình các cuộc biểu tình gần đây như các anh Ngô Kỷ - Đoàn Trọng - Trần thế Cung và nhiều đồng hương thường tham dự chống Nhật Báo Người Việt. Nó có tác động rất lớn làm cho họ phải nhức đầu tê tái ê chề . .
Chống nhật báo Người Việt là việc làm khó. Lý do họ là cơ sở truyền thông tiếng nói khá lâu trong CĐ. Họ có tài chánh, có nhân lực hùng hậu, đóng góp nhiều công tác truyền thông trong CĐ. Tuy nhiên gần đây họ có những sai phạm làm người dân khó hiểu?. Như xưa kia chính phủ VNCH cũng có những sai phạm đến nổi chống đỡ không hữu hiệu kế hoạch phản tình báo của địch. Nào Huỳnh văn Trọng, Vũ Ngọc Nhạ v.v.. đã nằm tận trong Phủ Tổng Thống. Các sĩ quan phản tình báo của ta rất giỏi mới diệt được thành phần nguy hiểm này. Đối với Nhật Báo Người Việt, họ cũng khôn ngoan kín đáo, thỉnh thoảng họ nhấp thử một sự việc như vô tình, như vô tội vạ; nếu đồng hương phản đối, họ có thể nói đó là nhầm lẫn về mặt kỷ thuật – Nhưng nhiều lần cũng làm cho đồng hương có ấn tượng xấu, không chấp nhận sự sơ xuất lỗi lầm mà họ bào chữa. Nhất là sau nầy ông Đỗ ngọc Yến đã chết rồì – thì những người đang thừa hành họ cũng không ngại gì đổ hết tội lỗi đó cho người chết..
Theo tin tức đoàn biểu tình còn tiếp tục biểu tình, có luật sư đứng ra chống lại bên báo Người Việt kiện đoàn biểu tình và báo Người Việt kiện đích danh anh Ngô Kỷ, anh Đoàn Trọng, anh Trần thế Cung. Việc này chắc còn dài, khó mà quyết đoán ai thắng ai thua ? Nếu còn kéo dài dài thì bên có sẵn tiền tài; chắc là mỗi ngày họ sẽ kéo thêm người ủng hộ. Như gần đây báo Người Việt tổ chức mời gọi đồng hương xem TV, các cuộc tranh giải thể thao quốc tế mục đích thêm người hổ trợ. Rồi có người đã đứng ra cãi vã và muốn xô xát, muốn dùng cả xe tung vào đoàn biểu tình. Và người ta lại thấy rất rõ như Trung tá Phạm đình Cung có gửi thư ngỏ đến các hệ thống truyền thông báo chí chê trách đoàn biểu tình. Anh lại đòi cất dẹp bàn thờ của đoàn biểu tình.
Thưa ông Trung tá Phạm đình Cung,Ông Ngô Kỷ - Đoàn Trọng - Trần thế Cung và đoàn biểu tình không ngu dại dùng bàn thờ các Tướng lãnh tuẫn tiết trang trí như chậu rửa chân của báo Người Việt đã từng làm đâu!. Đoàn biểu tình hằng ngày thờ phượng các Tướng lãnh để nung nấu ý chí phục thù, quật khởi - sẵn sàng chống bọn Cs nằm vùng đang xâm nhập chống phá CĐ; chính NQ 36 của Vc, đang đổ thêm tiền bạc, thêm người cài vào CĐ để làm rối loạn CĐ, phá nát CĐ bằng tiền bạc, bằng thêm người ngu dại chạy theo lợi nhuận. Trung tá Cung nhớ rằng sau lưng đoàn biểu tình là gần 200 đoàn thể, đảng phái lớn nhỏ có đủ cấp bậc trong QĐ chắc là lớn hơn ông nhiều, và họ ở tù lúc nào cũng giữ thể diện liêm sĩ – không phải như Trung tá Cung – lúc nghiêng bên này lúc ngã bên kia !. Hành động của Trung tá chẳng khác như con quạ đi khập khiễng. Trung tá Cung cứ hỏi những anh em ở trại Z30D ai mà không biết Trung tá ?! Trung tá Cung có quyền ủng hộ báo Người Việt không ai cấm đoán. Tuy nhiên ông đừng nghe báo Người Việt nói, mà chỉ nhìn số hình ảnh ông Yến là cả nhóm họ cũng náo động hết chối cãi rồi ! Mong lắm thay !
Trong thời gian 16 năm sống trên đất Mỹ, thật ra có nhiều chuyện quan trọng xảy ra, nhưng đối với tôi là người thuộc nhóm thầm lặng, chỉ nói lên những điều mắt thấy tai nghe – Mong rằng tiếng nói này cũng phản ảnh chung số vấn đề bà con thường lưu tâm trong CĐ - Mục đích muốn CĐ ngày một tiến bộ. Và nếu có va chạm đến ai, tôi cũng thành thật xin lỗi.
Huy Vân
=====================
=====================================
No comments:
Post a Comment