Thursday, July 31, 2014

Dương Nguyệt Ánh và Bom Áp-Nhiệt (Thermobaric)

Dương Nguyệt Ánh và Bom Áp-Nhiệt (thermobaric)

 

 

 

2007 National Security Medal Recipient



Chuyên Gia Chất Nổ Dương Nguyệt Ánh

Chuyên gia về chất nổ Dương Nguyệt Ánh chỉ huy một nhóm khoa học gia, chỉ trong 67 ngày đã chế tạo ra trái bom áp-nhiệt (thermobaric)* đầu tiên của Hoa Kỳ, loại bom mà khi nổ sẽ tạo ra một vầng mây hóa chất và một làn sóng chấn động có khả năng hủy diệt tất cả những gì ở trong tầm sát hại của nó. Được gọi là “bom diệt hầm ngầm”, đây là loại vũ khí dùng để hủy diệt các hang động, địa đạo được dùng làm căn cứ chỉ huy của đối phương trong cuộc chiến A Phú Hãn (Afkanistan) sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9. Hiện nay là một khoa học gia cố vấn cho Ngũ Giác Đài, bà Dương Nguyệt Ánh đang đảm nhiệm về việc phát minh ra các phương tiện kỹ thuật dùng vào cuộc chiến chống khủng bố.

 title= Dương Nguyệt Ánh

Bà Dương Nguyệt Ánh đã chạy thoát khỏi Việt Nam năm 1975 cùng với gia đình hồi 15 tuổi hiện là một người khá bận rộn. Bà là nhân vật được đề cao trong cuốn sách vừa mới xuất bản, “Thay Đổi Thế Giới Chúng Ta: Những Chuyện Thật Về Những Người Nữ Kỹ Sư” (American Society of Civil Engineers, 2006), cũng như trong cuốn phim đoạt giải thưởng phim ảnh năm 2005, “Tại Sao Chúng Ta Chiến Đấu”, nói về chính sách ngoại giao và quân sự Hoa Kỳ, trong đó bà đã thảo luận về việc chế tạo bom cũng như những viễn tượng của bà về chiến tranh. Và lúc 10 giờ tối thứ Tư mới đây trong loạt phim tài liệu “Những Vũ Khí Tương Lai”, chương trình truyền hình của đài Discovery đã bật mí về cái thế giới bí mật của những vũ khí kỹ thuật cao và những người sáng tạo ra chúng, trong đó có bà Dương Nguyệt Ánh.

Động cơ nào đã thúc đẩy bà bước vào ngành kỹ sư hóa học và chế tạo vũ khí?

 title= Dương Nguyệt Ánh

Lúc mới đến Mỹ, Anh văn của tôi rất tệ, thế nên tôi nghĩ rằng mình có thể học hành tốt hơn nếu chuyên tâm vào các ngành toán học, vật lý, hay hóa học. Còn tại sao lại đi vào ngành chế tạo vũ khí? Bởi vì tôi muốn phục vụ cho nền an ninh quốc phòng Hoa Kỳ. Là một người tị nạn chiến tranh, tôi không bao giờ quên được những người chiến sĩ Hoa Kỳ và VNCH đã từng bảo vệ cho tôi có một cuộc sống an toàn.

Gia đình của bà đã đào thoát khỏi Việt Nam, xô đẩy chen lấn nhau từ trực thăng nhảy xuống tàu rồi chiến hạm - chắc là phải kinh hoàng lắm?

Bạn không có thì giờ để suy nghĩ gì hết; viên phi công cứ luôn mồm thúc hối: “Di chuyển, di chuyển!” Bạn phải chờ đúng ngay thời điểm để nhảy từ tàu qua chiến hạm hoặc là không bao giờ còn có cơ hội nữa. Người anh em bà con của tôi lúc đó đang hoảng kinh lên… và khi mở mắt ra tôi thấy - anh ta đang bị treo lơ lửng bên sườn chiến hạm, đôi chân gần như dập nát ra.

Nhưng rồi đến lượt bà cũng phải nhảy thôi?

Tôi tê cứng cả người. Nhớ lại lúc đó tôi đã âm thầm tính toán khoảng cách và thời điểm chính xác để nhảy… Bên kia mọi người chạy đến sẵn sàng chụp bắt tôi. Đến lúc trông thấy gia đình biết là mình sống sót, tôi toát mồ hôi và sợ đến điếng người. Nếu chuyện này xảy ra khi tôi đang nhảy thì chắc là tôi đã tiêu rồi.

Bà theo học ngành kỹ sư hóa học tại Đại học Maryland và sau đó tốt nghiệp cao học về ngành Quản Trị Công Quyền tại American University. Làm thế nào mà bà lại trở thành một chuyên gia về vũ khí?


    "…đối với tôi, việc trước tiên là phải nghĩ đến những phương cách để bảo vệ binh sĩ của chúng ta…”

    Dương Nguyệt Ánh


Khi mới tốt nghiệp, năm 1983, công việc đầu tiên của tôi là chuyên viên bào chế công thức về thuốc đẩy cho Trung Tâm Vũ Khí Điện Địa của Hải Quân Hoa Kỳ tại Indian Head. Tôi đã bào chế loại thuốc đẩy dùng để phóng hỏa tiễn từ nòng súng đi đến mục tiêu. Đây không phải là loại súng cầm tay đâu nhé, mà là những đại bác trên chiến hạm. Năm 1986 tôi trở thành nhà bào chế công thức tạo ra chất liệu cho việc phóng hỏa tiễn từ những dàn phóng trên các chiến hạm và phi cơ – tức là các loại hỏa tiễn không đối không và địa đối không. Chồng tôi đã trêu chọc rằng - tôi đúng là một nhà hỏa tiễn.

Vào năm 1991 thì tôi trở thành một chuyên gia về phát triển chất nổ và hai năm sau đó, tôi điều hành toàn bộ chương trình chất nổ của Hải Quân.

Bà là người đã điều khiển dự án “bom áp nhiệt diệt hầm ngầm”. Đó là công việc gì vậy?

Tháng 8 năm 2001 khi đang làm việc cho Cơ Quan Giảm Trừ Đe Dọa của Bộ Quốc Phòng nghiên cứu về một loại vũ khí có khả năng diệt trừ các hang động thì vụ 9/11 xảy ra, tôi được khuyến khích bảo là nên “thử thời vận” trong việc nghiên cứu về kỹ thuật chất nổ áp nhiệt (thermobaric) và biến nó thành vũ khí ngay lập tức để hỗ trợ cho chiến dịch Operation Enduring Freedom. Nhóm chuyên gia của tôi - gồm khoảng 100 khoa học gia, kỹ sư, và cán sự - chỉ trong vòng 67 ngày đã đi từ ý niệm sơ khởi đến việc chế tạo ra 11 trái bom áp nhiệt (thermobaric) đầu tiên.

Bằng cách nào mà bà đã thúc đẩy nhóm chuyên gia của mình đạt đến thời hạn kỷ lục như thế?

Đâu có đông cơ nào thúc đẩy bạn hơn là vụ 9/11, những hình ảnh của Ngũ Giác Đài, tòa Tháp Đôi và những người vô tội bị giết?

Đây hẳn là một công việc đầy rủi ro nguy hiểm?

Nếu bạn phạm một lỗi lầm khiếm khuyết nào đó, nhiều người sẽ phải mất mạng. Mọi người đều phải được huấn luyện chu đáo và luôn luôn làm việc từng đội. Bào chế chất nổ cũng giống như là bạn làm bánh: Trước hết bạn phải đổ các thành phần chất lỏng pha chế vào một cái bình trộn lớn, rồi thêm vào đó những đặc chất khác… ba cái thanh trộn to tướng không ngừng quay trong khi bạn tiếp tục cho vào các hợp chất pha chế. Pha trộn là một khâu vô cùng nguy hiểm, bạn phải dùng đến hệ thống viễn khiển ở một phòng khác. Rồi thì cái cục nhão này được đổ vào đầu đạn, giữ chặt trong một cái lò hấp khổng lồ để nung lên.

Là một nhà bào chế, công việc thực sự của bà là gì?


"…Về loại bom áp nhiệt (thermobaric) BLU-118/B mà nhóm chuyên gia của chúng tôi đã phát minh để xuyên phá các hang động tại A Phú Hãn.…”

Dương Nguyệt Ánh

Trước tiên là tôi phải nghĩ ra một cái công thức. Sau đó bạn phải ở ngay tại chỗ khi thử nghiệm cái công thức này (bắt đầu bằng một số lượng nhỏ) để đánh giá độ nhạy của chất liệu xem cứ như là nó sẽ nổ tung ra trước mặt bạn. Rồi thì các kỹ sư sẽ thực hiện tiếp tiến trình tinh luyện. Đôi khi nếu chúng tôi sử dụng đến hàng trăm hay hàng ngàn pound (lbs) chất liệu, công thức sẽ phải được thay đổi.

Hiện người ta đang nói về việc trang bị những bom diệt hầm ngầm bằng vũ khí nguyên tử. Bà nghĩ như thế nào về chiến lược này?

Tôi xin được miễn bình luận về chuyện này.

Hiện nay bà đang làm công tác gì?

Từ năm 2006 tôi là một nhà cố vấn khoa học, hiện đang làm nhiệm vụ tham mưu về các vấn đề khoa học kỹ thuật cho Tư Lệnh Phó Hải Quân (đặc trách kế hoạch và chiến lược) đồng thời công tác cho Cơ Quan Điều Tra Tội Phạm (của) Hải Quân, điều tra các tội ác xảy ra trên căn cứ hay trên chiến hạm kể cả công tác phản gián… tức là bắt gián điệp. Chương trình truyền hình “NCIS” đã dựa vào đây để thực hiện chương trình của họ.

Mức độ xác thực của chương trình truyền hình này ra sao?

Với bốn con nhỏ, giữa việc bếp núc và giúp chúng làm bài tập ở nhà, thú thật tôi không có thì giờ rảnh rỗi để xem chương trình này.

Bà phản ứng như thế nào trước những lời chỉ trích?

Người ta sẽ đặt vấn đề là tại sao tôi lại dùng trí thông minh và vốn liếng đào tạo của mình để chế tạo bom… (không dùng vào việc gì khác hơn ngoài tàn phá, hủy diệt), tuy nhiên đối với tôi việc trước tiên là phải nghĩ đến những phương cách để bảo vệ binh sĩ của chúng ta.

Bà đã trình bày những gì qua loạt phim “Vũ Khí Tương Lai” trong chương trình đài truyền hình Discovery?

Về loại bom áp nhiệt (thermobaric) BLU-118/B mà nhóm chuyên gia của chúng tôi đã phát minh để xuyên phá các hang động tại A Phú Hãn. Nhóm truyền hình đã làm việc suốt ngày để thu hình công việc của tôi làm trong phòng thí nghiệm và tại cơ xưởng sản xuất nơi chúng tôi chế tạo loại chất nổ này.

CHÚ THÍCH:

Baric: Chất Barium, ký hiệu hóa học là Ba.

Muốn biết đặc tính của hóa chất này có thể xem: http://en.wikipedia.org/wiki/Barium


 

No comments:

Post a Comment