Những người biến giấc mơ du học thành sự thật
Tiếp tục bài kỳ trước về VEF, Quĩ Giáo Dục Việt Nam, một cơ quan độc lập của chính phủ liên bang Hoa Kỳ, khởi sự hoạt động tại Việt Nam từ năm 2003, đã cấp học bổng cho 466 sinh viên Việt Nam sang Mỹ học chương trình hậu đại học và nghiên cứu trong 11 năm qua.
Từ học trò nghèo đến tiến sĩ khoa học
Hôm nay, mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi giới thiệu những bạn trẻ đã tốt nghiệp và về nước hoặc đang còn là nghiên cứu sinh ở Mỹ qua tài trợ của VEF. Bạn thứ nhất, Nguyễn Hữu Phước Nguyên:
“Em sinh ra ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, gần thượng nguồn con sông Lam. Nghệ An là tỉnh nghèo mà Thanh Chương là huyện miền núi thì là nghèo của nghèo đấy. Trước đấy Thanh Chương không có điện, hồi ấy bọn em phải học đèn dầu. Mãi sau này, đến tầm Lớp Bốn Lớp Năm gì đấy bắt đầu mới có điện.”
Lên 12 tuổi, theo cha mẹ, đều là giáo viên, về thành phố Vinh, ước mơ cháy bỏng của Nguyễn Hữu Phước Nguyên là học thật giỏi để đi du học. Tốt nghiệp trung học, Nguyễn Hữu Phước Nguyên ra Hà Nội học năm đầu tại Đại Học Bách Khoa Hà Nội:
“Rất may là cuối năm thứ nhất của đại học thì em là một trong 10 người của Việt Nam nhận được học bổng của Tập Đoàn Dầu Khí Petronas để đi học ở Malaysia. Từ năm 2002 đến 2007 là em học theo học ngành cơ khí ở đại học Malaysia . Trường ấy là Đại Học Kỹ Thuật Petronas chuyên về ngành dầu khí.”
Từ năm thứ ba ở Đại Học Kỹ Thuật Petronas Malaysia, Nguyễn Hữu Phước Nguyên đã ghi danh trên mạng theo chương trình học bổng của VEF Quĩ Giáo Dục Việt Nam:
“Vì em đã có kế hoạch trước và năm thứ ba đại học Malaysia thì em đã nộp đơn cho học bổng VEF rồi và theo đuổi quá trình ấy là 2 năm. Trong thời gian đấy em có về Việt Nam hai lần để dự quá trình thi tuyển của VEF, thì cũng là nỗ lực của bản thân thôi.”
Năm 2007, kết thúc 5 năm học ở Malaysia, Nguyễn Hữu Phước Nguyên đi tiếp sang Hoa Kỳ:
“Năm 2007 thì em qua học ở trường đại học University Of Michigan, em học về cơ khí. Trong hai năm em vào ngành thạc sĩ về Cơ Điện Tử. Đến khi học tiến sĩ thì em quyết định chuyển ngành và em học ngành Khoa Học Nano. Năm 2013 em tốt nghiệp tiến sĩ đại học Michigan, sau đấy em về Việt Nam luôn.”
Tháng Giêng 2014, Nguyễn Hữu Phước Nguyên trở về Việt Nam, bỏ lại sau lưng hai đề nghị công việc với mức lương hứa hẹn:
Thu nhập thì cao nhưng mà cống hiến cho đất nước thì không có, và đấy cũng không phải mục tiêu lúc em ra đi.
-Nguyễn Hữu Phước Nguyên
“Trước lúc ra đi thì nguyện vọng của em là trở về và nếu mà trở về thì về càng sớm càng tốt. Thực ra điều kiện làm việc ở Việt Nam thì không bằng điều kiện làm việc ở Mỹ đâu. Thứ nhất là về mặt điều kiện làm việc, thứ hai nữa hai nữa về mặt thu nhập thì rõ ràng ở bên kia em được đề nghị đến 6 chữ số, rất là lớn đối với người Việt mình. Thu nhập thì cao nhưng mà cống hiến cho đất nước thì không có, và đấy cũng không phải mục tiêu lúc em ra đi.”
Từ 2008, khi đã sang Mỹ học một năm, Nguyễn Hữu Phước Nguyên thành lập Hội Du Học Sinh Nghệ Tĩnh để biến những giấc mơ du học của người cùng quê thành sự thật như giấc mơ đi xa của chính anh:
“Quê hương Nghệ Tĩnh rất nghèo nhưng có truyền thống hiếu học, học sinh sinh viên ở đấy học rất giỏi nhưng mặt khác thông tin về du học rất thiếu. Đó là cái thứ nhất.
Cái thứ hai nữa, niềm tin là mình có thể đi du học rất là xa vời, các bạn không có niềm tin là mình sẽ thực hiện được. Thiếu thông tin và thiếu niềm tin thì rất khó mà phát triển. Em là người xuất phát từ vùng quê nghèo Thanh Chương, xuất phát đỉểm thấp như thế mà con đường du học em đã thực hiện được, nhìn lại thì em thấy không có gì là ghê gớm, căn bản là phải có niềm tin.
Trong 5 năm qua thì hội của em đã giúp đỡ được hàng ngàn bạn trẻ ở Nghệ An, cung cấp các nguồn thông tin về học bổng và du học. Quan trọng hơn là hàng năm bọn em tổ chức hội thảo gọi là Hội Thảo Du Học Truyền Lửa.”
Năm 2012, Hội Thảo Du Học Truyền Lửa, do Hội Du Học Sinh Nghệ Tĩnh tổ chức, lôi cuốn được 1.000 người trẻ:
“Đó là cả một dấu ấn rất lớn đối với Nghệ Tĩnh , gọi là truyền lửa mà, đó thực sự là cơ hội cung cấp thông tin, truyền niềm tin và truyền cảm hứng du học để cơ bản là phải thực hiện được ước mơ du học của mình.
Mặt khác chúng em cũng kêu gọi các nhà tài trợ từ các công ty và các nhà hảo tâm để trao các suất học bổng để các bạn vượt khó và thực hiện ước mơ du học của mình. Bên cạnh đó, bọn em cũng hỗ trợ tư vấn và thông tin, tức là các anh chị du học sinh đi trước thì hỗ trợ cho các em đi sau. Từ năm 2008 cho đến gần đây nhất là 2013 bọn em đã tổ chức được năm kỳ Hội Thảo Du Học Truyền Lửa. Trước hết là phải có một giấc mơ, một khát khao du học rất lớn rất mãnh liệt. Thứ hai, có giấc mơ rồi thì cần có một kế hoạch hợp lý. Thứ ba, cần có sự kiên nhẫn. Mặt khác, không hẳn giỏi là đi du học được đâu, quan trọng hơn giỏi là mình phải năng động tìm kiếm thông tin, năng động liên lạc với các giáo sư và những người đi trước. Phải chủ động về mặt thông tin hơn những người khác thì mình mới có thể đi được.”
Mới đây nhất, tuần trước, Trường Kỹ Thuật của Đại Học Michigan, University Of Michigan, loan báo trao giải Distinguished Leadership Award, Nhà Lãnh Đạo Nỗi Bật, cho Nguyễn Hữu Phước Nguyên:
“Em cũng có tham gia vào hoạt động xã hội của trường, em là một trong hai co-organiser của Hội Nghiên Cứu Sinh, mục đích là tổ chức những cuộc hội thảo và các khóa huấn luyện để thúc đẩy những nghiên cứu. Cả thành viên khoảng vài trăm người thì em là một trong hai người trụ cột ở đấy. Họ cũng xem xét về hoạt động của em ở Việt Nam, về tổ chức Du Học Sinh Nghệ Tĩnh thì bạn em có biết và nêu tên em. Ngày 16 tháng Ba này họ có buổi lễ trao giải nhưng em đang ở Việt Nam nên không dự được.”
Đó là Nguyễn Hữu Phước Nguyên, tiến sĩ nghành Khoa Học Nano từ University Of Michigan thông qua chương trình học của VEF.
Mong Việt Nam phát triển
Bạn thứ hai, Khổng Hiệp, đến với VEF khi đang là sinh viên năm 3 ngành Công Nghệ Sinh Học, Đại Học Khoa Học Tự Nhiên ở Sài Gòn. Sang Mỹ năm 2010, theo ngành Miễn Dịch Học Immunology, hiện tại Khổng Hiệp ở năm thứ tư và đang là nghiên cứu sinh VEF tại Trung Tâm Nghiên Cứu Ung Thư MD Anderson thuộc University Of Texas at Houston:
“Trên giấy tờ thì quá trình đào tạo PhD tiến sĩ là 5 năm, em theo học năm 2010 thì dự kiến năm 2015 em ra trường. Em muốn ở lại Mỹ học thêm hậu tiến sĩ, còn gọi là Postdoc. (Postdoctoral Training), bởi vì em thấy ra trường mà về Việt Nam ngay thì mình có kiến thức nhưng lại chưa đủ kinh nghiệm. Đặc biệt đối với nhóm ngành Y Sinh thì ngoài chuyện có chuyên môn mình cần phải hiểu hệ thống làm việc như thế nào.”
Vì sao đề cập đến chuyện liên quan tới thời gian học hậu tiến sĩ, còn gọi là Postdoctoral Training, Khổng Hiệp giải thích:
“Thực ra quĩ học bổng VEF ngày xưa, các khóa trước 2010, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thì người ta cho thêm 3 năm Post Academic Training để làm hậu tiến hoặc xin việc làm ở một công ty nào đó để lấy kinh nghiệm. Đến 2010 trở đi, tức từ năm của em, VEF giới hạn lại còn 18 tháng. Mười tám tháng thì khá là ngắn, sợ không đủ cho một hậu tiến sĩ. Có thể là có rất nhiều bạn sau này được học bổng qua đây sẽ cảm thấy hơi tiếc. Đó là hạn chế duy nhất mà em thấy ở VEF.”
Không chỉ ngại thiếu kinh nghiệm, điều làm Khổng Hiệp ngại và cảm thấy chưa muốn về ngay là vì những bất cập trong môi trường làm việc bên nhà:
“Cái em thấy thiếu ở Việt Nam là thiếu một hệ thống làm việc hiệu quả. Nhìn những người Việt thành danh ở nước ngoài thì em thấy giống như người ta chỉ cần “plug in” tức là “cắm” cái tài năng của người ta vô cái hệ thống đã có sẵn. Em muốn làm sao về Việt Nam mà em build up được cái hệ thống này. Tất nhiên một người không làm được nhưng có thể tìm những người chung tư tưởng với mình. Trước mắt là tìm hiểu coi những cái nào có thể cải thiện được.
Điều kiện nghiên cứu ở đây thì đúng là hơn hẳn bên nhà về mọi mặt. Thứ hai tiền bạc rất minh bạch, cạnh tranh công bằng.
-Khổng Hiệp
Điều kiện nghiên cứu ở đây thì đúng là hơn hẳn bên nhà về mọi mặt. Thứ hai tiền bạc rất minh bạch, cạnh tranh công bằng, ngân sách dành cho nghiên cứu của Mỹ dù nói là giảm đi nhiều nhưng so với Châu Âu hay Úc thì vẫn còn cao hơn nhiều. Em thấy rất may mắn được học tập ở đây, có điều kiện làm việc đầy đủ. Không những học về kiến thức mà còn về cách làm việc. So với những bạn đồng trang lứa, cũng học tiến sĩ như em nhưng ở Việt Nam, em thấy các bạn có nhiều trở ngại hơn. Ngoài điều kiện cơ sở nghiên cứu, môi trường khoa học gần như là không có. Làm nghiên cứu thì mình phải có sản phẩm đong đo đếm được, ứng dụng được. Sản phẩm đó chính là tờ báo khoa học mà mình đăng lên những tạp chí quốc tế.”
Có lẽ nỗi suy tư sau cùng này của Khổng Hiệp, một Tạp Chí Khoa Học chuyên nghiệp và đúng nghĩa, sẽ tan biến nếu bạn biết một đàn chị VEF là Trần Ngọc Ánh Mai, đã về nước và đang thực hiện dự án có tên Vietnam Journal Of Science:
Làm việc hai năm sau khi tốt nghiệp Đại Học Nông Lâm ở Việt Nam, năm 2007 đậu học bổng VEF, sang Hoa Kỳ vào University Of Texas at Houston, tháng Chín năm 2013 Trần Ngọc Ánh Mai trở về nước với văn bằng tiến sĩ Sinh Hoc Ung Thư, hiện là giảng viên Khoa Công Nghệ Sinh Học, Đại Học Quốc Tế thành phố Hồ Chí Minh:
“Đây là một trường đại học ở Việt Nam mà giảng dạy bằng tiếng Anh. Thật ra những trường đại học quốc tế ở Việt Nam thì rất nhiều, chủ yếu mở ra cho ngành business, nhưng mà đặc biệt trường này có những ngành về khoa học. Thực sự em rất thích môi trường làm việc của trường em đang dạy bởi vì đồng nghiệp của em toàn bộ là tiến sĩ từ các nước không chỉ Mỹ mà ở Đức, ở Thái Lan và nhiều nước Châu Âu khác. Em cảm thấy rất tương thích với nguyện vọng và trình độ của mình khi làm việc với họ, cộng thêm cái là em có thể giảng dạy bằng tiếng Anh thì em thích như vậy hơn.”
Trở lại cùng dự án VJS Vietnam Journal Of Science mà cô cùng một số bạn đang khởi đầu lâu nay, tiến sĩ Sinh Hoc Ung Thư Trần Ngọc Ánh Mai trình bày tiếp:
“Dự án này có mục tiêu là làm cầu nối cho các nhà khoa học trong nước và các nhà khoa học thế giới. Tụi em đã và đang đăng ký với một tạp chí quốc tế để các nhà khoa học trong nước có thể công bố bài và giới thiệu những công trình nghiên cứu của mình, và cũng để các nhà khoa học trên thế giới trao đổi qua lại về khoa học.”
Đến với VJS Vietnam Journal Of Science đều là các tình nguyện viên, dự án còn trong giai đoạn cũng cố, gây quĩ để phát triển:
“Tụi em cũng đã có một số bài viết khá ổn định. Dự định cuối tháng Ba này tụi em sẽ xuất bản số đầu tiên, hy vọng sẽ tiếp tục xuất bản mỗi hai tháng một lần. Hiện nay thì đang trong quá trình hình thành website, cuối tuần này hay cuối tuần sau thì website cũng đã xong rồi.”
Nếu thành công, Vietnam Journal Of Science sẽ là Tạp Chí Khoa Học đầu tiên của Việt Nam mà chủ xướng phần lớn là những sinh viên tài năng được đào tạo từ VEF Quĩ Giáo Dục Việt Nam.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đến đây tạm ngưng. Thanh Trúc kính chào và xin hẹn thứ Năm tuần tới.
Liên lạc góp ý với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org
Tuần qua, chuyện chiếc cầu treo Chu Va ở Lai Châu bị đứt cáp, hất những người đi đưa tang cùng cỗ quan tài rơi xuống suối đá làm ít nhất 8 người mất mạng và hơn 30 người bị thương một lần nữa đã làm dư luận xôn xao, chấn động bởi chất lượng cầu ở Việt Nam. Đó là chưa kể đến hàng trăm chiếc cầu nằm chông chênh qua suối bằng vài thanh cây, vài sợi dây thừng và một số cáp treo dã chiến có đến hàng chục học sinh bu bám lên để qua sông. Cũng là những chiếc cầu, nếu như ở miền Nam có cầu khỉ, thì miền Trung có cầu tre vắt qua sông. Chuyện của những chiếc cầu tre cũng li kì và thú vị không kém!
Cầu tre lắc lẻo…
Cây cầu tre được sinh ra trong một bối cảnh cũng khá lạ, thường thì những nơi có cầu tre là những nơi heo hút, dân cư đông đúc nhưng đường sá teo tóp, nhỏ nhoi, lại bị con sông chắn ngang đường đi, mùa nắng băng sông bằng đò, đến mùa mưa thì việc đi lại hết sức đáng sợ bởi nguy cơ lật đò, chết người. Bởi việc đi lại quá khó khăn, người dân tự góp vốn làm cầu tre hoặc một nhà đầu tư đứng ra làm cầu tre và bán vé qua cầu cho người đi lại.
Hiện tại, những chiếc cầu tre từ vốn đầu tư của tư nhân chiếm khá nhiều tại miền Trung, góp phần không nhỏ cho việc giao thương nhưng vẫn mang tính hai mặt của nó.
Một người tên Phi, chủ của một chiếc cầu tre được đầu tư với giá 60 triệu đồng, băng qua sông Trường Giang tại Duy Xuyên, Quảng Nam, chia sẻ: “Thường thì khoảng 60 chục triệu, tùy vào cái cầu, sông nó rộng thì khoảng 50-60 triệu, hẹp thì khoảng 10 triệu, nhưng 10 triệu thì lại không lấy được vốn, vì sông nó hẹp thì người ta lội bộ, mùa hè nó cạn, người ta lội qua. Chủ yếu là những cái sông phải rộng, sông rộng làm cầu tre thì nguy hiểm thật, nhưng không có cầu thì phải làm sao, nên phải làm cầu. Từ chỗ nộp tiền thuế cho nhà nước, tiền đấu giá, tiền đầu tư làm cầu, tiền thuê người giữ cầu, có người giữ cầu thì đỡ nguy hiểm cây cầu của mình, người ta điều tiết giùm mình, chứ nếu không ba xe, bốn xe vào một lần thì sập cầu, rồi họ lại thu tiền lại cho mình, bán vé mà, phải thế thôi. Trước đây cũng có người bỏ tiền ra làm cầu, gọi là làm cầu giúp dân, nhưng bây giờ nó đua nhau nó đấu giá rồi thì phải làm kinh tế thôi!”
Trước đây cũng có người bỏ tiền ra làm cầu, gọi là làm cầu giúp dân, nhưng bây giờ nó đua nhau nó đấu giá rồi thì phải làm kinh tế thôi!
O6ng Phi, Quảng Nam
Ông Phi nói thêm, nếu như trước đây, việc đầu tư làm cầu tre ít tốn kém, và mức thu phí cũng thấp, chỉ lấy 500 đồng đối với người đi bộ và 1 ngàn đồng đối với người đi xe máy thì bây giờ mọi chuyện đã hoàn toàn khác, giá ước đã tăng gấp bốn lần vì nhiều lý do.
Trong nhiều lý do như chi phí làm cầu tăng, đồng tiền mất giá, thời giá nhảy vọt… Thì có một lý do rất cơ bản mà ai cũng có thể thông cảm mặc dù nghe ra rất buồn cười. Đó là chính sách đấu giá làm cầu và thu thuế cầu ở cấp chính quyền địa phương. Nghĩa là trước đây, người làm cầu tre không phải đóng thuế, còn bây giờ, người làm cầu tre phải đóng thuế, thậm chí phải đấu giá để làm cầu và thu lợi nhuận.
Một người yêu cầu giấu tên, sống ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam chia sẻ, chuyện tổ chức đấu giá và đóng thuế làm cầu tre là hết sức vô lý, bởi vì dù sao chăng nữa, việc làm một chiếc cầu tre lắc lẻo qua sông để người dân đi lại cũng là việc làm mà nhà cầm quyền cần phải nhìn ra sự thiếu sót cũng như sự bất lực của mình. Lẽ ra nhà cầm quyền địa phương phải trích tiền thuế, trích ngân sách để làm những chiếc cầu cho dân đi miễn phí hoặc góp phần với tư nhân để làm cầu nhằm giảm bớt khoản thu phí xuống còn một nửa. Đằng này, nhà cầm quyền địa phương lại đè người làm cầu ra đánh thuế, bắt nộp tiền cọc để đấu giá, người nào đấu giá nộp thuế cho nhà nước với mức cao sẽ thắng thầu. Nhưng, một khi có đấu thầu, sẽ có yếu tố kinh doanh và động cơ lợi nhuận sẽ đặt lên trên hết. Điều này xãy ra hai vấn đề bất lợi cho nhân dân.
Bất lợi đầu tiên phải nói đến là sẽ có nhiều người không có tâm huyết với những chiếc cầu tre nhưng lại vì động cơ lợi nhuận, sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn để thắng thầu, sau đó tha hồ bóc lột người qua cầu dưới sự bảo kê của nhà cầm quyền. Và trong trường hợp này, người vì động cơ lợi nhuận chưa chắc đã nắm đủ kĩ thuật để làm cầu tre băng sông, chất lượng cầu sẽ rất kém và nguy cơ cầu sập bất kì giờ nào là có thật.
Trường hợp thứ hai, vì không tâm huyết nhưng cuốn theo động cơ lợi nhuận, họ sẽ đóng thuế rất cao để thắng thầu, lúc đó, mọi yêu cầu về an toàn của nhân dân không được đặt ra nhưng nhân dân phải gánh chịu khoản phí qua cầu rất cao. Ví dụ như thay vì đóng một ngàn đồng để qua cầu, người dân phải đóng đến năm ngàn đồng, bởi chi phí này cõng cả tiền nuôi nhà cầm quyền, tiền nuôi người làm cầu và một số khoản nhậu nhẹt, bôi trơn chiếc cầu trước quyền thế địa phương.
Cầu tre đến bao giờ?
Đây là câu hỏi mới nghe tưởng nói chơi nhưng thực tế lại chứa quá nhiều trăn trở của nhân dân những vùng hẻo lánh, đi lại bằng đò hoặc cầu tre. Thường, mùa nắng thì phương tiện cầu tre giúp người ta đi lại thuận tiện nhất, chỉ có những ai quá tiết kiệm hoặc thấy quá tốn kém mới dùng ghe bơi qua sông. Nhưng đến mùa mưa, cả đò và cầu tre là hai phương tiện nguy hiểm ngặt nghèo.
Nếu đi đò thì có thể bị nước lũ cuốn bất kỳ giờ nào, còn việc băng qua chiếc cầu tre chóng vánh giữa dòng nước cuồn cuộn chảy cũng đáng sợ không kém. Bà Nguyên, cư dân xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, than thở với chúng tôi rằng không có gì đáng sợ và làm bà hãi hùng hơn kinh nghiệm một lần suýt chết khi đi qua cầu tre ở quê bà.
Với kết cấu gồm vài chục gốc tre già đóng chéo xuống sông, sau đó buộc hai cây tre to vào hai bên thành đường ray và đặt lên trên đường ray những mảng tre chẻ đôi, đóng đinh, buộc dây thép thật chặt cho tất cả những thanh tre liên kết với nhau thành chiếc cầu. Qui trình hết sức đơn giản và tải trọng của cầu không được phép quá 500kg.
Một người yêu cầu giấu tên, sống ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, chia sẻ: “Thì đóng cọc xuống, đóng chéo qua chứ sao, chéo như dấu nhân vậy đó, rải dài rồi người ta cọc, cột mấy cái róng tre dài dưới chân và phía trên rồi xong chứ có gì đâu!”
Chính vì thế, khi có hai chiếc xe máy ở hai đầu cầu chạy ngược chiều nhau và giáp nhau giữa cầu, lúc này chiếc cầu rung lắc cứ như chuẩn bị đổ ập xuống sông. Trong tình trạng mùa mưa lũ thì miễn bàn, cảm giác cây cầu nổi dần lên theo mực nước là cảm giác thật vì với những cây tre cắm xuống lòng sông không bao giờ đủ sức neo cây cầu đừng nổi theo mực nước lũ.
Lần bà Nguyên suýt chết là trận lũ năm 2010, vì phải đi mua lương thực dự trữ cho mấy ngày lũ, nên mặc dù nước đang dâng cao, bà vẫn liều mình đi mua, khi về thì nước đã dâng cao quá mức. Bà vịn vào thành cầu lội băng qua sông, đến giữa sông, cây cầu bị nước chảy giật lắc qua lắc lại liên tục, bà cắn răng ôm thùng thực phẩm lội đến đầu bên kia, vừa chạm chân vào bờ, thò tay quơ vội, nắm lấy cây ổi thì cây cầu bị nước cuốn phăng. Bà chỉ biết rùng mình nhìn theo.
Có thể nói kinh nghiệm đáng sợ của bà Nguyên cũng là kinh nghiệm chung cho những cư dân sống ở vùng sông nước heo hút, quanh năm suốt tháng phải băng sông, băng suối trên những chiếc cầu mà khi đi trên đó, cảm giác của một người làm xiếc pha lẫn với cảm giác đối diện tử thần, thân phận cái kiến, con sâu luôn hiện hữu. Đến bao giờ người dân nơi đây mới có những chiếc cầu đúng nghĩa?
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment