Rồng trên trang phục Cung đình Nguyễn
Rồng là linh vật đứng đầu trong tứ linh (long, lân, quy, phụng). Theo sách Thuyết văn giải tự, trong 389 loài bò sát có vảy, rồng là loài đứng đầu và có sức mạnh vô song.
Rồng là biểu tượng của sự sinh sôi mạnh mẽ của phương Đông và của mùa Xuân. Dưới thời quân chủ, rồng được suy tôn là biểu tượng của vương quyền, gắn liền với hình ảnh của vua, là đỉnh cao của khái niệm quyền uy.
Vì thế, hình ảnh của rồng thường được thể hiện trên trang phục của các bậc đế vương. Triều Nguyễn là một triều đại phong kiến, nên trang phục cung đình triều Nguyễn cũng không nằm ngoài quy luật này.
Rồng xuất hiện trên trang phục cung đình triều Nguyễn rất đa dạng về hình thức, kiểu dáng, với những quy định rất nghiêm ngặt về số lượng, chất liệu và quy cách thể hiện.
Rồng chỉ được thêu trên áo của vua và của hoàng thái tử, còn áo của hoàng tử chỉ được thêu con mãng - một biến thể thứ cấp của rồng.
Rồng xuất hiện trên long bào của vua dưới các hình thức phi long (rồng bay) hay hồi long hướng nhật (rồng quay đầu về phía mặt trời), kích thước cân đối, mặt rồng uy nghi, chân có 5 móng. Rồng trên long bào của hoàng thái tử là rồng mặt nạ, thân rồng thu nhỏ, chân có 4 móng.
Sự thể hiện của rồng trên trang phục cung đình Huế còn tùy thuộc vào tên gọi và chức năng của các loại áo mão. Chẳng hạn, áo vua mặc lúc thiết đại triều và trong các dịp lễ, tết, gọi là long bào, được thêu 9 con rồng, trong đó 2 con rồng ở thân trước và thân sau là những phi long thêu bằng chỉ bóng và chỉ kim tuyến, mắt rồng đính các viên đá quý nhập khẩu từ Ấn Độ.
Áo vua mặc trong các dịp thường triều gọi là hoàng bào, thêu viên long (rồng cuộn tròn) bằng tơ vàng có nạm trân châu. Áo vua mặc khi tế giao gọi là long cổn, màu đen, tay thụng, thêu lưỡng long triều nhật (hai con rồng chầu mặt trời) dọc hai thân trước.
Áo vua mặc khi cày ruộng tịch điền là áo sa kép màu gạch non, thêu long vân (rồng ẩn trong mây). Trong khi đó, áo đại triều của hoàng thái tử có lớp ngoài may bằng sa nam, lớp trong bằng the bát, thêu hình viên long, gấu áo thêu đồ án lý ngư hóa long (cá chép hóa rồng) nổi trên nền màu đỏ; còn mãng bào của các hoàng tử chỉ được thêu 9 con mãng.
Mũ vua đội lúc thiết đại triều có đính 31 con rồng bằng vàng, 30 đóa hoa vuông khảm ngọc, 140 hạt kim cương và trân châu. Mũ bình thiên vua đội khi tế giao có 18 con rồng, 24 dải tua kết bằng hạt trân châu và đá quý.
Trên đôi hia của vua, mỗi chiếc có hai đôi rồng thêu bằng kim tuyến màu vàng theo thể thức lưỡng long triều nhật cùng văn thủy ba.
Rồng là biểu tượng cao quý của chế độ quân chủ nên được thể hiện một cách công phu, cẩn trọng trên trang phục cung đình triều Nguyễn. Ngoài ý nghĩa là biểu tượng của quyền uy, hình ảnh của rồng còn là lời cầu mong cho sự trường trị, cho hạnh phúc và phồn thịnh của chế độ, đất nước.
Mũ vua đội thiết đại triều 31 hình rồng bằng vàng. |
Mũ bình thiên vua đội khi tế giao có 18 hình rồng bằng vàng. |
Vua Khải Định mặc long cổn tế Giao. |
Vua Bảo Đại mặc long bào đại triều. |
Hoàng thái tử Bảo Long, con vua Bảo Đại, mặc |
Long bào của vua - mặt trước. |
Long bào của hoàng thái tử. |
Hình rồng thêu trên đôi hia của vua Khải Định.
|
No comments:
Post a Comment