Wednesday, April 30, 2014


Báo Mai

Từ ngàn xưa cho đến thời đại ngày nay, trong tất cả binh thư đông tây, những nhà quân sự mưu lược cùng có một nhận định chung, những cuộc tấn công đánh địch, chiến thắng dễ dàng hơn là cuộc triệt thoái, rút lui bảo toàn được lực lượng.





Trong các cuộc tiến đánh chiếm lĩnh mục tiêu, bất cứ cấp chỉ huy nào từ đơn vị nhỏ đến đại đơn vị đều phải điều nghiên địa hình, nắm biết rõ sự tương quan lực lượng giữa ta và địch nên khi đánh địch, giành phần thắng chắc chắn và dễ dàng hơn. Vì vậy, trong Tôn Tử Binh Pháp đã có khái niệm chíến lược, chiến thuật như là khuôn vàng thước ngọc mà các nhà quân sự nào cũng phải quan tâm, chiêm nghiệm, đại ý: Biết người biết ta, trăm trận đánh trăm trận thắng. Biết người không biết ta (hay ngược lại) với kết quả một thắng một bại. Còn không biết người và cũng không biết ta, như kẻ mù khi điều quân, không hiểu rõ khả năng của mình và khả năng của đối phương, chắc chắn trăm trận đánh trăm trận thua.

BỐN CUỘC TRIỆT THOÁI LỊCH SỬ KHI MIỀN NAM ĐANG HẤP HỐI.
Từ đầu tháng 3 năm 1975, khi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không được Quốc Hội Hoa Kỳ chấp thuận viện trợ 300 triệu Mỹ kim và cũng từ ngày giờ đó, miền Nam Việt Nam đang đi vào cảnh hấp hối, không còn cơ may xoay đổi được tình thế, cuộc chiến đang hồi ngặt nghèo, bi thảm về phía VNCH.


Với Hiệp Định Balê quái ác ký ngày 21 tháng 1 năm 1973 cộng với cái gọi là Việt Nam Hóa Chiến Tranh để Hoa Kỳ rút quân hay nói cách khác “Bỏ Của Chạy Lấy Người”mà người Mỹ khoác cho danh từ hảo: rút quân trong danh dự. Như vậy, Hoa Kỳ bỏ mặc chính phủ, dân chúng và QLVNCH từng là đồng minh thân thiết với họ làm tiền đồn chống cộng cho thế giới tự do… đang bị khan kiệt tiếp liệu về quân dụng, kinh tế… để đương đầu với CSBV được tập đòan cộng sản quốc tế trang bị, tiếp tế đầy đủ và tiến quân công khai vào xâm chiếm miền Nam.

Cuộc tấn công của CSBV đánh chiếm Ban Mê Thuột vào ngày 10 tháng 3 năm 1975, mở màn cho sự sụp đổ hoàn toàn cả Quân Khu II do Thiếu Tướng Phạm Văn Phú làm Tư Lệnh.

Trong vòng 45 ngày từ ngày 16 tháng 3 đến ngày 29 tháng 4 năm 1975 với 4 cuộc triệt thoái, rút quân lịch sử đầy bi thương đã đưa đẩy miền Nam Việt Nam vào con đường bại vong về tay cộng sản Bắc Việt (CSBV), đánh dấu bằng ngày 30.4.1975.

1- Cuộc Triệt Thoái Thứ Nhất: Thiếu Tướng Phạm Văn Phú
Sau cuộc họp lịch sử ngày 14.3.75 tại Cam Ranh với đầy đủ các vị đầu não ở trung ương: Tổng Thống, Thủ Tướng, Tổng Tham Mưu Trưởng, Phụ Tá Quân Sự… Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tự quyết định, chỉ thị Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đang là Tư Lệnh Quân Đoàn II và Quân Khu II, rút bỏ Cao Nguyên gọi là tái phối trí lực lượng ở vùng duyên hải để tương lai tái chiếm lại Ban Mê Thuột, Kontum và Pleiku… Kế hoạch cuộc triệt thoái Kontum, Pleiku được soạn thảo một cách vội vàng.

Hai ngày sau cuộc họp tại Cam Ranh, ngày 16.3.1975, cuộc rút quân bắt đầu và chọn đường liên tỉnh lộ số 7 nhỏ hẹp, nối Pleiku và Phú Yên, thay vì dùng quốc lộ 19 nối liền Pleiku với Qui Nhơn vì đã bị CSBV chiếm đóng nhiều nơi nên không thể sử dụng ngay được. Cuộc triệt thoái này đã bị thất bại ngay từ đầu vì lệnh của cấp trên và ngay cấp thừa hành cũng vấp phải sự yếu kém, không ước tính được tình hình diễn tiến cuộc rút quân quy mô nhất từ trước đến lúc bấy giờ của nền đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa miền Nam Việt Nam. Kế hoạch triệt thoái của Tướng Phạm Văn Phú đã tan vỡ từ khi bị quân CSBV chận đánh ở đèo Tuna, phía đông Phú Bổn.


Cả Quân Khu II bị thất thủ kéo theo Quân Khu I và sau đó cả miền Nam Việt Nam. (Trách Nhiệm Làm Mất Miền Nam VN - Lữ Giang - Những Biến Cố Cần Được Ghi Laị do Hội HO Sacramento xuất bản năm 1996). Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh chiến trường Quân Khu II và là cấp chỉ huy trực tiếp trách nhiệm cuộc triệt thoái bi thảm nhất trong 4 cuộc triệt thoái lịch sử trong chính thể Việt Nam Cộng Hòa.

Sinh vi tướng, tử vi thần, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đã can đảm chọn cái chết hào hùng, tuẫn tiết tại Sài Gòn khi đoàn quân xâm lược của CSBV tiến chiếm Thủ Đô VNCH ngày 30.4.1975

2- Cuộc Triệt Thoái Thứ Hai: Trung Tướng Ngô Quang Trưởng
Ngày 13.3.1975, trong một cuộc họp tại Sài Gòn, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho Trung Tướng Ngô Quang Trưởng Tư Lệnh Quân Đoàn I & Quân Khu I biết sẽ rút hết SĐ Dù và SĐ Thủy Quân Lục Chiến về làm lực lượng tổng trừ bị và ra lệnh cho Tướng Trưởng rút quân về phòng thủ vùng duyên hải từ Huế tới Chu Lai.

Ngày 19.3.1975, QLVNCH rút khỏi Quảng Trị, về lập phòng tuyến ở Mỹ Chánh, giữa Huế và Quảng Trị. Tướng Trưởng vào Sài Gòn gặp Tổng Thống Thiệu trình bày kế hoạch giữ ba “đầu cầu” (enclaves) Huế, Đà Nẵng và Chu Lai, Tổng Thống Thiệu chấp thuận (Trích trong bài Trách Nhiệm Làm Mất Miền Nam của Lữ Giang, sách dẫn thượng). Nhưng, tối 20.3.1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lại ra lệnh rút thêm Lữ Đoàn 2 Dù về Sài Gòn. Như vậy, QK1 chỉ còn Sư Đoàn TQLC đang tăng cường, Tướng Trưởng bối rối trước sự việc quân CSBV càng ngày gây áp lực nặng nề và 4 SĐ trừ bị CSBV đang sẵn sàng vượt sông Bến Hải kết hợp với các đơn vị của CSBV đã có sẵn ở QK I, tiến chiếm toàn bộ QK I. Ngày 21.3.1975, CSBV đã cắt đứt QL1 ở Truồi, giữa Huế và Đà Nẵng và đóng chốt ở đèo Phú Gia. Đường bộ giữa Huế và Đà Nẵng đã bị quân CS cắt đứt.


Ngày 25.3.1975, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng quyết định cho các đơn vị TQLC rút ra cửa Thuận An. Sư Đoàn 1 BB, BĐQ và Địa Phương Quân được lệnh xuống cửa Tư Hiền đề tàu Hài Quân đến đón. Hai đoàn quân rút lui đã tan rả tại 2 cửa biển này, về tới Đà Nẵng chỉ còn 1 phần 3 quân số. Sự rút lui của SĐ2 tương đối thành công hơn vì chỉ phải di chuyển từ Chu Lai ra bờ biển để được tàu Hải Quân chở ra Cú Lao Ré ở gần đó và SĐ 2 về tới Bình Tuy, quân số cùng chỉ còn một nửa.

Ngày 27.3.1975, tình hình Đà Nẵng vô cùng nghiêm trọng, CSBV pháo kích liên tục gây bất ổn làm cho nhân tâm thêm xao xuyến. Hơn nữa, dân chủng từ Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quãng Tín… đổ về đây quá đông. Khi tình hình Đà Nẵng không còn kiểm soát được, Tướng Trưởng ra lệnh bỏ Đà Nẵng. Ngày 28.3.1975, tàu Hải Quân đến Đà Nẵng đón binh sĩ và dân chúng, ưu tiên cho TQLC, đưa vào Nha Trang, Cam Ranh, Vũng Tàu…

Ngày 29.3.1975, Quân Khu I hoàn toàn thất thủ.


Trung Tướng Ngô Quang Trưởng là vị Tư Lệnh Chiến Trường QK I với chỉ thị, lệnh lạc của trung ương tiền hậu bất nhất làm cho Tướng Quân lừng danh nhất trong QLVNCH đành phải bó tay để cho cuộc “di tản chiến thuật” của QK I chìm trong cảnh hổn loạn.
Sư triệt thoái nhiều lúc không kiểm soát được, không thành công và Tướng Trưởng khi về tới Saìgòn bị khiển trách, làm kiểm điểm… Mặc dù vậy, các nhà quân sự ngoại quốc, đặc biệt là nhiều tướng lãnh Hoa Kỳ thông cảm và chấp nhận sự việc triệt thoái toàn bộ lực lượng của QK I dù có nhiều cảnh hỗn loạn trên đường rút quân. Nhưng, họ luôn chiêm ngưỡng và kính trọng Tướng Quân Ngô Quang Trưởng, uy danh của ông vẫn sừng sững oai hùng trên trang quân sử VNCH và chiếm trọn sự kính mến của nhiều người và đặc biệt của các chiến sĩ gần gũi và trực tiếp dưới quyền ông.

Ngày 22.1.2007, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã “giã từ vũ khí” tại Tiểu Bang Virginia, ông ra đi để lại bao sự tiếc thương cho nhiều người.



Trên tờ nhật báo Sacramento Bee, mục Metro, của Thủ Phủ Sacramento, phát hành ngày chủ nhật 28.1.07 đã đăng lại nguyên văn một bài viết của tờ nhật báo có thể nói là tờ báo uy tín và lớn nhất Hoa Kỳ, Washington Post về một vị Tướng tài giỏi của QLVNCH.

Từ năm 1968, trong trận tổng công kích và nổi dậy của VC vào dịp Tết Mậu Thân và cuộc chiến đẫm máu nhất trong quân sử QLVNCH mùa hè lửa đỏ 1972, Tướng Quân (từ của nhà văn Phan Nhật Nam) Ngô Quang Trưởng đã chứng tỏ khả năng điều binh của nhà quân sự nổi danh nhất của QLVNCH mà Đại Tướng Creighton Abrams, Tư Lệnh các lưc lượng Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam, khẳng định khả năng cầm quân của Tướng Trưởng sẽ chỉ huy được cả sư đoàn chính quy của Quân Lực Hoa Kỳ.



Đại Tướng Norman Schwarzkopf, một tướng tài của Quân Lực Hoa Mỹ, từng là Tư Lệnh Chiến Trường Bão Táp Sa Mạc ở Iraq vào thập niên 90. Trong cuốn hồi ký autobiography xuất bản 1992, Đại Tướng Schwarzkopf đã viết về Tướng Quân Ngô Quang Trưởng: Mr. Truong was “the most brilliant tactical commander I’d ever known”, Tướng Schwarzkopf khi tham chiến ở Việt Nam với cấp Tá và từng làm Cố Vấn Trưởng cho Đại Tá Ngô Quang Trưởng, mối thâm tình đó và ông biết rõ khả năng điều động, chỉ huy đơn vị và sự liêm khiết của Tướng Trưởng, Tướng Schwarkkopf nói rằng ông đã học hỏi nơi Tướng Trưởng, áp dụng trong cuộc chiến ở Iraq và ông đã chiến thắng.

Trong hàng mấy mươi vị tướng lãnh chỉ huy các đại đơn vị trong QLVNCH, chỉ có Tướng Quân Ngô Quang Trưởng là vị tướng được nhiều tướng lãnh Hoa Kỳ không tiếc lời khen ngợi và kính trọng

3- Cuộc Triệt Thoái Thứ Ba: Thiếu Tướng Lê Minh Đảo



Sau khi Quân Khu II và Quân Khu I triệt thoái không thành công, các đơn vị tinh nhuệ của QLVNCH nay bị tan tác và quân số khiển dụng của 2QK này không còn được một nửa, khí thế chiến đấu giảm sút đáng kể. Quân của các đại đơn vị CSBV tự do di chuyển từ vùng vĩ tuyến 17, vùng cao nguyên và con đường mòn Hồ Chí Minh rộn rịp chuyển quân vào Quân Khu III như chỗ không người. Nhiều SĐ chính quy của CSBV sau khi “bôn tập” về vùng Xuân Lộc - Long Khánh, CSBV quyết “nhổ” mặt trận này để chúng nhanh chóng tiến quân thẳng về Thủ Đô Sài Gòn. Những trận mưa pháo ngày đêm của cộng quân rót vào Xuân Lộc, tỉnh lỵ Long Khánh, nơi có sự hiện diện của SĐ 18 BB dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo. Nơi đây là nơi thử sức cuối cùng giữa các đơn vị thiện chiến của CSBV và SĐ 18 BB cùng với các đơn BĐQ, ĐPQ, NQ, Thiết Giáp, Pháo Binh… và các đơn vị tăng phái đã diễn ra một cuộc chiến dữ dội nhất của tháng tư đen năm 1975. Vinh dự thay cho đơn vị thiện chiến SĐ 18 BB và các đơn vị tăng phái, chận đứng được làn sóng tiến công vũ bão của CSBV về điểm hẹn là Thủ Đô Sài Gòn.



Mặt trận Xuân Lộc – Long Khánh là nơi chôn vùi hàng chục ngàn chiến binh CSBV và danh dự của QLVNCH đã được khôi phục mà nhiều ký gỉa chiến trường ngoại quốc và Việt Nam không tiếc lời ca ngợi. Lúc bấy giờ, từ vĩ tuyến 17 xuyên qua lãnh thổ QK I và QK II, đã nằm dưới quyền kiểm soát của CSBV, chưa kể hậu phương lớn của toàn thể miền Bắc như bỏ ngõ, CSBV đưa hết quân vào cưỡng chiếm miền Nam cho bằng được mà địa danh Xuân Lộc - Long Khánh là cửa ngõ dẫn về Thủ Đô Sài Gòn.

Một con mãnh hổ SĐ 18 BB không thể đương cự được vơí một tập đoàn hồ ly vây quanh. Vì vậy, dưới quyền chỉ huy của Tướng Lê Minh Đảo đã mở một cuợc triệt thoái thành công thoát hiểm trước nanh vuốt của hàng chục SĐ quân CSBV định nuốt trửng đơn vị tinh nhuệ này.



Tuy nhiên, SĐ 18 BB vừa thoát cảnh bị bao vây tiêu diệt, con đường bộ lui binh ngắn, tương đối an toàn về hướng Biên Hoà và Sài Gòn. Cuối cùng cả đơn vị này cùng chung số phận chung của các đơn vị QLVNCH đều phải vứt bỏ vũ khí, quân trang, quân dụng và tan hàng, rã ngũ khi Đại Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng CSBV sáng ngày bi thảm 30.4.1975.

Người chỉ huy cuộc lui binh cùng đi bộ với các đơn vị của ông dù an toàn về tới Sài Gòn, nhưng, sau đó, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo đã phải trả một cái giá đắt trong lao tù cộng sản, ông đã gở đến hết lịch, đến cuốn thứ 17 và nay được định cư ở Hoa Kỳ theo diện HO. tại Tiểu Bang Connecticut.

4- Cuộc Triệt Thoái Thứ Tư: Đô Đốc Chung Tấn Cang



Thủ Đô Sài Gòn trong những giờ phút hấp hối, khi các đại đơn vị CSBV áp sát tất cả bốn hướng đông, tây, nam, bắc, sau khi SĐ 18 BB và Bộ Tư Lệnh QĐ III cùng các đơn vị trực thuộc di tản về Sài Gòn từ đêm 28.4.1975. Xung quanh Thủ Đô Sài Gòn hàng chục SĐ CSBV hiện diện, những trận mưa pháo vào phi trường Tân Sơn Nhất, nội thành Sài Gòn và các đơn vị đồn trú trong lãnh thổ của Biệt Khu Thủ Đô. Saì Gòn náo loạn, chính phủ mới của Đại Tướng Dương Văn Minh không biết phải làm gì để đối phó với tình hình nguy kịch này. Lúc bấy giờ nhiều phái đoàn của cái goị là thành phần thứ ba, các Nghị Sĩ, Dân Biểu gọi là thiên tả, đối lập hay xìu xìu ển ển, thường chống chính quyền và kể cả phái đoàn chánh thức của chánh phủ Dương Văn Minh – Vũ Văn Mẫu, chạy tới chạy lui vào Camp Davis trong khu vực phi trường Tân Sơn Nhất để xin yết kiến xin xỏ VC tìm giải pháp. Nhưng, VC trên đà chiến thắng, họ không “quởn” nói chuyện với các phái đoàn đó.

Trong bối cảnh, các đơn vị lớn nhỏ QLVNCH đang hiện diện trong nội thành Sài Gòn và vùng ngoại ô, không nhận được lệnh lạc gì của cấp trên, Bộ Tổng Tham Mưu hay cuả chính phủ mới. Các đơn vị trưởng còn bám trụ ở đơn vị, không vọt đi ra biển hay đi bằng phi cơ thì tùy nghi quyết định lấy số phận của đơn vị mình, tiếp tục chiến đấu đến viên đạn cuối cùng hay bỏ đơn vị về nhà hay tìm cách vượt thoát ra biển Đông…





Ngày 29.4.75 Sài Gòn hổn loạn, cảnh người chen chúc đến Toà Đại Sứ Mỹ để hy vọng được lên trực thẳng di tản hay người ta đổ xô xuống các bến tàu tìm chỗ để ra đi khỏi Sài Gòn đang ngột ngạt dẫy chết.

Trong khi đó, Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang Tư Lệnh Hải Quân, ông mới về đảm nhận chức vụ này chỉ được một thời gian rất ngắn. Với tầm nhìn của vị tướng lãnh sáng suốt, sau khi 2 Quân Khu II & I thất thủ, Đô Đốc đã tự hoạch định một phương cách bảo toàn lực lượng để có thế ứng phó với cơn dầu sôi lửa bỏng đang ầm ập lao tới. Với tư cách là Tư Lệnh Hải Quân mới, ông thường xuyên mở những cuộc họp tham mưu và những cuộc họp lớn có tất cả các đơn vị trưởng các Hạm Đội, Vùng Duyên Hải, Vùng Sông Ngòi… đang có mặt tại 4 Quân Khu để Đô Đốc nắm chắc những gì Hải Quân sẽ sử dụng hiệu quả khi có biến cố, cần tới.

Qua bài viết của Hải Quân Đại Tá Nguyễn Bá Trang được phổ biến trên các diễn đàn sau khi Đô Đốc Chung Tấn Cang qua đời ngày 24 tháng 1 năm 2007 tại Thành Phố Bakersfield - California, hưởng thọ 82 tuổi, chúng ta đọc không khỏi ngậm ngùi thương cảm cho một vị Tướng Hải Quân kỳ tài vì có quá ít thời gian phục vụ ngành chuyên môn của mình. Đô Đốc Chung Tấn Cang dù phục vụ trong Hải Quân, thời gian chỉ có 5% cuộc đời binh nghiệp của ông, như Hải Quân Đại Tá Nguyễn Bá Trang viết, nhưng, Tướng Cang biểu tỏ thiên tài của ông về sự chỉ huy, điều động các đơn vị Hải Quân dưới quyền. Tướng Quân Cang tâm sự với người viết bài này, cách đây 6 năm khi đến thăm ông vì tình thầy trò trong Quân Đội, ông nói rằng rất tiếc, BTL Hải Quân đặt tại một địa điểm nhỏ hẹp tại Thủ Đô Sài Gòn, cách biển khá xa mà Hải Quân là quân chủng cần vẫy vùng hoạt động hữu hiệu ở vùng sông nước, biển cả. Lúc bấy giờ, tôi có ý nghĩ, cấp lãnh đạo quốc gia chưa có tầm nhìn đúng về khả năng tinh nhuệ của quân chủng Hải Quân, họ phải hoạt động ở trên mặt nước, khi đưa Hải Quân lên bờ là chặt tay chặt chân họ. Đô Đốc Cang có ý ám chỉ về số phận của ông, là một Phó Đô Đốc (tướng lãnh 3 sao), cấp bậc cao nhất trong Quân Chủng Hải Quân lại phải xa rời màu nước xanh biên biếc của biển cả, ông không được phục vu hay chỉ huy ngành chuyên môn của mình một thời gian quá dài.



Vật đội sao rời, có một thời gian ngắn, sau cuộc đảo chánh 1.11.1975, Đô Đốc Chung Tấn Cang cũng được về làm Tư Lệnh Hải Quân và sau đó ông bị cho “lên bờ”, ông đi lang thang trên bộ, giữ những chức vụ như Chỉ Huy Trưởng Trường Chỉ Huy Tham Mưu ở tận Đà Lạt, cách xa Sài Gòn và xa biển cả mênh mông. Sau đó, Đô Đốc Cang được đổi về làm Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô kiêm Tổng Trấn Sài Gòn - Gia Định vài năm mà người viết bài này được may mắn làm việc dưới quyền của một vị Tướng mà tôi kính trọng nhất trong cuộc đời binh nghiệp 13 năm của mình. Đô Đốc Chung Tấn Cang đã chứng tỏ, đặc biệt là cựu chiến sĩ QLVNCH, rất hãnh diện có một vị tướng tài, có tầm nhìn chiến thuật, chiến lược sâu rộng và Đô Đốc Cang xứng đáng là vị tướng tài nhất trong QLVNCH về phương diện hành quân triệt thoái thành công và tuyệt vời nhất



Trở lại cuộc triệt thoái của Quân Chủng Hải Quân, tất cả hạm đội được Đô Đốc Chung Tấn Cang ra lệnh “Lên Neo”, nghĩa là sãn sàng tham dự cuộc hành quân triệt thoái vĩ đại nhất của Quân Chủng Hải Quân và điểm hẹn là đảo Côn Sơn và Phú Quốc. Lệnh hành quân triệt thoái lịch sử được ban ra vào ngày N tức là sáng sớm ngày 29 tháng 4 năm 1975 trong khi chính phủ Dương Văn Minh – Vũ Văn Mẫu hết có thuốc chửa, không ngăn chận được sự tiến quân như vũ bão, bôn tập, của CSBV về cưỡng chiếm Thủ Đô Sài Gòn. Lúc này, Đô Đốc Chung Tấn Cang không nhận được bất cứ một lệnh lạc gì của chính phủ của Bộ Tổng Tham Mưu. Tướng Quân Chung Tấn Cang chứng tỏ khả năng nhìn xa hiểu rộng của một vị tướng tài trong QLVNCH, ông đã có kế hoạch sẵn sàng chờ lệnh là thi hành, nhưng lệnh không có thì không lẽ ông bó tay chờ CSBV đến tiếp thu BTL Hải Quân mà Tướng Quân đang ngồi ở đó. Đô Đốc Chung Tấn Cang tự ý ra lệnh cho Hạm Đội cuả Quân Chủng Hải Quân Lên Neo và tất cả những chiến ham, tàu tuần duyên, các giang đoàn còn khiển dụng nhổ neo ra khơi theo lệnh của ông để khi được lệnh của thượng cấp là quay tàu về giải cứu Sài Gòn. (Xin quý độc giả tìm đọc bài viết Một Thoáng Suy Tư của Hải Quân Đại Tá Nguyễn Bá Trang, nguyên Tư Lệnh đơn vị Đặc Nhiệm Thủy Bộ 211 để biết rõ về cuộc hành quân triệt thoái này).



Một hay hai ngày trước cuộc triệt thoái 29.4.75, một Phụ Tá Bộ Quốc Phòng Mỹ cùng đi với một người Mỹ nói tiếng Việt rất giỏi đến thuyết phục Đô Đốc ra đi bằng chiếc trực thăng họ đã lái tới đậu ở BTL Hải Quân. Nếu Đô Đốc Chung Tấn Cang chỉ biết mình mà không lo đến sự an toàn sinh mạng của các chiến sĩ dưới quyền và đồng bào, thân nhân của Hải Quân, lấy chiếc trực thăng cùng với gia đình bay ra khơi, an toàn cho gia đình ông, dễ dàng quá. Nếu thế, chúng ta không có gì để phải nói nhiều vế Đô Đốc Chung Tấn Cang. Chính Đô Đốc là người anh hùng bảo toàn được tài sản quý giá hàng triệu triệu Mỹ kim của quốc gia VNCH và của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ nữa không để lọt vào tay địch. Quan trọng hơn, có trên 40 ngàn người VN đã được di tản an toàn đên bến bờ tự do, biết bao gia đình nhờ có cuộc ra đi của vị chỉ huy “vô kỷ luật” chưa có lệnh của thượng cấp mà tự ý cho lệnh Lên Neo mà ngày nay nhiều gia đình ăn nên làm ra.



Kết Luận:
Qua 4 cuộc triệt thoái, lui binh, cuộc rút quân của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo có tầm vóc nhỏ hơn 3 cuộc triệt thoái khác ở cấp Quân Đoàn và Quân Đoàn cộng mà cuộc triệt thoái do Đô Đốc Chung Tấn Cang điều động chỉ huy là cuộc triệt thoái thành công và tuyệt vời nhất.

Về danh tiếng, Tướng Quân Ngô Quang Trưởng là người chỉ huy tài giỏi và thanh liêm, ai cũng nghe danh và khi Tướng Quân Trưởng ra đi có biết bao người thương tiếc và kể cả báo chí Mỹ cũng viết bài, đưa tin, chia buồn và vinh danh ông… Tôi không có may mắn làm việc dưới quyền ông nên không dám có bài viết về Tướng Quân Ngô Quang Trưởng.

Còn Đô Đốc Chung Tấn Cang, Tướng Quân sống âm thầm tại một nơi đìu hiu, ít người Việt. Cuộc sống của Đô Đốc cũng lặng lẽ như bản tính của ông. Suốt cuộc đời binh nghiệp, ông tỏ ra một cấp huy tài giỏi, thanh liêm, mẫu mực và đến khi ông ra đi cũng lặng lẽ, ít có người viết về ông. May mắn có Hải Quân Đại Tá Nguyễn Bá Trang đã viết một bài có thể gây sự chú ý, tôi chưa dám nói là làm chấn động tâm tư tình cảm của nhiều người vì biết được sự thật về Đô Đốc Chung Tấn Cang.

Anh Phương Trần Văn Ngà
VÌ SAO CHÚNG TA ĐỂ MẤT MIỀN NAM CHO CỘNG SẢN?
Lê Duy San
Lê Duy San

Cuộc chiến Việt Nam mặc dầu đã được kết thúc trên ba chục năm nay, nhưng nhiều người vẫn còn tự hỏi: “Quân đội của chúng ta hùng mạnh như vậy, tinh thần chiến đấu của quân đội chúng ta anh dũng như vậy, nhiều quân nhân còn xâm chữ “Sát Cộng” vào cánh tay, còn đồng bào ta thì sợ Việt Cộng như cùi, như hủi, bọn chúng tới đâu là đồng bào ta bỏ chạy tới đó, vậymà tại sao chúng ta lại thua Cộng Sản?


Đành rằng nguyên nhân gần và trực tiếp là vì chúng ta bị đồng minh tức Hoa Kỳ bỏ rơi Nhưng còn nguyên nhân sâu xa là gì ? Tại sao người Mỹ lại bỏ Việt Nam? Đã có rất nhiều chính trị gia, chiến lược gia, sử gia Việt Nam cũng như ngoại quốc phân tích và đã đưa ra rất nhiều lý do, chủ quan cũng có, khách quan cũng có, nhưng chưa thấy tác gỉa nào nói tới lý do đạo đức,luật pháp và vì sự thiếu hiểu biết của các chính trị gia miền Nam Việt Nam.

 1/ Vì đạo đức.
Vì đạo đức, chúng ta không thể bắt chước Cộng Sản, “thà giết lầm còn hơn tha lầm”. Bắt được những tên Cộng Sản, những tên Việt Gian, những tên ăn cơm Quốc Gia, thờ ma Cộng Sản, chúng ta vẫn đối xử nhận đạo. Hẳn chúng ta còn nhớ, vào năm 1955-1956, một phong trào mang tên là Phong Trào Hòa Bình do các ông Phạm Huy Thông, Lưu Văn Lang, Trần Kim Quan v.v…thành lập. Đây là một phong trào thiên Cộng họạt  động với mục đích hỗ trợ cho Việt Cộng và đòi Tổng Tuyển Cử theo Hiệp định Geneve 1954, chính phủ Ngô Đình Diệm cũng chỉ tống xuất một vài tên qua cầu Hiền Lương ra Bắc.

Đến đầu năm 1965  một phong trào khác mang tên tương tự là “Phong Trào Tranh Đấu Bảo Vệ Hòa Bình” do những tên Việt Gian, ăn cơm Quốc Gia, thờ ma Cộng Sản thành lập như Thượng Tọa Thích Quảng Liên, Bác Sỉ Thú Y Phạm Văn Huyến, Nhà Báo Phi Bằng tức Cao Minh Chiến, Giáo Sư Tôn Thất Dương Kỵ, Bác Sĩ Lê Khắc Quyến v.v. Gần 30 thành viên của phong trào này đã bị bắt giữ, trong đó có Cao Minh Chiến, Tôn Thất Dương Kỵ và Phạm Văn Huyến. 

Tướng Nguyễn Chánh Thi đã đề nghị thả dù bọn này ra bắc vỹ tuyến 17 tức bên kia cầu Hiền Lương cho Việt Cộng. Nhưng Thủ Tướng Phan Huy Quát cũng chỉ vì lý do nhân đạo, sợ làm như vậy bọn chúng có thể gẫy chân, què tay vì bọn chúng đâu biết nhẩy dù, nên đã lấy cớ rằng làm như vậy, quốc tế sẽ chỉ trích, và chỉ đồng ý giải giao bọn chúng cho Việt Cộng bằng đường bộ qua cầu Hiền Lương.>

Ngày nay, ở hải ngoại cũng vậy. Những người chống Cộng luôn luôn bị một số người vin vàolý do đạo đức, văn hóa để chỉ trích người khác. Nếu chống Cộng hăng say qúa thì bị chỉ trích là qúa khích. Nếu dùng danh từ mạnh mẽ qúa hay bình dân qúa thì bị phê bình, chỉ trích là ấu trĩ, là thiếu văn hóa phản tuyên truyền có khi còn bị nhục mạ là hạ cấp, là vô học.

Bọn Việt Cộng mở miệng ra nói là thấy tuyền tuyên truyền giả dối, đối đáp thì ngụy biện,  vô học, nếp sống thì tàn ác, vô đạo đức. Vậy mà chẳng thấy ai nói gì. Trái lại, nếu có ai vì chống Cộng nói sai một chút, nói qúa lời một câu, mà đâu có phải nói họ mà chỉ là nói bọn Việt Cộng hoăc bọn Việt Gian Cộng Sản là bị chỉ trích, bị phê bình liền, có khi còn bị mạ lỵ. Bọn người này, không biết họ thuộc loại nào ? Có thể họ là bọn Việt Cộng nằm vùng, có thể họ là bọn Việt Gian Cộng Sản, nhưng cũng có thể chỉ vì cảm tình cá nhân nên bênh vực nhau. 

Nói ra họ lại la làng là bị chụp mũ này, mũ nọ. Có điều chắc chắn là không bao giờ thấy họ viết một bài nào chống Cộng. Hoặc nếu có thì cũng chỉ  hời hợt hoặc vô thưởng, vô phạt  để chứng tỏ ta đây cũng là người chống Cộng. Còn những bài viết chỉ trích những người chống Cộng thì họ phê bình chỉ trích tới nơi, tới chốn.

2/ Vì luật pháp.
Vì luật pháp, chúng ta cũng không thể cho chúng mò tôm, bắt ốc như bọn Cộng Sản đã làm đối với những người quốc gia trong thời chiến tranh. Chúng ta phải đưa chúng ra tòa để xét xử theo luật pháp. Dù chúng có tội thì cũng chỉ giam giữ ít lâu rồi lại thả ra. Trường hợp phạt chúng tội tử hình, thật là hiếm. 

Thường thì chúng ta cũng rất nhẹ tay với chúng. Không những thế, nhiều khi còn để tình cảmlấn áp. Do đó có những trường hợp kẻ bị bắt có thế lực hoặc có liên hệ với các ông lớn trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa được can thiệp và cho tại ngoại ngay từ lúc mới bị bắt hoặc được cho biết trước để mà chạy trốn hoặc phi tang chứng cớ.

Trường hợp điển hình là trường hợp của Nguyễn Đình Ngọc, giáo sư trường Đại Học Khoa Học Saigon. Ông này có hoạt động cho Việt Cộng nên bị bắt. Ông Nguyễn Chung Tú, Khoa Trưởng Trường Đại Học Khoa Học Saigon đã lấy tư cách và uy tín của mình để bảo lãnh cho ông ta. Vì thế, ông Ngọc không những đã được tại ngoại mà cũng chẳng phải ra toà lãnh án.

Trường hợp thứ 2 là Trần Đình Minh, cán bộ xã Hải Nhuận thuộc quận Hương Điền Tỉnh Thừa Thiên, một Việt Cộng nằm vùng. Tháng 5 năm 1972 (mùa hè đỏ lửa), để ngăn chận cuộc tổng nổi dậy của Cộng quân tại Huế, Thiếu Tá Liên Thành, Trưởng Ty Cảnh Sát Thừa Thiên đã mở cuộc hành quân gọi là Chiến Dịch Bình Minh và đã bắt giữ khoảng 1,500 Việt cộng và nội tuyến trong đó có Trần Đình Minh. Chỉ mấy ngày sau khi Trần Đình Minh bị bắt, Thiếu Tá Liên Thành đã nhận được điện thoại của Đại Tá Dương Quang Tiếp Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Vùng I, ra lệnh thả Trần Đình Minh. Lý do là vì Ủy Viên Chính Phủ Tòa án Quân Sự Mặt Trận Vùng I Chiến Thuật, Trung Tá Cao Chánh Hựu là bạn thân của Đại Tá Dương Quang Tiếp đứng ra làm giấy bảo lãnh cho Trần Đình Minh.

Trường hợp điển hình thứ ba là Nguyễn Ngọc Lương. Ông Tạ Quang Khôi cho biết: “Lương là một cán bộ cộng sản được gài vào Nam theo cuộc di cư năm 1954. Sau Lương được nhận vào đài phát thanh Saigon làm biên tập viên phòng bình luận. Lương bị công an bắt, không phải một lần mà nhiều lần. Nhưng không hiểu sao công an bắt rồi thả mà không giam giữ luôn trong tù hoặc đưa ra tòa xét xử dù biết chắc ông hoạt động cho cộng sản? Không những thế, ông Tổng Giám Đốc Nha Vô Tuyến Truyền Thanh còn vào khám thăm Lương mỗi khi y bị bắt.

Trường hợp thứ tư là nhà văn Vũ Hạnh, tên thật là Nguyễn Đức Dũng sinh năm 1926 tại Quảng Nam. Ông là cán bộ văn hoá khu ủy Sài Gòn-Gia Định. Ông Hạnh bị bắt 5 lần, nhưng lần nào cũng có người bảo lãnh cho tại ngọai. Người bảo lãnh sau cùng cho Vũ Hạnh là Linh Mục Thanh Lãng, Chủ tịch Hội Văn Bút. 

Vụ Têt Mậu Thân 1968, không thiếu gì những tên Việt Cộng giết người một cách dã man, giết người một cách vô tội vạ, giết người hàng loạt. Vậy mà bọn chúng đâu có bị đưa ai ra tòa? 

Còn chúng ta, nếu vì qúa tức giận trước những hành động qúa độc ác, dã man của bọn chúng mà tự ý giết một tên Việt Cộng nào đó, thì dù có lý do chính đáng đến đâu cũng vẫn bị kết tội là dã man, là vô nhân đạo. Nếu không bị đưa ra tòa thì cũng bị nhiều người phê bình và thế giới nguyền rủa. Đó là trường hợp của tướng Nguyễn Ngọc Loan đã xử tử tên Việt Cộng Nguyễn Văn Lém tự Bẩy Lớp, kẻ đã sát hại cả gia đình một sĩ quan cảnh sát vào Tết Mậu Thân 1968.

3/ Vì thiếu ý thức.
Ngày 24-9-1954, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, thừa ủy nhiệm Quốc trưởng Bảo Đại, ký Sắc lệnh số 94-CP cải tổ nội các. Nhiều chính trị gia tên tuổi đã tham gia như Trần Văn Đỗ Tổng trưởng Bộ Ngoại giao, Bùi Văn Thinh Tổng trưởng Bộ Tư pháp, Phạm Xuân Thái Tổng trưởng Bộ Thông tin và Chiến tranh tâm lý, Trần Hữu Phương Tổng trưởng Bộ Tài chính, Lương Trọng Tường, Tổng trưởng Bộ Kinh tế, Nguyễn Công Hầu, Tổng trưởng Bộ Canh nông, Trần Văn Bạch, Tổng trưởng Bộ Công chính, Nguyễn Văn Thoại Tổng trưởng Bộ Kế hoạch và Kiến thiết,Huỳnh Kim Hữu Tổng trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Dương Đôn, Tổng trưởng Bộ Quốc gia giáo dục, Nguyễn Mạnh Bảo Tổng trưởng Bộ Xã Lao, Nguyễn Đức Thuận Tổng trưởng Bộ Cải Cách,Nguyễn Tăng Nguyên, Tổng trưởng Bộ Lao động và Thanh niên, Hồ Thông Minh Tổng trường phụ tá Quốc phòng, Trần Ngọc Liên, Bộ trưởng ở Phủ Thủ tướng, đặc nhiệm Công vụ, Phạm Duy Khiêm Bộ trưởng đặc nhiệm tại Phủ Thủ tướng, Bùi Kiện Tín, Bộ trưởng đặc nhiệm tại Phủ Thủ tướng,Huỳnh Văn Nhiệm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Nguyễn Văn Cát Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Khi biết tướng Nguyễn văn Hinh (thân Pháp) muốn lật đổ Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, họ sợ ông Diệm mất chức nên một số người đã từ chức gây điêu đứng cho TT Ngô Đình Diệm. Sau  khi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm vượt qua được cơn sóng gió và tống cổ được Nguyễn văn Hinh ra khỏi nước và thiết lập nền đệ nhất Cộng Hòa thì cũng lúc các đảng phái quốc gia nói riêng, giới chính trị gia miền Nam nói chung, vì thiếu ý thức, vì quyền lợi phe nhóm và nhất là vì ngu dốt, đã đặt quyền lợi của đảng phái, của phe nhóm lên trên quyền lợi của quốc gia dân tộc tìm cách đả phá, chỉ trích chính quyền và đòi hỏi những điều chính quyền không thể thỏa mãi họ được.

Họ đã gây ra cuộc đảo chính bất thành ngày 11/11/1960 mà trong đó nhóm Tự Do Tiến Bộ còn gọi là Nhóm Caravelle chủ xướng, vụ 2 phi công VNCH Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc ném bom Dinh Độc Lập ngày 27/2/1962 do Đại Việt Quốc Dân Đảng chủ mưu làm cho người Mỹ hết tin tưởng vào chính quyền của TT Ngô Đình Diệm dẫn tới cuộc đảo chính ngày 1/11/1963.

Nếu cho rằng trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa, các chính trị gia, các đảng phái quốc gia đã không có cơ hội để thi thố tài năng. Nhưng trong thời Đệ Nhị Cộng Hòa, họ đã có cơ hội, nhưng họ đã làm được gì? Hết nội các Nguyễn Ngọc Thơ (11/63 - 1/64), các Trần Văn Hương (8/64 - 10/64, đến nội các Phan Huy Quát (2/65 – 6/65), không nội các nào thọ được hơn 4 tháng và dĩ nhiên cũng chẳng ai làm được trò trống gì. 

Để rồi lại phải trao quyền cho quân đội để trở lại vai trò chỉ trích và quậy phá. Không biết bao nhiêu là cuộc biểu tình, xuống đường để gây rối cho miền Nam. Nào là Phong trào đấu tranh của ký giả miền Nam Việt Nam tục gọi là Phong Trào ký giả đi ăn mày, Phong trào đòi quyền sống của Luật Sư Ngô Bá Thành, Phong trào bài trừ tham nhũng của Linh Mục Trần Hữu Thanh, Ủy Ban Bảo Vệ quyền lợi lao động của Linh Mục Linh mục hốt rác LM Phan Khắc Từ, LM Trương Bá Cần, LM Trần Thế Luân và LM Nguyền Ngọc Lan, và hơn 140 vụ xuống đường khác của bọn Việt Cộng đội lốt sư sãi súi dục học sinh sinh viên biểu tình “chống Mỹ cứu nước”. Đó là chưa kẻ một số người miền Nam khác đã nuôi Việt Cộng trong nhà hay đóng thuế cho Việt Cộng.  

 Trong cuộc chiến Nam Bắc Hàn, có lúc Nam Hàn chỉ còn một vùng đất nhỏ bằng tỉnh Cà-Mâu của miền Nam, vậy mà nhờ sự quyết tâm hỗ trợ của Mỹ, Nam Hàn vẫn phản công lấy lại toàn lãnh thổ đã mất. Miền Nam Việt Nam còn Thủ Đô, còn vùng 4 và hơn một nửa vùng 3, nếu Mỹ không quyết tâm ngưng viện trợ cho miền Nam Việt Nam thì dĩ nhiên quân đội VNCH cũng sẽ tiến chiếm lại được những vùng đã mất như đã chiếm lại được Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa 1972. 

Nhưng tiếc rằng chính chúng ta, hay nói cho đúng hơn, 


đã làm cho người Mỹ thất vọng, không còn muốn giúp chúng ta nữa. Đó là những nguyên do khiến cho miền Nam Việt Nam phải mất vào tay Cộng Sản. 


Tram Nguyen

Shared publicly  -  9:25 PM
30-4: Vì Đâu Nên Nỗi?

Lý do mất miền Nam vào tay cộng sản đến bây giờ vẫn còn được tranh cãi, dù ai cũng thấy nguyên nhân chính là việc Hoa Kỳ bỏ rơi miền Nam VN. “Tiền đồn chống cộng” này không còn cần thiết nữa, sau khi Mỹ biết Trung Cộng vào thời gian đó không có ý định và chưa đủ khả năng nhuộm đỏ vùng Đông Nam Á.

Những sửa soạn cho việc Mỹ rút khỏi VN đã được thực hiện với chương trình Việt Nam Hóa chiến tranh.
Đến năm 1972, sau khi Cố vấn An ninh Kissinger và TT Nixon sang Tàu nói chuyện với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai thì ván bài đã được lật ngửa.

Không đầy một năm sau,
Ngày 27-1-1973, Hiệp Định Paris chấm dứt chiến tranh Việt Nam được ký kết, với phần thua thiệt về phía Nam VN, phần thắng lợi bất ngờ về phiá Bắc Việt, và Hoa Kỳ được “rút lui trong danh dự”.
Cầm bản dự thảo Hiệp Định đã được Mỹ và Bắc Việt phó thự (initial), Cố vấn Kissinger đi Sài Gòn bắt TT Nguyễn Văn Thiệu ký. Nếu TT Thiệu ký ngay thì chẳng khác gì ký vào tờ khai tử của chính ông và của cả miền Nam.

Bản dự thảo coi như chung quyết (final draft) này dự trù TT Thiệu phải từ chức liền, trao chính quyền cho Hội Đồng Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc gồm 3 thành phần (Quốc, Cộng và thành phần thứ ba ở giữa). Hội đồng sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử để bầu lên một chính quyền mới cai trị miền Nam.

Một điều khoản khác vô cùng tai hại là trong khi các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ và của các nước đồng minh (Đại Hàn, Úc, Thái, Phi Luật Tân) phải rút đi thì những đơn vị quân đội chính qui của Bắc Việt vẫn được quyền ở lại miền Nam.Dĩ nhiên TT Thiệu, Quốc Hội và chính phủ VNCH phản đối. Kissinger không thành công trong việc thuyết phục TT Thiệu. Ông ta giận dữ ra về và thề không trở lại Sài Gòn nữa.
TT Nixon phải cử tướng Alexander Haig, Tổng Quản Trị (Chief of staff) Phủ Tổng Thống, qua Sài Gòn điều đình và làm áp lực tiếp.

Cuối cùng Mỹ cũng phải thỏa hiệp không đòi TT Thiệu từ chức, không thay thế chínhquyền miền Nam bằng Hội Đồng Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc, nhưng giữ nguyên điều khoản không buộc quân đội Bắc Việt rút khỏi miền Nam, vì sợ cộng sản sẽ không nhượng bộ điều này. Kissinger phải đi điều đình lại với Lê Đức Thọ.

Phía cộng sản không chịu sửa đổi bản thảo Hiệp định, Mỹ phải dội bom Hà Nội và phong tỏa hải cảng Hải Phòng vào những ngày cuối năm 1972 để làm áp lực. Cuối cùng Hà Nội cũng phải nhượng bộ nhưng vẫn còn được lợi vì họ được giữ quân tại miền Nam để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm chiếm.

Thế là Hiệp định Paric được ký vào ngày 27-1-1973.
Để buộc TT Thiệu phải làm theo ý Hoa Kỳ, TT Nixon dùng chiến thuật vừa dỗ vừa dọa. Một mặt ông viết thư cho TT Thiệu hứa hẹn tiếp tục giúp đỡ VNCH, trừng phạt cộng sản nếu vi phạm Hiệp định, một mặt ông chính thức hăm dọa “không muốn trường hợp TT Ngô Đình Diệm tái diễn”(Xem Palace Files và Khi Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng).

Những tài liệu liên quan tới những lời TT Nixon nói về TT Thiệu đã được giải mật và lưu trữ tại Thư viện Nixon ở Yorba Linda, California, cho thấy Nixon rất giận dữ trước việc ông Thiệu chống đối những điều khoản căn bản của bản dự thảo Hiệp định. Cuốn băng ghi âm từ 1973 dài 150 giờ và viết lại thành 30,000 trang đãđược giải mật và đã được ông Hughes, nhà chuyên môn nghiên cứu các băng ghi âm của các tổng thống Mỹ, tiết lộ Nixon đã từng nói trong một phiên họp tại Bạch Ốc về ông Thiệu:
“Tôi không rõ đe dọa đó có đủ hay không, nhưng tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì, kể cả cắt đầu của hắn nếu cần thiết”
(cut off his head if necessary- Nguồn: BBCvietnam.com June 24, 2009).

Dĩ nhiên, Nixon nói điều này trong lúc nóng giận nhưng cũng phản ảnh một phần sự thật. Chính tướng Alexander Haig cũng viết trong hồi ký là vào thời điểm đó, tên ông Thiệu thường được nhắc tới trong các cuộc thảo luận và có người đưa ý kiến ám sát ông Thiệu. Tướng Alexander Haig viết thêm: “Nixon rất mong muốn giải quyết chuyện Việt Nam cho xong và chia sẻ sự bực bội và tức giận như núi lửa của Kissinger đối với người đồng minh cứng đầu này (ám chỉ ông Thiệu) đã gây trở ngại lớn nhất cho ông trong việc kết thúc cuộc chiến” (1).

Dọa nhau như thế, nhưng Mỹ đã không dám làm, vì không dại gì gây chuyện rắc rối mới khi sắp đến cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2 của TT Nixon. Vì vậy thầy trò Nixon phải thuyết phục VNCH bằng những hứa hẹn trừng phạt những vi phạm Hiệp định và tiếp tục viện trợ cho Nam VN. Khi tiếp ông Nguyễn Phú Đức, Phụ Tá Ngoại Giao của TT Thiệu tại tòa Bạch Ốc, TT Nixon đã hứa sống hứa chết (he repeated his bedrock assurance) là sẽ bỏ bom Bắc Việt một cách nặng nề nếu Bắc Việt vi phạm hỏa ước (2).

Về phần Ngoại Trưởng Henry Kissinger (nhận chức Bộ Trưởng Ngoại Giao ngày 22-9-1973) cũng viết trong hồi ký rằng chính TT Nixon, Bộ trưởng Quốc Phòng và các giới chức cao cấp của Mỹ đều xác nhận nhiều lần với ông Thiệu làchính phủ Hoa Kỳ sẽ buộc Bắc Việt phải tôn trong Hiệp định (3). Hứa như vậy chỉ là để ông Thiệu yên tâm ký một hiệp ước bất lợi. Thực tế, Mỹ chỉ muốn chấm dứt chiến tranh “trong danh dự”, có nghiã là lấy được tù binh về, rút chân khỏi vũng lầy VN, mặc cho Nam VN rơi vào tay cộng sản, trong một “khoảng thời gian coi được” (decent interval).

Vì thế Hành Pháp bầy trò đề nghị Lập Pháp viện trợ cho Nam VN 700 triệu Đô-la. Lập Pháp lờ đi.
TT Gerard Ford lại yêu cầu viện trợ khẩn cấp 300 triệu. Quốc Hội lấy cớ nghỉ hè, không thể triệu tập phiên họp cứu xét. Một khi người ta đã quyết tâm bỏ cho chết luôn, làm sao có thể cho tiền để sống lay lứt thêm một thời gian nữa?

Sau khi miền Nam rơi vào tay cộng sản, ông đạo diễn phù thủ Kissinger mới viết vuốt đuôi “Lúc này tôi nghĩ tới một ông tướng VN nhỏ bé, một người yêu nước”. Ở một đoạn khác, ông viết:”Tôi có rất ít tình bạn cá nhân với ông Thiệu, nhưng nhìn ông theo đuổi cuộc chiến đấu một cách cô độc sau khi người Mỹ rút lui, tôi thấy mến phục ông ấy rất nhiều. Ông ít được thương hại, cũng cũng không được nhiều người hiểu, nhưng những điều đó không ảnh hưởng gì tới nhân cách của ông” (4).

Đúng là những lời ai điếu để an ủi. Chính Kissinger đã tiên đoán với Nixon là sau hai năm ký Hiệp định Paris, miền Nam VN sẽ sụp đổ. Các chính khách có thói quen chỉ đấm ngực nhận lỗi sau khi rời chức vụ. Về trường hợp Việt Nam, cựu Tổng Thống Richard Nixon viết cả một cuốn sách rút những kinh nghiệm sai lầm, No More Vietnams.

Cựu Ngoại Trưởng Henry Kissinger viết hồi kýcó những đoạn xoa vuốt Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và gần đây đã chính thức xin lỗi về những sai lầm của mình. Kissinger còn xác nhận trong khi Mỹ chấm dứt viện trợ cho miền Nam thì khối Xô Viết vẫn tiếp tục cung ứng đầy đủ các tiếp liệu cho Bắc Việt. Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Melvin Laird nói rằng các khoản viện trợ Mỹ dành cho VNCH đã bị cắt theo yêu cầu của các thế lực chính trị Mỹ, đưa tới kết quả chung cuộc là chế độ miền Nam VN thua trận vào ngày 30-4-1975 (VOA 2-7-2007).

Khi nhìn thấy vấn đề thì đã trễ. khi tại chức, họ chỉ nghĩ tới quyền lợi của nước họ, tới ghế ngồi và danh dự của cá nhân họ. Một tay cầm súng, một tay cầm túi Đô la, họ cứ bước lên đầu người khác mà đi. Vì vậy, chúng ta phải nhớ, trong trường chính trị-không có đồng minh vĩnh viễn và cũng không có kẻ thù vĩnh viễn. Lý tưởng còn thay đổi huống chi chính sách. Khi nhu cầu đòi hỏi, họ có thể xoay đổi chính sách 180 độ, bất kể bao nhiêu tiền bạc và xương máu đã đổ ra. Tiền và mạng người được coi là những chi phí cần thiết cho một giai đoạn với một chính sách giai đoạn, lúc phải tiêu là tiêu. Tiêu rồi không tiếc.

Dù quy trách nhiệm lớn nhất cho Hoa Kỳ trong việc mất miền Nam, chúng ta cũng phải tự nhận lỗi về những khuyết điểm của mình


  • Những tính toán sai của các lãnh đạo quân sự và dân sự, nạn tham nhũng, lính ma lính kiểng, hối mại quyền thế… đều có xảy ra dù không ở mức độ trầm trọng như dưới chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay . Không thể chấp nhận những tệ nạn này nhưng chúng không làm mất nước khi ở một mức độ thấp.
Dân miền Nam vẫn sống no đủ, tự do, xây dựng hiện tại và tương lai với đà tiến triển không ngừng. Tội nặng nhất phải quy vào:
  • những kẻ chỉ biết vụ lợi, những kẻ “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”. Họ là những con buôn bán lén gạo và thuốc Tây cho Việt cộng với giá cao. Họ là những người hướng về rừng với hoài cảm thời Việt Minh kháng chiến chống Pháp. 
  • Họ là những trí thức viễn mơ đề cao giá trị dân tộc và chống sự hiện diện của người ngoại quốc trên đất nước.
Họ lý luận rằng cộng sản hay quốc gia đều là người Việt, chắc không xử tệ với nhau như người ngoại chủng xử với dân mình. Từ đó, họ chống đối chính quyền quốc gia, gán cho mọi thứ xấu và sẵn sàng nghe theo những lời dụ dỗ của những cán bộ cộng sản nằm vùng. 
  • Họ là những người trẻ bị đàn anh phỉnh gạt bằng những lý luận sai lầm.
  • Cuối cùng, họ là những người lãnh đạo tinh thần của một số tôn giáo đã vô tình hay hữu ý lẫn lộn chuyện đạo với chuyện đời, không phân biệt đấu tranh cho công lý với đấu tranh chính trị để lật đổ một chế độ hợp pháp, chưa kể mộ số tu sĩ là cộng sản nằm vùng khéo ngụy trang.
Để cai trị một xã hội bị lũng đoạn như thế, chính quyền vẫn phải áp dụng những nguyên tắc dân chủ, hơi mạnh tay là bị kết án đàn áp, sửa đổi luật lệ cho hữu hiệu thì bị kết án độc tài. Có bàn tay cộng sản nhúng vào mọi chỗ mà nhiều người không biết, cứ tưởng mình đang tranh đấu cho hòa bình, tự do và quyền lợi của dân tộc. Chính những người như vậy đã tiếp tay cho cộng sản mau chiếm miền Nam.

Mặc Giao
_
(1)  Alexander M. Haig, Jr., Inner Circle, tr 307, Warner Books, New York 1992
(2) Alexander Haig, sách đã dẫn, tr 306
(3) Henry Kissinger, Les Années Orageuses, tr 355, Fayard, France 1982
(4) Henry Kissinger, sách đã dẫn, tr365

Tuesday, April 29, 2014

Diễn văn chào mừng Ngày Quân lực Việt Nam Cộng Hòa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

Diễn văn chào mừng Ngày Quân lực Việt Nam Cộng Hòa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, 19.6.1973

Published on June 17, 2013   ·   No Comments

Diễn văn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu – Ngày Quân lực 19.6.1973

19-6-1973

Chiến hữu các cấp!

Cách đây đúng một năm, cũng vào Ngày Quân lực, tôi đã ra lệnh cho anh em thừa thắng xông lên tái chiếm lãnh thổ. Đúng ba tháng sau, anh em đã đánh bại quân cộng sản xâm lược trên khắp các chiến trường chính yếu, và những lãnh thổ trọng yếu đã được tái chiếm.

Thời gian ba tháng đó là thời gian quyết định. Những chiến thắng đó là những chiến thắng quyết định. Quyết định sự thảm bại sau cùng, trong những cố gắng sau cùng của quân cộng sản xâm lược kể từ Tết Mậu Thân 1968. Đồng thời, buộc chúng ngày 13 tháng Sáu mới đây : Ngưng bắn lại được cộng sản cam kết thêm một lần nữa ; nhưng trong những ngày qua, chúng lại vẫn tiếp tục vi phạm trầm trọng hơn nữa.

Như vậy, đủ xác nhận rằng chủ trương của cộng sản không phải là vãn hồi hòa bình bằng một giải pháp ôn hòa dựa trên tinh thần hòa giải quốc gia, hòa hợp dân tộc qua công thức tổng tuyển cử tự do – dân chủ để thực thi quyền dân tộc tự quyết của nhân dân miền Nam. Trái lại càng xác nhận rằng bản chất của cộng sản vẫn là hiếu chiến, chủ trương của cộng sản vẫn là chiến tranh xâm lược.

Ý đồ của chúng vẫn là thôn tính trọn vẹn miền Nam bằng vũ lực và bạo tàn. Với kinh nghiệm từ năm 1954, qua những hiệp định về Việt Nam và các quốc gia láng giềng, với kinh nghiệm hiệp định Ba Lê năm nay, với những vi phạm tiếp diễn so với thông cáo chung ngày 13 tháng Sáu vừa qua, cộng sản chỉ ký kết hòa ước là để tự cứu nguy khi chúng bị thảm bại, nhưng đồng thời để chuẩn bị một cuộc xâm lăng mới.

Cho nên, không còn ai ngây thơ tin tưởng rằng cộng sản sẽ tôn trọng ngưng bắn nghiêm chỉnh để vãn hồi hoà bình thực sự tại phần đất này. Nhân dân miền Nam hơn ai hết lại càng không thể ngây thơ tin tưởng rằng cộng sản đã từ bỏ ý đồ xâm lăng để có hòa bình thực sự bền vững tại phần đất này.

Chiến hữu các cấp trước ai hết, anh em lại càng phải thấy rằng hòa bình dù mỏng manh như hiện tại cũng không phải là một món quà tự nhiên mà có, ngồi chờ tự dưng nó đến. Càng không phải nhờ sự kêu gọi thiện chí hay van xin lòng nhân đạo của cộng sản mà được, như một số người chủ bại ngây ngô lầm tưởng. Trái lại, hòa bình mà không nô lệ cộng sản là nhờ nơi sức mạnh, nơi tinh thần, nơi ý chí của cả dân tộc quyết tâm chiến đấu để tự tồn, thực hiện bằng xương bằng máu của hàng ngàn hàng vạn thân xác anh em, bằng hy sinh vô bờ bến của hàng ngàn, hàng vạn đồng bào.

Hòa bình mà phải tước đoạt cam go từ trong tay một kẻ thù vô cùng bạo tàn khát máu. Vậy giá của hàng chục hàng trăm thị tứ xóm làng điêu tàn đổ nát của miền Nam thân yêu của chúng ta, chính nhờ ý chí kiên trì, sức mạnh của dân quân miền Nam chúng ta kết hợp cùng những dân tộc yêu chuộng hòa bình và tự do trên khắp thế giới mới buộc được cộng sản ký kết hòa bình hồi tháng giêng năm nay.

Rồi những tháng vừa qua, cũng với ý chí kiên trì và sức mạnh bằng xương bằng máu mà quân dân Miền Nam chúng ta mới chận đứng được cộng sản giành dân lấn đất. Suốt 18 năm trường, không khi nào cộng sản nghĩ đến chấm dứt xâm lăng vì thiện chí hòa bình hay vì tình thương dân tộc, mà cộng sản chỉ buộc phải dừng bước xâm lăng khi chúng bị ta đánh bại. Cho nên cộng sản cũng sẽ không khi nào từ bỏ ý đồ tái xâm lăng nếu không thấy rằng tái xâm lăng rồi cũng sẽ bị quân ta đánh bại.

Đó là lý do mà miền Nam chúng ta phải mạnh, phải duy trì và kiện toàn sức mạnh quân sự, phải có sức mạnh quân sự với một quân đội quyết chiến quyết thắng mới ngăn chặn được xâm lăng tái diễn, mới đảm bảo được hòa bình lâu dài và chỉ có 1 sức mạnh quân sự sẵn sàng đánh bại mọi hành động quân sự của cộng sản, chứ không có gì khác hơn mới làm cho cộng sản tôn trọng mọi hiệp định hòa bình mà chúng đã ký kết.

Cho nên Ngày Quân lực năm nay không chỉ để đánh dấu chiến thắng mà các anh em đã đạt được, mà còn để biểu dương sức mạnh thì chúng ta phải tiếp tục kiện toàn để biểu dương ý chí quyết chiến quyết thắng mà anh em phải tiếp tục nuôi dưỡng. Trước một kẻ thù gian manh lật lọng là cộng sản, tôi kêu gọi toàn thể anh em hãy không ngừng đề cao cảnh giác tột độ để ngăn chặn hữu hiệu, phản ứng kịp thời và mãnh liệt mọi hành động dành dân lấn đất của chúng. Hãy liên tục rèn kén chỉnh quân, trui luyện chí khí, trao dồi tác phong, cải tiến chiến thuật, canh tân kỷ luật để đập tan mọi công cuộc tái phát xâm lược của chúng. Anh em đã làm được sứ mệnh đánh bại xâm lăng, xây dựng hòa bình thì nay anh em phải làm được sứ mạng ngăn chận tái xâm lăng, bảo vệ hòa bình.

Chiến hữu các cấp ! Hôm nay, trước quốc dân với sự có mặt của những đơn vị chiến thắng về đây đại diện cho những đoàn quân chiến thắng; những cá nhân xuất sắc về đây đại diện cho những quân, binh chủng xuất sắc ; những cấp chỉ huy về đây đại diện cho toàn thể quân đội anh hùng,

Tôi long trọng tuyên dương toàn thể Quân lực chiến thắng và anh hùng.
Tôi kính cẩn nghiêng mình trước các anh em đã hy sinh.
Tôi gửi lời thăm các anh em đang điều trị.
Tôi gửi lời thăm các anh em đang ghìm tay súng bảo vệ đất nước.
Tôi gửi lời thăm các anh em đã trở về từ ngục tù cộng sản.
Tôi sốt sắng cầu nguyện cho các anh em đang còn trong ngục tù cộng sản.
Tôi gửi lời thăm các cựu chiến binh, các cháu cô nhi, các chị quả phụ tử sĩ toàn quốc.
Nhân dân ghi ơn tất cả các bạn, đất nước hãnh diện nơi các bạn,

Thân chào các chiến hữu !

Huy Hiệu Con Ó trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

Huy Hiệu Con Ó trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

 

Huy hiệu Con Ó.

Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (The Army of the Republic of Vietnam, ARVN) chính thức thành lập ngày 19 tháng 6 năm 1955 và kết thúc sứ mệnh lịch sử vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhưng trước đó rất lâu, đạo quân này đã có những tiền thân. Tên gọi qua từng giai đoạn như sau :

♡ 1.10.1946 : Vệ binh Cộng hòa Nam Kỳ
♡ 9.6.1948 : Vệ binh Nam Việt
♡ 13.4.1949 : Vệ binh Quốc gia Việt Nam
♡ 12.4.1952 : Quân đội Quốc gia Việt Nam
♡ 19.6.1955 : Quân đội Việt Nam Cộng hòa
♡ 20.2.1965 : Quân lực Việt Nam Cộng hòa

Lịch sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa gắn liền với cuộc tương tranh ý thức hệ thấm đẫm máu và nước mắt của hàng triệu sinh linh Việt Nam. Trong giai đoạn tồn tại ngắn ngủi của mình, Quân lực Việt Nam Cộng hòa nhận được sự tương trợ dồi dào cả sức người và sức của từ các nước đồng minh – đặc biệt là vai trò của Hoa Kỳ. Mặc dù chính trường miền Nam luôn xáo động, nhưng đến phút cuối cùng người khoác chiến y Việt Nam Cộng hòa không biếng trễ trọng trách : Giữ vững chủ quyền an ninh – lãnh thổ quốc gia, bảo toàn tính mạng thường dân, không làm ô danh Quân lực. Họ chỉ buông vũ khí khi vị tư lệnh tối cao của mình – Tổng thống Dương Văn Minh – tuyên bố giải tán chính thể. Bởi thế cho nên, Quân lực Việt Nam Cộng hòa vẫn là miền ký ức đẹp trong tâm khảm người Việt Nam ái quốc, hãnh diện với truyền thống do tiền nhân vun đắp.

Quân lực Việt Nam Cộng hòa được phân thành ba quân chủng chính thức : Lục quân (xếp hạng 4 thế giới) – Thủy quân (xếp hạng 9 thế giới) – Không quân (xếp hạng 4 thế giới) ; lúc cao điểm có khoảng 1.5 triệu tay súng (bao gồm chính quy và dân vệ). Về phương thức tổ chức, Quân lực Việt Nam Cộng hòa là sự tổng hòa những tinh hoa của Quân đội viễn chinh Pháp (lục quân, không quân) và Quân lực Hoa Kỳ (thủy quân) ; bên cạnh đó, họ cũng nghiên cứu và tiếp thu những kỹ thuật tác chiến của tổ tiên (chẳng hạn : địa phương quân và nghĩa quân, binh chủng người nhái…). Trong huấn luyện cũng như chiến đấu, người lính Việt Nam Cộng hòa được khuyến khích bộc lộ sở trường cá nhân và duy trì tác phong mã thượng. Vì vậy, đây có lẽ là trường hợp hiếm hoi trong trang sử chiến tranh nước Việt, Quân lực Việt Nam Cộng hòa được nhắc nhớ không phải bằng chiến tích oai hùng mà là những số phận, những giai thoại thuần khiết tình người.

NHÂN VẬT HỘ MỆNH

Phù Đổng Thiên Vương – Thánh tổ Thiết giáp binh.

An Dương Vương – Thánh tổ Công binh và Pháo binh.

Tổng lãnh thiên thần Micae – Thánh tổ Nhảy dù.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – Thánh tổ Thủy quân.

Yết Kiêu – Thánh tổ Người nhái.

Nguyễn Trãi – Thánh tổ Chiến tranh Chính trị.

Trần Nguyên Hãn – Thánh tổ Truyền tin.

Nguyễn Tri Phương – Thánh tổ Bộ binh.

Phan Đình Phùng – Thánh tổ Quân cụ.

CHÙM TRANH CHIẾN SĨ
(mời click vào hình để xem với cỡ to hơn)

CHÙM TRANH KHÔNG LỰC :

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MẤY NHÂN VẬT TIÊU BIỂU :

Thống tướng Lê Văn Tỵ (1903 – 1964). Trước ông, chỉ hai người có cấp hàm tương đương là Trần Quốc Tuấn và Trương Định.

Đại tướng Trần Thiện Khiêm (1925 -), từng đảm nhiệm chức Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Theo dược sĩ Trần Việt Hưng, ông Trần Thiện Khiêm là thủ lĩnh thực sự của phe đảo chính trong biến cố 1963.

Đại tướng Dương Văn Minh (1926 – 2001), là Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa (3 ngày) và đọc lời tuyên bố giải giới trước Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Đại tướng Nguyễn Khánh (1927 – 2013), từng có ý định thiết lập thể chế độc tài sau cuộc đảo chính 1963. Ông nổi tiếng với lời tuyên bố : “Quân đội là cha quốc gia !“.

Đại tướng Cao Văn Viên (1921 – 2008).

Đại tướng Đỗ Cao Trí (1929 – 1971).

Trung tướng Ngô Quang Trưởng (1929 – 2007), là chỉ huy trưởng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong trận Mùa hè đỏ lửa (1972).

Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu (1923 – 2001), từng đảm nhiệm chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa từ 1967 đến 1975.

Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ (1930 – 2011), từng đảm nhiệm chức Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa từ 1967 đến 1975.

Thiếu tướng Lê Minh Đảo (1932 -), là Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ binh phụ trách phòng thủ Xuân Lộc vào tháng 3 năm 1975, việc để mất Xuân Lộc không những khiến Sài Gòn thất thủ mau chóng mà còn đẩy ông vào chốn lao tù suốt 17 năm.

Đại tá Nguyễn Đình Bảo (1938 – 1972), nguyên mẫu của bài hát “Người ở lại Charlie“.

Thi sĩ Linh Phương (1937 -), tác giả bài thơ “Để trả lời một câu hỏi“.

Trung úy Cao Xuân Huy (1947 – 2010), tác giả tập hồi ký “Tháng Ba gãy súng“.

Những anh hùng xả thân bảo vệ Hoàng Sa trong cuộc đối đầu với hải quân Trung Quốc năm 1974.

Các tướng lĩnh đại diện cho quân, dân, cán, chính Việt Nam Cộng hòa đã tuẫn quốc.

KỶ VẬT CHO EM

Tượng đài Thương Tiếc (nghĩa trang quân đội Biên Hòa). Sau 1975, nghĩa trang bị bỏ hoang khiến bức tượng đã gãy đổ.

 

 

 

 

 

 

 

 

Xem thêm :