Sunday, January 26, 2014

Biệt Động Quân - Tết Mậu Thân Tại Sài Gòn


Biệt Động Quân - Tết Mậu Thân Tại Sài Gòn
by Vũ - Đình - Hiếu -
http://www.youtube.com/embed/videoseries?
 


Năm 1967, quân cộng sản bị tổn thất nặng sau những trận đánh lớn với quân đội VNCH và đồng-minh. Biết rằng không thể đương đầu với QLVNCH trong một trận chiến trực diện, Hà-Nội đã bí mật chuẩn bị cho một trận tấn công bất ngờ. Lợi dụng thời gian hưu chiến cho Tết Mậu- Thân 1968, quân CSBV / Việt cộng phát động chiến dịch Tổng Công-Kích / Tổng Khởi-Nghĩa trên khắp miền nam Việt-Nam. Địch quân đã tấn công hoặc pháo kích vào 36 trong số 44 thành phố chính của miền nam, 5 thành phố lớn, và hầu hết các phi trường... để trì hoãn các cuộc chuyển quân của QLVNCH và đồng minh.

Tại mặt-trận Sài Gòn, các đơn vị chủ lực Việt cộng thuộc công trường (sư đoàn) 7, 9 và các đơn vị địa phương đặt duới quyền điều động của hai bộ tư lệnh tiền phương. Bộ tư lệnh tiền phương bắc (Tiền phương 1) lãnh đạo bởi Trần-văn-Trà, Mai-chí-Thọ và Lê-đức-Anh. Tiền phương 2 với Võ Văn Kiệt và Trần Bạch Đằng.

- Một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 271 (Q.761), công trường 9 phối hợp với tiểu đoàn 56, trung- đoàn U80 (nhiệm vụ chính của trung đoàn này là bảo vệ cục "R") đánh trung tâm huấn- luyện Quang-Trung và vùng phụ cận.

- Hai Tiểu Đoàn 267, 269 và một đơn vị thuộc Trung Đoàn 271 tấn công phi trường Tân Sơn Nhất.
- Hai tiểu đoàn của trung đoàn 273 (Q.763), công trường 9 đánh chi khu Thủ-Đức.
- Tiểu đoàn 1 Củ-Chi, một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 101, công trường 7 và một đơn vị cơ-động của cục "R" đánh các căn cứ quân sự trong khu vực thuộc quận Gò-Vấp.

- Tiểu đoàn 2 Gò-Môn (Gò-Vấp / Hốc-Môn) phối hợp với một đại đội thuộc tiểu đoàn F-100 đặc-công tấn công cổng số 4 bộ
Tổng-Tham-Mưu.

- Tiểu đoàn 3 Dĩ-An (3 / 165A), trung đoàn 165A đánh khu vực Hàng Xanh.
- Tiểu đoàn 4 Thủ-Đức (4 / 165A) chiếm đóng khu vực gần xa lộ Biên Hòa.
- Tiểu đoàn 6 Bình-Tân (6 / 165A) chiếm đóng khu vực Phú-Thọ, Bà-Hạt.
- Tiểu đoàn 508 Long-An tấn công khu vực Bình-Tây, quận 7.

Hôm mùng 2 tết (31-01-68), tiểu đoàn 3 Dĩ-An Việt cộng xâm nhập vào khu Hàng Xanh, tấn công bót cảnh sát. Sau khi hạ xong bót này, địch quân sửa sang lại hệ thống phòng thủ, bố trí chờ quân đội VNCH. Đến 4 giờ 30 sáng hôm sau, bộ tư-lệnh Biệt-khu Thủ-Đô ra lệnh cho tiểu đoàn 30 Biệt-động-quân tái chiếm lại bót cảnh sát đồng thời đánh đuổi giặc cộng ra khỏi khu vực Hàng Xanh. Khi đoàn xe chở BĐQ đến khu vực giao tranh, Việt cộng đã chuẩn bị trước bắn B-40 cháy xe dẫn đàu làm cho hai quân nhân tử thương và hai bị thương. Lập tức các binh sĩ BĐQ nhẩy xuống xe, dàn đội hình tấn công. Lúc đó Việt cộng từ các cao ốc gần đó xả súng bắn như mưa làm chậm lại mũi tấn công của tiểu đoàn 30. Binh sĩ BĐQ cũng được lệnh giới hạn hỏa lực, tránh gây thiệt hại cho nhân mạng và nhà cửa dân chúng trong vùng giao tranh.

Đến 6 giờ 15 sáng, Biệt-động-quân dùng loa phóng thanh kêu gọi dân chúng di tản ra khỏi khu vực do Việt cộng kiểm soát trước 10 giờ sáng. Từ các ngõ hẻm, dân chúng tràn ra ngoài đường, bồng bế trẻ con, đồ đạc chạy về hướng có binh sĩ BĐQ để được che chở bảo vệ, tuy nhiên vẫn còn một số dân vẫn còn kẹt lại trong vùng Cầu Sơn.

Bắt đầu lúc 10 giờ 30 sáng, tiểu đoàn 30 BĐQ chia làm hai mũi tấn công, mũi thứ nhất phát xuất từ Tân cảng, dọc theo đường Hùng Vương đánh vào phía nam, mũi thứ hai từ hướng xa lộ tiến quân đánh thẳng vào bót cảnh sát. Tiếng súng nổ dữ dội, sau đợt xung phong chớp nhoáng, BĐQ tái chiếm lại bót cảnh sát, Việt cộng bỏ chạy vào các ngõ hẻm lẩn trốn. Khi các binh sĩ BĐQ tiếp tục truy lùng đám tàn quân địch trong các ngõ hẻm, bỗng dưng một toán VC khác xuất hiện vào chiếm lại bót cảnh sát. Một lần nữa, Biệt Động Quân phải quay trở lại đánh đuổi VC, Sau đó một trung đội phải ở lại giữ bót cảnh sát trước khi tiếp tục truy lùng đám tàn quân ma Việt cộng. Trước sức tấn công vũ bão của Biệt-động-quân, địch phải rút lui về hướng Cầu Sơn và cố thủ trong đó. BĐQ tịch thu nhiều vũ khí và một lá cờ mặt trận giải phóng miền

3 giờ 30 chiều, quân ta di chuyển vào hướng Cầu Sơn, BĐQ được nhắc nhở giới hạn hỏa lực vì còn nhiều dân bị kẹt trong vùng. Mũi tiến quân của BĐQ bị khựng lại dưới chân cầu. Lực lượng Việt cộng đã được tăng cường với một đại đội thuộc tiểu đoàn Q.10, Dại đội này rải quân dọc theo bờ kinh, bắn xối xả vào đội hình BĐQ đang định tiến qua cầu. Một thiết vận xa M-113 tiến lên yểm trợ bị trúng đạn B-40 bốc cháy. Đến 8 giờ tối Biệt-động-quân dừng quân, bố trí đóng quân đêm.

Trong đêm 01 tháng hai, hai đại đội Việt Cộng từ Cát Lái di chuyển đến tấn công đồn điạ phương quân đóng dưới chân cầu Saigon, đồng thời địch pháo kích vào Tân Cảng làm cháy một kho nhiên liệu. Tiểu đoàn 38 BĐQ với xe tăng M-41 yểm trợ được điều động đến giải vây cho điạ-phương-quân và bảo vệ cây cầu huyết mạch vào thủ đô. Được hỏa lực chiến xa yểm trợ, Tiểu đoàn 38 tiến quân dễ dàng, đẩy lui quân Việt cộng ra khỏi khu vực xung quanh cầu Saigon. Tuy nhiên một đơn vị cộng sản khác đã vượt sông Saigon nhập vào với đám tàn quân Việt cộng trong vùng Cầu Sơn. Biệt-động-quân cũng biết thêm là địch đã di chuyển một số thương binh ra khỏi khu vực giao tranh đêm quạ

Sáng mùng bốn tết (02-02-68), Việt cộng xuất hiện tại nhiều nơi trong thành phố Saigon, BĐQ được lệnh thanh toán chìến trường gấp (Hàng Xanh) để nhận nhiệm vụ mới. BĐQ lại dùng loa phóng thanh kêu gọi dân chúng tản cư, sau đó xung phong tấn công quyết liệt. Mặt trận lan rộng ra với đám cháy lớn, Biệt-động-quân làm chủ tình hình khu vực Hàng Xanh, Cầu Sơn trước khi trời tối, địch quân bỏ chạy để lại 85 xác chết, BĐQ bắt được 3 tù binh cùng nhiều vũ khí đủ loại. Phía VNCH có 14 binh sĩ BĐQ tử trận, 25 bị thương, 2 binh sĩ thiết giáp chết, 2 bị thương, hàng ngàn căn nhà thường dân bị lửa thiêu rụi.

Tại Gia Định, tiểu đoàn 38 BĐQ giao tranh với địch trong khu vực đông dân cư, phải đánh chiếm từng căn nhà một. Việt cộng lợi dụng đám cháy, lẩn trốn trong các đường hẻm nhỏ làm cho binh sĩ Biệt-động-quân mất nhiều thì giờ lùng địch.
Trong Chợ Lớn, Việt cộng xuất hiện tại nhiều nơi, một cánh quân khác của tiểu đoàn 38, lục xoát trong khu vực gần chùa Ấn Quang, bắn hạ 4 giặc cộng, bắt sống một nữ cán bộ trang bị AK-47 và 8 băng đạn. Trong khu vực Bàn Cờ, Lý thái Tổ, hai trung đội Việt cộng kiểm soát khu vực này, chúng thiết lập chướng ngại vật và chia thành từng tổ 3 người canh gác. 8 giờ sáng, Biệt-động-quân thuộc hai tiểu đoàn 35 và 38 siết chặt vòng vây tấn công. Địch quân bố trí từ các nhà lầu bắn xuống như mưa làm cho BĐQ phải tiến từng bước một, chiếm từng cao ốc, từng căn nhà. Trận đánh kéo dài cho đến chiều, Việt Cộng đốt nhà dân, lợi dụng đám cháy và trời tối rút đi qua khu Bà Hạt, Nguyễn tri Phương, Triệu Đà.

Trận đánh dữ dội nhất tại mặt trận Saigon xẩy ra trong khu vực Phú Lâm (Quận 6), Bình Đông, Bình Tây (Quận 7) và xứ đạo Bình An (Quận 8). Tiểu đoàn 508 Long An Việt cộng xâm nhập vào xứ Bình An và hoàn toàn kiểm soát khu vực này. Sau khi chiếm xong, Việt cộng đào hầm hố, lập công sự phòng thủ kiên cố. Biệt-động-quân chia thành hai mũi dùi tấn công nhưng khựng lại dưới hỏa lực địch, ngoài ra trong khu vực quận 7, 8 có nhiều kinh đào làm trở ngại cho sự tiến quân của BĐQ. Trận đánh kéo dài trong nhiều ngày, sau cùng được trực thăng võ trang yểm trợ, Biệt-động-quân xung phong quyết liệt vào các ổ kháng cự của địch và sau đó làm chủ chiến trường. Sau trận đánh, rất nhiều nhà cửa dân chúng trong khu Bình An bị cháy hoặc bị tiêu hủy do bom đạn.

Việt cộng xuất hiện tại nhiều nơi trong quận 7, và đặt bộ chỉ huy trong hãng rượu Bình Tây. Đêm mùng 7 tháng hai, bộ chỉ huy tiểu đoàn 41 BĐQ ra lệnh cho hai đại đội 2 và 3 di chuyển đến bao vây hãng rượu, Trên đường đi hai đại đội này chạm địch lẻ tẻ gần cầu Bình Tiên do địch quân bất thần xuất hiện ngoài đầu hẻm bắn vài loạt đạn rồi biến mất. Trong hãng rượu Bình Tây, quân cộng sản đóng chặt cửa rồi cố thủ bên trong. Tiểu đoàn 41 xử dụng đại đội 2 làm nỗ lực chính dàn quân trước cổng chờ lệnh xung phong. Trong khi đó đại đội 3 chia làm ba nhóm, một nhóm chiếm các nhà lầu xung quanh bắn yểm trợ cho hai nhóm kia và đánh lạc hướng địch (chỉ chú ý đến nhóm này). Hai nhóm kia từ hai hướng dùng búa tạ, cuốc xẻng đục tường rồi âm thầm chui vào bên trong hãng rượu, sau đó dùng chất nổ phá hủy cổng trước. Khi cánh cổng xập xuống, các binh sĩ thuộc đại đội 2 hò hét, xung phong vào chiếm mục tiêu. Việt cộng bị tấn công bất ngờ bỏ chạy tán loạn, trận đánh kết thúc trong chớp nhoáng, Biệt-động-quân giết tại chỗ 20 giặc cộng, bắt sống 3 tù binh, thâu nhiều vũ khí, giải thoát cho nhiều thường dân trong đó có một bác sĩ. Sáng hôm sau, ba tù binh dẫn binh sĩ BĐQ đến bến Lê quang Liêm bắt thêm một cán bộ giao liên, tên này cho biết tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn Đồng Tháp VC đã hiện diện trong vùng.

Để phản công đánh đuổi giặc cộng ra khỏi thành phố Saigon và vùng phụ cận, QLVNCH mở chiến dịch Trần hưng Đạo I và tiếp theo là Trần hưng Đạo II càn quét tàn quân địch đang lẩn trốn hoặc trà trộn với dân chúng. Tiểu đoàn 41 BĐQ đang hành quân trên vùng bốn chiến thuật được gọi về phối hợp với các tiểu đoàn 30, 33, 38 cùng đại đội trinh-sát liên đoàn 5 BĐQ. Các đơn vị Biệt-động-quân được giao nhiệm vụ bảo vệ phòng tuyến phiá nam và đông-nam thành phố Saigon. Trong các cuộc chạm súng nhỏ với địch trong vùng trách nhiệm, BĐQ bắn hạ 40 Việt cộng.

Sau khi thanh toán xong Việt cộng trong khu Hàng Xanh, tiểu đoàn 30 BĐQ được đưa xuống khu Rạch Cát thuộc quận 7 để tiêu diệt một đơn vị thuộc trung đoàn Đồng Tháp Việt cộng. Khi thấy đoàn xe chở Biệt-động-quân đến, dân chúng biết sắp sửa có giao tranh, chạy ùa ra về hướng có binh sĩ BĐQ để được bảo vệ. Sau khi dân di chuyển đến nơi an toàn, tiểu đoàn 30 bắt đầu tấn công d" dội và một tiếng đồng hồ sau chiếm được cầu Rạch Cát. Việt cộng thấy BĐQ sắp sửa tràn qua, bèn rút lui về hướng bến Mễ Cốc. Một tù binh Việt cộng khai rằng đơn vị anh ta gồm có 35 người trang bị AK-47 và B-40.

Vào ngày 10 âm lịch (08-02-68), tiểu đoàn 38 lục xoát tàn quân địch lẩn trốn trong khu vực Phú Lâm quận 6, Việt cộng bắn cầm chừng rồi phân tán mỏng trốn ra khỏi vùng hành quân của Biệt-động quân. Trong khi đó tiểu đoàn 35 liên đoàn 6 BĐQ và tiểu đoàn 33 tiếp tục truy lùng giặc cộng trong quận 5, BĐQ đuổi Việt cộng chạy từ khu này sang khu khác như mèo vờn chuột.

Quân lực VNCH hoàn toàn làm chủ tình hình trong thành phố Saigon sau chiến dịch Trần hưng Đạo II. Bộ chỉ huy liên đoàn 5 BĐQ về đóng trong trường đua Phú Thọ để trực tiếp điều động các đơn vị Biệt-động-quân đang đóng quân trong vùng ven đô ngăn chặn địch. Ngày mùng 5 tháng năm, quân cộng sản lại phát động chiến dịch Tổng công-kích / Tổng khởi-nghĩa đợt hai. Lần này mặt trận nặng nhất xẩy ra bên kia cầu chữ "Y", khu lò heo Chánh Hưng và gần nơi trung tâm Chợ Lớn, đại lộ Khổng Tử, cầu Ba Cẳng. Trong quận 6 khu vực Phú Lâm, đường 46 Việt cộng xâm nhập vào cấp tiểu đoàn giao tranh ác liệt với BĐQ. Sau một tháng giao tranh, Biệt-động-quân đẩy lui các đơn vị Việt cộng ra khỏi vùng ven đô, tái lập an ninh cho thủ đô Saigon. Tinh thần chiến đãu và sự hy sinh của binh chủng Biệt-động-quân lên rất cao, trong tuần lễ đầu tháng bẩy năm 1968, BĐQ mất đi ba sĩ quan cao cấp, cố đại tá Đào-bá-Phước liên đoàn trưởng liên đoàn 5 BĐQ, đại úy Nguyễn-văn-Úc tiểu đoàn phó tiểu đoàn 34 BĐQ và thiếu tá Nguyễn-Ngành tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 41 BĐQ.

Dallas, ngày 11 tháng 8 năm 1995
Vũ - Đình - Hiếu
---------------------------------------------
Theo tài liệu:
- Will Fowler, The Vietnam Story, Winchmore Publishing Services, 1983
- Hoàng An, Thanh Liêm, Thanh Nhã, Tết Mậu Thân 68 tại Saigon, Sống Mới, Fort Smith, AR.
- Nguyễn đức Phương, Nh"ng trận đánh lịch sử, Đại Nam Glendale, CẠ91202, 1993





ImageImageImage


Hiệp Định Genève chia đôi đất nước Việt Nam - Cộng Sản Việt Nam cai trị từ biên giới Việt - Hoa vào đến vĩ tuyến 17 - Phần còn lại từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mâu thuộc Quốc Gia Việt Nam.

Sau hai năm, vào khoảng đầu năm 1956, chính quyền cộng sản gởi công hàm cho chính phủ VNCH (do Phạm Văn Đồng, Thủ Tướng Chính Phủ/CSVN ký) đề nghị họp giữa hai miền để bàn về hiệp thương, sau đó tiến tới tổng tuyển cử như tinh thần Hiệp Định Genève quy định. Biết được ý định giả trá, gian dối, không thật lòng của tập đoàn cộng sản Việt Nam, dù có hiệp thương hay tổng tuyển cử, thì miền Bắc cũng tìm cách gian lận, bịp bợm, nên Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã khước từ đề nghị nêu trên của Phạm Văn Đồng, với lý do chính phủ Quốc Gia Việt Nam (tên gọi lúc hiệp định Geneve được ký - sau là VNCH) không ký tên trong hiệp định, nên không có trách nhiệm trong vấn đề này.

Khởi đi từ lý do đó và cũng là cái cớ để miền Bắc thực hiện mục đích khởi động chiến tranh xâm lược miền Nam, hầu xích hóa toàn quốc.

- Đảng cộng sản Việt Nam (Bộ Chính Trị) chỉ thị cho đảng bộ miền Nam tổ chức lại lực lượng nằm vùng, trước khi hiệp định Geneve có hiệu lực. Thay vì đưa cán bộ tập kết ra Bắc, cộng sản Việt Nam đã gài lại người và vũ khí chôn dấu rất nhiều. Nay chúng bắt đầu tái tổ chức chiến tranh du kích, tại các vùng nông thôn hẻo lánh, vùng rừng núi hiểm trở, sát với dãy Trường sơn bí ẩn. Đồng thời cộng sản cũng tổ chức khai thông đường rừng Trường Sơn từ Bắc vào Nam, để đưa những cán binh người miền Nam đã tập kết ra Bắc năm 1954 hồi kết, để cùng với bọn địa phương thực hiện chiến tranh du kích trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.

Cũng vì những lý do trên, chiến tranh du kích ngày càng được cộng sản miền Bắc gia tăng quấy phá qua các hình thức ám sát, phục kích, tấn công các đơn vị đồn trú ở nơi xa xôi hẻo lánh. Nhằm mục đích ngăn chặn sự xâm nhập của cộng sản và tiêu diệt du kích cộng sản, cần phải có những đơn vị quân đội được huấn luyện đặc biệt, trang bị đặc biệt thì mới có thể thi hành hữu hiệu nhiệm vụ nêu trên. Các cố vấn Hoa Kỳ và Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, đề nghị lên và đã được Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm chấp thuận cho thành lập và huấn luyện những đơn vị "quyết tử" và các đơn vị thám sát - Những đơn vị này sẽ thực hiện những công tác bí mật và nguy hiểm. Đây chính là tiền thân của Biệt Động Quân sau này.

Cuối năm 1959, sau cái gọi là đồng khởi, toàn dân nổi dậy v..v.. cộng sản thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, do một số bất mãn dại dột làm bung xung cho miền Bắc như Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Hiếu, Dương Quỳnh Hoa v...v.. Tiếng súng ngày càng nổ nhiều hơn, lan rộng nhiều hơn, từ bưng biền về tới đồng bằng, từ cận sơn về đến duyên hải. Mức độ xâm nhập người và vũ khí qua đường mòn Hồ Chí Minh ngày càng nhiều. Nhất là sau cuộc đột kích đêm 25 tháng 12 năm 1959 tại căn cứ Trảng Lớn (Tây Ninh) của Việt cộng vào một hậu cứ của đơn vị Bộ Binh QLVNCH, gây ít nhiều thiệt hại cho đơn vị đồn trú này.
Ngày 15 tháng 2 năm 1960, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ra lệnh cho các Sư Đoàn thành lập các Đại Đội Biệt động quân, (Hoa Kỳ gọi là Ranger) - 50 đại đội đã được thành lập, gồm có 32 đại đội hoàn tất vào đầu tháng 3/60, đặt thuộc quyền xử dụng của các Quân khu và 18 đại đội được giao cho các Sư đoàn điều khiển.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là muốn xử dụng các đơn vị tân lập này - vì các Đại Đội BĐQ biệt lập - một cách hữu hiệu, thì việc huấn luyện cũng phải đặc biệt, để đào tạo thành những quân nhân hoàn hảo. Lệnh từ Tổng Thống: Tuyển chọn những cán bộ chỉ huy từ cấp Trung Đội Trưởng trở lên đến cấp Đại Đội Trưởng, đều là những quân nhân xuất sắc, giầu kinh nghiệm chiến trường và nhất là lòng can đảm và sức chịu đựng phải được coi là siêu và trên căn bản những cá nhân ấy tình nguyện xin gia nhập. Điều này cũng áp dụng cho tất cả các Hạ Sĩ Quan, Binh Sĩ - Tóm lại, toàn thể binh chủng do các quân nhân tình nguyện cấu thành - Binh Chủng Biệt Động Quân không nhận binh sĩ quân dịch.

Tháng 5/60, toán huấn luyện đặc biệt dưới quyền Đại Tá William Ewald, từ Liên đoàn 77 Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ, tại Fort Bragg, North Calorina, được gởi tới Việt Nam (DAMSG976774) để huấn luyện cho BĐQ về chiến thuật và kỹ thuật.
Ngày 1 tháng 7 năm 1960, chính thức khai sinh Binh Chủng Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hòa, dưới sự hổ trợ của những toán huấn luyện lưu động của Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ (Mobile Training Team) do Đại Tá Lewis Mille chỉ huy.

Song hành với những công việc trên, tại Sài Gòn, thủ đô VNCH - Thiếu Tá Nhảy Dù Phan Trọng Chinh (sau là Trung Tướng) được bổ nhiệm là Chỉ Huy Trưởng BĐQ Trung Ương đầu tiên - Thiếu Tá Chinh đã cùng các sĩ quan khác như Đại Úy Nguyễn Thành Chuẩn (sau là Đại Tá) Tham Mưu Trưởng v..v.. tổ chức hoàn chỉnh Binh chủng, soạn thảo các huấn thị, huấn lệnh, chọn phù hiệu binh chủng, lập bảng cấp số v...v...
Tại các địa phương có những Trung Tâm Huấn Luyện, như ở Đà Nẵng (Hòa Cầm) Vùng I CT- Sông Mao, Nha Trang (TTHL Đồng Đế) cũng đã bắt đầu với những sĩ quan tốt nghiệp từ trường Biệt Động Quân Fort Benning, Georgia, Hoa Kỳ trở về đảm trách - Để đẩy mạnh công tác huấn luyện kịp với đà tăng trưởng của binh chủng và kịp cung cấp cho nhu cầu chiến trường, cuối năm 1960, một toán sĩ quan thuộc Liên đoàn I Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ, đồn trú tại Okinawa (Nhật Bản) do Thiếu Tá John Warren chỉ huy đã được đưa sang tăng cường cho việc huấn luyện Biệt Động Quân.

Khoảng giữa năm 1961, Thiếu Tá Warren đã soạn thảo, đệ trình đề án nâng cao và phát triển lực lượng BĐQ lên 86 Đại đội - Tổng Thống Ngô Đình Diệm phê chuẩn và chỉ thị Bộ Tổng Tham Mưu / QLVNCH thi hành.

Việc tổ chức huấn luyện dần dần hoàn chỉnh, các Trung Tâm Sông Mao, Đồng Đế chấm dứt nhiệm vụ - Việc huấn luyện được chuyển đến Trung Tâm Huấn Luyện mới - dành riêng để đào tạo quân nhân BĐQ - Trung tâm đồn trú tại Dục Mỹ, một địa danh nằm trên quốc lộ 21, từ Ninh Hòa đi Ban mê thuột - Cũng nên nói thêm về Trung Tâm Huấn Luyện BĐQ Dục Mỹ - Nơi được các quân nhân VNCH, nếu được đưa đến đây để thụ huấn, đều gọi là Trung Tâm Tàn Phá Nhan Sắc - Tất cả các cán bộ Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan, cơ hữu của binh chủng, mặc dù tình nguyện cũng đều phải trải qua khóa tác chiến Rừng-Núi-Sình lầy - thời gian 42 ngày, sau đó mới chính thức là BĐQ - Thế nhưng có điều đặc biệt các ông SVSQ trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, trước khi trở thành "quan" cũng được đưa về đây cho học lấy bằng tốt nghiệp khóa Rừng Núi Sình Lầy, rồi mới về lại Đà Lạt để dự lễ tốt nghiệp.

Thời gian đầu, trung tâm đã tuyển chọn những sĩ quan xuất sắc như Trần Văn Hai, Cao Văn Ủy, Ngô Minh Hồng, Nguyễn Văn Đương, Trần Công Liễu, Trần Bá Tuấn, Nguyễn Ngọc Giao (Đen), Nguyễn Thành Định v...v.. để đảm trách công tác đào tạo cho binh chủng những cán bộ và quân nhân tinh nhuệ.

Đến tháng 2/1962, việc huấn luyện đã chính thức do các SQ/BĐQ có bằng chuyên môn Biệt Động đảm trách, mặc dù nhiệm vụ chính của BĐQ là phản du kích, đột kích, quậy sâu trong lòng địch - Vào tận các mật khu cộng sản. Nhưng chiến sự cũng mỗi ngày một gia tăng cường độ, mức xâm nhập của quân đội Bắc Việt theo đường mòn HCM và duyên hải VNCH ngày càng nhiều, cộng sản đã mở những cuộc đánh phá ở cấp lớn hơn, nên thời gian này Bộ TTM/QLVNCH quyết định nâng cao hơn và phát triển BĐQ lên một bậc - Tại Đà Nẵng, Vùng I/CT, Tiểu đoàn 10 BĐQ - Ở Pleiku, Vùng II/CT, Tiểu đoàn 20 và ở Sàigòn Tiểu đoàn 30 BĐQ - Những đơn vị này thường xuyên được xử dụng trong các nhiệm vụ đặc biệt truy lùng địch tại các mật khu như "chiến khu D" gần Sàigòn, các toán Viễn Thám nhảy sâu vào lòng địch để phát giác sự tập trung của địch, cung cấp những tin tức hoạt động của địch, theo dõi, kiểm soát mọi sự di chuyển của địch.

Và, cho đến năm 1964, nhiệm vụ căn bản của Mũ Nâu vẫn là quấy rối, đột kích, ngăn chặn xâm nhập và làm trì trệ các hoạt động của địch - Các Tiểu đoàn 10, 20, 30 nêu trên, đã được cải danh thành TĐ 11, TĐ 21, TĐ 31/BĐQ để tương ứng với các thứ tự từng vùng chiến thuật - Xuyên qua các chiến công và nhiệm vụ mà BĐQ đã tạo được, Bộ TTM quyết định tất cả các Đại đội biệt lập gom lại để trở thành các Tiểu đoàn BĐQ, với danh số theo vùng, khu chiến thuật và các đơn vị BĐQ được đặt trực thuộc các Tư Lệnh Vùng, trừ bị cho các Quân đoàn, Quân khu, nhưng cũng có lúc đã được đặt cả dưới sự xử dụng của các Tiểu khu.

Cuối năm 1964, đầu năm 1965 thì binh chủng BĐQ đã cải tổ và phát triển hoàn chỉnh và có được 20 Tiểu Đoàn BĐQ Tác Chiến gọi là Lực Lượng BĐQ Tiếp Ứng, đảm trách trừ bị Quân Đoàn - Phản ứng nhanh, thích ứng tùy theo tình hình - Binh Chủng BĐQ đã cùng các đơn vị bạn trong QL/VNCH như Nhảy Dù, TQLC v...v... tham dự những trận đánh lớn, ít nhiều cũng đã tạo được những chiến công vẻ vang như các trận Ba Gia (Vùng I CT) Bình Giả, Đồng Xoài (Vùng III CT) và BĐQ cũng là đơn vị VNCH duy nhất tham dự hành quân tại Khe Sanh, cùng với TQLC Hoa Kỳ, đó là TĐ 37/BĐQ - Hành quân Dân Chí 92, DC 100, Kinh Thác Lác (Vùng IV/CT) v..v.. Trong đó có những đơn vị đã được ân thưởng những huy chương cao quý của QL/VNCH, của Tổng Thống Hoa Kỳ....

Dĩ nhiên, với mục đích phải chiếm cho được miền Nam tự do, cộng sản Bắc Việt đã lấy chiêu bài "chống Mỹ cứu nước", "giải phóng miền Nam" để đưa quân, chiến cụ, do khối cộng viện trợ xâm nhập vào Nam ngày càng nhiều, càng đông. Mức độ giao tranh cũng mỗi ngày một lan rộng và lớn đến mức gần như trở thành chiến tranh quy ước. Để thích ứng, năm 1967, Bộ TTM/VNCH và MACV đã cùng thỏa thuận phát triển, nâng lực lượng BĐQ lên cấp Liên đoàn - Khởi đầu là Liên đoàn 5/BĐQ, Tổng Trừ Bị cho Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH - đặc trách chiến trường bảo vệ Biệt khu thủ đô, nơi các cơ quan đầu não quan trọng của chính thể VNCH trú đóng và cũng là thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa - Mỗi vùng chiến thuật/Quân đoàn sẽ do các Liên đoàn trực thuộc làm lực lượng trừ bị, lực lượng xung kích của quân khu.

Nếu kể về thành tích thì tuy là một binh chủng mới mẻ, so với các bạn như Dù, TQLC v..v.. nhưng mũ Nâu đã có những trận đánh gây cho đối phương những đòn đau nhớ đời và khiếp hãi như trận Thạch Trụ (TĐ 37/BĐQ), trận phản phục kích tuyệt vời của TĐ 52 tại Bà Rịa - Nhất là vào dịp Tết Mậu Thân 1968, VC đã phản bội hưu chiến đầu xuân - đích thân Hồ Chí Minh ra lệnh từ Hà Nội cho lực lượng CS tổng tấn công đồng loạt trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam - Kể cả Thủ Đô Sàigòn, nhưng CSBV đã ôm đầu máu và thành phần địa phương mà chúng gọi là "mặt trận dân tộc giải phóng" thì được coi như xóa sổ, gần như bị diệt trọn - Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã phản công ngoạn mục, đẩy chúng ra khỏi những nơi tạm chiếm, mà còn truy đuổi, tiêu diệt đám tàn quân tận các mật khu. Tất nhiên BĐQ cũng là một trong những đơn vị lập chiến công đầu, nhất là tại mặt trận Biệt Khu Thủ Đô.

Thời gian 1970 - Binh Chủng Mũ Xanh, lực lượng dặc biệt được coi như chấm dứt nhiệm vụ, một lần nữa, BĐQ lại vươn mình lớn mạnh nhận thêm nhiệm vụ nữa, đó là tất cả các căn cứ biên phòng - chặn tuyến xâm nhập địch quân từ Bắc vào Nam, dọc theo biên giới Lào-Việt, Campuchia-Việt Nam, do Lực lượng đặc biệt trách nhiệm, nay được cải tuyển thành các Tiểu Đoàn BĐQ Biên Phòng - Như vậy ngoài 20 Tiểu Đoàn BĐQ tiếp ứng, giờ đây BĐQ có thêm 39 Tiểu Đoàn BĐQ Biên Phòng - Đồng thời gian này, BĐQ cũng lên đường tham dự các cuộc hành quân ngoại biên, tấn công, truy quét lực lượng chính quy CSBV và cái gọi là quân giải phóng tận chiến trường Campuchia và Hạ Lào.

Cũng trong năm 1970 đến 1971, để có thể xử dụng, điều động BĐQ được hiệu quả và thích hợp với lưu động tính của binh chủng - Bộ TTM/QLVNCH cùng với BCH/BĐQ Trung Ương đã sắp xếp lại những TĐ/BĐQ Biên Phòng, được đưa đi huấn luyện bổ túc và sau đó trở thành các đơn vị tiếp ứng - nghĩa là lập thêm một số Liên Đoàn BĐQ, tính đến khoảng cuối năm 1971, binh chủng BĐQ đã có 15 Liên Đoàn, trong đó các LĐ 4, 7 và 6/BĐQ là tổng trừ bị Tổng Tham Mưu.

Mùa hè đỏ lửa 1972, từ chiến trường Trị Thiên, An Lộc, Kontum, binh chủng BĐQ đã có mặt để chặn đứng đà xâm lược của CSBV, sau đó cùng với các đơn vị bạn phản công mãnh liệt, dành lại từng thước đất do VC chiếm giữ lúc đầu, như mặt trận Chư Pao, trên tuyến đường Pleiku-Kontum, mặt trận An Lộc (sau mùa hè 1972, BĐQ hoàn toàn trách nhiệm chiến trường Bình Long-An Lộc mà vị Tư Lệnh mặt trận là Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn, CHT/BĐQ/QK III, đảm nhận đến tháng 4-75).

Hiệp Định Ngưng Bắn Paris đã được ký kết, dưới danh nghĩa "tái lập hòa bình", quân lực đồng minh rút dần về nước - Chiến trường miền Nam nay do một mình QLVNCH phải tự cáng đáng, giữ đất, chặn địch, truy kích, tất cả đều do QLVNCH gánh vác. Tuy là đình chiến, ngưng bắn, nhưng thực tế trên khắp lãnh thổ, tiếng súng giao tranh gia tăng hơn, mức độ thương vong, tổn thất chẳng sút giảm mà còn trầm trọng hơn - Cũng do tình hình đó, Quân Lực VNCH lại một lần nữa quyết định nâng cấp binh chủng BĐQ lên cao hơn: thành lập các Sư Đoàn BĐQ - Đến cuối tháng 3, đầu tháng 4-75, đã thành lập được hai Sư Đoàn BĐQ, đó là Sư đoàn 101/BĐQ (do các LĐ 31, 32 và 33/BĐQ họp thành), vị Tư lệnh đầu tiên, cũng là cuối cùng là Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn - Sư Đoàn 106/BĐQ, do Đại Tá Nguyễn Văn Lộc là Tư lệnh.

Tiếc thay, hai Sư đoàn BĐQ vừa thành lập xong, chưa kịp ra tay đánh bọn CSBV, thì ngày 30-4-75, đã đành chịu đau đớn cùng toàn quân buông súng theo lệnh đầu hàng.
Trải dài tuổi đời của binh chủng BĐQ, lấy ngày khai sinh chính thức 1-7-1960 đến tháng 4-1975 vừa đủ 15 năm - Thăng trầm theo cuộc chiến, binh chủng đã được các vị sĩ quan tài giỏi của quân đội chỉ huy, dẫn dắt - Khởi đầu lúc thành lập là:
1. Thiếu Tá Phan Trọng Chinh, (sau là Trung Tướng)
2. Đại Tá Lam Sơn Phan Đình Thứ
3. Thiếu Tướng Tôn Thất Xứng
4. Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận
5. Đại Tá Trần Văn Hai (sau là Chuẩn Tướng Tư lệnh SĐ7/BB, tuẫn tiết ngày 30-4-75)
6. Đại Tá Trần Công Liễu
7. Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai - (vị Chỉ huy trưởng sau cùng của binh chủng, cũng là người chịu khổ nạn trả thù đúng 17 năm trong trại lao cải của cộng sản cùng với các Đại Tá BĐQ Nguyễn Kim Tây, Cao Văn Ủy)

Bây giờ QLVNCH không còn nữa - Biệt Động Quân cũng không còn là một binh chủng đã gây cho quân CSVN những trận đòn khiếp đảm - Nhưng trên tháng ngày lưu lạc xứ người - để cùng nhau nung nấu ý chí không cùng cộng sản đội chung một trời và cũng để nuôi dưỡng tình đoàn kết tương thân - Ở hải ngoại, hàng năm đến tháng 7 thì BĐQ lại tổ chức ngày họp mặt, để mừng sinh nhật binh chủng, nơi tổ chức sẽ do Tổng hội BĐQ ủy thác cho các Khu hội BĐQ tại các Tiểu bang tổ chức - Năm nay 2005, để mừng 45 năm BĐQ chào đời - Đại Hội Họp Mặt sẽ do Khu Hội BĐQ Houston, Texas tổ chức vào ngày 16-7-2005 và cũng để bầu Tổng Hội Trưởng cho nhiệm kỳ 2005-2007.

Ghi chú: Chúng tôi viết theo trí nhớ và tham khảo tài liệu của một Cố vấn BĐQ/Hoa Kỳ. Nếu có sai sót, xin các Niên trưởng, Chiến hữu bổ túc và sửa sai - Dĩ nhiên, đây chỉ là phần tóm lược.

Tổng Hội BĐQ/QLVNCH Hải Ngoại

http://www.bietdongquan.com/baochi/dien ... dan123.htm

Biệt Động Quân (Vietnamese Rangers Corp, VNRC) là một binh chủng đặc biệt của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, gồm những đơn vị bộ binh tinh nhuệ, được huấn luyện thực thi các nhiệm vụ tấn công và truy kích cơ động lực lượng đối phương, được vận chuyển bằng trực thăng là chính yếu. Biệt Động Quân cũng là lực lượng cơ sở hình thành nhiều binh chủng tinh nhuệ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Biệt Động Quân tương ứng với Lực Lượng Ranger trong Lục Quân Hoa Kỳ. Ngoài ra, một số lực lượng chuyên biệt khác có đặc điểm gần giống như Biệt Động Quân nhưng có chức năng hoạt động khác như Biệt Kích (Commando), Lực Lượng Đặc Biệt (Special Force), Biệt Cách Dù (Airbone Ranger).

Tháng 2 năm 1956, sau khi tiếp nhận căn cứ GCMA (Groupement de Commandos Mixtes Aéroportés, Lực Lượng Biệt Kích Không Vận Hỗn Hợp) của Pháp tại Nha Trang, với sự trợ giúp của Phái Bộ Cố Vấn Quân Sự (Military Assistance Advisory Group - MAAG) Mỹ tại Việt Nam. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã cho thành lập Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Đội, nhằm xây dựng cơ sở huấn luyện biệt kích cho Việt Nam Cộng Hòa.


http://nhogikhong-mauthan68.blogspot.com/

No comments:

Post a Comment