Wednesday, August 27, 2014

Như Chuyện Không Tưởng


Câu chuyện của KingBee man/Phi Đoàn 219 Long Mã Biệt Đoàn SOG, bị sa vào tay giặc cộng


Như Chuyện Không Tưởng

Chung Tử Bửu

Khi cánh cửa phòng giam trại thẩm vấn tù binh Ngã Tư Sở, Hà Nội, đóng lại cài then khóa chặt phía ngoài vào buổi chiều ngày 9 Tháng Ba năm 1971, mọi dự tính trốn thoát của tôi trở thành vô vọng. Tụi ma giáo nầy sẽ giở trò quỉ quái gì đây? Bao giờ thì mình sẽ bị đưa lên các trại khổ sai nơi thâm sơn cùng cốc? Mình sẽ chịu nổi các đòn tra tấn tới mức nào? Bao giờ thì chúng sẽ đem mình đi thủ tiêu? Có khi nào mình sống sót trở về gặp lại bao người thân yêu nhất không?

KingBee/Phi Đoàn 219 Long Mã

 photo ChungT1EEDB1EEDuVagraveErnest_zpsc7179c6a.jpg

phi công Chung Tử Bửu và Ernest

Phương trời Nam xa xôi ấy, người mẹ góa, đàn em dại, cô vợ trẻ, con đầu lòng đang chập chững tập đi, đơn vị cũ, khung trời xưa, bạn bè, chiến hữu, bây giờ ra sao? Biết bao nhiêu hình ảnh hiện lên trong trí não. Những khổ đau của bao người thân ở miền Nam vời vợi ấy có lẽ sẽ dần nguôi. Bóng hình, tên tuổi mình ở phi đoàn rồi sẽ phai dần vào quên lãng. Các bạn cùng khóa có lẽ thấy thầm tội nghiệp cho số phận hẩm hiu của mình được vài ngày rồi cũng quên. Nhưng mình phải sửa soạn đương đầu với một cảnh ngộ chưa hề chuẩn bị đối phó: Ðời tù binh trong các nhà giam cộng sản!

Mỗi lần nhìn thấy hai người đàn em của tôi cùng bị bắt tại mặt trận, Thiếu Úy Khánh và Thiếu Úy On bị giam khác phòng, nhưng cùng một dãy là tim tôi nhói lên vì thương các đàn em của mình. Các cậu mới ra trường được vài tháng, bay hoa tiêu phó cho tôi một thời gian, chưa dạn dày chiến trận đã bị lôi theo con chim đầu đàn gãy cánh. Trong số mười sáu sĩ quan tù binh bị bắt trong cùng một trận đánh, tuy hai cậu ấy là người gần gũi nhất của tôi, nhưng nếu hỏi rằng tôi biết gì về tánh tình, khả năng, tài vặt, hoặc đời tư của hai chàng, thì tôi cũng mù tịt. Tôi chỉ cảm nhận một điều, mình phải có bổn phận khích lệ và an ủi hai người em cùng phi đoàn. Năm tháng bị thẩm vấn căng thẳng rồi cũng quen, nhưng cái loa điện tổ chảng chĩa thẳng vào mấy cửa sổ cao sát trần nhà phòng giam phát tiếng the thé của đài nói dối Việt Nam; nào là buổi trưa hát bài chòi, giữa đêm hát chèo, với lại mấy thứ nhạc lai tàu bắt chước giọng Liên Sô hát nhanh như ma đuổi, cộng thêm đủ thứ bản tin phịa thứ thiệt đẳng cấp thế giới, thì chịu không thấu bà con ạ!

Không Quân Việt Nam Cộng Hòa Hành Khúc
http://youtu.be/jdDZAGNQv4Y
Một hôm đi ngang qua cửa phòng Khánh và On, Khánh cầm hai hột nhãn lượm ngoài sân ra dấu bảo tôi hãy lấy hột nhãn, rửa sạch, nút lỗ tai để đỡ phải nghe. Bao đêm khuya canh vắng suy nghĩ về tương lai đen tối của mình, có một câu hỏi vấn vương không rứt ra được: “Nếu thật có thiên đàng, hỏa ngục và linh hồn, khi mi chết hồn mi sẽ đi đâu? Lên hay xuống?” Sau một số ngày thành thật suy nghĩ thì câu trả lời rất rõ ràng là sẽ đi xuống! Tại sao? Bởi vì mặc dù có đạo, nhưng giữa tôi với cõi thiên đàng chẳng có mối liên hệ chặt chẽ nào bảo đảm một vé đi lên. Nhìn lại mặt đạo đức của mình thì chỉ toàn là những điều xấu hổ. Ðúng là đầu xanh mà vô số tội! Bị đối diện với sự thật nghiệt ngã, tôi mới nhận ra rằng dù có biết, có tin, có là đạo vòng vòng, chẳng thứ nào tạo được tình liên hệ thân ái với Ðấng Tối Cao là Ðấng sẽ ban quyết định cho mình lên hoặc xuống. Lấy lẽ công bằng mà nói, thần nào, cõi thánh thiện nào chịu chứa chấp một thằng có đủ thứ tội lỗi xấu xa như tôi? Ðứng trước số phận vĩnh cửu của mình, tôi không thể khinh suất đặt niềm tin vu vơ vào những điều chỉ nghe người ta truyền lại chứ chưa bao giờ biết rõ. Trong cõi nhân loại có nhiều niềm tin tôn giáo khác hẳn nhau, thì không thể nào mọi niềm tin đều là chân lý. Nếu có anh đúng thì phải có nhiều anh sai. Làm thế nào biết được ai đúng ai sai? Hoàn cảnh bấy giờ không phải là lúc lý sự về Ðấng Tạo Hóa hiện hữu hay không hiện hữu, vì chẳng ai giải thích được nguồn gốc sự sống, trật tự tuần hoàn của cõi thiên nhiên, và sự hình thành vũ trụ bao la.

Ðối với tôi, đứng trước số phận chắc chắn là hẩm hiu và bất hạnh, bản năng khôn ngoan của con người là tìm ra lối thoát cho hoàn cảnh bế tắc, chẳng ai gàn dở ngồi lý sự về những điều không chứng minh nổi. Vì thế, nỗi trăn trở của tôi ngoài việc suy tính phương cách đối phó với những cuộc hỏi cung diễn ra suốt 6 ngày mỗi tuần, còn là nghĩ cách tìm ra lời giải đáp cho thắc mắc làm thế nào tạo được mối liên hệ thân ái với cõi thần linh trên thiên đàng. Ðể rồi đây, nếu có phải sớm qua thế giới bên kia thì mình cũng còn có chút hy vọng! Trong hoàn cảnh tuyệt vọng và cấp bách, tôi muốn biết vấn đề cách rõ ràng rành mạch, vì sự biết lõm bõm chẳng giải quyết được gì. Càng suy nghĩ càng hối tiếc, vì từ khi còn nhỏ tôi đã được tiếp xúc với Thánh Kinh là quyển sách nói về vấn đề nầy, nhưng tôi đã thờ ơ với số phận vĩnh cửu của mình.

Tôi nhớ đến một lời tuyên bố của Ðức Chúa Giêsu trong sách phúc âm nào đó được nhắc tới trong các bài giảng về đức tin mà tôi đã nghe, rằng: “Nếu các con có đức tin lớn bằng hột cải, sẽ khiến núi nầy đời đi, thì nó sẽ dời đi...” Như vậy có phải là với chút lòng tin thì sẽ được ban cho quyển Thánh Kinh không? Ðối với tôi, lời tuyên bố chắc nịch thì một là thật, hai là dỏm, chứ không thể có kiểu lừng chừng. Làm sao ai có nổi thứ đức tin cỡ đó? Nếu tôi có chút đức tin nào thì giỏi lắm nó chỉ lớn cỡ bằng hột bụi bay vơ vẩn là tối đa! Giống như lênh đênh giữa biển bao la, vớ được cái gì làm phao thì cứ bám lấy. Thứ mà tôi cần nhất lúc nầy là quyển Thánh Kinh. Nhưng nhìn lại thực tại của mình trong nhà tù cộng sản thì vô cùng thối chí. Bọn nầy thù ghét Cơ-đốc-giáo hơn mọi thứ trên đời, làm sao nó cho phép mình có được quyển Thánh Kinh, nếu có? Thế còn lời tuyên bố của Thánh Kinh nói rằng Thiên Chúa là Ðấng Toàn Năng thì sao? Lấy cái gì để chứng minh? Nếu Thiên Chúa không trị nổi bọn cộng sản thì có gì đáng tin? Chẳng lẽ Ðấng Tối Cao không đủ quyền phép buộc tụi xảo quyệt nầy phải cho tôi quyển Thánh Kinh hay sao? Muốn biết có thật hay không thì phải thử là cách tốt hơn hết. Từ hôm đó tôi đã bắt đầu cầu xin như thế nầy: “Kính lạy Thiên Chúa, nếu Ngài hiện hữu và toàn năng, xin ban cho con một quyển Thánh Kinh trong nhà tù cộng sản nầy.” Thật vậy nếu Thiên Chúa có thật và toàn năng thì sá gì mấy thằng Việt Cộng láo toét. Tôi cung kính dâng lời khẩn cầu của mình mỗi ngày hai lần vào buổi sáng thức dậy và buổi tối trước khi ngủ.

 photo kingbee26_zps7017cc8c.jpg
Cùng thời gian đó, có một tên đại tá đến thẩm vấn tôi suốt một tuần về các vấn đề xã hội, thông tin báo chí, văn hóa văn nghệ của Miền Nam. Hắn ba hoa khoác lác về vấn đề tự do tín ngưỡng ở miền Bắc rồi khoe về các nơi thờ tự hiện đang có tại Hà Nội. Tôi hỏi móc một chuyện:

- "Thưa ông, mặc dù tôi không được ra ngoài để thấy cuộc sống xã hội ở miền Bắc nầy, nhưng tôi đoán là vấn đề tự do tín ngưỡng như ông nói chắc không có. Vì tôi nghe phía bên ngoài tường rào có tiếng dân chúng đi lại sinh sống quanh đây rất nhiều. Mà đa số người Việt Nam theo đạo Phật. Có dân ắt phải có chùa. Có chùa ắt phải có chuông. Có chuông thì tôi phải nghe. Nhưng mấy tháng nay tôi chẳng bao giờ nghe tiếng chuông chùa cả, chỉ nghe toàn là tiếng kẻng thôi. Tại sao vậy?"

Hắn trả lời:

- “Anh nhầm rồi! Chùa ở ngoài nầy không dùng chuông mà gõ kẻng anh ạ!”

Biết là hắn phịa, nhưng tôi không có cớ nào để bẻ hắn. Tuy vậy, sau một tuần thẩm vấn xong hắn hỏi một câu:

- “Anh có nguyện vọng gì không? Tôi có thể giúp anh được gì không?”

Tôi trả lời:

- “Dạ có, tôi muốn có một quyển Thánh Kinh để đọc.”

Hắn giãy như đỉa phải vôi:

- “Ô ô ô ô... cái... cái... cái đó thì không được! Vì chúng tôi không tin, không cho phép, và cũng chẳng đào đâu ra để có cho anh.”

- "Ông nói các ông không tin, và không cho phép; tôi tin ông nói đúng. Nhưng về việc ông nói là không có để cho, thì tôi nghĩ là ông nói dối đấy!"

Tôi nói.

- "Sao... sao anh lại dám nghĩ là tôi nói dối? Anh biết cái... cái... cái gì ở ngoài nầy? Anh lấy lý do nào nào?"

Hắn la lên:

- "Thưa ông, mới hồi nãy ông khoe cạnh phố Hàng Da gần Cửa Nam vẫn còn nhà thờ Tin Lành, vẫn có mục sư, và tín đồ vẫn được đi nhà thờ dự lễ. Có phải vậy không ạ? Thế mà ông nói là không đào đâu ra Thánh Kinh. Chẳng nhà thờ Tin Lành nào mà không có sẵn Thánh Kinh cả. Nếu nhà thờ ấy có thật, ông cứ đến xin một quyển là họ biếu ông ngay." Tôi nói.

- "Tôi đã nói là không được." Hắn nói.

- "Vì ông hỏi nguyện vọng của tôi thì tôi thật lòng nói rằng đó là thứ tôi cần. Chứ có bao giờ các ông theo nguyện vọng của tôi trả tự do cho tôi trở về Miền Nam đâu." Tôi nói.

- "Anh đừng đòi hỏi những gì mà tôi không thể giúp." Hắn ta nói.

- "Vậy xin cảm ơn ông đã quan tâm." Tôi nói.

Không ai biết rằng tôi sẽ phải tiếp tục ở tù thêm 12 năm nữa, và cái Tổng Cục Chính Trị đó cũng không nghĩ rằng họ sẽ nhốt tôi thêm mười hai năm nữa. (Cho tới cuối năm 1978, khi tôi bị cái đói hành hạ dai dẳng ở trại cải tạo Nam Hà. Một đêm tôi nằm trách móc Chúa tại sao Ngài để cho tôi bị đói như thế nầy, bỗng cuốn phim ký ức về con gà mái xổng khỏi lồng làm trì hoãn đoàn xe chở tù binh vào ngày 16 tháng 4, 1972, diễn ra rõ mồn một trong trí. Có tiếng hỏi rất nhỏ nhẹ vang trong trí “Nếu ngày ấy Ta không tháo cho con gà xổng ra ngoài, trì hoãn đoàn xe để cứu cả đoàn khỏi bị máy bay bắn cháy, liệu ngày nay con còn sống sót để nằm đó trách móc Ta chăng?” Một tuần sau tôi “bị” điều động sang đội nấu bếp mới thành lập). Chuyện đời tù của tôi quá dài không thể kể hết trong một bài viết ngắn.


Sau khi không được trao trả cho Việt Nam Cộng Hòa, nhóm tù binh Hạ Lào chúng tôi bị đưa ngược lên vùng Trung du Bất Bạt rồi Yên Bái. Tôi tiếp tục bị nhốt riêng, vì dám tổ chức tuyệt thực và tập họp cả trại hát vang những bài quân hành để kỷ niệm ngày quân lực 19 tháng 6, 1973.

…Mỗi đêm nhìn thấy đèn xóm nhà dân dài theo chân núi bên kia ruộng, nhớ sao hàng đèn phi đạo của những chuyến bay đêm.
Nhìn đàn chim bay phía đỉnh núi xa, nhắc nhớ những vùng trời quê hương tôi đã bay qua...
Chung Tử Bửu

Trong những ngày phải đi rừng đốn gỗ, chặt nứa, chặt chổm, của hai năm 73 và 74, biết bao ký ức của thời quân trường, thời du học các trường bay ở Mỹ cuồn cuộn kéo về trong tâm khảm. Mỗi đêm nhìn thấy đèn xóm nhà dân dài theo chân núi bên kia ruộng, nhớ sao hàng đèn phi đạo của những chuyến bay đêm. Nhìn đàn chim bay phía đỉnh núi xa, nhắc nhớ những vùng trời quê hương tôi đã bay qua. Ôi quê hương ra sao bây giờ? Trên đất Bắc dong chân qua những miền đất lạ, người xử người dã man nghiệt ngã. Bọn cáo chồn lộ nguyên hình tàn độc, bỉ ổi, và man trá. Quyển Thánh Kinh, cái gai trong mắt tụi coi trại, là nguồn an ủi vô biên của người tù binh trong những ngày gian khổ.

MỘT CHUYẾN BAY ĐÊM
http://youtu.be/bx1wYg3kf_4
Khoảng gần cuối năm 1973, nhóm tù binh 7 người chúng tôi bị chia cách khỏi đám đông ngày nào đi lao động hái trà cũng phải đi ngang qua cái nhà của tụi chỉ huy trại. Chúng trương lên một tấm bảng đen giữa sân, mỗi ngày lấy phấn trắng vẽ mặt trận tiến quân của Ai Cập đánh Do Thái. Ðài phát thanh thì oăng oẳng hí hửng từng giờ loan tin chiến thắng của Ai Cập. Ðược đâu vài bữa huênh hoang, bỗng cái bảng đen biến mất, và bản tin về chiến sự vùng Trung Đông cũng đột ngột im re. Chắc là “phe ta” thua to rồi!

Một ngày Tháng Sáu 1974, chúng tôi được tin 4 anh trong đám đông đã vượt ngục. Ôi! Vui chi kể xiết, dù chúng tôi bị gò bó nhiều hơn. Tụi Việt Cộng gửi tới Yên Bái một sư đoàn tập trận để lùng bắt cho bằng được những người tù binh đã bỏ trốn. Ba tuần trôi qua, bóng các anh vẫn biệt mù tăm cá, tôi hứng chí làm bài thơ “Tiếng Rừng Xôn Xao” (với bút hiệu Phù Vân) tặng các bạn mình. Nói làm sao hết nỗi tự hào của các chiến sĩ Cộng Hòa hiên ngang bất khuất. Niềm tin càng ngày càng vững trong gian lao, dù ngày về quê hương vẫn còn xa mờ mịt.

Lưu Đày - Lê Tâm
http://youtu.be/K4e9R4JUfcE
Từ ngày được tin Phước Long, rồi Ban Mê Thuột thất thủ, tôi xem những lời tiên tri trong Thánh Kinh Cựu Ước và biết rằng miền Nam sẽ sụp đổ, mấy tháng liền nước mắt khóc quê hương cứ ràn rụa thâu canh. Ngày 11 tháng 4, 1975, tôi bị đưa về tạm giam tại nhà tù Hỏa Lò. Ngày 25 tháng 4 bị đưa trở lại Ðông Khê, Cao Bằng. Trại giam năm xưa bây giờ trở thành trại kỷ luật. Tôi gặp lại 4 anh vượt ngục đã bị bắt lại và bị đưa lên đây trừng trị từ nhiều tháng trước. Bốn chục thằng Việt Cộng lo trông coi và hành hạ chỉ có 11 người tù binh. Ôi! Buồn không chi tả xiết! Rồi Sài Gòn thất thủ, niềm hy vọng lâu nay bám víu cũng trôi xa. Tôi tưởng chừng lòng mình đã thành chai đá. Nước mắt không còn để khóc. Quyển Thánh Kinh bị tịch thu vì là trại kỷ luật. Bị giam riêng một mình ở tòa nhà đá trên đầu dốc, tôi chỉ còn là cái xác không hồn.


… và biết rằng miền Nam sẽ sụp đổ, mấy tháng liền nước mắt khóc quê hương cứ ràn rụa thâu canh.

… Rồi Sài Gòn thất thủ, niềm hy vọng lâu nay bám víu cũng trôi xa…
Chung Tử Bửu

Cuối năm 1975, chúng tôi được cho phép viết thư về nhà lần đầu tiên. Tôi quyết định không viết. Có lẽ gia đình tôi chẳng còn ai. Còn vợ tôi, nếu nàng đã đi bước nữa mà nhận thư tôi chỉ khiến nàng thêm bẽ bàng. Thôi, tôi tự xem mình như đã chết. Và tôi cũng muốn gia đình tôi đừng biết tin tôi còn sống. Tôi sẽ ở tù không có ngày ra. Bọn Việt Cộng đã tuyên bố vậy. Báo tin tôi còn sống chỉ làm người thân đau khổ thêm một lần nữa, ích lợi gì! Nhưng Thiếu Úy Chờ, người bạn cưa xẻ với tôi, theo tôi năn nỉ khuyên nhủ suốt mấy ngày. Ðể làm vừa lòng bạn, tôi viết qua quít một thư cho mẹ tôi, mà tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ tới, vì có lẽ mẹ và các em tôi đã được đưa đi Mỹ rồi.

Mùa Ðông năm ấy rét chưa từng thấy. Ban ngày nhiệt độ trung bình là 2 độ C. Ban đêm 5, 6 độ âm. Vẫn phải lao động, cưa gỗ, đẵn củi, đập đá, đắp đường. Bụng lúc nào cũng đói, cái đói triền miên hành hạ không nguôi. Nếu không có bãi cỏ hắc âu làm thuốc, có lẽ, tất cả chúng tôi đã gục ngã vì bệnh thấp khớp sưng đầu gối. Rau dấp cá mọc hoang trở thành nguồn lương thực cứu đói chánh yếu của chúng tôi. Cỏ gì xực được là bứt. Tôi lại vận dụng trí não làm một bài thơ tựa đề là "Mùa Ðông Thạch An" thuộc nằm lòng chứ không bao giờ ngu viết ra giấy. Khoảng ba tháng sau, nhằm mùa Xuân, một buổi trưa rất bất ngờ, thằng cai tù tên là Tòng đem đưa cho tôi thư nhà gửi ra, thật dày. Tôi rất bình thản mở thư ra xem. Trong thư có rất nhiều ảnh chụp. Tấm hình màu nằm trên cùng là ảnh hai đứa con gái của tôi khoảng 4, 5 tuổi. Ôi! Chúng xinh đẹp và dễ thương làm sao. Tôi chợt òa khóc không thể nào ngưng. Bao nhiêu nước mắt và nỗi lòng thương nhớ bị đè nén từ lâu đầy ngập trong linh hồn, nay tràn ra như nước vỡ bờ. Một mình giữa xà lim vắng lặng, tôi nghe tiếng khóc hu hu của mình trộn lẫn tiếng nấc. Khi thấy lại hình ảnh của những người thân yêu nhất, mọi cảm xúc bỗng bừng sống dậy, dạt dào... Từng lời thư yêu thương của vợ làm tôi quá hối hận vì đã nghi ngờ lòng chung thủy của nàng. Ôi em! Ôi hai con! Vâng, sẽ có ngày... sẽ có ngày tôi được gặp lại người xưa.

Tháng 6 năm 1976, tôi được trả lại quyển Thánh Kinh, được ra khỏi trại kỷ luật và bị đưa đi trại Sơn La vùng Tây Bắc. Chẳng phải vì chúng tôi đã mãn hạn, nhưng vì bọn Việt Cộng dùng trại Ðông Khê để trừng trị những người chiêu hồi bị chúng tóm lại được. Ở Sơn La, tù nhân lao động quần quật hai năm rưỡi, lội khắp các cánh rừng của bản Mường Thải rồi về trại Ba Sao Nam Hà ở ba năm rưỡi nữa. Sau đó chuyển về trại Z30C Hàm Tân thêm hai năm 7 tháng. Suốt thời gian ấy, tôi được báo trước trong những giấc mơ đủ thứ chuyện sẽ xảy ra, thì đều diễn ra y như tôi đã thuật lại cho các bạn cùng phòng. Trong gần 14 năm trôi nổi gian truân và cả sau nầy, bàn tay bảo vệ và gìn giữ của Thiên Chúa vẫn theo tôi không bao giờ rời xa. Ôi, Thiên Chúa đầy yêu thương đã đoái đến một con chiên ghẻ bướng bỉnh.

Không món quà nào trong thời khổ đau quý hơn món quà quyền phép giúp tôi biết mình luôn được bảo hộ, được chỉ dẫn cho biết con đường chân lý. Suy gẫm về những ngày gian khổ đó, tôi luôn biết ơn Ðấng đã che chở bảo vệ tôi, thậm chí một cái tát cũng đã không xảy ra, mặc dù tôi là người tù bị bọn Việt Cộng ghét nhất trại. Có lẽ tôi là người duy nhất thuộc khóa 65 Không Quân Việt Nam Cộng Hòa đã trải qua những kinh nghiệm như đã kể. Có người bạn như vậy kể cũng “hãnh riện” lắm chứ, phải không các bạn!

Chung Tử Bửu

LTS: Chung Tử Bửu là học sinh Trung Học Lê Lợi Di Linh gần Đà Lạt, hiện làm Mục Sư tại Texas

Nguồn: http://www.anhdao.org/D_1-2_2-66_4-328_5-4_6-2_17-80_14-2_15-2/#nl_list_bookmark


-----------------------------------------------------------
 photo khongquanvnch_zpsb3a521ed.jpg
-----------------------------------------------------------
Chuyến Bay Tử Thần Vào Đồi 31 Hạ Lào

Chuyện về Cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 đánh sang Hạ Lào nhằm cắt đứt đường mòn HCM đã được nhiều người viết ra. Ðầu tiên là nhà văn Phạm Huấn với quyển “Trận Hạ Lào năm 1971″, rồi nhà văn Nhảy Dù - Lê Ðình Châu đại úy đại đội trưởng. Đại đội công vụ nằm vòng đai bảo vệ cho Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù trên đồi 31 cũng ra mắt quyển “Ðôi Mắt Người Tù Binh”, và anh Nguyễn Văn Long, thiếu úy sĩ quan phụ tá ban 2 Lữ Ðoàn 3 Nhảy Dù vẫn thường xuyên viết về Hạ Lào cho Ðặc San Nhảy Dù ở Úc Châu. Ở đây, tôi (Bùi Tá Khánh) chỉ ghi lại câu chuyện như là một mẩu hồi ức dưới mắt nhìn của một người lính Không Quân.
Kingbee Bùi Tá Khánh



Binh sĩ VNCH tại Khe Sanh đang chờ để được trực thăng bốc vào
đất Lào lúc mở đầu cuộc hành quân Lam Sơn 719, ngày 8-2-1971

Tôi là một hoa tiêu phục vụ trong Phi Đoàn 219, thuộc Không Ðoàn 51, Sư Ðoàn I Không Quân trú đóng tại Ðà Nẵng. Phi đoàn 219 là hậu thân của Biệt Đoàn 83 với nhiệm vụ tiến hành cuộc chiến tranh thầm lặng trong bóng tối nhằm gây rối, phá hoại hậu phương của địch. Vì thế, tất cả phi cơ của Phi Đoàn 219 chỉ sơn toàn bệt màu đen và xanh lá cây xẫm bên trên phần bụng trắng và không mang phù hiệu hay cờ gì cả ngoài số serial number mà thôi.

Là một phi đoàn chỉ thi hành những phi vụ đặc biệt ngoài lãnh thổ và ngoài những cuộc hành quân bình thường, nhưng trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, nằm trong kế hoạch được mệnh danh là Việt Hóa chiến tranh, một cuộc hành quân quan trọng lần đầu tiên hoàn toàn do QLVNCH đảm nhiệm với sự yểm trợ tối thiểu của Không Lực Hoa Kỳ trong những ngày đầu với những loại trực thăng khổng lồ chuyên chở những xe cơ giới hạng nặng như xe ủi đất, lô cốt tiền chế, đại pháo 105 và 155 ly để QLVNCH dọn bãi thiết lập những căn cứ hỏa lực đầu cầu trên đất Lào. Vì thế nên Quân Ðoàn I đã phải trưng dụng tất cả những đơn vị Không Quân trực thuộc Sư Ðoàn I Không Quân trong đó có Phi Đoàn Long Mã 219.

Như vậy phi đoàn chúng tôi, ngoài những phi vụ đặc biệt thường lệ, lại phải đảm nhiệm thêm việc yểm trợ cho Sư Ðoàn Dù, một trong ba lực lượng nòng cốt trong cuộc hành quân Lam Sơn 719. Mỗi ngày phi đoàn 219 tăng phái một phi đội gồm hai hoặc ba chiếc H-34 nằm trực chiến tại Khe Sanh, nơi đặt bản doanh Bộ Chỉ Huy tiền phương Sư Ðoàn Dù. Từ đây chúng tôi xuất phát những phi vụ tiếp tế lương thực, đạn dược cho các căn cứ hỏa lực 29, 30, 31 và các đơn vị hành quân lục soát bên ngoài căn cứ. Những phi vụ này thường là rất “hot”, nhưng “sôi nổi” nhất vẫn là những phi vụ tải thương cho binh sĩ nhảy Dù khi có đụng độ với quân cộng sản Bắc Việt. Và chuyện này xảy ra như cơm bữa hàng ngày nên chúng tôi coi như pha. Chúng tôi cứ luân phiên nhau mỗi phi đội trực chiến cho Sư Ðoàn Dù bốn ngày rồi trở về Ðà Nẵng tiếp tục những phi vụ thường nhật.


Đồi 31 - Lam Sơn 719 - Hạ Lào

Hôm nay đến phiên trực của chúng tôi. Phi đội gồm có hai phi cơ do anh Chung Tử Bửu lead, tôi co-pilot và Nguyễn văn Em là mê-vô, chiếc thứ hai tôi chỉ nhớ hoa tiêu chánh là anh Yên. Chúng tôi vào phi đoàn nhận lệnh vào lúc 8 giờ sáng rồi chia tay nhau về nhà sửa soạn hành trang, hẹn gặp nhau lúc 10 giờ ngoài phi đạo 219.

Ðúng giờ hẹn, chúng tôi ra phi cơ làm tiền phi, check nhớt, xăng, load những cơ phận sửa chữa dự trữ, đồ nghề và anh em kỹ thuật 219 rồi cất cánh, trực chỉ Ðông Hà, Quảng Trị. Khoảng quá trưa thì chúng tôi ra đến Khe Sanh. Vừa đến nơi, không màng ăn trưa vì nóng lòng muốn cứu đồng đội nên chúng tôi quyết định phải vào ngay đồi 31 chứ không thể đợi lâu hơn được. Trong khi anh Bửu vào trình diện với Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Sư Ðoàn Dù để đặt kế hoạch cho chuyến bay thì tôi và mêvô Em đi check lại máy bay. Xăng vẫn còn đầy bình trước, dư sức bay không cần phải refuel.

Một lát sau từ phòng briefing ra, anh Bửu vắn tắt cho anh em biết về phi vụ quyết tử này. Chuyến vào chúng ta sẽ chở theo một tiểu đội Tác Chiến Điện Tử Dù cùng với 18 chiếc máy “sensor” vào tăng phái cho căn cứ 31 dùng để phát giác đặc công địch, chuyến ra sẽ rước phi hành đoàn anh Nguyễn thanh Giang về. 15 phút trước khi lên vùng, pháo binh Dù sẽ bắn dọn đường mở một hành lang dọc theo quốc lộ 9, dập vào những địa điểm được ghi nhận có phòng không địch vì tình hình lúc này rất gây cấn, địch tập trung lên đến cấp tiểu đoàn phòng không gồm đủ loại từ 37 mm, 12 ly 7 và lần đầu tiên còn nghe có cả SA-7 nữa.

Về không trợ thì có hai chiếc Gunship của Phi Đoàn 213 do Trung Úy Thục bay trước mở đường.


Trước đó trong lúc briefing, anh Bửu đã được nói chuyện trực tiếp với anh Giang từ trong đồi 31 và được biết, ngày hôm qua khi bay vào vùng anh Giang đã dùng chiến thuật “lá vàng rơi”, từ trên cao cúp máy auto xoáy trôn ốc xuống, nhưng vì phòng không địch quá dày đặc nên khi gần đến đất, phi cơ anh bị trúng đạn rớt xuống gãy đuôi nằm bên cạnh vòng rào phòng thủ ngoài cùng của Lữ Ðoàn 3 Dù. Phi hành đoàn vô sự, chỉ có copilot là Võ văn On bị xây xát nhẹ ở cổ, tất cả chạy thoát được vào trong căn cứ Dù. Nhưng trước khi bỏ phi cơ, mêvô Trần Hùng Sơn không quên vác theo cả cây M-60 trên cửa máy bay nữa. Rút kinh nghiệm, hôm nay anh Bửu bay Rase Motte sát ngọn cây theo hướng Ðông-Tây đi vào. Trên đường bay dọc theo quốc lộ số 9 tôi còn nhìn thấy những cột khói bốc lên nghi ngút, chứng tỏ pháo binh Dù bắn rất chính xác và hiệu quả. Gần đến Landing Zone anh Bửu đổi hướng lấy cấp Ðông Nam-Tây Bắc để đáp xuống. Vừa ló ra khỏi rặng cây, tôi đã thấy chiếc Gunship của Trung Úy Thục bay vòng lại, cùng với tiếng anh la lên trong máy “Bửu coi chừng phòng không ở hướng Tây”. Từ trên phi cơ nhìn xuống, giữa màu xanh trùng điệp của rừng cây nhiệt đới, ngọn đồi 31 đỏ quạch nổi bật với những đốm bụi đất tung lên từng cơn vì đạn pháo kích quấy phá của cộng quân Bắc Việt.

Không nao núng, anh Bửu vẫn điềm tĩnh tiếp tục đáp xuống. Khi phi cơ còn cách mặt đất độ 15 thước thì trúng một tràng đạn phòng không, phi cơ phát hỏa, bùng lên một đám khói bao trùm cả phi cơ, mêvô Em la lên khẩn cấp trong máy “Đáp xuống, đáp xuống anh Bửu ơi, máy bay cháy”.

Cùng lúc anh Bửu cũng cao tiếng báo động cho chiếc wing “Yên ơi, tao bị trúng đạn rồi, đừng xuống nữa” trong khi vẫn bình tĩnh đáp xuống. May mắn là đạn trúng vào bình xăng phụ đã hết xăng, chỉ còn ít hơi đốt, nên phi cơ không bắt cháy như phi cơ Đại Úy An ở Bù Ðốp hôm nào. Vừa chạm đất, theo phản xạ tôi cùng anh Bửu nhanh tay tắt gió, xăng, điện rồi nhảy ra khỏi phi cơ. Mọi người chạy ngược lên đồi về phía hàng rào phòng thủ thứ nhất của đại đội công vụ Dù cách khoảng 100 thước. Tôi còn tiếc chiếc xách tay quần áo nên phóng vào trong phi cơ để lấy. Một cảnh thương tâm hiện ra trước mắt, một binh sĩ Dù bị trúng đạn ngay giữa trán, nằm ngửa chết ngay trên ghế. Trên sàn tàu, đống máy “sensor” vẫn còn nguyên vẹn. Tôi chỉ kịp vớ lấy cái xách tay rồi phóng chạy lên đồi theo những tiếng kêu gọi của binh sĩ Dù “trên đây nè thiếu úy, tụi tôi bắn yểm trợ cho”. Tôi lom khom chạy trong khi tiếng đạn nổ lóc chóc trên đầu. Lên đến nơi tôi thở như bò rống. Không quân mà hành quân dưới đất thì phải biết là mệt đến đâu. Tôi nhớ mãi hôm đó là ngày 22 tháng 2 năm 1971.

Vừa ngồi nghỉ mệt, tôi vừa nhìn xuống bãi tải thương nơi chiếc phi cơ đang đậu hiền lành, thì cũng vừa lúc địch điều chỉnh tác xạ, một quả đạn đạn súng cối rơi trúng ngay tàu nổ tung, bốc cháy khói đen mù mịt cả một góc trời. Tôi nhìn con tàu xụm xuống, lòng quặn lên. Con tàu thân thương đó đã gần gụi với mình lâu nay, giờ thành một đống sắt vụn.

Một lát sau, theo chỉ dẫn của anh em binh sĩ Dù, chúng tôi men theo giao thông hào lần về đến ban chỉ huy Lữ Ðoàn 3 Dù. Gặp lại phi hành đoàn anh Giang, On, Sơn anh em chúng tôi mừng rỡ thăm hỏi rối rít. Chúng tôi được giới thiệu với các sĩ quan trong ban tham mưu Lữ Ðoàn 3. Ðầu tiên là đại tá Thọ lữ đoàn trưởng Lữ Ðoàn 3, Thiếu Tá Ðức trưởng ban 3, Đại Úy Trụ phụ tá ban 3, Đại Úy Nghĩa sĩ quan liên lạc Không Quân, Trung Úy Chính sĩ quan Không trợ Dù, Thiếu Úy Long phụ tá ban 2. Về phía pháo binh thì có Trung Tá Châu tiểu đoàn trưởng và Đại Úy Thương trưởng ban 3 thuộc tiểu đoàn 3 pháo binh Dù. Ðại Tá Thọ mừng anh em “mới đến” mỗi người một điếu Havatampa và một ly Hennessy để lấy lại tinh thần. Tôi ngạc nhiên vô cùng, đi đánh giặc, nằm ở tuyến đầu ác liệt vậy mà mấy “ông” nhảy Dù vẫn thản nhiên hút sì-gà Cuba và uống rượu Mỹ như máy! Quả các anh ăn chơi cũng dữ mà đánh giặc cũng chì thật.

Buổi chiều vùng rừng núi trời tối thật nhanh, chúng tôi dùng tạm bữa cơm dã chiến với ban tham mưu Lữ Ðoàn rồi chia nhau ngủ ké với anh em Dù. Tôi được ngủ chung một hầm với anh Nguyễn quốc Trụ, một sĩ quan trẻ xuất thân khóa 20 trường Võ Bị Ðà Lạt. Anh cũng là anh ruột của Trung Úy Nguyễn Hải Hoàn, một hoa tiêu chánh trong phi đoàn tôi. Tin tức chiến sự mỗi ngày một căng thẳng hơn vì đối với cộng sản bắc Việt, sự hiện diện của căn cứ 31 trên hệ thống đường mòn HCM như một lưỡi dao đâm thẳng vào yết hầu của chúng. Vì thế cộng quân đưa thêm quân vào tạo áp lực nặng nề lên căn cứ 31 với ý định đánh bật căn cứ này ra khỏi sinh lộ của chúng.

Hai hôm sau, vẫn không có chuyến bay tiếp tế nào vào được vì địch quân luôn di động dàn phòng không của chúng khiến Không Quân Việt Nam và Không Quân Hoa Kỳ không phát huy được ưu thế của mình. Mỗi sáng, chỉ có hai phi tuần F-4 đến ném bom vài khu vực khả nghi chung quanh đồi 31 và thỉnh thoảng mới có một đợt B-52 rải thảm ì ầm xa xa vọng đến rồi mọi sự lại chìm vào rừng núi trùng điệp. Ngược lại, quân bắc Việt tập trung bao vây, tăng cường pháo kích suốt ngày nhằm quấy rối và làm tiêu hao lực lượng Dù.

Sáng ngày 25 tháng 2 năm 1971, chúng tôi nhận được lệnh và khởi sự di chuyển ra các hầm cứu thương sát bãi đáp chờ đến trưa đích thân phi đoàn với ba chiếc H-34 sẽ vào tải thương binh Dù đồng thời bốc hai phi hành đoàn ra. Tôi và anh Bửu cùng vài thương binh Dù nấp chung với nhau trong một hầm trú ẩn. Ðến trưa khi chúng tôi bắt đầu nghe tiếng máy nổ quen thuộc xa xa thì cũng là lúc địch khởi đầu trận “tiền pháo” dồn dập lên đồi 31. Qua lỗ châu mai từ trong hầm cứu thương nhìn qua bên kia đồi đối diện, cách nhau một cái yên ngựa, tôi thây rõ hai chiếc xe tăng T-54 của cộng quân tiến lên xếp hàng ngang, cùng với quân tùng thiết dày đặc chung quanh nhắm đỉnh đồi chúng tôi mà nhả đạn. Những tia lửa từ nòng súng phụt ra, tôi và anh Bửu thụp đầu xuống cùng nhìn nhau như nhắc nhớ câu mà anh em trong phi đoàn thường nói với nhau mỗi khi lên đường hành quân “Trời kêu ai nấy dạ!”.


Binh sĩ VNCH bị quân Bắc Việt bắt trong trận đánh Lam Sơn 719

Ngoài kia, trong từng giao thông hào binh sĩ Dù chống trả mãnh liệt, nhất là những pháo thủ pháo đội C trên căn cứ 31, với những khẩu pháo đã bị hỏng bộ máy nhắm vì pháo kích của địch, họ phải hạ nòng đại bác để bắn trực xạ thẳng vào xe tăng địch bên kia đồi và trong những loạt đạn đầu tiên đã hạ ngay được hai chiếc T-54. Nhưng để trả giá cho hành động dũng cảm này nhiều binh sĩ Dù đã nằm xuống, có người nằm chết vắt trên những khẩu pháo của họ, trong số này có cả pháo đội trưởng Nguyễn Văn Ðương, người đã là niềm hứng khởi cho một nhạc phẩm nổi tiếng sau đó. Chúng tôi vui sướng reo mừng trong hầm bên này. Không ngờ, chỉ mỗt lúc sau hai xe tăng khác ở phía sau tiến tới ủi những chiếc xe cháy xuống triền đồi rồi lại hướng súng đại bác về đồi chúng tôi mà bắn! Sau vài loạt đạn, một phi tuần hai chiếc F-4 xuất hiện nhào xuống oanh tạc vào đội hình địch, và lại phá hủy thêm hai xe tăng nữa. Trong tiếng bom đạn tơi bời, tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng máy nổ của những chiếc H-34 đang vần vũ trên cao như lo lắng cho số phận những đồng đội của mình. Cho đến khoảng 5 giờ chiều thì địch tràn lên chiếm được đồi. Chúng lùng xục từng hầm trú ẩn kêu gọi binh sĩ Dù ra đầu hàng. Biết không thể làm gì hơn, tôi và anh Bửu tháo bỏ súng đạn cá nhân, chui ra khỏi hầm.

Về phía Không Quân, tôi, anh Bửu, On và Sơn bị trói bằng dây điện thoại và bị dẫn giải ra bắc Việt chung với tất cả tù binh khác. Không thấy anh Giang và Em đâu. Chúng tôi bắt đầu thăm hỏi các sĩ quan và binh sĩ Dù trên đường đi. Cuối cùng tôi gặp được anh Long là người ở chung trong hầm với anh Giang khi cộng quân kêu các ra đầu hàng. Ðến lần thứ ba các anh vẫn không chịu ra nên chúng thảy lựu đạn chày và bắn xối xả vào hầm. Anh Long chỉ bị thương nhẹ nên chúng bắt theo còn anh Giang vì bị thương nặng gãy cả hai chân không đi được nên bị chúng bỏ lại và chết ở trong hầm. Về phần mêvô Em thì bị lạc đạn trúng bụng đổ ruột ra ngoài, khi bị bắt dẫn đi Em cứ hai tay ôm bụng giữ lấy ruột mà không hề được băng bó vết thương nên đi được một khoảng không chịu được đau đớn Em gục chết ở bên đường.

Thế là 219 ghi thêm vào quân sử của mình một thiệt hại hai phi hành đoàn trên chiến trường Hạ Lào. Trong đó anh Giang và Em đã vĩnh viễn ở lại trên đồi. Ngọn đồi quyết tử 31. Những người còn lại của hai phi hành đoàn đó là Bửu, On, Khánh và Sơn thì sa vào tay địch, bị đưa đến những bến bờ vô định, biết còn có ngày về hay không?

Viết để nhớ đến tất cả những chiến sĩ anh hùng đã thành danh hay vô danh, vẫn còn sống hay đã hy sinh cho quê hương đất nước. Sau 33 năm ít ra tên tuổi các anh vẫn còn được nhắc đến một lần.

Kingbee Bùi Tá Khánh
hung-viet.org


http://www.vietlandnews.net/forum/showthread.php?t=8828
Tác giả/Nhân vật: Bùi Tá Khánh |13-07-2011|




1 comment:

  1. Xin mượn bài hát "Lưu Đày" để bày tỏ sự ngưỡng mộ, kính phục và chia sẻ nỗi thương đau đối với tất cả người lính Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản đày đọa trong ngục tù và tù cải tạo quá sức tàn bạo cho cái tội khác giới tuyến.

    Xin cám ơn tác giả bài hát là Thiếu Tướng Lê Minh Đảo đã sáng tác bài hát này trong tù đã diễn được chí khí oai hùng bất khuất của người người chiến sĩ Quân Lực VNCH.

    ReplyDelete

Newer Post Older Post Home