Monday, May 5, 2014

Từ Bắc Kỳ Di Cư tới Tỵ Nạn Chính Trị

Published on May 3, 2014   ·   No Comments

dicu

Sau đây là bài viết về mấy sự kiện lịch sử của quê hương Việt Nam trong hơn thế kỷ vừa qua. Dù được viết vào 10 năm về trước, tháng 4 năm 2004, nhưng đọc lại thấy vẫn còn thấm thía về số phận hẩm hiu của quê hương mình. Hết lạc hậu chậm tiến tới Bắc thuộc rồi đô hộ bóc lột bởi “bạch quỷ” Tây phương lại đến nạn quỷ đỏ độc tài tham nhũng hiện nay kèm theo hiểm họa đồng hóa của Bắc phương. Xin phổ biến lại để bà con cùng đọc.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm di cư từ Bắc vào Nam, lang tôi xin ra ngoài lãnh vực y học, ghi lại vài hàng về biến cố đau buồn này. Ðể khỏi “Lạc Bất Tư Thục”, ham vui mà quên cả quê hương, bản quốc…Một quê hương còn nhiều tai ương.

Ðang giờ học Việt Văn của giáo sư Nguyễn Tường Phượng, thì tôi được nhân viên phòng Giám Học kêu xuống gặp người nhà. Tôi học lớp Ðệ Tam ban A Trung Học Chu Văn An ở Hà Nội.

Tới văn phòng, tôi thấy bố tôi đang ngồi nói chuyện với Thầy Hiệu Trưởng Vũ Ngô Xán và Thầy Giám Học Vũ Ðức Thận. Bố tôi quen với hai cụ qua người anh họ tôi là ông Vũ Ngọc Các, chủ nhiệm báo Dân Chủ ở đường Gia Long Hà Nội. Bố cho tôi hay là đã xin phép hai cụ để cho tôi nghỉ học sớm và theo ông về quê có việc.

Hai bố con về nhà tôi trọ để thu xếp đồ đạc rồi ra bến xe đò về tỉnh Hải Dương. Trên đường đi, bố tôi cho hay là phải di cư vào Nam ngay vì Việt Minh sắp tiếp thu Hà Nội và các tỉnh bên đây Bến Hải. Người quốc gia chỉ có mấy tháng để di cư.

Vào thời gian đó, tình hình chiến sự miền Bắc sôi động ác liệt mạnh mẽ. Ði đâu cũng thấy nói tới sự rút lui của quân đội viễn chinh Pháp và quân đội quốc gia Việt Nam. Khi đó, phương tiện truyền tin là đài phát thanh và mấy tờ báo, chứ đâu có internet, truyền thanh truyền hình như ngày nay, cho nên tin tức rất hiếm hoi, đôi khi chỉ là dỉ tai, truyền khẩu.

Có tin đồn rằng, vì muốn hòa giải với Tây phương, Cộng sản Trung Hoa và Nga Sô Viết đã làm áp lực với cộng sản đàn em phải ký kết hiệp định Geneve; rằng cộng sản Việt đòi chia đất nước từ vĩ tuyến 13 nhưng sau đó phải chấp nhận vĩ tuyến 17; rằng họ muốn quân đội viễn chinh Pháp rút lui trong 90 ngày, nhưng các quốc gia đàn anh quyết định là 300 ngày…để mọi người có thời gian thoát ách cộng sản.

Rất nhiều dân chúng Hà Nội và các tỉnh lỵ miền Bắc hốt hoảng, vội vã sửa soạn thu vén di cư vào Nam. Uỷ Ban Bảo Vệ Bắc Việt đã được thành lập song hành với ỦyBan Di cư.

Ðường phố ngổn ngang những đồ vật mang ra bán. Những tủ chè, sập gụ, những lư đồng, bình sứ rồi quần áo, gia dụng. Thôi thì đủ thứ. Ai ai cũng cố bán tống bán tháo để có chút vốn di cư.

Ðây là cuộc di cư vĩ đại của cả triệu đồng bào miền Bắc bỏ mồ mả cha ông chỉ vì không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản ngoại lai. Họ đã nghe nói cũng như chứng kiến sự khắc nghiệt của chính quyền đối với dân chúng ở vùng do họ kiểm soát. Những đấu tố, những thủ tiêu không nương tay, những kiểm soát theo dõi đời sống rất khắt khe.

Bố tôi đang làm việc tại tòa Tỉnh Trưởng Hải Dương. Ông cũng chỉ là nhân viên phù động do quen biết chứ không phải là công chức chính ngạch.

Xuất thân con nhà có chút ruộng đất, nên trước chiến tranh, ông chỉ giao du hưởng thụ. Ông nội mua cho bố tôi chức Hội trong làng, cho nên ông cũng có một vài vai vế chiếu trên chiếu dưới đối với chốn đình trung và ngoài xã hội.

Theo anh tôi thì ông cụ cũng “phá gia chi tử” lắm. Thời đó làm gì có ngân hàng, chi phiếu, thẻ tín dụng nên đỏ đen hết tiền mặt là văn tự ruộng đất nhà cửa được đưa ra để cầm bán.

Gia đình chúng tôi phải bỏ quê lên tỉnh làm ăn vì không thích hợp với “kháng chiến địa phương”. Ông bác ruột bị thủ tiêu vì giữ chức Cửu trong xã. Anh tôi khi đó mới 12 tuổi không sớm băng đồng trong đêm chạy lên huyện thì cũng bị bắt. Chồng bà cô ruột của tôi bị bắt nhầm, tưởng là bố tôi. Ông cụ đã về vùng tề từ mấy ngày trước. Lý do là họ nhà tôi làm chủ một số điền thổ trong tổng và được liệt kê vào hạng “cường hào, ác bá”.

Hai bố con về tỉnh để sửa soạn ra đi. Chúng tôi phải xuống Hải Phòng để đi tầu thủy, vì khi đó chương trình di cư đang ở cao điểm nên di tản bằng đường hàng không trở nên rất hiếm hoi.

Những ngày nấn ná sửa soạn, bán nhà cửa đồ đạc, chờ ngày lãnh giấy lên tầu là những ngày rất giao động.

Họ hàng ở dưới quê lên thăm hỏi, chia tay. Nhiều người nỉ non quyến dụ. Nào là đất nước thanh bình đến nơi rồi, tại sao không ở lại mà hưởng “tự do, hạnh phúc”! Rằng chính phủ rất khoan hồng, mọi người đều được tiếp tục làm việc như trước.

Một bà bạn của gia đình có cô con gái rượu thì “cháu ở lại đi, mai mốt đất nước thống nhất thì tha hồ mà vào thăm Sài gòn”.

Ông chú ruột làm phát ngân viên cho Bảo Chính Ðoàn tỉnh được gia đình vợ hai móc nối ở lại: “cứ mang hết tiền quỹ về quê xây dựng sự nghiệp, giúp làng xóm, tha hồ mà sướng”.

Nhưng bố tôi đã nhất quyết ra đi vì đã phần nào hiểu rõ bản chất của chế độ. Bà vợ kế ở lại với một đứa con gần hai tuổi và bụng chửa hơn bốn tháng, vì bố mẹ ở dưới quê muốn gắn bó với quê cha đất tổ.

Ngày ngồi trên xe lửa từ Hải Dương xuống Hải Phòng mới thực vất vả và chứng kiến nhiều bi hài kịch.

Tầu đậu ở nhiều ga dọc theo đường số 5 để lấy thêm khách, mà hầu hết là xuống Phòng để vô Nam bằng tầu biển há mồm. Cán bộ địa phương được tung ra để gây trở ngại cho người di cư. Thôi thì khóc lóc, níu kéo ở lại, ngăn cản lên tầu. Cũng có những chửi mắng “đi liếm chân đế quốc làm Việt gian cho giặc Pháp”. Chẳng khác gì “tàn dư Mỹ Ngụy” mấy chục năm sau này. Rồi vứt đồ, đánh đập cho bõ ghét.

Làm thân rau muống Bắc kỳ di cư ở vùng đất trù phú trong Nam, người dân miền Bắc đã đóng góp nhiều cho mảnh đất quê hương. Chỉ vỏn vẹn có hai thập niên, mọi người bên này vĩ tuyến 17 đã xây dựng được một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam với nền tảng khai phóng, nhân bản; một nền văn học tự do với nhiều dân tộc tính; một chế độ y tế xã hội phục vụ phúc lợi người dân tương đối đầy đủ. Và cũng đã hy sinh nhiều xương máu chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng kết quả là chỉ tránh được hiểm họa Ðỏ cho một phần nhỏ của thế giới với cái giá là một lần nữa lại tỵ nạn vào phần tư cuối của thế kỷ hai mươi. Khi mà các thế lực quốc tế không còn cần đến mình trong nhu cầu của họ.

Từ Bắc Kỳ Di Cư tới tỵ nạn chính trị thấm thoát mà đã nửa thế kỷ, năm mươi năm, mười lăm ngàn hai trăm năm mươi ngày dài đằng đẵng.

Nhìn về quê hương thì vẫn thấy nhiều ngậm ngùi chua sót. Những người vì hòa bình và thống nhất ở lại miền quê thì đời sống không khác gì mấy, so với 50 năm về trước. Có chăng là ngọn đèn điện, chiếc ti vi, chiếc xe gắn máy. Vẫn quần quật giật gấu vá vai lam lũ. Vẫn chân đất với bùn lầy nước lỗ chân trâu. Ngày kiếm được việc làm trị giá 50 xu Mỹ là mừng rồi.

Ông chú đã sớm ra người thiên cổ, vì những riếc móc theo địch, hại nước hại dân, tịch thu tài sản. Bà thím già nua, kèm nhèm quệt nước mắt với bầy cháu nội ngoại thò lò mũi xanh thì : “Giá mà ngày đó chú thím và các em theo chân bố cháu!” Cô em gái lao động Ðông Âu dành dụm được chút tiền mở sạp hàng xén cho qua ngày. Mấy đứa cháu chưa bao giờ biết mặt thì “chúng cháu theo giải phóng vào kiếm các chú thì các chú đã ra đi, không đợi chúng cháu đi với”.

Báo chí trong nước phản ảnh đầy rẫy những than phiền của dân chúng cũng như tuyên bố của viên chức chính quyền các cấp về tham nhũng, cửa quyền, bất công, thất nghiệp, tệ đoan xã hội, giáo dục tụt hậu. Ðã có những chương trình, đề nghị, nhưng áp dụng, thực hiện thì như cứ nửa vời, cầm chừng, trồi sụt như thấy tháng của bà nạ dòng sắp vào tuổi mãn kinh.

Khoảng cách giầu nghèo từ nông thôn tới thành thị sao mà quá chênh lệch. Một bữa “chiêu đãi” cá sông Việt Trì bẩy món với rượu ngoại của người giầu quyền thế tốn công quỹ cơ quan cả dăm bẩy trăm Mỹ kim như không. Trong khi đó thì ngân sách quốc gia dành cho y tế chỉ có năm mỹ kim mỗi năm cho một đầu người. Tư bản Mỹ thực phí phạm, bỏ ra những 2000 tiền đô xanh.

Về cộng đồng tỵ nạn thì tích cực cũng nhiều nhưng tiêu cực cũng không phải là ít.

Trong gần ba mươi năm, hơn một triệu người Việt đã hình thành một khối thiểu số có những sắc thái đặc biệt vừa làm phong phú và vừa thay đổi một phần nào cấu trúc căn bản của Hiệp Chủng Quốc Mỹ.

Họ đi từ số không, không có một nền tảng có sẵn như người Trung Hoa hoặc di dân từ các quốc gia Âu Châu tới Mỹ từ cả trăm năm trước. Ho vật lộn với nhiều khó khăn để sinh tồn, để thích nghi với nếp sống mới và để tạo dựng một tương lai vững chắc cho thế hệ con cháu. Họ âm thầm làm việc, chịu đựng mọi thử thách, kỳ thị trong những năm đầu. Nếu đa số dân chúng Mỹ không muốn quay lưng trước hoàn cảnh tuyệt vọng của con dân một quốc gia đồng minh với họ trước đây, thì cũng có một thiểu số lạnh nhạt với lớp di dân này.

Khi mới tới, họ được phân tán khắp 50 tiểu bang để sự cứu giúp được dễ dàng cũng như tránh sự tụ nhập quá đông người Việt ở một địa phương. Nhưng rồi dần dà, sau khi đã có lông có cánh, họ cũng tìm về với nhau, trong những địa phương thích hợp để tương trợ, dìu nhau mà đi lên. Dù sao thì “một giọt máu đào cũng hơn ao nước lã”. Và “Một cây làm chẳng nên non; Ba cây chụm lại lên hòn núi cao”.

Với bản tính nhẫn nhục, cần cù, thực tế, dễ thích nghi, có nhiều sáng kiến nhỏ, họ đã tham gia vào nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống Mỹ quốc. Họ đã tạo dựng nên những cơ sở kinh tế, thương mại vững chắc, củng cố và phổ biến văn hóa Việt Nam vào nền đa văn hóa địa phương.

Các thế hệ Việt Nam thứ hai, thứ ba đã mau lẹ tiến tới để thu nhập tinh hoa kiến thức qua nền giáo dục đa diện của nước Mỹ. Họ đã có nhiều đóng góp khoa học, kỹ thuật đáng khen ngợi cũng như cung hiến cho nền hành chánh tiểu bang và liên bang nhiều chuyên gia có khả năng điều hành, lãnh đạo. Sự thành công của thế hệ này đã tạo ra nhiều ngạc nhiên cho con dân bản xứ.

Càng ngạc nhiên hơn khi ta nhìn lại khả năng của nhóm di dân mới. Tới Mỹ không sửa soạn với hai bàn tay trắng. Họ tức tưởi, đánh tháo rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn trong vội vàng, hoảng sợ, không kịp suy nghĩ, nói chi đến sửa soạn. Họ không biết là sẽ đi đâu, không biết tương lai sẽ ra sao.

Họ vào nước Mỹ đa số không nói được tiếng Anh, không có một Mỹ kim trong túi. Họ đến từ một văn hóa với nhiều khép kín, ràng buộc vào một nếp sống phóng khoáng, tự do. Họ lạc vào rừng người có cái nhìn khác biệt về chủng tộc, giống tính. Họ chóng mặt trước sự tiến bộ, phồn thịnh của một quốc gia mới chỉ có hơn hai trăm năm lập quốc. Ấy vậy mà họ đã vươn lên, thành công tạo dựng một thế đứng vững chắc trong một quốc gia nhiều chủng tộc.

Nhưng tiêu cực thì cũng nên kể ra, để rút kinh nghiệm.Theo nhiều người, cũng còn một số điều tưởng như cần làm, cần thay đổi, thích nghi.

Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng, nếu cộng đồng vững mạnh thì bạn cũng lắng nghe mà đối phương cũng nể vì; và rằng sống trên đất nước mà quyền tự do, dân chủ được tôn trọng tối đa, chẳng nhẽ lại cứ mãi mãi “ Con đường của ta là duy nhất đúng”. Chúng ta cùng có mục tiêu là tranh đấu để có tự do, dân chủ cho đồng bào ở Việt Nam cơ mà.

Trong một bài bình luận, ký giả kỳ cựu Phạm Trần đã có ý kiến “Nhưng trong thời đại bây giờ, chiến thắng cũng có thể đạt được không phải bằng quân sự mà bằng kinh tế, ngoại giao và thông tin nên mặt trận này đòi hỏi người Việt tị nạn phải thay đổi suy tư trong công cuộc đấu tranh với chính quyền Hà Nội… Và sau cùng mỗi cử tri người Việt cũng nên tự hỏi mình: “Trong ngót 30 năm qua sống ở nước ngoài, tôi đã làm được gì cho đồng bào tôi, hay tôi chỉ biết co ro ngồi một chỗ để hy vọng viển vông và sợ sệt mông lung”.

Ngoài ra, mặc dù đã sống trên đất Mỹ gần ba mươi năm, nhưng một số không nhỏ đồng hương ta vẫn chưa hoàn toàn hội nhập vào dòng chính; chưa tận dụng các quyền lợi mà người công dân Hoa Kỳ được hưởng cũng như chu toàn các bổn phận khi vào quốc tịch. Do đó nhiều người chịu thiệt thòi cũng như chưa đóng góp đúng mức. Một trong những lý do là trở ngại ngôn ngữ, lơ là bổn phận và thiếu hướng dẫn. Ngoài ra, người mình vốn khiêm nhường, chịu đựng, chín bỏ làm mười, cho nên không có những ra mặt đòi hỏi quyền lợi như công dân Mỹ.

…Hầu hết những người theo bố mẹ làm Bắc Kỳ di cư rồi cùng với đồng hương Miền Nam đứng mũi chịu sào đưa gia đình đi tỵ nạn chính trị ở ngoại quốc đang ở vào giai đoạn cuối của cuộc đời. Hôm nay ngồi lại với nhau, ôn lại ngày lẽo đẽo lên tầu há mồm vô Nam dọc theo bờ biển chữ S, rồi bồng bế con cái di tản bằng phương tiện tiến bộ hơn, mà thấy nao nao, ướt mắt.

Tương lai như chìm dần…

Thôi đành trông cậy ở thế hệ đến sau, trong và ngoài nước, nhìn rõ thực tại, nhiệt huyết hơn thẳng thắn hơn, công bằng hơn.

Ðể xây dựng một cộng đồng uy tín, một quê hương có tự do, dân chủ cụ thể, thực tế chứ không chỉ trên giấy tờ, văn bản. Dù là tương đối. Vì có còn hơn không.

Theo Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Tháng Tư năm 2004.

THEO ERCT

No comments:

Post a Comment