Trại Tù Cải Tạo
Sau ngày chiếm đóng miền Nam, CSBV cho thiết lập trên toàn quốc hơn 80 trại tù lao động khổ sai để giam giữ tù binh, quân nhân, công chức, văn nghệ sĩ… thời VNCH và những người chống đối chế độ. Chính quyền Cộng sản gọi các trại tù này với cái tên mỹ miều là trại “học tập cải tạo”, trên thực tế là những địa ngục trần gian cưỡng bách lao động và cải tạo tư tưởng. Lao động trong tình cảnh khắc nghiệt mà tiêu chuẩn ăn bị cắt giảm, chỉ gồm khoai, sắn, bo bo, gạo hẩm, khiến người tù đói triền miên, không còn nghĩ đến gì ngoài miếng ăn. Ước tính có hơn một triệu người bị đưa đi cải tạo và gần 170000 người đã chết trong thời gian giam cầm.
Theo lệnh của Ủy ban Quân quản Sài Gòn, sĩ quan cấp trung tá phải trình diện tại trường Don Bosco, Gò Vấp, từ ngày 13 đến 15 tháng 6/1975. Cấp đại tá trình diện tại Ðại học xá Minh Mạng, Chợ Lớn. Cấp tướng đã trình diện trước đó vào ngày 8 tháng 5/1975 tại Viện Dự bị Ðại học Sài Gòn, bị giữ lại để bắt đầu chương trình “học tập cải tạo” tại Ðại học xá Minh Mạng. Ngày 16 tháng 6/1975, các cấp tướng và đại tá được di chuyển về TTHL Quang Trung và sau đó ra miền Bắc.
Một số trại lớn thường được biết đến là:
- Trại Sơn La, những dãy nhà tranh xây dựng trên nền xi măng đổ nát của những nhà tù xa xưa thời Pháp thuộc trong vùng rừng núi âm u Sơn La, Hoàng Liên Sơn.
- Trại Yên Bái (số 5), cũng là những dãy nhà mái tranh, vách che bằng những tấm phên tre trong vùng rừng núi Yên Bái, Hoàng Liên Sơn.
- Trại Hồng Ca, Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, do Công an quản lý. Trại trưởng là Đại úy Trần Văn Sơn. Nằm trong dãy núi rừng Hoàng Liên Sơn nên trại thường bị sương mù bao phủ từ 3 giờ chiều đến 10 giờ sáng hôm sau, mùa hè nắng chết cỏ, mùa đông rét cắt da.
- Trại Thanh Cẩm, Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Một cựu tù thuộc trại này, Ðại úy Bùi Ðình Thi đã bị Sở Di Trú Hoa Kỳ trục xuất vì tội hợp tác với chính quyền Cộng sản, ngược đãi các bạn tù trong những năm 1978 và 1979.
- Trại Thanh Lâm, Thanh Hóa, là khu sản xuất nông nghiệp dành cho tù nhân mãn hạn tù ở các trại giam khác đến để khai hoang.
- Trại Tân Lập, Vĩnh Phú, là một trại đã có từ năm 1954, giam giữ gần 4000 tù nhân. Trại nằm dọc theo dòng Ngòi Lao, trong thung lũng sát mạn Yên Bái, tứ phía là núi. Vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn dòng Ngòi Lao đổ về quét sạch mọi vật trên đường đi.
- Trại Hà Tây.
- Trại Nam Hà.
- Trại Hàm Tân (Z30C và Z30D), Bình Thuận, trước là căn cứ số 6 của QLVNCH, nay được biến cải thành những nhà tù kiên cố.
- Trại Long Giao (số 11), Long Khánh, nguyên là hậu cứ của Trung đoàn 52 Bộ Binh, gồm nhiều dãy nhà, nhốt khoảng 1200 tù cải tạo.
- Trại Suối Máu, Tân Hiệp, tỉnh Biên Hoà, nguyên là nơi giam giữ tù binh Cộng sản. Trong trại trước đây có đủ nhà thờ, chùa, câu lạc bộ nhưng nay đã bị đập phá tan nát, hoặc dùng làm kho chứa hàng. Tại trại Suối Máu một biến cố rất đặc biệt chưa từng xảy ra trong các trại tù CSBV là cuộc biểu tình bất bạo động của hơn 10 ngàn người diễn ra trong đêm Giáng Sinh 24 tháng 12/1978.
● Trại Cổng Trời
Trại Cổng Trời (Quyết Tiến), Hà Giang, có lẽ là một trại tù ít người biết đến. Đây là nơi giam giữ các trọng tội hình sự, gián điệp, biệt kích và tù nhân tôn giáo. Trại tù nhỏ bé này nằm gần khu rừng núi biên giới Việt-Hoa, trên cao độ khoảng 2500 mét. Đường lên trại Cổng Trời do đó quanh năm bao phủ sương mù. Đời sống trong trại khắc nghiệt đến nổi có truyền thuyết là “vào thì không ra”, đến đây là phải bỏ xác chớ không hy vọng để trở về với gia đình.
● Trại Kỳ Sơn
Xã Kỳ Sơn thuộc quận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Tín, cách mỏ vàng Bông Miêu chừng 3km, quanh là rừng già âm u nên thời tiết rất lạnh. Tổng trại Kỳ Sơn (Tổng trại 2) hình thành tháng 7/1975 do một trung đoàn Bộ đội thuộc Quân khu 5 Cộng sản quản lý có 4 trại tù giam giữ sĩ quan từ cấp chuẩn úy đến đại tá, đa số trước đây phục vụ tại Quân khu 1. Tổng trại trưởng là Trung tá Ngô Câu. Sau ngày 28 tháng 9/1978 khi chiến tranh xảy ra giữa CSBV và Khmer Ðỏ, các tù cải tạo bị chuyển về hai trại Tiên Lãnh và An Ðiềm.
● Trại Tiên Lãnh
Tiên Lãnh (Phước Lãnh) là một xã thuộc quận Tiên Phước, tỉnh Quảng Tín. Trại tù Tiên Lãnh do Công an quản lý nằm cạnh ngã ba sông Tranh, cách Tam Kỳ 50km. Ngoài trại chính Tiên Lãnh còn có các trại trực thuộc như Thôn Tư, Thôn Năm, Na Sơn, Ðồng Mộ và một trại giam nữ tù nhân. Khác với trại Kỳ Sơn chỉ giam cầm sĩ quan chế độ cũ, trại Tiên Lãnh còn có các thành phần nhân viên hành chánh, cảnh sát, đảng phái chính trị, văn nghệ sĩ, tù hình sự Cộng sản… Các nhà giam có cửa sắt, xây bằng gạch bao bọc bởi nhiều rào kẽm gai kiên cố. Ðặc biệt cán bộ quản lý trại đều là cán binh, bộ đội từng hoạt động tại Quân khu 5 trước tháng 4/1975. Ðây là cơ hội để bọn chúng trả thù cá nhân.
● Trại An Ðiềm
Trại An Ðiềm nằm bên bờ sông Vàng trong lãnh thổ quận Thường Ðức, tỉnh Quảng Nam, cách Ðà Nẵng 50 km. Trại được xây dựng kiên cố với hai dãy nhà tường xi măng ngăn cách bởi những lớp hàng rào. Trại giam giữ trên 2000 tù nhân.
● Trại A.20
Trại A.20 (Xuân Phước), tỉnh Phú Yên, nguyên là mật khu an dưỡng của Cộng quân. Sau tháng 4/1975, nơi này biến thành một trại tù lớn. Toàn bộ đàn ông di tản qua Mỹ trở về bằng chiếc tàu Việt Nam Thương Tín đã bị nhốt tại đây. Sau đó họ được sử dụng để xây dựng những nhà giam bằng xi măng cốt sắt hầu giam giữ quân cán chính VNCH bị liệt vào thành phần bất trị, tù chính trị và tù hình sự mang án chung thân. Với một quy chế đối xử tù nhân vô cùng khắt khe, bọn cai tù tuyên bố rằng đây là nơi “sắt biến thành bùn”, với hàm ý là bất cứ tù nhân nào dù ngoan cố tới đâu đến A.20 cũng sẽ bị khuất phục.
● Trại Xuyên Mộc
Trại được thiết lập giữa một khu rừng già, gần Bà Rịa, tỉnh Phước Tuy, là nơi giam giữ nhiều tù nhân chính trị nổi tiếng như dân biểu Nguyễn Bá Lương, học giả Hồ Hữu Tường, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh...
● Trại Vườn Đào
Trại Vườn Đào, Cai Lậy, tỉnh Định Tường, bốn phía bao bọc bởi những cánh đồng đất trũng bất tận của vùng Đồng Tháp Mười. Vào mùa mưa nước từ trên thượng nguồn sông Cửu Long đổ xuống ào ạt, các cửa sông thoát nước không kịp, do đó thường bị ngập lụt. Trại do Quân khu 9 Cộng sản quản lý, là nơi giam giữ sĩ quan từ cấp trung Tá trở xuống trước đây phục vụ tại Quân khu 4, đa số là sĩ quan Hòa Hảo đồng hóa. Trưởng trại là Thiếu tá Trần Thâu.
.
Nguồn tin: Sưu Tầm trên Internet
No comments:
Post a Comment