Friday, May 2, 2014

Những Người Lính Cũ - Đọc Để Thương Để Nhớ ...

 

 

 

Trong bài thơ “Dưới chân đồi Chu Pao” của nhà thơ Lâm Hảo Dũng, viết về trận đánh trên Quốc Lộ 14 dẫn vào Kontum trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, có hai câu:


“Chu Pao ai oán hờn trong gió

Mỗi chiếc khăn tang một tấc đường”


Chỉ hai câu thơ này thôi cũng đủ nói lên sự tổn thất to lớn của những người lính cũ thi hành sứ mạng bảo quốc an dân.


Những người lính cũ? Họ là ai?

 


Họ là Lưu Trọng Kiệt, Lê Hằng Minh, Nguyễn Đình Bảo, Lương Quế Vượng, Mã Thành Cương, Lê Văn Khoắng, Nguyễn Viết Thanh, Nguyễn Viết Cần, Hoàng Ưng, Cao Hoàng Tuấn, Nguyễn Bá Tòng, Đỗ Cao Trí, Nguyễn Mạnh Dũng, Dương Hữu Trí, Mai Gia Thược... đã nằm xuống trên những chiến trường miền Nam hay trong các trại tù cải tạo điểm đầy trên quê hương sau ngày tàn cuộc chiến. Họ là những người lính cho nổ lựu đạn tự sát, người sĩ quan Cảnh Sát đã tuẩn tiết dưới chân tượng Thủy Quân Lục Chiến, là Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai... Họ là Nguyễn Hữu Luyện, Lê Tuấn Ngô, Nguyễn Trung Chính, Nguyễn Tấn Sang, Huỳnh Văn Của, Trần Văn Nam, Nguyễn Văn Cầu... ngày nay đã xa cố quốc nhưng lòng vẫn luôn nhớ về các đồng đội ngày xưa. Họ chỉ là một con số rất nhỏ, trong số bao nhiêu người lính Việt Nam Cộng Hòa, đã từng hy sinh trọn thời thanh niên chiến đấu để bảo vệ tự do, để cho người dân miền Nam được hưởng 21 năm tự do ngắn ngủi.

 


Bao nhiêu người lính VNCH đã nằm xuống để đổi lấy từng hơi thở tự do cho người dân. Họ và đồng đội đã hứng chịu bao gian nan khốn khổ cho hậu phương được những ngày bình yên. Mưa gió tầm tã miền tuyến lửa Đông Hà, nắng cháy rát mặt nơi Cao Nguyên, đất sình đen vùng Đồng Tháp dính nặng đôi giày sô không làm cho người lính sờn lòng. Họ vẫn luôn giữ vững tay súng bảo vệ từng phần đất tự do. Họ là những người lính Không Quân, Hải Quân. Họ là những người lính mũ đỏ, mũ xanh, mũ nâu... Họ là những người lính “bùn lầy còn pha sắc áo xanh” của Sư Đoàn 1, Sư Đoàn 5, Sư Đoàn 18, Sư Đoàn 21, Sư Đoàn 22, Sư Đoàn 25... Họ là những người lính Thiết Giáp, Pháo Binh, Truyền Tin, Quân Cảnh, Biệt Kích, Nha Kỹ Thuật, Biệt Đội Người Nhái, Công Binh, Nữ Quân Nhân, Quân Y... Họ là những người lính dân quê của Địa Phương Quân, Nghĩa Quân. Còn nhiều nữa, họ còn là những thương phế binh Nguyễn Văn Nhạn, Bùi Văn Bon... với tấm thân tàn phế, vẫn còn lê lết chuỗi ngày tàn trong một tương lai đầy ảm đạm.

 


Tướng Douglas MacArthur đã nói: “Old soldiers never die, they just fade away.” Nhưng riêng với chúng ta, người lính Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ bị phai nhạt và không thể bị phai nhạt. Vì họ là cha, là mẹ, là anh, là chị, là em, là bạn bè, là người láng giềng cùng xóm. Họ chính là chúng ta.


Vì vậy Nhớ Người Lính Cũ là điều chúng ta đã làm và phải làm hằng ngày, không phải chỉ qua một vài bài viết. Số báo nhỏ nhoi này chỉ là một nhắc nhở đến mọi người về nguồn cội của chúng ta, những người đang chịu ơn các vị anh hùng đó.


*****


Người sĩ quan Quân Lực VNCH đó là một người lính dân quê, từng là Tiểu đoàn trưởng của một tiểu đoàn xuất sắc nhất của Sư Đoàn 7 Bộ Binh. Trong một trận đánh vào đầu năm 1968 ông bị trúng thương nặng nhưng vẫn cố gắng chỉ huy binh sĩ cho đến khi tàn trận. Vết thương thập tử nhất sanh trên ngực buộc ông phải nằm trong phòng Hồi Sinh gần một tuần lễ. Sau một thời gian dưỡng thương ông được đưa trở lại nắm đơn vị cũ. Vết thương vẫn không bao giờ hoàn toàn lành lặn, thỉnh thoảng vẫn rỉ máu, và nhiều lần ông phải dùng thuốc cầm máu. Ông đã có thể từ chối thượng lệnh nhưng tinh thần trách nhiệm của người lính VNCH với đồng đội đã buộc ông chấp nhận không một lời kêu ca. Một thời gian sau ông được thăng cấp và chuyển đi nhận nhiệm vụ mới. Ngày ông rời đơn vị, trong buổi lễ bàn giao, nhiều người lính đã rơi nước mắt từ giã vị chỉ huy cũ. Ông là lính tác chiến trọn đời binh nghiệp nhưng ông phải hứng chịu nhiều bất công, và ông đã cắn răng không than van chỉ vì “còn nhiều người lính khổ hơn mình.”


Được giải ngũ vào đầu năm 1975, một người mà trọn đời binh nghiệp là lính tác chiến, tưởng đã có thể sống một đời yên ổn bên gia đình sau bao năm chinh chiến thì biến cố 30/4/1975 ập đến. Ông được mời di tản nhưng chỉ có chổ cho một mình ông và ông đã từ chối vì không thể bỏ lại vợ con.


Sau khi trình diện học tập cải tạo ông bị đưa ra miền Bắc như nhiều sĩ quan khác của Quân Lực VNCH. Trước khi đưa mọi người lên xe lửa ra Bắc, bọn người thắng trận đã ra lệnh tịch thu tất cả những gì họ xem là có thể giúp tù cải tạo trong việc đào thoát, trốn trại. Thuốc men của ông mang theo để dùng cho vết thương cũ bị tịch thu dù đã có lý do chánh đáng.


Trong trại tại vùng Hoàng Liên Sơn, người tù cải tạo phải chịu những hành hạ lao lực. Mỗi ngày người tù phải kéo gổ từ dưới sông về trại trong những ngày rét buốc. Sức khoẻ của ông ngày càng suy yếu vì lao lực quá độ. Một ngày kia ông vấp ngã, bị thân cây đè và vết thương cũ vỡ ra. Ông xin ban quản giáo trại cho lại số thuốc men đã bị tịch thu. Họ từ chối. Sau nhiều lần nài nỉ của ông và các bạn cùng trại, ông được phát cho vài viên APC (một loại aspirin của quân đội cũ). Vài ngày sau ông chết đi. Thi hài ông được bó bằng tấm chăn vãi dù đã theo ông suốt cuộc đời chinh chiến và đem chôn ở một ngọn đồi gần trại.


Một điều tàn nhẫn cuối cùng, gia đình của ông không được thông báo về cái chết của ông, và giấy báo tử được Trưởng trại ký 18 tháng sau ngày ông mất. Mười sáu năm sau ngày ông mất, di cốt của ông đã được gia đình đem về an táng tại quê nhà.


*****


Người lính già kể câu chuyện này thuộc một gia đình nông dân ở gần Phụng Hiệp. Thời trai trẻ, chỉ được học hành ít ỏi nhưng ông vui sống đời cày cấy bên thửa ruộng, con trâu như bao nhiêu người dân miền Nam chất phác khác. Lệnh Tổng động viên được ban ra, ông và người anh lớn sang Vĩnh Long đăng lính Nghĩa Quân, phục vụ dưới quyền của một người anh họ đang là Thiếu tá Quận trưởng của một quận tại đây.


Hai anh em ông tham gia vào mọi cuộc hành quân tuần tiểu, công tác bình định trong quận và được tiếng là gan dạ, dũng cảm. Trong một trận Việt Cộng tấn công vào quận lỵ, hai người đã đẫy lui nhiều cuộc xung phong và bảo vệ cho người anh họ Quận trưởng khi địch chen vào được phòng tuyến quận đường.


Chiến tranh chấm dứt hai anh em trở về làng cũ. Dù chỉ là những người lính thường, không chức tước nhưng tại quê hương cả hai đều bị trả thù tàn khốc. Con cái bị cấm đến trường học, vợ bị cấm buôn bán tại chợ. Gia đình túng quẩn chỉ còn trông cậy vào mấy công ruộng nhà. Nhưng đám người chiến thắng vẫn không để yên cho họ. Hai người bị kêu trình diện mỗi đêm tại trụ sở công an.


“Tụi nó không làm gì mình hết, chỉ bắt mình ngồi đó độ mươi, mười lăm phút hay một vài tiếng đồng hồ rồi cho về. Vừa đến nhà nằm xuống, chưa kịp ngủ thì nó lại xuống gọi lên. Có đêm tụi nó làm như vậy vài lần. Ngày lễ của tụi nó thì mình phải lên ngồi cả ngày ở đó. Riết rồi không còn sức lực làm lụng gì được. Bị hành hà quá đến nỗi chú nói: “Mấy ông có muốn bắn muốn giết tụi tui thì cứ làm chớ đày đọa làm chi như vầy”. Nhưng tụi nó cũng không tha. Ruộng vườn cứ bán dần mà sống. Buồn quá, nhìn vợ con nheo nhóc mà không làm gì được chú chỉ còn biết mượn rượu giải sầu đến khi vướng phải bệnh ghiền lúc nào cũng không biết. Thấy anh em chú thân tàn ma dại, không làm gì được nữa tụi nó mới chịu tha.”


“Cuộc đời của thằng lính thua trận như vậy đó con ơi!” Người lính già nấc lên, nước mắt chảy ra, nói với người cháu trong một cơn tỉnh ngắn. Mắt đứa cháu cũng cay xè, ươn ướt.


*****


Có một gia đình, cả hai vợ chồng đều là sĩ quan Quân Lực VNCH. Sau ngày 30/4/1975 cả hai người đều phải đi học tập cải tạo như bao nhiêu người lính khác của quân đội bại trận. Người chổng trình diện đi trước, người vợ chờ đi sau. Trong khi chờ đợi chị xin những người chiến thắng cho được ở lại để chăm sóc ba đứa con còn nhỏ vì không có người gởi gấm. Thật ra vào thời điểm lúc đó cũng chưa chắc đã người dám nhận. Lời khẩn cầu bị bác bỏ ngay, không được chấp nhận. Cũng vì “Với chánh sách khoan hồng của cách mạng chị chỉ đi học tập vài ngày rồi về thì có gì mà lo.” Cả bốn mẹ con phải nhập trại vào Thành Ông Năm ở Hóc Môn.


Trại này được chia làm hai phía: bên dành cho những người lính VNCH nam, bên dành cho các nữ quân nhân VNCH, ngăn cách nhau bằng một hàng rào kẽm gai. Khẩu phần ăn dù đã ít ỏi nhưng chỉ được phát cho người mẹ vì các con không phải là thành viên chánh thức của trại. Biết được hoàn cảnh thương tâm đó, nhiều người bên trại nam đã cố gắng ném các vắt cơm nhỏ qua để nuôi các cháu nhỏ. Về sau được tin là người mẹ qua đời vì lao lực, và các cháu cũng không biết trôi giạt về đâu. Người cha vẫn biệt vô âm tín.


Người kể chuyện này là một trong những người đã từng ném vắt cơm tình nghĩa nuôi các cháu.


Bé Dương

No comments:

Post a Comment