Chuyện bây giờ mới kể: Bức tượng “Thương Tiếc”
Bức tượng “Thương Tiếc”, nặng 10 tấn, cao hơn 6m,
được đặt tại cổng vào Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa
(Hình: vnrozier)
Khi
cuộc chiến leo thang khốc liệt, năm 1966 Nghĩa trang Quân đội tại Hạnh Thông
Tây, Gò Vấp, bắt đầu không còn đủ đất để các tử sĩ VNCH yên nghỉ. Chính phủ nền
Đệ nhị Cộng hòa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải tính đến việc thành lập một
nghĩa trang mới và địa điểm được lựa chọn nằm dọc theo phía tay trái của xa lộ
Biên Hòa (nay là xa lộ Hà Nội) nếu từ hướng Sài Gòn đi Biên Hòa.
Kiến
trúc sư kiêm điêu khắc gia, Đại úy Nguyễn Thanh Thu, được lệnh của Tổng thống
Thiệu lên đường đi Phi Luật Tân để nghiên cứu mô hình xây dựng Nghĩa trang Quân
đội Hoa Kỳ tại Manila (American Cemetery in Manila), được coi là một nghĩa
trang đẹp nhất Á châu.
Nghĩa trang Quân đội Hoa Kỳ tại Manila
(Hình tác giả chụp tại thủ đô Manila, năm 2003, https://www.flickr.com/photos/nguyen_ngoc_chinh/837204065/in/photolist-2gYTAR-2gYTze)
Năm
2003, tôi đã có dịp đến Phi Luật Tân và viếng Nghĩa trang Hoa Kỳ tại thủ đô
Manilla [1]. Nghĩa trang có tên American
Cemetery, đây là nơi chôn cất thi hài quân nhân Mỹ và đồng minh đã nằm xuống
trong cuộc chiến ở Thái Bình Dương vào thời thế chiến thứ hai.
Nghĩa
trang mằn trên một khu đất rộng 615,000 mét vuông, trồng cỏ xanh rì vây quanh
là những hàng cây rợp bóng mát. 17,206 ngôi mộ chiến sĩ được đánh dấu bằng các
thập tự giá và xếp hàng thẳng tắp như một đội quân thầm lặng. Điểm xuyết cho
nghĩa trang là một vài tượng đài kỷ niệm ghi những dòng chữ tưởng nhớ công ơn
những vị anh hùng “vị quốc vong thân”.
(Hình tác giả chụp tại thủ đô Manila, năm 2003)
Sau
chuyến đi tham khảo tại Phi Luật Tân, Đại úy Thu sẽ phải trình đề án lên Tổng
thống Thiệu để giao cho công binh xây dựng một nghĩa trang mới mang tên Nghĩa
trang Quân đội Biên Hòa. Ông còn gợi ý phải có một tác phẩm điêu khắc tại cổng
vào nghĩa trang để nói lên sự tri ân của mọi người tại hậu phương trước những tử
sĩ được chôn cất tại đây.
Đại
úy Nguyễn Thanh Thu xin 1 tuần để suy nghĩ về dự án và trước khi ra về anh còn
được Tổng thống Thiệu nhắc nhở bằng những lời rất thân tình: “Anh cần chú ý đến ý nghĩa của nghĩa trang phải
xoay quanh “cục nhưn” là bức tượng… Tôi đặt nhiều hy vọng vào anh…”.
Tất
cả mọi chuyện chỉ bắt đầu một cách giản dị như vậy. Tuy nhiên, đối với nhà điêu
khắc Nguyễn Thanh Thu đó là thời gian anh trăn trở nhiều nhất với những ý tưởng
của một nghệ sĩ sáng tạo cho một công trình mang tầm vóc quốc gia nói lên lòng
tri ân của mọi người đối với những chiến sĩ đã bỏ mình ngoài chiến trường.
Trong
suốt một tuần lễ, hầu như ngày nào anh cũng có mặt tại nghĩa trang Hạnh Thông
Tây để chứng kiến những cảnh tang tóc, đau thương của vợ con tử sĩ. Nhà chứa
xác đầy nghẹt, những chiếc hòm chưa chôn còn mịt mù nhang khói tại những khu phải
căng lều bạt chờ chôn… trong khi trực thăng vẫn hàng ngày tiếp tục chở xác về
nghĩa trang.
Ngày
cuối cùng của một tuần tìm ý tưởng là vào một buổi trưa Thứ Sáu trên đường từ
Nghĩa trang Hạnh Thông Tây anh Thu ghé vào một quán nước gọi ly đá chanh. Và
đây chính là giờ phút “định mệnh” khi anh nhìn thấy một người lính thuộc binh
chủng Nhảy dù ngồi trước những chai bia và hai cái ly…
Anh
lính ngồi nói chuyện với cái ly thứ hai trước sự ngạc nhiên của chủ quán lẫn
khách uống nước. Hình như anh lính là người vừa thăm bạn được chôn cất tại
Nghĩa trang Hạnh Thông Tây. Một ly anh cúng bạn và một ly anh uống. Anh ngồi vừa
uống vừa nói chuyện với chiếc ly!
Cảm
động trước hình ảnh một người lính khổ sở khi phải mất bạn, anh Thu cầm ly nước
chanh bước qua bàn lảm quen. Anh lính ngước lên nhìn anh Thu với vẻ khó chịu vì
sự riêng tư của mình bị người lạ làm phiền và tiếp tục trở về với ly bia “cúng”
bạn.
Anh
Thu cũng bị lúng túng vì thái độ “bất hợp tác” của anh lính nhảy dù. Mấy cô bán
hàng lại cười khúc khích, có lẽ các cô nghĩ nãy giờ có một người “điên” ngồi uống
bia nói chuyện với cái ly và bây giờ lại thêm người “điên” nữa lân la đến làm
quen.
Người
lính tiếp tục gục đầu ngồi độc thoại, phớt lờ những lời xã giao làm quen của
anh Thu. Dường như anh tưởng bị quân cảnh hỏi giấy nên lẳng lặng móc bóp giấy tờ
cho anh Thu mà không hề ngước mắt nhìn và tiếp tục uống!
Anh
Thu cầm bóp trở về bàn mình và ghi lại tên anh lính: Võ Văn Hai, cấp bậc Hạ sĩ,
binh chủng Nhảy dù, cả tên tiểu đoàn lẫn KBC (Địa chỉ Khu Bưu Chính của quân lực
VNCH). Khi anh Thu trả lại giấy tờ, Hạ sĩ Võ Văn Hai nhét vào túi với vẻ bất cần,
cũng không thèm ngước mặt nhìn lên.
Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu
Khuya
Thứ Sáu anh Thu mới bắt đầu vẽ để sáng Thứ Bảy trình Tổng thống. Từ 8g tối đến
6g sáng anh phác thảo được 7 bản vẽ trong tiếng súng và bom thỉnh thoảng vọng về
Sài Gòn. Những ý nghĩ ở một hậu phương yên bình trong khi những người lính ngày
cũng như đêm xả thân ngoài chiến trường khiến anh Thu dồn hết tâm trí vào những
nét vẽ của anh.
Anh
Thu hôm đó chỉ ngủ 2 tiếng thì bị đánh thức bởi tiếng chó sủa, thì ra theo lời
của vợ anh: “Có người đến nhà mời anh đi
trình dự án!”. Họ đến sớm để mời anh đi ăn sáng trước khi gặp Tổng thống
Thiệu. Lần trước đây anh gặp Tổng thống để bàn về dự án tại Bộ Tổng tham mưu
nhưng lần trình dự án lại là tại dinh Gia Long.
Lịch
gặp Tổng thống vào lúc 9 giờ sáng nhưng vì
Tổng thống còn đang tiếp khách nên anh Thu trong lúc đi lại trên hành lang dinh
Gia Long bỗng nảy ra câu hỏi “Tại sao lại
không vẽ Võ Văn Hai?”. Nghĩ là làm ngay. Anh tưởng tượng một bố cục dựa
trên hình ảnh Hạ sĩ Hai ngồi nhớ bạn tại quán nước.
Anh
trở ngay vào phòng Đại tá Cầm, tùy viên của Tướng Thiệu, chụp một cây bút
nguyên tử, lấy trong giỏ rác một bao thuốc lá và rút mảnh giấy bọc bao thuốc trở
ra hành lang ngồi vẽ lại hình ảnh Hạ sĩ Hai.
Một
lần nữa, “định mệnh” lại ra tay: trong 7 bản vẽ mang theo, anh Thu thấy bản cuối
cùng, một “tốc họa” trên bao thuốc lá tại dinh Gia Long, là bản anh ưng ý nhất.
Đến khi vào gặp Tổng thống, anh trải 7 bản vẽ lên sàn nhà trước bàn làm việc, bản
vẽ cuối cùng trên bao thuốc lá anh vẫn còn cầm trên tay.
Tổng
thống Thiệu sau khi đi tới, đi lui ngắm 7 bản vẽ, ông nói: “Anh là “cha đẻ” của dự án này nên theo ý anh, bức nào làm anh hài lòng
nhất”. Phải nói, anh Thu là người thật thà, chất phác, anh thẳng thắn trình
bày:
“Thưa Tổng thống, nếu
Tổng thống cho tôi chọn lại thì bản vẽ mới đây tôi vừa nghĩ ra và vẽ vội trên
bao thuốc lá lại là bản vẽ tôi ưng ý nhất… nhưng tôi sợ mình quá vô lễ để đưa
ra tại đây”.
Tổng
thống Thiệu vui vẻ và đồng ý xem “tốc họa” trên bao thuốc lá. Ông cầm bản phác
thảo Hạ sĩ Võ Văn Hai về ngồi trên ghế ngắm nghía, một lúc sau ông nói: “Anh Thu à, người nghệ sĩ hay lãng mạn lắm
mà chiến sĩ của mình thực tế hơn, họ cần một cái tên cho đề tài, anh cho tôi biết
đề tài của bức hình là gì đây?”.
Anh
Thu lần lượt đề nghị các tên: (1) Khóc bạn, (2) Tình đồng đội, (3) Nhớ nhung, (4)
Thương tiếc và (5) Tiếc thương. Cuối cùng Tổng thống chọn tên “Thương Tiếc” cho
bức phác họa Hạ sĩ Võ Văn Hai ngồi nhớ bạn. Tổng thống còn nhắc nhở phải làm
sao nói lên được ý nghĩa vừa thương tiếc bạn bè nằm xuống nhưng cũng phải thể
hiện tinh thần chiến đấu của người lính VNCH lúc nào cũng vững tay súng.
Bất
ngờ, Tổng thống yêu cầu anh vẽ một bản thứ hai lớn hơn, vẽ tại chỗ, ngay ở dinh
Gia Long. Thế là với dụng cụ giấy vẽ, bảng đen và các loại màu được cung cấp
ngay theo yêu cầu, anh Thu bắt đầu… “ra tay” trước mặt Tổng thống Thiệu và một
số sĩ quan thân cận của ông.
Anh
Thu có thêm yêu cầu cần một người ngồi làm mẫu… và trong số các sĩ quan hiện diện,
chính Đại tá Cầm “xung phong” làm… người mẫu! Thực ra thì hình ảnh Đại tá Cầm mặc
quân phục chỉnh tề, “ủi hồ láng cóng”, không thích hợp với hình ảnh người lính
thật sự nhưng đó chỉ là một hình ảnh gợi ý để sáng tác cấp tốc.
Anh
Thu còn xin thêm thêm 1 khẩu súng trường cho Đại tá Cầm để trên đùi, đó là khẩu
Garant M1 đang được quân đội sử dụng trên chiến trường… Anh cũng đề nghị trong
lúc anh vẽ, tất cả mọi người miễn đặt câu hỏi, vì nếu như thế anh sẽ mất sự tập
trung trong sáng tác và sẽ thất lễ nếu anh không dừng vẽ để trả lời.
Khó
khăn của anh Thu là phải hoàn thành tác phẩm trong một thời gian gấp rút, anh
tâm sự: “Lúc bấy giờ, không biết có một
điều xui khiến vô hình nào đó mà tôi xuất thần phóng bút vẽ lại Hạ sĩ Hai…
Không biết là tôi vẽ hay là ai nữa!”.
Nguyễn Thanh Thu
Sau
khi Tổng thống Thiệu ký tên vào bức “tốc họa”, anh Thu chỉ có 3 tháng để hoàn tất
công trình tượng đài trước ngày 1/11/1967, ngày Quốc khánh của VNCH. Vấn đề trước
mắt là đi tìm “người mẫu” Võ Văn Hai trong quán nước ngày trước tại Gò Vấp. Anh
đã tìm đến đơn vị của Hạ sĩ Hai và gặp vị Thiếu tá phụ trách đơn vị.
Thoạt
đầu khi nghe anh Thu trình bày vấn đề, vị Thiếu tá có vẻ băn khoăn, suy tính…
nhưng khi thấy tận mắt bức họa có chữ ký của Tổng thống Thiệu, ông lại hãnh diện
khi có người lính thuộc đơn vị nhảy dù của mình được chọn làm biểu tượng cho
người lính VNCH tại nghĩa trang…
Vị
Thiếu tá còn ra lệnh cho tập họp đại đội với súng ống đầy đủ để anh Thu chọn
“người mẫu”, vì theo ông, trong đơn vị có nhiều người cao to tới 1,7 hoặc 1,8
mét, còn Hạ sĩ Hai chỉ cao chừng thước 1,6… Chính ông Thiếu Tá cũng chọn được 4
người lính lực lưỡng trong hàng đầu còn anh Thu thì chỉ réo tên Võ Văn Hai ở gần
cuối hàng quân.
Anh
Thu được giao 5 người lính nhảy dù để làm mẫu cho bức tượng Thương Tiếc trong
vòng 3 tháng. Anh cũng nói riêng với các “người mẫu”, sự thật anh chỉ cần Hạ sĩ
Hai, nhưng tất cả đều được nghỉ phép 3 tháng tại Sài Gòn với điều kiện chỉ được
mặc quần áo dân sự để không bị quân cảnh làm khó dễ.
Anh Thu bên bản sao bức tượng “Thương Tiếc”
Chính
hình ảnh Võ Văn Hai ngồi tiếc thương bạn trong quán nước đã ám ảnh anh Thu để
sáng tạo ra bức tượng “Thuơng Tiếc” ngồi trước cửa Nghĩa trang Quân đội Biên
Hòa. Ngày ngày, anh Hai trong bộ quần áo dân sự đạp xe lên nhà anh Thu, tại đây
anh thay bộ quân phục, với ba lô, súng đạn đầy đủ để ngồi làm mẫu.
Một
hôm, khi bức tượng gần hoàn chỉnh chỉ còn thiếu chi tiết khuôn mặt, anh Thu đã
cố tình để cho người lính ngồi một mình trong phòng, còn anh kín đáo quan sát
qua bông gió trên tường. Đây là dụng ý của nhà điêu khắc muốn để anh ngồi một
mình nhớ đến người bạn đã qua đời.
Anh
Thu có thể thấy từng đường nét diễn biến trên khuôn mặt lúc anh lính ngồi buồn
một mình và nhà điêu khắc đã phác họa lại trên giấy khuôn mặt anh. Phần mình, Hạ
sĩ Võ Văn Hai lại sợ đã làm chuyện gì khiến Đại úy Nguyễn Thanh Thu phiền lòng
nên cho anh về sớm mà không biết ông đã bí mật quan sát!
Khuôn mặt người lính “Thương Tiếc” bạn được tái hiện qua
bức tượng trong cuộc phỏng vấn
Khoảng
3 giờ sáng anh Thu thức dậy để bắt đầu giai đoạn hoàn chỉnh cuối cùng của bức
tượng: nét mặt của người lính. Anh dùng đèn cầy để lấy ánh sáng chiếu vào nhiều
góc cạnh, qua đó anh có thể sửa lại nét mặt người lính theo những gì anh phác họa.
Loại
ánh sáng nhân tạo qua ánh đèn cầy có tác dụng điều chỉnh các góc cạnh của tác
phẩm theo hướng người nghệ sĩ di chuyển từ nhiều phía. Anh Thu hoàn toàn bị cuốn
hút vào những cảm xúc trên khuôn mặt người lính. Đó là những giây phút chỉ mình
anh và nhân vật của bức tượng trong ánh sáng mờ ảo của cây đèn cầy.
Sau
một giấc ngủ ngắn, anh tỉnh dậy sáng hôm sau để quan sát và so sánh công trình
của mình đêm qua dưới ánh đèn cầy với ánh sáng ban ngày. Anh mừng vì khuôn mặt
của người lính giữa ánh sáng tự nhiên ban ngày và ánh sáng nhân tạo từ đèn cầy
vẫn hiện lên một nét buồn ray rứt.
Như
vậy là điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu có thể hài lòng với công trình nghệ thuật
kéo dài 3 tháng của mình. Và chúng ta được chứng kiến pho tượng “Thương Tiếc”
ngồi trước cổng vào Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa từ năm 1967 cho đến sau ngày
30/4/1975.
Bức tượng “Thương Tiếc” được đắp lại cho cuộc phỏng vấn
***
Chuyện
bây giờ mới kể về bức tượng “Thương Tiếc” được viết lại theo nội dung cuộc phỏng
vấn của Lê Xuân Trường với nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu qua một video clip
dài 36,57 phút vừa xuất hiện trên Youtube, bạn đọc có thể theo dõi qua địa chỉ:
Cuộc phỏng vấn của Nguyễn Xuân Trường với điêu khắc gia
Nguyễn Thanh Thu
Trong
clip này, ở phần cuối dài hơn 5 phút, có đề cập đến thời gian đi học tập cải tạo
của Đại úy Nguyễn Thanh Thu. Anh tâm sự cuộc đời của mình dính liền với tác phẩm Thương Tiếc, từ “danh vọng” đến “thê thảm”. Tại trại cải tạo trong thời gian bị
“biệt giam” 22 tháng trong “thùng conex” [2] với lời buộc tội: “Tướng lãnh, sĩ quan xong giặc rồi là hết,
còn anh vẫn lưu lại tư tưởng phản động qua tác phẩm….”.
Cán
bộ trong trại chắc cũng chưa từng thấy bức tượng “Thương Tiếc” mà chỉ nghe đồn
qua người Sài Gòn vì bức tượng đã bị giật sập và nấu thành kim loại sau năm
1975. Khi ở trong trại được khoảng 8 tháng, có lần “quản giáo” trong trại đề
nghị anh Thu khai chỉ đóng vai phụ giúp trong việc tạc tượng còn tác giả đã ra
nước ngoài!
Anh
Thu đã trả lời một cách khẳng khái rằng anh đã “làm” thì anh “chịu”, tàu chìm
thì anh chìm theo, máy bay rớt thì anh rớt theo, tượng chết thì anh chết theo…
chứ không thể nào khác được. Anh Thu đã phải trả giá về sự “ngoan cố” của mình,
nhưng một “phép lạ” đã xảy ra trên đường ra pháp trường sử bắn…
Nguyễn Thanh Thu diễn tả lại cảnh vì sao anh bị… điếc
Người
xem video clip này dễ dàng nhận thấy giữa người phỏng vấn Lê Xuân Trường và người
được phỏng vấn, anh Nguyễn Thanh Thu, đôi lúc không có sự “ăn ý” trong đối thoại.
Chỉ ở đoạn cuối mới có câu trả lời tại sao anh Thu đã bị “điếc” trong thời gian
đi cải tạo khiến cho những đối thoại trong cuộc phỏng vấn không được “trơn tru”
như bình thường.
Nguyên
do tại sao xin bạn đọc theo dõi phần cuối câu chuyện bây giờ mới kể trên video
clip đã dẫn.
Bức tượng Thương Tiếc sau 30/4/1975
***
Chú
thích:
[1]
Xem thêm bài viết “Phi Luật Tân thời hậu
SARS” tại:
[2]
Thùng Conex: loại thùng bằng sắt để chứa hàng hóa trong quân đội Mỹ ngày xưa,
có kích thước khoảng 3 mét mỗi chiều. Ngày nay thường thấy loại thùng này lớn
hơn được chuyên chở trên các xe container.
[3]
Xem thêm bài viết “Nghĩa tử là nghĩa tận:
Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa” tại:
http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/nghia-tu-la-nghia-tan-nghia-trang-quan.html
***
Bình luận trên Facebook:
***
Bình luận trên Facebook:
***
(Trích Hồi Ức Một Đời Người)
Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
1.
Chương 1: Thời thơ ấu (từ
Hà Nội vào Đà Lạt)
2.
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà
Lạt và Ban Mê Thuột)
3.
Chương 3: Thời thanh niên (Sài
Gòn)
4.
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài
Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng
Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.
Chương 6: Thời điêu linh (Sài
Gòn, Đà Lạt)
7.
Chương 7: Thời mở lòng (những
chuyện tình cảm)
8.
Chương 8: Thời mở cửa (Bước
vào nghề báo, thập niên 80)
9.
Chương 9: Thời hội nhập (Bút
ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả còn dự tính viết tiếp một
Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000
cho đến ngày xuống lỗ)!
No comments:
Post a Comment